“Gilê vàng” sẽ là Mùa xuân châu Âu?

DANH ĐỨC 15/12/2018 22:12 GMT+7

TTCT - Thứ bảy này sẽ là đúng bốn tuần tính từ vụ xuống đường đầu tiên của phong trào “áo gilê vàng” hôm 17-11 ở Pháp. “Gilê vàng” nay đã lan sang Bỉ, Đức, Hà Lan, Bulgaria… Vì đâu nên nỗi? Điều gì đang “chờ đợi” phía trước? Và các chính phủ phải rút ra bài học gì từ cuộc đấu tranh mới nhất của dân chúng?

Những ngày đầu của cuộc biểu tình. Cảnh tượng tại Paris ngày 24-11. Ảnh: Reuters
Những ngày đầu của cuộc biểu tình. Cảnh tượng tại Paris ngày 24-11. Ảnh: Reuters

 

Những ngày này, thông tin về các vụ xuống đường ở Pháp và các nước châu Âu được loan tải khắp thế giới. Từ bốn tuần qua, nếu muốn xem trực tiếp truyền hình các cuộc biểu tình từ sáng tới tối, có thể xem mãn nhãn trên kênh “Nước Nga ngày nay” (RT) tiếng Pháp và tiếng Anh, trong khi các đài địa phương và quốc tế khác nhan nhản tin tức, bình luận, hội luận để phân tích, phê bình chính phủ.

Mỗi ngày lại xuất hiện thêm những kênh mới chiếu lại những trích đoạn xuống đường kèm theo bình luận nghiêng về phía “cần lao”! Tất cả tạo nên một bầu không khí “xóa tận gốc” rất Descartes.

Trên MaxPark, một website của Nga, Alexander Popov viết ngày 9-12 một bài tựa đề “Người biểu tình ở Pháp thực sự yêu cầu những gì?”.

Tác giả so sánh các cuộc xuống đường với làn sóng “Mùa xuân Ả Rập” ở Bắc Phi năm 2012: “Nếu ai đó vẫn tin rằng nguyên nhân của “Mùa xuân Paris”... ở Pháp là bởi việc tăng giá nhiên liệu của khoảng 15-20 euro, thì người đó đã lầm...”. Popov còn giới thiệu: “Hiến chương chính thức của phong trào gilê vàng: 25 đề xuất để ra khỏi cuộc khủng hoảng”, dẫn lại từ địa chỉ acuriousoccurance.wordpress.com.

Trong khi đó, báo chí chính thống Pháp vẫn ghi nhận phe “gilê vàng” chưa thống nhất chủ trương. Tờ Marianne 5-12 viết về phong trào này: “Đó là một phong trào quần chúng tự tổ chức. Không có người lãnh đạo hoặc người đại diện: không ai nói thay mặt cho tất cả “gilê vàng”.

Vì vậy để hiểu được thông điệp tập thể, bạn phải lắng nghe tổng hợp tất cả - hoặc ít nhất là đủ các phát ngôn viên”. Tờ Le Monde 7-12 còn chạy tít: “Trên Facebook, phe “gilê vàng” còn chia rẽ về những đề xuất và phương pháp”.

Trên thực tế, phe “gilê vàng” mới chỉ đề cử ra 8 phát ngôn viên chứ chưa thành lập “tổng hội” nào. Mặt khác, ngay cả thủ lĩnh các phái cực đoan như Marine Le Pen hay Jean-Luc Mélenchon có hậu thuẫn “gilê vàng” thì vẫn chỉ ở “vòng ngoài”.

Chẳng ai biết “đầu não” nào nghĩ ra “hiến chương”! Song, nếu nhìn vào một số đề xuất kinh tế - xã hội, như đề xuất (1) cải cách hệ thống thuế, cấm đánh thuế tới mức vượt quá 25% thu nhập của công dân; và (2) ngay lập tức tăng 40% lương tối thiểu của người lao động, lương hưu và mức sinh hoạt tối thiểu của người dân, thì e rằng nhà nước phải phá sản sớm.

Như một nạn dịch

Quả là đang có khả năng xảy ra một “Mùa xuân châu Âu” như Popov đề quyết. Trong khi tin tức thời sự thường tập trung vào tình hình nước Pháp, thì tuần qua tại Bỉ, tình hình cũng đã trở nên cực kỳ căng thẳng. Vụ xuống đường đông đảo đầu tiên nổ ra hôm 30-11.

Nhật báo Bỉ Le Soir sáng 1-12 tường thuật: “Khoảng 1 giờ trưa thứ sáu, tại ngã tư Belliard ở Bruxelles, 500 gilê vàng, phần lớn đến từ vùng Wallonia để phản đối chính sách của chính phủ Charles Michel...

Như mọi khi, đại đa số người biểu tình nhẫn nhịn và đi bộ trong hòa bình. Một số khác thường xuyên đứng đầu đám tuần hành, đội nón trùm đầu hoặc bịt kín mặt, lên giọng hò hét, kích động đám đông. Tay cầm lon bia và sử dụng từ vựng ít nhiều đao to búa lớn, họ tìm kiếm sự đụng độ với cảnh sát”.

Tới ngày 7-12, số người biểu tình đã đông gấp đôi, khoảng 1.000 người, có sự tham gia của một số thanh niên thuộc Tổng liên đoàn Lao động Bỉ. Tại thủ đô Bruxelles, cảnh sát tạm giữ 450 người.

Cũng như ở Paris, đám đông biểu tình gỡ các tấm ván lớn mà chủ các cửa hàng dùng để che chắn cửa kính cho khỏi bị đập phá làm khiên cản nước vòi rồng và lựu đạn khói của cảnh sát.

Đài Bỉ RTBF chiều 8-12 đưa ra một sơ kết đáng kinh ngạc: “1.000 người biểu tình, tạm giữ hành chính 400 vụ, chủ yếu do có trong người các vật nguy hiểm bị cấm mang trong buổi sáng, và do ném các thứ vào lực lượng an ninh, và làm loạn, trong buổi chiều. Công tố đã tiến hành 10 vụ bắt giữ hình sự”.

Một blogger Bỉ, François Mathieu, hôm 28-11, ta thán: “Sau huy chương đồng, giờ là bạc: nước Bỉ lên một hạng trong bảng xếp hạng áp lực thuế ở châu Âu. Chỉ ở Pháp mới có tổng thuế và đóng góp an sinh xã hội, tính trên GDP, cao hơn ở Bỉ, theo Cơ quan thống kê châu Âu Eurostat...

Tỉ lệ thu thuế/GDP năm 2017 ở Bỉ là 47,3%, so với 46,7% năm 2016. Ở Pháp, tỉ lệ này lên đến 48,4%... Bình quân toàn EU là 40,2% năm 2017, so với 39,9% năm 2016.

Có thể thấy ở Bỉ, việc trấn áp là rất thẳng tay: tỉ lệ người bị tạm giữ, 450 người cho một dân số 11 triệu, là rất cao, tức tạm giữ 40 người/1 triệu người, nhiều gấp đôi so với ở Pháp, tạm giữ cũng hôm đó 1.385 người trên một dân số 67 triệu người”.

Từ Bỉ, “gilê vàng” lan qua tới Hà Lan hôm 1-12. Theo tờ Le Figaro, khoảng 120 người đã biểu tình tại La Haye. Theo báo Hà Lan NL Times, khoảng 50 người khác chặn xa lộ A2 ở Maastrich. Người đứng ra tổ chức ở xa lộ A2 cũng như ba người cầm đầu ở La Haye đã bị bắt giữ.

Tuần trước nữa ở Amsterdam, Rotterdam và La Haye, người biểu tình, theo tiếng gọi của các nhóm cực hữu, đã lên tiếng đòi Thủ tướng Mark Rutte từ chức. Theo Le Figaro, phong trào ngày càng lớn rộng: từ khoảng 2.000 người hôm 1-12, tới ngày 8-12 đã là 12.000 người. Ở Bulgaria, Serbia... cũng đã có những vụ xuống đường tương tự.

Ông Macron tới thăm khu vực Khải Hoàn Môn sau khi biểu tình kết thúc (ảnh ngày 2-12). Ảnh: AFP
Ông Macron tới thăm khu vực Khải Hoàn Môn sau khi biểu tình kết thúc (ảnh ngày 2-12). Ảnh: AFP

 

Những tâm tư dồn nén

Sang đến Đức, phe “gilê vàng” đưa ra những yêu sách khác, chính trị hơn. Hôm 1-12, theo báo Le Monde, ba phong trào cực hữu đã phát động “cuộc tập hợp gilê vàng” bên ngoài cổng Brandenburg ở trung tâm Berlin.

Ba tổ chức đứng sau cuộc biểu tình là Pegida, với khẩu hiệu “chống lại Hồi giáo ở phương Tây”; nhóm chống nhập cư Zukunft Heimat (Quê hương tương lai); và nhóm chống Thủ tướng Angela Merkel Merkel-muss-weg-Mittwoch (Merkel cút đi vào thứ tư). Khoảng 1.000 người biểu tình đã xuống đường. Một cuộc tụ họp tương tự cũng diễn ra ở Munich.

Lý do biểu tình ở Đức không liên quan gì đến giá nhiên liệu, mà là bởi hiệp ước “di cư an toàn, trật tự và thường xuyên”, còn gọi là hiệp ước Marakech. Văn bản không ràng buộc này, cũng bị phe cực hữu Pháp tố cáo, đã được Quốc hội Đức phê duyệt 24 giờ trước đó, theo Le Monde.

Một người biểu tình ở Đức nói trên Le Monde: “Cuộc chiến của chúng tôi tương tự như “gilê vàng” của Pháp. Ở Pháp, họ muốn (Tổng thống Pháp Emmanuel) Macron từ chức, còn ở đây chúng tôi muốn thoát khỏi Merkel. Nhưng về cơ bản, mục tiêu của chúng tôi là như nhau: trả lại quyền lực cho các dân tộc châu Âu, chấm dứt các chính sách bất ổn trao quyền cho người nước ngoài, biến người dân châu Âu chính gốc thành các công dân hạng hai”.

Cũng đã có suy đoán về việc có kẻ đứng đằng sau giật dây. Trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian cáo giác bàn tay của Nga, thì báo chí Nga lại đổ cho Tổng thống Mỹ Donald Trump với lý do ông Macron đòi thành lập quân đội châu Âu.

Căn cứ “Hiến chương chính thức” nêu ở trên thì quả thật có cảm giác đang xảy ra “diễn biến hòa bình” tại Tây Âu. Chẳng hạn, đề xuất đòi viết lại hiến pháp để việc trưng cầu ý dân diễn ra dễ dàng hơn (điều 7); thực hiện Frexit: đưa Pháp rời EU, lấy lại chủ quyền chính trị, tài chính và kinh tế, khôi phục đồng tiền quốc gia (9); đưa Pháp rút khỏi NATO và cấm sử dụng quân đội Pháp trong các cuộc chiến tranh xâm lược (22); ngăn chặn chính sách cướp bóc cũng như can thiệp chính trị và quân sự ở châu Phi (23)...

Kết quả, hay hậu quả, của việc thực thi chừng đó cải cách sẽ là một nước Pháp “tiểu quốc” và vô hại. Cùng với việc bà Merkel được dự báo sớm rời chính trường Đức, thậm chí là trước khi hết nhiệm kỳ vào năm 2021, coi như EU tan rã, NATO tan rã, quân đội châu Âu trong mơ của ông Macron chết từ khi chưa là phôi thai!

Nhưng ngoài khía cạnh chính trị, còn phải thấy cả khía cạnh kinh tế - xã hội của những cuộc tuần hành: bất mãn trong dân chúng là có thật. Nỗi lo đến từ cảm giác bất an trong cuộc khủng hoảng người tị nạn kéo dài, bất ổn kinh tế và rối loạn bản sắc quốc gia, dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quá sâu ở EU, dẫn đến các chính phủ phải chấp nhận sự ràng buộc về ngân sách, thuế, các chính sách thắt lưng buộc bụng... mặc cho dân tình cam chịu.

Những tâm tư dồn nén lâu ngày nay bùng nổ dưới dạng đạp đổ tất cả, không cần biết đi đến đâu, chỉ cần biết các ông Macron, Michel, Rutte, hay bà Merkel này phải từ chức cái đã!

Công bằng xã hội còn là không tạo thiên đường thuế khóa cho một dúm người. Giáo sư Piketty giải thích rằng hằng năm khi người dân khai thuế thu nhập, tất cả vã mồ hôi khai thu - chi cho đúng, đủ, kẻo “chết” với sở thuế, song trước kia khi còn thuế tài sản thì các đại gia, qua trung gian ngân hàng, chỉ khai “khơi khơi”, sở thuế chẳng nói gì, cứ trên cơ sở tin tưởng mà làm bằng!

Một bình luận sau khi xem phỏng vấn này: “100 tỉ euro gian lận thuế cộng với 150 tỉ “biếu không” cho những triều đại tài chính khốn kiếp cần sớm được thu hồi”. Có thể hiểu đó là kết quả tất yếu của chính sách ưu đãi các doanh nhân “đầu tàu”.

Chiếc bẫy quyền lực

Tất cả cùng bất mãn ông tổng thống, bà thủ tướng không nghe thấy người dân, không cảm thấy nỗi khổ của người dân thấp cổ bé họng. Sự bất mãn này kết tinh đầu tiên nơi cá nhân ông Macron.

Đầu tiên, ông quên rằng ông phải cầm quyền cho, với, và vì cả nước Pháp, chứ không chỉ phân nửa đã bầu ông. Một cuộc thăm dò của Viện Elabe, được thông tấn xã Pháp AFP trích dẫn, cho thấy có rất ít người “gilê vàng” bỏ phiếu cho ông Macron trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua: chỉ 5%, trong khi đến 36% bầu cho bà Le Pen ở vòng đầu tiên và 28% cho ông Mélenchon ở vòng hai.

AFP dẫn lời bà Flore Santisteban, chuyên gia về các phong trào xã hội, giảng viên Trường Khoa học chính trị Science Po, bình luận rằng “ông Macron luôn tạo ra cảm giác cao ngạo một cách có hệ thống với người dân Pháp, tự mình đổ dầu vào lửa.

Qua đó, kết tinh thành thù hận. Và giờ đây thù hận biến thành thịnh nộ”. Có thể thấy bên cạnh những uất ức về đời sống, dân chúng còn hận thái độ “kẻ cả” của ông tổng thống, như một biểu hiện của quan hệ người cai trị - kẻ bị trị (gouvernants/gouvernés). Chính ông Macron tối 10-12 đã phải thừa nhận: “Tôi cũng biết rằng có lúc tôi đã làm tổn thương một số người bằng những lời nói của tôi”.

Thái độ đó dẫn đến những khoảng cách mà ông Macron nay mới nhận ra, khi ông nói “có những cặp vợ chồng làm công ăn lương sáng thức dậy sớm tối khuya mới về vì chỗ làm xa, mà vẫn không tài nào đủ ăn tới cuối tháng”, “những người mẹ đơn thân, góa bụa hay ly dị, không có phương tiện đem gửi con ở nhà trẻ và cải thiện những ngày cuối tháng”...

Liệu 100 euro mà nay ông mới hứa sẽ “ban cho” những người lĩnh lương tối thiểu - khoảng 1,65 triệu người (số liệu năm 2017) có thu nhập chưa tới 1.500 euro/tháng - kể từ 1-1-2019 đã là câu trả lời cho đại đa số dân lao động Pháp đông đến 10 triệu người chưa?

Chừng đó, cộng với việc thôi đánh thuế thu nhập lên giờ làm phụ trội, có đủ để ông đảm bảo “một nước Pháp mà người ta có thể sống một cách xứng đáng với công việc làm của mình”? Ông cũng hứa hẹn “chính phủ và quốc hội sẽ còn phải làm nhiều hơn để chấm dứt tình trạng lợi ích nhóm và trốn thuế. Nhà lãnh đạo của một công ty Pháp phải đóng thuế ở Pháp, các công ty lớn tạo ra lợi nhuận ở đây phải đóng thuế, đó là công lý đơn giản”.

Ngay cả thực thi được, đó cũng chỉ là những cải cách nhỏ giọt, và bây giờ thì đã muộn. Những lời hứa của ông Macron may mắn lắm sẽ làm hạ hỏa đôi chút, bằng không thì, theo lời một cựu chức Pháp từng công tác ở Việt Nam chua chát với người viết: “Tôi không biết liệu đây có phải là một cuộc khủng hoảng chế độ không, liệu chúng tôi có chuyển sang một nền cộng hòa mới không, song điều tôi nhìn và cảm nhận thấy là một sự đứt gãy ghê gớm và việc không hề hiểu nhau giữa người dân với giới tinh hoa”. ■

Công bằng xã hội trong thời đại mới

Ngay giữa cuộc khủng hoảng “gilê vàng”, nhà kinh tế học tầm cỡ hàng thế giới của Pháp Thomas Piketty, nổi tiếng với các công trình về thuế, hôm 10-12 đã công bố độc quyền trên đài France Inter “Tuyên ngôn về việc dân chủ hóa châu Âu”, với chữ ký của cả trăm nhà trí thức, kinh tế gia và nghị sĩ châu Âu.

Piketty chủ trương ra khỏi cơ chế EU hiện nay gồm đến 27 nước, chỉ giữ lại một số ít nước thành viên để có thể hài hòa hơn về mặt xã hội và thuế khóa. Theo ông, “tuyên ngôn này trước hết là tuyên ngôn của công bằng thuế khóa và xã hội”.

Công bằng xã hội ngày nay là gì? Ông lấy chính trường hợp ông Macron làm ví dụ: “Thật hiếm thấy một chính phủ lại công khai tạo cơ hội cho một số người kiếm tiền, trong khi lại không dành cơ hội đó cho những người khác. Thường thì người ta kín đáo hơn…”.

Trong tình hình cụ thể trước mắt ở Pháp, bài toán lớn là chính sách năng lượng. Piketty nói: “Macron nên tái lập thuế ISF đánh trên tài sản lớn, lấy tiền đó dành cho chương trình cải cách chính sách năng lượng”.

Chính sách này, theo Piketty, không chỉ là chuyện tăng thuế xăng, mà còn là câu hỏi hiện sinh dành cho Macron: Điều gì là quan trọng nhất đối với ông, chủ thuyết vị làm giàu đã lỗi thời hay hướng đến một thời đại cầm quyền mới: ưu tiên đối phó biến đổi khí hậu, chủ nghĩa tư bản vị xã hội, công bằng hơn? “Macron hãy là một tổng thống của thập niên 2020, chứ đừng là của thập niên 1990” - Piketty răn bảo.

Ý ông muốn nhắc cậu sinh viên cũ ở trường quốc gia hành chính là những năm 1990, các chính phủ phương Tây thường nói đến “làm giàu” và thúc đẩy những nhà tư bản “đầu tàu”, dành nhiều ưu đãi cho họ, với hi vọng cũ kỹ “tiền bạc sẽ chảy dần từ đỉnh xuống đáy” (lý thuyết trickle-down), để rồi người giàu càng giàu, còn người nghèo thì thấy thân phận mình ngày một khốn cùng.

Theo Piketty, thuế ISF có thể thu về 10 tỉ euro để hỗ trợ những người lao động ngày ngày phải đổ xăng đi làm, dù Tổng thống Macron không muốn.

“Tôi biết một số người, trong bối cảnh này, muốn tôi quay trở lại với cải cách thuế tài sản (ISF)…, song phải chăng chúng ta đang sống tốt hơn mà không có thuế đó? Những người giàu nhất bỏ nước mà đi và đất nước chúng ta suy yếu. Thuế này đã được loại bỏ cho những ai đầu tư vào nền kinh tế của chúng ta và qua đó giúp tạo ra việc làm” - ông Macron nói ngày 10-12.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận