Giai điệu mầu trong tranh Trịnh Công Sơn

LÊ THIẾT CƯƠNG 15/06/2024 05:48 GMT+7

TTCT - Hội họa cũng là thi ca và nhạc của Trịnh Công Sơn.

Không nên dùng động từ "vẽ" với hội họa của Trịnh Công Sơn. Thay bằng "viết" thì đúng hơn.

Ông viết bằng mầu. Hình, mầu của Trịnh Công Sơn là những ký tự, ký âm, ký tự, ký âm ấy không nhất thiết phải mang nghĩa. Ký tự của Trịnh Công Sơn qua mầu, hình là để chuyên chở cảm xúc.

Nói cách khác, Trịnh Công Sơn phổ cảm xúc của ông vào hình mầu, ca từ của ông chuyên chở những "ám ảnh nghệ thuật", ám ảnh về cô đơn, thân phận, về chiến tranh và lẽ vô thường... thông qua những hình ảnh "con chim chiều mang đầy nắng quạnh hiu", "đốm lửa trong vườn khuya", "vết thương như đá ngây ngô"...

Tranh Trịnh Công Sơn

Tranh Trịnh Công Sơn

Tự họa cuối cùng của Trịnh Công Sơn, năm 2000

Tự họa cuối cùng của Trịnh Công Sơn, năm 2000

Trịnh Hoàng Diệu

Trịnh Hoàng Diệu

Chân dung Bùi Giáng

Chân dung Bùi Giáng

Chân dung Nguyễn Tuân

Chân dung Nguyễn Tuân

Những hình ảnh ấy, theo nghĩa rộng hơn, chính là giúp giải thoát cho những ám ảnh. Ám ảnh vừa là ràng buộc cũng vừa là giải thoát, nó ở trong nhau, trong ám ảnh có giải thoát và ngược lại. Không có ám ảnh thì không có nghệ thuật vì ám ảnh là chân dung con người thơ nhạc họa/vô thức của ông.

Xem tranh ông, người ta nhận ra ông không băn khoăn về kỹ thuật, chất liệu, mầu, hòa sắc, giống mẫu hay không. Như tờ giấy trắng để viết, ông ưa thích vẽ thẳng trên mầu toan trắng, hoặc có vẽ mầu nền nhưng không gia công cầu kỳ, rườm rà.

Giai điệu ấy vang lên trong ông, bài hát thơ ấy đã xong, ký âm ra giấy chẳng còn mấy ý nghĩa. Tương tự vậy, bức tranh ấy trong lòng ông, trong đáy mắt ông rồi, nhấc bút chấm vào mầu đưa lên mặt toan chỉ còn là "gọi nắng" về...

Tư duy của họa sĩ khó thoát khỏi logic, nhưng người nhạc Trịnh Công Sơn vẽ có nhiều vô lý của mộng mị, "tình khâu môi cười", "bàn chân âm thầm nói", "đời mình là những quán không", "con sông là thuyền".

Cá tính cốt tử hoặc ADN của Trịnh Công Sơn là mỹ cảm của vô lý. Ông mở rộng nghĩa của chữ Việt, để nó có những nghĩa mới đa thanh, đa chiều, đa nghĩa qua tu từ, ẩn dụ, so sánh, nhân hóa... để "sai", để vô lý. Cũng như mở rộng nghĩa của bảng mầu.

Đâu thấy ngập ngừng, đắn đo trong những nét bút mầu của Trịnh Công Sơn, thay vì dùng hợp âm này thì sẽ là "hợp âm mầu", mầu âm, hòa sắc, là bảng mầu, gam mầu này. Mạnh nhẹ, to nhỏ, ngắn dài của âm cũng là tương phản đậm nhạt, nóng lạnh của mầu hình mà. Khổ đầu trong "Vàng phai trước ngõ" là một ví dụ:

Vàng phai trước ngõ trong ngần áo lụa

Nụ hồng quá nghe ra ngậm ngùi

Vì vàng phai xưa từng mấy độ

Rộng nghìn thu một tà dương ấy

Âm vị, hình vị, âm hình trong nhạc và ca từ của Trịnh Công Sơn vốn phong phú nên hội họa cũng là thi ca và nhạc của ông. Âm nhạc - thi ca - hội họa của ông là một. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận