Giải pháp hay giả giải pháp?

DỰ TRẦN 14/05/2012 18:05 GMT+7

TTCT - Tái cấu trúc kinh tế là câu chuyện được nhắc đến nhiều khoảng bốn năm trở lại đây và hiện đã trở thành một trọng tâm về chính sách kinh tế của Nhà nước. Nhưng khi trình ra trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, đề án này (*) có vẻ đã thiếu sự chuẩn bị thấu đáo.

Phóng to

Có thể do yêu cầu khá gấp (Chính phủ yêu cầu bốn đơn vị gồm Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước) chuẩn bị ba đề án, bao gồm đề án tái cấu trúc kinh tế, chỉ trong vòng hai tháng.

Lời giải và giả lời giải

Mỗi nội dung trong chương trình tái cơ cấu là một bài toán. Và cũng giống như mọi bài toán khác, nó thường có nhiều lời giải và những thứ giống như lời giải (giả lời giải).

Khác biệt giữa chúng là lời giải (thật) xử lý được vấn đề đưa ra, còn giả lời giải thì không làm được. Nhiều ý kiến góp ý cho bản đề án này đã nói đến vấn đề chi phí như một rào cản mà đề án này hoàn toàn không đề cập. Thí dụ, ông Nguyễn Văn Giàu, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng bản đề án này còn chưa đánh giá chi phí cần thiết để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo ông, việc tính toán chi phí sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện để tránh dàn trải, lãng phí. Nhiều chuyên gia khác đã nhấn mạnh đây là một điểm hết sức quan trọng. Mặc dù một số quan chức Bộ Kế hoạch - đầu tư cho rằng tái cơ cấu không làm tiêu hao nguồn lực mà chỉ là phân bổ lại nguồn lực, nhưng đây chỉ là một cách nói khéo trên quan niệm cân bằng tổng thể: nguồn lực toàn xã hội có bấy nhiêu, chỉ phân bổ lại chứ không mất đi.

Thực tế tái cơ cấu sẽ cần đến chi phí, ít nhất là chi phí từ góc độ nhà nước. Bất kỳ chính sách cải tổ kinh tế nào của Nhà nước muốn đi vào thực tế cũng cần có nguồn lực ngân sách đi kèm. Nếu không, nó chỉ nằm trên giấy. Thí dụ, Nhà nước muốn hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng hiện nay và chi phí Chính phủ dự kiến cho việc này là 29.000 tỉ đồng. Mặt khác, việc phân tích rõ chi phí và lợi ích của các chính sách khác nhau sẽ cho phép xác định chính sách nào là hiệu quả nhất và nên thực hiện nhất.

Khác với nền kinh tế chỉ huy, trong đó Nhà nước chỉ cần ra lệnh và các đơn vị sản xuất phải thực hiện, trong nền kinh tế thị trường thì Nhà nước không thể ra lệnh, ra chỉ tiêu, ra quyết định. Kinh tế thị trường có nghĩa là các chủ thể kinh tế, bao gồm cả cá nhân và doanh nghiệp, có quyền và luôn thực hiện các lựa chọn có lợi ích tốt nhất đối với họ, trong khuôn khổ luật chơi mà Nhà nước quy định.

Nhà nước không có quyền áp đặt hoặc yêu cầu các chủ thể kinh tế này phải lựa chọn theo cách mà Nhà nước muốn. Để một giải pháp tái cấu trúc là giải pháp thật thì ngoài câu chuyện nguồn lực, nó phải xuất phát từ nguyên tắc thiết kế cơ chế. Tức là phải tạo ra một cơ chế, theo đó các luật chơi và cơ chế khuyến khích vừa rõ ràng, đơn giản, dễ thực hiện vừa hướng được các bên tham gia (cơ quan nhà nước, cá nhân, tổ chức, nhóm lợi ích) tới việc thực hiện được mục tiêu đặt ra. Nếu không dựa trên nguyên tắc này, các giải pháp đề ra sẽ là các giả lời giải.

Cần những lời giải sát sườn hơn

Khi nói về các giải pháp tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (chủ yếu là các ngân hàng thương mại), thị trường chứng khoán và các định chế tài chính (nội dung 1 và 2 trong đề án), báo cáo chỉ nói về việc phải triển khai quyết định 254/2012-TTg của Thủ tướng Chính phủ chứ không có bất cứ thảo luận nào khác.

Đối với nội dung tái cơ cấu thứ 3 - tức tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước - tất cả giải pháp đưa ra đều không mới và có nhiều khả năng sẽ là các giả giải pháp. Thí dụ, báo cáo nhắc đến việc phải cổ phần hóa những doanh nghiệp nhà nước không cho là quan trọng, cần nắm giữ, phải thu hẹp đầu tư ngoài ngành đối với các tổng công ty và tập đoàn nhà nước, phải tăng tính minh bạch về báo cáo, công bố thông tin và phải hoàn thiện cơ chế quản trị theo mô hình doanh nghiệp hiện đại...

Các giải pháp này không sai, nhưng chắc chắn không phải là cái quan trọng nhất. Doanh nghiệp chỉ lành mạnh khi hoạt động trong môi trường cạnh tranh thật sự. Không có cạnh tranh thì không thể có phát triển. Vì thế, mấu chốt của cải cách doanh nghiệp nhà nước là đẩy họ vào thế buộc phải cạnh tranh chứ không phải gom lại thành các đơn vị chủ lực trong mỗi ngành và từ đó chây ỳ hưởng độc quyền, gây hại cho nền kinh tế. Việt Nam đã có một số bài học thành công trong việc này nhưng do lợi ích nhóm vẫn không thể nhân rộng ra được.

Một khía cạnh thiếu thực tế khác là đề án đã không nêu ra bất cứ giải pháp nào cho việc tuyển chọn bộ máy lãnh đạo - những người có trách nhiệm lèo lái các doanh nghiệp nhà nước trên thị trường. Có thể đề cập một giải pháp rất quan trọng về con người: chẳng hạn trong cơ chế xét tuyển nhân sự cấp cao. Cơ chế này rõ ràng cần phải thay đổi sớm: lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước phải được tuyển từ những doanh nhân hoặc các CEO có kinh nghiệm và lịch sử thành công trên thương trường.

Khi tuyển dụng những người này thì đại diện chủ sở hữu của Nhà nước cũng cần phải tạo ra các cơ chế tạo động lực thích hợp. Các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước khi nhận trọng trách phải có kế hoạch và cam kết về mục tiêu rõ ràng, doanh nghiệp đạt được các mục tiêu này thì lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước phải được hưởng một phần xứng đáng, nếu không phải bị bãi nhiệm, nếu lạm quyền trục lợi phải bị xử lý hình sự.

Đề án cũng nói đến các giải pháp để tái cơ cấu đầu tư công, nhưng lại không có bất cứ điểm mới nào so với các quy chế hiện nay. Vì thế đây hầu như chắc chắn sẽ là giả giải pháp, tức là không đem lại bất cứ thay đổi gì. Thực tế các giải pháp này, kể từ hồi nghị quyết 11 ra đời, đầu tư công không những không giảm mà còn tăng. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, tổng chi ngân sách nhà nước vẫn có xu hướng tăng lớn (100.167 tỉ đồng), vượt 13,8% so với dự toán, trong đó khoảng 23% số tăng chi ngân sách nhà nước là tăng cho đầu tư phát triển.

Ai cũng biết nâng cao hiệu quả của đầu tư công là việc rất, rất khó, và việc đề ra một cơ chế mới (có thể thực hiện được) nhằm cải thiện hiệu quả của đầu tư công không phải là việc ngày một ngày hai có thể nghĩ ra. Nó liên quan đến kỷ luật tài chính của chính quyền trung ương và địa phương, vì thế để nâng cao hiệu quả nó đòi hỏi phải có cơ chế áp đặt kỷ luật tài chính nghiêm ngặt hơn lên chính quyền. Tuy nhiên, nhiều giải pháp tiềm năng theo hướng này sẽ vướng phải những câu chuyện như quyền lực giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, vấn đề chất lượng đại biểu của các cơ quan đại diện này...

Tương tự, các giải pháp hướng vào tái cơ cấu ngành và vùng cũng cần thêm nhiều lời giải sát sườn hơn. Lý do là cơ cấu kinh tế theo ngành và vùng lãnh thổ bị chi phối bởi các yếu tố lợi thế tự nhiên và lợi thế so sánh của các ngành, các vùng khác nhau. Dù có muốn và dù duy ý chí thế nào, Việt Nam cũng không thể nhanh chóng hình thành các ngành công nghệ cao hay công nghiệp nặng “mũi nhọn” bằng bất cứ con đường tắt nào.

Việc cần làm của Nhà nước là tạo ra một môi trường kinh doanh thật sự bình đẳng, minh bạch và cung cấp thông tin tốt nhất cho các chủ thể kinh tế để họ quyết định ngành nào, vùng nào có tiềm năng tốt nhất để đầu tư và phát triển. Các định hướng, ưu đãi, dẫn dắt, của Nhà nước, dựa trên ý muốn chủ quan của một số cá nhân sẽ chỉ tạo thêm các méo mó trầm trọng hơn về cơ cấu kinh tế theo ngành và vùng lãnh thổ, chứ không làm chúng tốt lên.

Tái cơ cấu kinh tế tuy là một vấn đề quan trọng và cấp bách, nhưng cũng chính vì vậy đề án này cần được chuẩn bị một cách chắc chắn và khả thi hơn, phải là một kế hoạch chi tiết và cụ thể, dựa trên những phân tích sâu sắc và giải pháp khác biệt. Như chính thiên tài Albert Enstein từng nhắc: “Không thể giải quyết được vấn đề mà chúng ta phải đương đầu bằng trình độ tư duy giống như khi chúng ta gây ra những vấn đề đó”.

Một giải pháp (rất) nhỏ trong đề án liên quan đến việc nâng cao chất lượng của các trường đại học là hình thành hệ thống chấm điểm chất lượng và xếp hạng chất lượng của các trường đại học công, từ đó đưa ra quyết định phân bổ ngân sách nhà nước cho các trường này trên cơ sở trường nào xếp hạng cao hơn sẽ được nhận nhiều ngân sách hơn.

Đây là một giải pháp hay - mặc dù còn phải tiếp tục cụ thể hóa hơn nữa về việc triển khai như thế nào. Nó hay ở chỗ việc xếp hạng uy tín các trường đại học không khó và thế giới đã thực hiện nhiều, kể cả bằng nhiều đơn vị xếp hạng tư nhân độc lập. Nếu việc phân bổ ngân sách dựa trên chỉ tiêu này, các trường công sẽ buộc phải tham gia vào một cuộc chạy đua “lên hạng”, trong đó càng có thứ hạng cao càng nhận được nhiều tiền.

Cơ chế này cũng có nhiều khả năng để có thể minh bạch: mặc dù vấn đề hối lộ để được xếp hạng cao hơn là có, nhưng các đơn vị xếp hạng chắc chắn phải chịu búa rìu dư luận nặng nề nếu thao túng quá trình xếp hạng này một cách thái quá.

__________

(*) Đề án dài 45 trang viết mà Bộ Kế hoạch - đầu tư trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17-4 có vai trò là một kế hoạch tổng thể của Chính phủ nhằm tái cấu trúc về cơ bản nền kinh tế, với mục tiêu giải quyết dứt điểm các khó khăn trong ngắn hạn và đặt nền móng bền vững cho sự phát triển trong trung và dài hạn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận