TTCT - Lea Ypi, một trong mười nhà tư tưởng hàng đầu thế giới, chia sẻ những chiêm nghiệm về nghệ thuật dưới góc nhìn triết học, và về cách tiếp cận các vấn đề luân lý bằng văn chương trong cuộc trò chuyện tại Hà Nội. Lea Ypi (1979) là tác giả gốc Albania và giáo sư lý thuyết chính trị ở Đại học London School of Economics. Năm 2022, bà được tạp chí Anh Prospect vinh danh là một trong mười nhà tư tưởng hàng đầu thế giới, và được tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức coi là một trong những nhân vật văn hóa quan trọng nhất. Năm 2023, bà tiếp tục được tờ El Pais của Tây Ban Nha coi là một trong sáu nhà tư tưởng quan trọng nhất. Cuốn hồi ký "Free: Coming of Age at the End of History" viết về tuổi thơ lớn lên với những biến động lớn ở Albania được xuất bản vào năm 2021 của bà đã giành được một loạt giải thưởng lớn. Bài phỏng vấn này được thực hiện khi bà có mặt ở Hà Nội mới đây, trong đó bà chia sẻ những chiêm nghiệm về nghệ thuật dưới góc nhìn triết học, và về cách tiếp cận các vấn đề luân lý bằng văn chương. Ảnh: AmazonCuốn sách của bà có nhan đề Tự do. Ý tưởng về tự do của bà là gì?Tự do với tôi là điều cung cấp nội lực cho sự tự quyết đạo đức (moral agency), vốn phân biệt chúng ta với các sinh vật khác. Trong mỗi chúng ta luôn có tiềm năng đạo đức, có nội lực để đứng lùi lại khỏi bản năng, khuynh hướng hoặc những ham muốn tự nhiên của mình, và luận lý về chúng. Nhưng tiềm năng đạo đức đó luôn bị làm méo mó trong các hệ thống chính trị khác nhau. Cuốn sách lần theo những thất bại của tự do ở Albania qua các thời đoạn lịch sử để cho thấy thất bại trong việc thực hiện tự do thực chất.Làm cách nào để chúng ta duy trì sự tự quyết đạo đức độc lập ngay cả khi đối mặt với hạn chế vật chất trong đời sống thường ngày?Cuốn sách đi sâu vào cách mà những con người bình thường duy trì sự tự quyết đạo đức bất chấp những hạn chế vật chất trong cuộc đời họ. Nó khám phá một ý tưởng rằng sự chính trực đạo đức là một khả năng thực chất mà ta có thể đạt được, dù không phải lúc nào cũng vậy. Đây cũng là điều gói ghém trong điều mà mọi người hay gọi là "các thánh đạo đức", nói cách khác, những minh chứng sống về những con người cá nhân mà, dù đối mặt thách thức đáng kể, vẫn đưa ra quyết định có đạo đức mà không thỏa hiệp sự chính trực của mình. Những hình tượng này cho chúng ta những "bằng chứng về tính khả thi". Chúng ta không cần những ví dụ thường hằng chứng minh rằng tính tự quyết đạo đức sẽ luôn được duy trì; thay vào đó, chỉ cần ta biết nó khả thi là đủ.Có những người cho rằng bởi vì tính chính trực đạo đức không phải lúc nào cũng được duy trì, thực chất nó không hề khả thi. Chính vì vậy mà việc có các ví dụ này càng quan trọng - những minh chứng của phẩm tính - những người cho ta thấy một thế giới có đạo đức là có thể đạt được, dù rất khó khăn. Nghệ thuật và văn học đóng một vai trò quan trọng trong điều này, khi chúng mang cho ta những ví dụ, dù đến từ đời thật, những tình thế tưởng tượng, những sự kiện lịch sử, hay từ những suy nghiệm về chính trị. Những ví dụ này truyền cho ta cảm hứng và nâng tư duy ta lên, cho ta đức tin vào nội lực đạo đức của chính mình.Ý tưởng này gắn chặt với quan niệm của Schiller rằng mỹ học là biểu tượng của đạo đức. Nghệ thuật cho ta hé nhìn vào một thế giới có thể thành thật, cho ta thấy sự chính trực trong đạo đức là có thể đạt tới, và truyền cho ta cảm hứng để hành động dựa trên niềm tin đó. Qua ống kính này, nghệ thuật mang đến hy vọng và niềm trấn an rằng ta không phải đang lạc quan tếu hay tin vào truyện cổ tích mà việc cư xử có đạo đức cũng là một phần của việc làm người, giống như chệch hướng khỏi quy phạm đạo đức cũng là một phần của việc làm người.Trong cuốn sách tiếp theo viết về người bà của mình, bà bày tỏ quan niệm coi "nghệ thuật như một công cụ giáo dục cảm quan chính trị" được chủ trương bởi Schiller, một người vốn tin rằng "nghệ thuật, giống như khoa học, gắng vọt lên thoát khỏi lề thói con người", bà giải thích rõ hơn được không?Schiller viết vào đúng thời khởi phát của Cách mạng Pháp, ông tiếp tục suy tư về hệ quả của Cách mạng Pháp cho đến sau này. Ông đã viết trong một bối cảnh chính trị rất chia rẽ và phân cực.Sau cuộc Cách mạng Pháp, ý tưởng của cuộc cách mạng mà các triết gia, nghệ sĩ và học giả vẫn hằng ủng hộ lại gây nên những thái cực chính trị cực đoan, khiến nhiều người tuyệt vọng khi chứng kiến cách những lý tưởng được hiện thực hóa. Trong bối cảnh đó, Schiller viết về sự tiêu tan của ý tưởng cổ điển về sự hòa hợp, về tầm quan trọng bức thiết của thống nhất và hòa giải trong một thế giới vô cùng chia rẽ và phân cực. Ông nghĩ rằng khi chính bản thân chính trị bị phân hóa và thao túng đến nhường ấy, thì rất khó có được thay đổi đi ra chỉ từ lĩnh vực chính trị. Cần có một thứ khác, ông tin tưởng rằng nó đến từ nghệ thuật và văn học, vì chúng dễ thoát khỏi sự thao túng chính trị hơn.Những hàm ý từ đây cho thời đại của chúng ta rất quan trọng bởi ở nhiều mặt chúng ta đã mất đi khả năng để nghĩ về một loại nghệ thuật chú tâm, dấn thân vào xã hội và chính trị. Phần lớn nghệ thuật ngày nay muốn tiến hành trong thế tách biệt hoàn toàn với những kiềm tỏa xã hội và chính trị. Điều này vô cùng thách thức vì về một mặt, việc khơi lại khuynh hướng xã hội của nghệ thuật và việc gợi cho con người phản tư về chính trị là thực sự quan trọng, nhưng mặt khác, ta không muốn nghệ thuật chỉ thuần túy là công cụ tuyên truyền. Chỉ khi nghệ sĩ có được quyền tự do thì nghệ thuật mới có thể đóng góp để mài dũa khả năng phản tư mà nhờ những khả năng đó ta cải thiện được chất lượng của thảo luận công cộng. Đó là lý do vì sao tôi nói rằng chúng ta nên quay về việc suy nghĩ lại vai trò của người nghệ sĩ và giáo dục thẩm mỹ trong việc cải thiện đạo đức của mình.Giáo sư Lea YpiVậy bà quan niệm như thế nào về việc nghệ thuật là một hình thức giáo dục chính trị? Trong hình dung đó, vai trò của phê bình nghệ thuật là gì? Liệu nhiệm vụ của người phê bình thuần túy là chắt lọc lại bài học đạo đức từ tác phẩm nghệ thuật?Tôi không nghĩ chúng ta nên loại trừ hoàn toàn các suy xét về mặt luân lý khỏi phê bình nghệ thuật, nhưng chúng ta nên chống lại những hướng diễn giải cho rằng nghệ thuật chỉ nên là nói đến chính trị. Với tôi điều quan trọng là ta phải hiểu rằng trong bất cứ bối cảnh sản xuất nghệ thuật nào cũng có những khó khăn đặc thù. Ở những quốc gia như của tôi - Vương quốc Anh - có những ràng buộc về tài chính liên quan đến môi trường tư bản chủ nghĩa nơi chúng tôi làm việc, những ràng buộc liên quan đến hướng đi của dòng tiền, và sự phụ thuộc vào nhà tài trợ nắm nhiều quyền thế.Sẽ có những bối cảnh khác nơi vấn đề không nằm ở tiền bạc của tư nhân mà là tài chính và sự kiểm soát nghệ thuật từ phía công quyền. Phê bình nghệ thuật có thể lưu tâm đến những câu thúc này, những khủng hoảng mà từ đó tác phẩm nghệ thuật nảy nở, cách mà các tác phẩm nghệ thuật phản chiếu lại thời đại của mình, cũng như đóng góp từ người nghệ sĩ vào cuộc phản tư đó. Nhưng chúng ta phải làm những việc đó mà không rơi vào khuôn định rằng nghệ thuật phải như thế nào đó mới là nghệ thuật, vì hành động khuôn định đó là một kiểu kiểm duyệt áp lên người nghệ sĩ. Thành thử, việc đa nguyên hóa cuộc tranh luận và khuyến khích suy tư về xã hội mà không áp một khuôn mẫu xem cái suy tư xã hội đó phải như thế nào là rất quan trọng.Nếu ta giới hạn nghệ thuật quá mức vào chiều kích xã hội của nó, ta sẽ hủy hoại chính cái chức năng xã hội đó. Nhưng mặt khác, nếu ta nói rằng nghệ thuật phải luôn phi chính trị thì cũng có vấn đề, vì vậy là ta đã tách rời nghệ thuật khỏi những lĩnh vực khác, và ta sẽ không còn nghĩ về văn hóa theo một hướng bao quát. Đó là một mất mát. Việc cô lập một cách cực đoan nghệ thuật khỏi tất thảy khoa học, lý thuyết xã hội, chính trị, tiến bộ công nghệ... bản thân nó là một mối nguy.Bà nghĩ nghệ thuật có thể thay thế lý luận đạo đức và triết học như một công cụ tìm đến chân lý triết học không?Không, tôi không nghĩ nó thay thế được triết học. Mỗi thứ phải đảm nhận một vai trò riêng và cả hai đều quan trọng. Tôi nghĩ với mọi thứ thì điều quan trọng phải nghĩ về sự phức tạp và đa dạng thay vì hoặc cái này hoặc khác. Ví dụ, lập luận triết học rất quan trọng, đặc biệt là trong truyền thống triết học mà tôi được đào tạo, triết học phân tích. Đó là vì tư duy triết học luôn đi kèm sự sáng sủa của tư duy, sự mạch lạc và sự nhất quán - nói chung là tư duy logic. Tất cả những điều này rất quan trọng để xây dựng lập điểm tốt và rèn dũa khả năng lập luận tốt.Song, thường thì đây là điều trái ngược với những gì văn chương cần có. Văn chương là nơi ta đưa ra cảm xúc, lý giải những giới hạn của tư duy trừu tượng và nguyên tắc triết học. Tôi luôn nghĩ triết học như một công cụ để tạo ra sự chắc chắn và tìm đến chân lý, còn công việc của văn chương là làm lung lay chân lý và khơi lên sự bất định. Đôi khi tôi nghĩ chúng ta cần cả hai, cũng như tâm hồn con người cần cả hai: rõ ràng và nhất quán và logic ở một mặt, nhưng cũng cảm xúc và nổi loạn ở mặt còn lại. Tôi không nghĩ cái nào quan trọng hơn cái nào.Bà có nghĩ rằng văn học phải mang nghĩa vụ đạo đức không? Làm sao để thực hiện nghĩa vụ đó mà không rơi vào giáo điều với những tác phẩm chán ngắt?Tôi nghĩ cuộc đời của tất cả chúng ta đều cấu trúc dựa trên các nghĩa vụ đạo đức và những điều mang lại ý nghĩa cho việc ta là người, đối lập với các loài sinh vật khác nằm chính ở việc ta có thể lý luận về những nghĩa vụ đó. Nhưng tôi không nghĩ ta nên đi đặt cho một tác giả là anh có nhiều nghĩa vụ này hay ít nghĩa vụ kia hơn. Nói cách khác, ta không nên giám sát nghệ thuật.Tôi nghĩ cách một tác phẩm được tiếp nhận mới là cái nói lên liệu tác phẩm đó có ở lại trong lòng công chúng, tạo ra suy tư và phê bình. Người phán quyết một tác phẩm phải là công chúng. Ta phải để cho tác phẩm nghệ thuật và sự sáng tạo phát triển. Có thể không phải tất cả đều thành công và có cùng mức độ suy tư và tiếp nhận; chúng ta có khi sẽ phải bàn luận với nhau về tầm quan trọng của một số chủ đề nhất định và cố gắng nhạy bén hơn với một số đề tài, nhưng tôi không nghĩ ta nên quy định một người phải viết hay sáng tạo ra tác phẩm như thế nào.Các tác phẩm của Lea YpiTrong cuốn Tự do, một kỹ thuật được bà sử dụng để truy tầm các vấn đề triết học mà không rơi vào kiểu luận bàn rao giảng đạo đức, là cung cấp cho mỗi quan điểm một chỗ để cất tiếng. Trong thuật ngữ phê bình văn học, đó có thể gọi là "đa thanh". Liệu tính đa thanh có phải một thước đo phân biệt giữa cách tốt và cách xấu trong việc suy tư đạo đức bằng văn chương?Tôi rất ngại để nói về tốt và xấu vì ngay khi nói cái gì là hay thì có vẻ như bạn đang cố che đi cái thực hành đi lạc khỏi cái chuẩn tốt đó.Nói vậy nhưng phải nhấn mạnh rằng trong tác phẩm của tôi, nỗ lực tạo nên đa thanh liên quan tới tình yêu tôi dành cho Dostoevsky. Điều tôi yêu thích nhất ở Dostoevsky chính là khả năng cho ta thấy các quan điểm khác nhau về cả mức độ cá nhân và xã hội qua phổ đa dạng các nhân vật chính của một tiểu thuyết. Cụ thể, khi một xã hội chia rẽ sâu sắc và mỗi nhóm lại có niềm tin sắt đá vào chân lý của mình, không có khả năng vượt khỏi điểm nhìn của mình để nhập vào quan điểm của người khác ở một bối cảnh khác, điều quan trọng là ta phải cùng đi qua sự bất đồng. Đây chính là chỗ văn học có thể giúp những quan điểm khác nhau đối thoại với nhau và khiến tất cả những giằng co mà ta có thể thấy được trong đời bị bày ra.Điều này cũng cho ta hy vọng tìm ra cách xử lý những xung khắc đó. Vì hội lại, quyển sách cũng là một thể thống nhất, nhà văn cũng ở đó nghĩ cùng độc giả, để bước qua những nghịch lý trong đời qua con đường suy tư. Ở mặt đó, một tác phẩm nghệ thuật là một không gian của sự tự do, một lý tưởng về sự thấu hiểu lẫn nhau mà ta mong mỏi xã hội này sẽ cho thấy. Hướng tiếp cận đa thanh cho phép người viết suy nghĩ thấu suốt về thế giới này qua những quan điểm khác biệt và bằng cách nào đó hiểu biết rõ ràng hơn về chính những xung đột của nó.Dù vậy, tôi thấy [hướng tiếp cận đa thanh này] gây cho mình khá nhiều bất ổn lúc đầu. Khi ta viết như một triết gia, ta luôn cố thuyết phục người khác tin vào sự đúng đắn của quan điểm mình, và sự sai lầm của quan điểm người khác, tiến đến khẳng định chân lý bằng cách giải hủy lập luận phản đối. Nhưng với văn học thì thứ cần thiết lại là ngược lại. Ta không thể mở đầu đã nói nhân vật này sai này đúng nhân vật kia sai; ta phải nhìn nhận thế giới qua quan điểm từng nhân vật, sống cùng họ, tin vào cùng những gì họ tin. Tiểu thuyết khuyến khích một niềm khoan dung trước sự bất đồng và đa dạng mà triết học thường chật vật đương đầu.Cảm ơn bà. Cuốn sách của bà có tựa đề là "Tự do", nhưng một ý tưởng trung tâm khác của cuốn sách giúp các loại tự do khác nhau tồn tại chính là hy vọng. Hy vọng có ý nghĩa như thế nào đối với bà?Hy vọng là một khái niệm phức tạp bởi vì đối với tôi, đó là một phần thiết yếu của việc là một chủ thể đạo đức. Hành động có đạo đức tất yếu liên quan đến hy vọng - khi cố gắng làm điều đúng mà lại không tin, ở một mức độ nào đó, rằng điều đúng đắn có thể thắng thế chính là một sự mâu thuẫn về logic. Ta không thể đưa ra các lựa chọn đạo đức nếu ta không có hy vọng rằng những người khác cũng sẽ hành động có đạo đức hoặc rằng kết quả công bằng là khả thi. Không có hy vọng, không có động lực để hành động.Bạn có thể đã quen thuộc với cuốn tiểu thuyết Nga Oblomov, nơi nhân vật chính, Oblomov, dành vài chục trang đầu tiên không thể ra khỏi giường vì anh ta quá chìm đắm trong chủ nghĩa hư vô. Anh ta không có hy vọng, và ngay cả khi rơi vào lưới tình, anh ta cũng nhanh chóng rơi khỏi lưới tình vì bị nỗi tuyệt vọng chiếm lấy. Ngược lại, việc rơi vào lưới tình tự thân đòi hỏi hy vọng - giống như hầu hết những việc chúng ta làm trong cuộc sống.Mặc dù chúng ta thường nói về thế giới xám xịt như thế nào và chúng ta thiếu hy vọng ra sao, nhưng đây chỉ là một lập trường mang tính tu từ hơn là niềm tin thực sự. Mỗi sáng, chúng ta thức dậy, chăm sóc con cái, đưa chúng đến trường, và sống tiếp - những hành động này bắt nguồn từ một niềm hy vọng tiềm ẩn, ngay cả khi chúng ta không thừa nhận nó một cách rõ ràng. Hy vọng tạo nên nền tảng hiểu ngầm của phần lớn những gì chúng ta làm. Mất hoàn toàn hy vọng thực sự có nghĩa là trở thành như Oblomov, không thể ra khỏi giường - và may mắn thay, hầu hết mọi người không sống như vậy. Tags: Đại học LondonLea YpiNhà vănNhà tư tưởng
Tin tức sáng 7-10: Ngân hàng SCB thanh lý 17 xe chở tiền; Nhân sự cấp cao FLC tiếp tục từ nhiệm TUỔI TRẺ ONLINE 07/10/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 38; Tỉ lệ thất nghiệp của Việt Nam đã giảm; TP.HCM kiến nghị tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75%; Thêm một đại gia 'phố núi' Gia Lai chậm trả nợ trái phiếu...
Tin tức thế giới 7-10: Iran lo Israel đánh vào mỏ dầu; Phiến quân Pakistan sát hại người Trung Quốc BÌNH AN 07/10/2024 Iran mất liên lạc với chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds sau khi tới Lebanon; Anh khuyến cáo công dân không đến Israel và Gaza... là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 7-10.
Ban đại diện cha mẹ học sinh đại diện cho ai? VÕ VINH 07/10/2024 Nhiều người chán họp phụ huynh. Một phần vì chuyện tiền bạc, phần vì ban đại diện đại diện cha mẹ học sinh dường như không phải là đại diện cho phụ huynh lớp!
Hezbollah phóng rocket vào thành phố lớn thứ 3 của Israel, nhiều người bị thương THANH BÌNH 07/10/2024 Nhóm Hezbollah tuyên bố họ đã tấn công một căn cứ quân sự ở phía nam thành phố Haifa, miền bắc Israel bằng loạt rocket Fadi 1.