Giếng ở Hoàng cung kể chuyện lịch sử

PGS.TS TRỊNH SINH 02/10/2013 22:10 GMT+7

TTCT - Có một “văn hóa giếng” trong di sản văn hóa dân gian ở ta, đồng thời cũng có một di sản vật thể là những cái giếng trong dặm dài lịch sử dân tộc.


Giếng thời Trần trong Hoàng cung

Mới đây, trong các cuộc khảo cổ khu di tích Hoàng thành Thăng Long, các nhà khoa học đã đào được những cái giếng cổ như vậy. Đấy cũng là một dịp may hiếm có để có thể chiêm ngưỡng được những giếng cổ thực sự đã bị vùi lấp dễ đến ngàn năm, nhưng vẫn còn giữ được dáng hình bên cạnh những lâu đài cung điện đổ nát.

Giếng cổ ngàn năm

Cuộc khai quật Hoàng cung, hay có người gọi là Hoàng thành trong kinh thành Thăng Long xưa ở khu vực 18 Hoàng Diệu (Hà Nội) đã “tìm lại” được 11 giếng cổ. Trong số đó có hai giếng có niên đại thời Đường (khi đó nước ta còn trong thời kỳ Bắc thuộc), hai giếng thời Lý, hai giếng thời Trần, ba giếng thời Lê, hai giếng thời Lê muộn và Nguyễn sớm.

Sở dĩ các giếng trong Hoàng cung được định niên đại rõ ràng như vậy là nhờ dấu tích của chúng trong lòng đất. Dựa vào kiến trúc cũng như vật liệu xây dựng giếng đặc trưng của mỗi thời kỳ, các nhà khảo cổ học biết được mỗi thời đại người xưa có cách xây giếng khác nhau, vật liệu cũng có sự thay đổi. 

Đôi khi sự thay đổi này ghi dấu ấn của kỹ thuật thời sau tiên tiến hơn thời trước, đôi khi lại thấy sự khác biệt trong thẩm mỹ trang trí trên gạch xây giếng mỗi thời. 

Trong khi tìm cách định niên đại các giếng cổ nơi đây, các nhà khảo cổ thấy được một điều thú vị: một vài giếng có mặt từ thời Đại La, nhưng đến các thời kỳ sau lại được tiếp tục sử dụng, vì thế mà còn thấy được vết tích của việc bắt đầu xây dựng và sử dụng giếng ở thời khá sớm, đến thời sau giếng lại được cải tạo với những vật liệu của thời muộn hơn.

Chính việc sử dụng giếng nước của nhiều thời đại nối tiếp đã cho thấy Hoàng cung luôn có vị trí ổn định qua các thời, mà thời nào cũng đều cần đến nguồn nước ngọt ổn định phục vụ đời sống cung đình.

Cái giếng sớm nhất ở khu vực Hoàng cung thuộc về thời Đại La. Khi đó, khu vực được gọi là Hoàng cung còn chưa được định danh, mới chỉ là một vùng trung tâm thành Đại La. Các nhà khảo cổ đã khám phá một cái giếng hình tròn, đường kính miệng phía trong 75cm, phía ngoài 1,35cm và sâu gần 6m.

Giếng được xây bằng loại gạch màu xám đặc trưng của thời Đại La. Cứ 3-4 lớp gạch xếp nằm ngang lại xen một lớp gạch xếp đứng. Miệng giếng lại được xây một hàng gạch chữ nhật của thời Lý, màu đỏ xếp nghiêng.

Bên trong lòng giếng cũng có nhiều bình, vò, lon sành và những mảnh đất nung hình lá đề trang trí chim phượng đặc trưng của triều Lý. Từ cái giếng này đã giải mã thông điệp lịch sử: từ thời Đại La, nơi này đã đào giếng và thời Lý giếng lại được sử dụng.

Phải chăng khi tiếp thu mảnh đất vốn được gọi là An Nam đô hộ phủ, nhà Lý cũng chọn đây là mảnh đất đóng đô? Một trong những kiến trúc quan trọng là giếng cũng được kế thừa từ thời trước và vị trí Hoàng thành xưa cũng ở đúng chỗ mà trung tâm của thành Đại La chứ không phải là nơi nào khác?

Một cái giếng thời Đại La nữa cũng có mặt ở Hoàng cung thuộc loại giếng tròn, xây bằng vật liệu gạch màu xám, trong đó có loại gạch có in chữ thời này là “Giang Tây”.

Cái giếng thời Lý có độ sâu hơn 2m, được xây từ nhiều loại gạch hình chữ nhật và gạch hình vuông của thời Lý và cả gạch thời Đường được tận dụng lại.

Đến thời Trần, các nhà khoa học phát hiện một cái giếng còn tương đối nguyên lành, được xây dựng khá công phu. Có lẽ đây là cái giếng đẹp nhất còn lại cho đến nay ở Hoàng cung. Gạch xây giếng được xếp nghiêng theo hình xương cá. Đáy giếng lại được lát gạch vuông như loại gạch lát nền. Khi khai quật, các nhà khảo cổ còn tìm được trong lòng giếng nhiều đồ gốm sứ và hiện vật thời Trần.

Đến thời Lê - Nguyễn, giếng nước trong Hoàng cung lại được xây dựng theo kiểu khác: cũng hình tròn nhưng gạch xây là loại gạch vồ, màu đỏ nâu hay đen xám. Gạch có hình khối hộp chữ nhật, được ken chụm đầu vào nhau để tạo thành mặt trong giếng. Chiều dài viên gạch cũng là chiều rộng của thành giếng.

Mạch ngầm văn hóa

Một điều khá ngạc nhiên thú vị là khi khai quật xong, các giếng được lộ thiên và lại đầy ắp nước, nước giếng trong vắt, chứng tỏ người xưa đã rất giỏi tìm mạch nước. 

Đi kèm các giếng nước là một hệ thống cống thoát nước, tùy từng thời mà cống cũng được xây dựng từ gạch của thời đó. Có khi là cống nhỏ có mặt cắt ngang hình chữ V, chữ U. Các nhà khảo cổ với sự kiên nhẫn của mình đã lần tìm được hệ thống cống thoát nước khá nhằng nhịt này.

Thế mới biết ngay từ thời cổ đại, các “kiến trúc sư” cũng đã có quy hoạch xây dựng khu Hoàng cung khá nền nếp, trong đó hệ thống cấp nước (giếng) và thoát nước (cống) đã được tổ chức khá hợp lý. Có thể đoán được với hệ thống hạ tầng này, Hoàng cung có đủ nhu cầu nước sinh hoạt và cũng đủ sức đối phó với những trận mưa dễ gây úng ngập.

Giở lại sử sách mới thấy chính sử nước ta cũng ghi rõ là Hoàng cung có giếng nước. Việt sử lược còn ghi đôi dòng: Vào đời vua Lý Huệ Tông, năm Tân Tỵ (năm 1211 dương lịch), trong triều Lý có biến, một đêm thái hậu triều Lý đã bắt Nhân Quốc Vương và hai Vương Tử rồi dìm xuống cái giếng trong khu nhà của vua. Sau đó vớt lên và phơi thây ở ngoài cửa cung Lâm Quang...

Quanh những cái giếng Hoàng cung, biết bao “hỉ, nộ, ái, ố” của những kiếp người quyền quý đã diễn ra. Chuyện xưa đã qua tới ngàn năm trước, chẳng ai còn biết nữa. Nhưng hẳn là, dù là giếng làng hay giếng vua, tất cả đều đã chứng kiến bao phận người qua đó.

Việc xây giếng là việc khá hệ trọng, đào giếng là động thổ, rất sợ chạm vào long mạch. Đào giếng trong Hoàng cung lại càng phải chú ý vì liên quan đến thịnh suy của một triều đại. Ắt hẳn thời xưa, người ta phải xem rất kỹ về mặt phong thủy. Khi dựng đình hay chùa làng, người ta cũng phải chọn chỗ để đào giếng ngọc.

Giếng tượng trưng cho nguồn nước, cho sự sinh sôi nảy nở, phồn thực, không thể không xem thế đất. Vì thế, từ nơi những cái giếng được đào còn là những câu chuyện có thể tìm hiểu thêm và kể tiếp về tâm linh, nguyện ước chuyện bể dâu của một thời đại và là một mạch ngầm văn hóa của người Việt nhiều đời.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận