Giáo viên nào cần chứng chỉ hành nghề?

VĨNH HÀ 16/06/2024 06:53 GMT+7

TTCT - Trong khi đại diện bên soạn thảo Dự thảo Luật Nhà giáo (trình Quốc hội vào tháng 10-2024) bảo vệ sự cần thiết phải có một mục quy định về chứng chỉ hành nghề với nhà giáo, giới giáo viên lại có những quan điểm khác...

Luật Nhà giáo - Quan điểm của bên soạn luật

Nếu Luật Nhà giáo được thông qua, giáo viên muốn làm nghề sẽ phải có một chứng chỉ hành nghề. Chứng chỉ này có giá trị trên toàn quốc và ở các quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam.

Giáo viên nào cần chứng chỉ hành nghề?- Ảnh 1.

"Nhà giáo đang giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập, tư thục, dân lập đã đạt chuẩn nhà giáo trước ngày Luật Nhà giáo có hiệu lực sẽ đương nhiên được cấp chứng chỉ hành nghề mà không phải làm thêm các thủ tục hay thi để công nhận", ông Vũ Minh Đức, cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), khẳng định.

Chỉ những giáo viên, giảng viên tuyển mới sau khi luật có hiệu lực sẽ phải trải qua một kỳ sát hạch, đạt yêu cầu mới được cấp chứng chỉ.

Ngoài ra, giáo viên nghỉ hưu có nhu cầu, giáo viên, giảng viên nước ngoài đến Việt Nam nếu có nhu cầu và đảm bảo đủ điều kiện cũng được cấp chứng chỉ.

Bộ GD-ĐT quy định mẫu chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Các bộ, cơ quan ngang bộ cấp chứng chỉ hành nghề đối với giảng viên các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng. Các sở GD-ĐT, sở lao động - thương binh và xã hội cấp thẻ cho giáo viên tại các cơ sở giáo dục, cơ sở đào tạo nghề trực thuộc.

Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo sẽ bị thu hồi khi giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tục, những người bị kỷ luật buộc thôi việc, sa thải hoặc hồ sơ xin cấp chứng chỉ bị phát hiện không đúng quy định. Nơi cấp chứng chỉ có thẩm quyền thu hồi chứng chỉ trong các trường hợp trên.

Có Luật Nhà giáo thì nhà giáo được lợi gì?

Theo ông Vũ Minh Đức, chứng chỉ hành nghề sẽ giải quyết được một số bất cập trong quản lý nhà giáo hiện nay.

"Trong các cơ sở giáo dục công lập, nhà giáo cần phải được công nhận hết tập sự và có quyết định tuyển dụng nhưng trên thực tế khi nhà giáo được thuyên chuyển, cơ sở giáo dục khác lại không công nhận, gây nhiều khó khăn. Trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà giáo không được đánh giá để công nhận hết tập sự làm cơ sở cho việc xác nhận về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện các chính sách với nhà giáo gây bất bình đẳng giữa các nhà giáo trong cơ sở công lập và ngoài công lập. Những vấn đề này sẽ được giải quyết nếu nhà giáo được cấp thẻ hành nghề", ông Đức cho biết.

Ông Đức cũng cho rằng với thẻ hành nghề, vị thế của nhà giáo được nâng lên và có sự phân biệt rõ ràng giữa các nhà giáo có thẻ hành nghề với những người tự xưng là nhà giáo để giảng dạy tại các lớp học, trung tâm, những người tự xưng dạy học trên mạng xã hội. Thẻ hành nghề khi đó cũng là cơ sở pháp lý để siết lại việc quản lý tình trạng dạy thêm bên ngoài nhà trường, đảm bảo quyền lợi cho người học.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc trao đổi giáo viên giữa Việt Nam và các nước ngày càng nhiều, trong khi chuẩn đầu ra về năng lực, kỹ năng giữa các cơ sở đào tạo giáo viên khác nhau, khó khăn cho đánh giá chất lượng để thực hiện việc trao đổi giáo viên.

Quy định về thẻ hành nghề và việc công nhận tương đương thẻ hành nghề hay các văn bản có giá trị tương đương giữa Việt Nam với nước ngoài sẽ thuận lợi cho việc hợp tác, trao đổi giáo viên. Với những chia sẻ trên, nhà giáo "chỉ được" chứ không gặp khó khăn gì.

Nhưng đó chỉ là giải thích từ cơ quan quản lý và soạn thảo luật.

Băn khoăn và hoài nghi về nhiều điều trong dự luật Nhà giáo

"Giáo viên đã tốt nghiệp sư phạm, bằng tốt nghiệp là văn bằng xác nhận đủ điều kiện hành nghề, tại sao lại phải có thêm một "giấy phép con"?" - là câu hỏi lớn nhất mà một số hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên chia sẻ với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

"Chỉ nên cấp chứng chỉ cho người có chuyên môn phù hợp nhưng chưa qua đào tạo sư phạm muốn trở thành giáo viên. Và việc này thì đã từng áp dụng rồi" - cô Vân, một cán bộ quản lý trường THCS của quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), nói.

Một hiệu trưởng THPT quận Tây Hồ (HN) cho rằng với quy định này ở dự thảo hiện nay, thẻ hành nghề giống như việc "gắn mác", nghĩa đang nghiêng về hình thức.

"Tôi quan tâm nhiều hơn đến sự tác động của chính sách khích lệ giáo viên bồi dưỡng, rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ của họ ngay trong quá trình làm nghề vì việc này rất quan trọng. Nếu gắn mác một cách hình thức thì không cần thiết, vì hầu hết giáo viên hiện nay đều tốt nghiệp trường sư phạm, đúng chuẩn về trình độ rồi. Nếu "gắn mác" xong là yên tâm với điều đó, không rèn giũa, tự học tự bồi dưỡng thì lợi bất cập hại.

Vì thế, để nó không phải là cái "mác", cần làm rõ việc giáo viên có thẻ hành nghề có những quyền gì, có trách nhiệm gì trong quá trình làm nghề", vị hiệu trưởng này nói.

Hiện có rất nhiều thắc mắc mà nhiều giáo viên nêu ra và những thắc mắc này hầu hết đều xuất phát từ những bức bối hiện nay trong thực tế công việc của họ: Người có thẻ hành nghề thì có phải tuân thủ nhiều thủ tục vô lý, hình thức trong ngành giáo dục như hiện nay không? Có phải tuân thủ việc soạn giáo án đúng yêu cầu, có đủ các loại sổ sách, phải ghi chép sổ sách theo mẫu, tuân thủ một cách cứng nhắc về hình thức dạy học, kiểm tra, ôn tập như hiện nay?

TS Nguyễn Tùng Lâm (Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội) cho biết các nước có cấp thẻ hành nghề cho giáo viên thường giao cho các hiệp hội nghề nghiệp cấp và giám sát. Người được cấp thẻ hành nghề sẽ có nhiều quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm hơn trong việc hành nghề, ví dụ họ được tự do xây dựng bài giảng, tài liệu, tiến trình dạy học...

Ở Việt Nam, dù theo chương trình mới giáo viên được tăng tính tự chủ nhưng thực chất chưa làm được điều đó, còn quá nhiều quy định ràng buộc mang tính hành chính, hình thức khiến giáo viên phải chịu khổ mà lại không giúp gì để khích lệ giáo viên nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và kiểm soát chất lượng giáo viên.

Các giáo viên cho rằng nếu nhất quyết đưa quy định cấp thẻ hành nghề vào luật thì có rất nhiều việc phải lường trước, phải rõ ràng, tường minh mới khiến nhà giáo tin vào việc "cấp thẻ" mà "không bị hành vô lý".

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Marie Curie (Hà Nội), cho rằng việc xử lý với những người tự xưng là giáo viên, người vi phạm đạo đức nghề nghiệp không phải lý do chính để quy định thẻ hành nghề với nhà giáo đồng loạt cho gần 1,5 triệu nhà giáo trên cả nước. Vì hiện đã có đủ cơ sở pháp lý để quản lý những người vi phạm.■

Với câu hỏi lớn nhất "Tốt nghiệp sư phạm rồi, vì sao phải thi để được cấp thẻ hành nghề?", ông Vũ Minh Đức cho biết kỳ sát hạch để cấp chứng chỉ sẽ phải đảm bảo các tiêu chí: Năng lực chuyên môn (được đào tạo), nghiệp vụ sư phạm và cả kỹ năng giảng dạy. Trong đó, kỹ năng giảng dạy là một tiêu chí quan trọng.

Nhưng ông Nguyễn Tùng Lâm cho rằng nếu kỳ sát hạch chỉ nhằm đảm bảo chất lượng giáo viên đạt yêu cầu, trong đó lưu ý đến nghiệp vụ, kỹ năng dạy học thì nên tìm cách để nâng chất lượng đào tạo sư phạm, nâng chuẩn đầu ra của trường sư phạm, chứ không cần thêm một thủ tục "cấp thẻ sau khi sát hạch" với người đã có bằng tốt nghiệp trường sư phạm.

Việc sát hạch, cấp thẻ chỉ nên áp dụng với người có chuyên môn phù hợp nhưng chưa học sư phạm. Để hội nhập, hay thuận tiện cho vấn đề trao đổi giáo viên, chuẩn đầu ra của trường sư phạm cũng cần thay đổi, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận