TTCT - Là một trong những thành viên đầu tiên của nhóm đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam ở Việt Nam, GS Võ Quý đã có dịp trình bày với Quốc hội Mỹ về sự thật vấn đề da cam ở Việt Nam. Ông đã dành cho TTCT cuộc trao đổi về công việc của nhóm đối thoại Việt - Mỹ nhằm thúc đẩy tiến trình giải quyết vấn đề da cam. Phóng to Giáo sư Võ Quý - Ảnh: Lan Anh GS Võ Quý: Vấn đề chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam là vấn đề khá nhạy cảm, cả hai phía Việt - Mỹ đều muốn giải quyết ổn thỏa. Nhưng bằng cách nào? Từ năm 2007, nhóm đối thoại Việt - Mỹ với sự hiện diện của các nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị của Việt Nam và Mỹ đã bắt đầu những hoạt động đầu tiên. Mục tiêu của nhóm là giải quyết vấn đề da cam ở Việt Nam theo chiều hướng tốt nhất, có lợi cho cả hai bên, dựa trên sự thật. Sự thật thế nào thì giải quyết thế ấy. Chương trình tại ba điểm nóng da cam là các sân bay Biên Hòa, Phù Cát và Đà Nẵng: - Tẩy độc dioxin. - Ngăn chặn việc phơi nhiễm của con người bằng các chiến dịch y tế công cộng. - Hỗ trợ cư dân sống xung quanh khu vực điểm nóng dioxin bằng tổ chức kiểm tra sức khỏe, điều trị cho những người có nồng độ dioxin trong máu cao. - Nâng cấp dịch vụ cho người khuyết tật bằng nâng cấp dịch vụ hiện có và tạo cơ hội cho người khuyết tật, đặc biệt là thanh thiếu niên, trẻ em và gia đình họ. - Tiến hành nghiên cứu dài hạn: Phía Mỹ hỗ trợ một phòng nghiên cứu dioxin độ phân giải cao, sẽ về Việt Nam trong cuối năm nay. Đồng thời ngân sách nghiên cứu sẽ tăng mạnh trong năm năm tới. * Bốn năm hoạt động của nhóm đối thoại Việt - Mỹ, theo ông, những bước tiến trong giải quyết vấn đề da cam ở Việt Nam là gì? - Tôi cho là đã có những tiến bộ bước đầu. Tiến bộ thứ nhất là năm 2007, tổng thống Mỹ khi đó là ông Bush và Quốc hội Mỹ đã đồng ý khoản ngân sách 3 triệu USD giải quyết vấn đề môi trường ở sân bay Đà Nẵng. Chúng tôi biết 3 triệu USD không đáng là gì, vì tẩy độc khu vực sân bay Đà Nẵng cần tới hơn 40 triệu USD, nhưng tiến bộ bước đầu ở đây là Chính phủ Mỹ công nhận có vấn đề da cam ở Việt Nam. Đến năm 2009, Chính phủ Mỹ lại dành thêm 3 triệu USD cho tẩy độc sân bay Đà Nẵng, đến năm 2010 thì tăng lên 15 triệu USD, tăng gấp 5 lần so với năm trước. Lúc đầu họ chỉ nói về vấn đề tẩy độc môi trường, sau này đã nói đến hỗ trợ người khuyết tật, trong đó có những nạn nhân chất độc da cam. Mặc dù không phải dễ dàng, nhưng giờ đây họ công nhận có nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. * Trong cuộc làm việc mới đây với Bộ Quốc phòng, chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam Nguyễn Văn Rinh có lo ngại nếu không giải quyết nhanh, rất nhiều nạn nhân da cam sẽ không được hưởng những hỗ trợ nếu có, bởi họ đều bị bệnh tật… - Nhóm đối thoại Việt - Mỹ đã đánh giá cần tích cực giải quyết vấn đề. Vì vậy tháng 6-2010, nhóm đã đặt ra một kế hoạch 10 năm quyên được 300 triệu USD. Từ khi đưa ra kế hoạch này đã có rất nhiều người ủng hộ, như Chính phủ Mỹ, các tổ chức phi chính phủ, Việt kiều… Nói về tiền, năm 2010 Chính phủ Mỹ dành ngân sách 15 triệu USD, năm 2011 là 18,5 triệu USD, trong đó có 3 triệu là hỗ trợ người khuyết tật, 15,5 triệu tẩy độc môi trường. Thành viên nhóm đối thoại Việt - Mỹ phía Việt Nam đã ba lần được mời nói trước Quốc hội Mỹ về da cam, sau mỗi lần thuyết trình, Quốc hội Mỹ hiểu hơn về vấn đề da cam ở Việt Nam. Điều rõ ràng nhất là đã có rất nhiều nhóm nghị sĩ Mỹ đến Việt Nam năm vừa qua, nhóm nào cũng có cảm tình với Việt Nam và mong giải quyết vấn đề da cam. Ngoài ra, các tổ chức như Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc… cũng hỗ trợ tài chính cho giải quyết vấn đề da cam… * Theo ông, đâu là những vấn đề cần ưu tiên trong giải quyết vấn đề da cam ở Việt Nam sắp tới? - Về tẩy độc môi trường, có ba điểm nóng là sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa và sân bay Phù Cát. Sân bay Đà Nẵng chi phí trên 40 triệu USD, hiện đã gần xong khâu tẩy độc. Sân bay Biên Hòa chi phí sẽ lớn hơn, nhưng đến năm 2015 sẽ xong. Nhưng môi trường không chỉ có ba chỗ ấy, mà cần giải quyết cả những vùng bị rải chất độc nặng, hệ sinh thái bị suy thoái, cần dần dần phục hồi để diện tích ấy sử dụng được. Bên cạnh đó, cần xem lại để ít nhất có một bản đồ về những vùng bị rải, xem nguy cơ tái nhiễm ở những người đến đó sinh sống như thế nào. Ở A So, A Lưới, Thừa Thiên - Huế đã có một xã có trên 100 người nhiễm mới chất độc da cam còn tồn dư, do họ không đủ nước sạch để dùng và phải khoan giếng lấy nước. Vừa rồi, chúng tôi đã vào đó và cấp bách dành 1,4 tỉ đồng xây dựng hệ thống nước sạch cho xã này. Nhưng còn nhiều vùng như vậy và cần đánh dấu bằng một bản đồ. * Xin cảm ơn ông. Nhóm đối thoại Việt - Mỹ bắt đầu hoạt động năm 2007, nay đã có 10 thành viên. Phía Mỹ gồm ông Walter Isaacson, chủ tịch - tổng giám đốc Viện ASPEN, đồng trưởng nhóm đối thoại phía Mỹ; Christine Todd Whitman, chủ tịch nhóm chiến lược Whitman; William Mayer, chủ tịch - tổng giám đốc Park Avenue Equipty Partners; Mary Dolan-Hogrefe, cựu cố vấn cao cấp và giám đốc chính sách công Tổ chức quốc gia về người khuyết tật; TS Vaughan Turekian, trưởng phòng quốc tế Hiệp hội Người Mỹ vì sự tiến bộ của khoa học. Phía Việt Nam gồm ông Ngô Quang Xuân, cựu trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế tại Geneve, đồng trưởng nhóm đối thoại phía Việt Nam; GS Võ Quý (ĐH Quốc gia Hà Nội); TS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (ĐH Y khoa TP.HCM); Đỗ Hoàng Long, vụ trưởng Vụ Đối ngoại nhân dân, Ban Đối ngoại T.Ư Đảng; trung tướng Phùng Khắc Đăng, phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Tags: Khoa họcChính trịThảm họa da camChất độc hóa học
Những người hiến máu như ‘nhân viên đường dây nóng', bệnh viện gọi là đi DƯƠNG LIỄU 23/11/2024 Khác với những người hiến máu tình nguyện định kỳ, đối với người hiến máu mang nhóm máu hiếm, nhóm máu hòa hợp phenotype, họ như “đường dây nóng” của viện, sẵn sàng lên đường khi bệnh nhân cần máu.
2 cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali, yêu cầu cởi đồ vì nghi lấy 20 triệu HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để lục vali, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng, khiến nhiều người bức xúc.
Virus H5N1 liên tục đột biến, nguy cơ lây lan nhanh ở người UYÊN PHƯƠNG 23/11/2024 Sau khi phát hiện một ca nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 đột biến ở thành phố Vancouver, Canada, các nhà khoa học lo ngại virus cúm này có thể lây lan nhanh hơn ở người.
Mỹ nghi Triều Tiên sắp thử hạt nhân, ông Trump nhắc tên ông Kim Jong Un THANH BÌNH 23/11/2024 Ông Trump nhắc tên lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khi thông báo đề cử nhân sự mới, giữa lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.