TTCT - Châu Diên (bút danh dành cho văn chương, để phân biệt với chuyên gia nghiên cứu giáo dục Phạm Toàn) quen biết Đới Tư Kiệt năm 2004 trong một cuộc gặp gỡ tình cờ tại Hà Nội, có cả Dương Tường, Hồ Anh Thái... Phóng to Dịch giả Châu DiênTTCT - Châu Diên (bút danh dành cho văn chương, để phân biệt với chuyên gia nghiên cứu giáo dục Phạm Toàn) quen biết Đới Tư Kiệt năm 2004 trong một cuộc gặp gỡ tình cờ tại Hà Nội, có cả Dương Tường, Hồ Anh Thái... Đới Tư Kiệt, nhà văn và đạo diễn Pháp gốc Hoa quen thuộc với độc giả (văn học) và khán giả (điện ảnh) VN với Balzac và cô thợ may Trung Hoa, một tác phẩm trong trẻo, tươi tắn dù buồn man mác trên nền cái bối cảnh vốn được coi là “ấu trĩ và man rợ” trong lịch sử Trung Quốc: Cách mạng văn hóa. Nhưng với Mặc cảm của Đ., sự trong trẻo và tươi sáng đó dường như biến mất, thay vào đó là một giọng văn giễu cợt, chua cay và trần trụi về một bối cảnh “lạc hậu trong sự phát triển” của một Trung Hoa gần đây. Ông thấy thế nào về sự khác biệt giữa hai tác phẩm này? - Châu Diên: Trong cả hai tiểu thuyết và trong những phim ông đã hoàn thành, tôi thấy ở Đới Tư Kiệt một con người giàu lòng yêu nước theo cái cách riêng của mình. Lòng yêu nước ở cả tiểu thuyết và phim trĩu nặng mối lo cho sự phát triển không có chất lượng của tổ quốc. Một sự phát triển như chạy đua, phát triển vì phát triển, tất yếu dẫn đến khủng hoảng. Thì nhỡn tiền đã thấy rồi: báo chí vừa mới nói tùm lum về những nô lệ làm việc ở lò gạch của các con quan và của bọn giàu nổi. Đâu có phải chỉ có “chủ nghĩa tư bản man rợ” mới... man rợ? Bất cứ ở đâu, khi có bọn người mạnh quyền và hám tiền, ở đó tất yếu có cuộc sống man rợ. Trong Mặc cảm của Đ., sự lạc hậu hiện rõ ngay ở những người... tiên tiến. Cái nguy hiểm nhất là những kẻ lạc hậu không biết rằng mình lạc hậu. Đới Tư Kiệt đau lòng vì sự huênh hoang của những kẻ như thế. Giọng giễu cợt chính là giọng của kẻ muốn khóc. Phóng to Nhà văn Đới Tư Kiệt* Trong cuộc phỏng vấn trước đây với tôi, Đới Tư Kiệt có nói là “Mặc cảm của Đ. nói đến những vấn đề bao trùm và phức tạp hơn mà tác phẩm đầu tay chưa nói hết được”. Theo ông, cái “bao trùm và phức tạp” đó là gì? - Một nước Trung Hoa đương đại bị bắt buộc phải tiến lên. Đới Tư Kiệt ở Pháp đã lâu đủ để hiểu thành ngữ Pháp fuite en avant, tiến lên theo cung cách tháo chạy về phía trước! Không tiến lên cũng chết. Mà tiến lên cũng chết. Chết vì không giải quyết nổi sự “khập khiễng” giữa trình độ con người với tham vọng cũng của những con người ấy. Vì sự “lệch pha” giữa yêu cầu của thời đại và trình độ của những kẻ luôn luôn tự vỗ ngực mình đứng đầu thiên hạ. Đó là một lời cảnh báo ghê gớm của một nhà văn hiền hòa, thấy nhà cháy và có người còn trong nhà mà “lực bất tòng tâm”, chỉ biết khóc than cho thân phận của cả một dân tộc mà mình yêu dấu. * Mặc cảm của Đ. (Le complexe de Di) dường như là một cách chơi chữ của Đới Tư Kiệt trong sự liên hệ với Le complexe d’OEdipe đầy ám ảnh tính dục theo công trình nghiên cứu của Freud. Phần nào lại gợi nhớ đến nhân vật AQ của Lỗ Tấn khi đề cập sự lạc hậu của Trung Hoa trong sự phát triển như vũ bão gần đây, và cũng như ông đã viết trong lời giới thiệu: “Ngay cả những phần tử có thể được gọi là tinh hoa nơi quê hương thì cũng là những kẻ lạc hậu, vênh vang đến bao nhiêu cũng vẫn lòi cái đuôi lạc hậu”. Ông có nhận xét gì về hai sự liên tưởng này? - Tôi có ý nghĩ khác về Mặc cảm d’OEdipe. Trong câu chuyện về cái kiểu mặc cảm này, chúng ta hay quên chi tiết OEdipe tự chọc mù mắt mình. Tại sao lại tự chọc mù mắt mình? Vì OEdipe nhìn thấy quá rõ chân tướng của nhiều điều trong cuộc đời khó hiểu này. Khi mù thì hết u mê. Khi u mê thì chưa mù hoặc không mù. Tình trạng đó hệt như của cái đám đông đồng bào của Đới Tư Kiệt (các tầng lớp, không riêng một tầng lớp “bên dưới” nào), họ u mê quá đỗi. Hãy đọc cuốn tiểu thuyết này và xem có ai là không u mê? Tác giả dùng nhân vật Mặc, một chuyên gia về phân tâm học, một người thấu thị những mặc cảm của nhân dân mình, một người muốn làm một cuộc phân tích, mổ xẻ, nhưng lại thương hại, ngộ nhỡ những con người hiền hòa ấy khi bừng hiểu mọi điều, họ sẽ tự chọc mù mắt mình! * Nhân vật chính của truyện, Mặc - nhà phân tâm học được đào tạo ở Pháp, kẻ hâm mộ Freud và Lacan vô điều kiện - khi về Trung Quốc để cứu cô bạn gái đang ở tù, anh ta buộc phải đi tìm gái trinh để dâng lên quan tòa Đ.. Cuốn tiểu thuyết kể về cuộc hành trình khốn nạn này của Mặc cho đến tận dòng cuối cùng. Và cũng nhờ thế mà: “Nếu quan tòa Đ. không tìm kiếm một cô gái trinh, hẳn là Mặc vẫn cứ còn trinh nguyên, cả đời chỉ biết thủ dâm trí tuệ bằng những cuốn sách phân tâm học bản in tiếng Pháp”. Cuốn tiểu thuyết trở thành cuộc chạy đua song hành của hai nhân vật chính này, đối đầu nhưng tác động lẫn nhau... Thông điệp của tiểu thuyết có phải nằm ở đây? - Nhà báo đã phân tích rồi, còn hỏi tôi làm gì nữa? Chúng ta hãy dành phần cho bạn đọc! Bạn đọc sẽ thâm nhập vào nhân vật Mặc rồi sẽ cùng anh chàng dễ thương này “thâm nhập thực tế” nước Trung Hoa hiện đại đang kiến thiết đất nước theo một định hướng riêng. Và bạn đọc sẽ rút ra những kết luận riêng. * Làm việc từng câu từng chữ của văn bản này, ông có ấn tượng gì với phong cách ngôn ngữ và tư tưởng của Đới Tư Kiệt? - Khi Đới Tư Kiệt viết văn bằng tiếng Pháp, sự tiếp xúc văn hóa châu Âu khiến văn ông sáng sủa lên, bớt đi lối thâm trầm kiểu “Tôtem sói” chẳng hạn, giọng điệu có vẻ “khách quan” hơn, có vẻ dửng dưng hơn. Nhưng trước sau gì thì tư chất nhà văn chân chính vẫn nổi trội: một nỗi đau khó diễn đạt hết. Vì thế, sau Mặc cảm của Đ. sẽ là một cuốn tiểu thuyết mà tác giả đã nhăm nhe muốn bạn đọc VN chia sẻ rồi đấy! * Tác phẩm này không khó tiếp cận về bề mặt ngôn ngữ văn chương nhưng không dễ để hiểu hết những hàm ngôn của nó, ông có thể giải mã những tầng ngầm mà Đới Tư Kiệt gửi gắm trong tiểu thuyết này? - Tác phẩm này viết vẻ như rất giản dị, nhưng không vì thế mà giản dị nghĩa là dễ dàng hoặc dễ dãi. Một nụ cười mỉm của tác giả, một cái nhăn mặt khẽ của tác giả, dù là giản dị, nhưng đâu có dễ dãi? * Mặc cảm của Đ. từng đoạt giải Femina và lọt vào vòng chung kết của giải Goncourt 2003. Đới Tư Kiệt cũng được đánh giá là nhà văn gốc Hoa thành công chỉ sau nhà văn đoạt giải Nobel Cao Hành Kiện. Ông có nhận định gì về dòng văn học lưu vong Trung Quốc, với những đại diện tiêu biểu như Cao Hành Kiện, Đới Tư Kiệt, Cáp Kim...? - Tôi không phải là chuyên gia văn học Trung Hoa. Tôi chỉ thấy một điều là các nhà văn Trung Hoa hiện đại, dù là viết theo lối “nền văn học vết sẹo” (mảng văn chương tố cáo, khá đông), dù là viết theo lối “tượng trưng” (kiểu Sơn Táp), hoặc là viết theo lối “đập phá” (nhiều...), nói chung đều thấy được ở họ một tấm lòng. Năm chục năm trước đây cả nước Trung Hoa chỉ có một ông Mặt Trời to viết hoa, bây giờ mỗi trái tim nhà văn là một vầng mặt trời bé nhỏ, dễ thương, phập phồng tiếng chim, và riêng ở Đới Tư Kiệt là sự phập phồng hơi thở cánh rừng trúc bí ẩn có con gấu panda khó hiểu và có ông già đi quan sát phân gấu lầm lì như một nhà triết học. Mỗi tấm lòng đều giống nhau nhưng lại có một cách biểu đạt riêng. Tôi kính phục nền văn học đó. * Ông từng tiếp xúc nhiều lần với Đới Tư Kiệt, và từng được ông ta mời đóng vai nhà sư trong bộ phim Hai cô con gái của ông chủ vườn thảo dược, con người ngoài đời của Đới Tư Kiệt như thế nào? - Một con người dịu hiền trong tính cách, kiên quyết khi đạo diễn phim, sống lẳng lặng giữa đám đông bè bạn. Tôi quí trọng ông ấy. Phóng toCâu chuyện Mặc cảm của Đ. kể về nhân vật tên là Mặc, một nhà nghiên cứu phân tâm học từ Pháp trở về Trung Hoa tìm cách cứu cô bạn gái khỏi tù tội và rất có thể còn phải cứu cô bạn đó khỏi cái án tử hình nữa. Qua cuộc phiêu lưu đó, bạn đọc sẽ chứng kiến và sẽ bị ám ảnh vì tính chất lạc hậu của cái khối người dân Trung Hoa qua ngòi bút của Đới Tư Kiệt dù chỉ qua một chi tiết xuyên suốt tác phẩm là công việc đi tìm gái trinh dâng lên ông quan tòa chánh án tên là Đ.. Đó là những chuyện cười ra nước mắt hoặc là những chuyện bi thảm đến nực cười đang diễn ra trên cái xứ sở mênh mông này. Tại Trung Hoa, mấy chục năm nay đã nở rộ những tác phẩm “lên sẹo”, mà ở Việt Nam cũng đã dịch và xuất bản như: Hồi ký Hán Tuyết Anh, Xuân Nguyệt, Hoa đỗ quyên đỏ, Một nửa đàn ông là đàn bà, Báu vật của đời, Cây không lặng gió, và nhất là Balzac và cô thợ may Trung Hoa... Tác phẩm của Đới Tư Kiệt không bao giờ mang vẻ hằn học, báo thù. Nó chỉ buồn thôi. Buồn ghê gớm... Trích đoạn sau nằm trong chương 4, phần 3 của tiểu thuyết. Mặc đã tìm được Tiểu Lộ, cô gái trinh, để mang về Thành Đô dâng lên quan tòa Đ.. Nhưng trên chuyến đi xảy ra ẩu đả, Tiểu Lộ bị gãy chân. Không thể đợi bệnh viện băng bó vết thương vì quá hạn thời gian, Mặc tìm đến lão Quan Sát Viên phân gấu panda, hi vọng được ông già cựu tù nhân này chữa nhanh hơn bằng phương pháp thảo dược... Lão quan sát viên già Một tấm phim chụp X-quang lạo xạo trong bàn tay một người đàn ông có biệt hiệu Quan Sát Viên, được lão giơ lên coi qua làn ánh sáng trời. Cái bàn tay hoang dại, da thẫm màu, sù sì, sần sùi, sứt sẹo, gầy khẳng khiu nhìn thấy cả xương, ngón tay biến dạng, vặn vẹo như rễ cây, móng tay dày, thô kệch (dùng liềm để cắt móng tay?), màu tro, dính đất (hay phân?), cái bàn tay vùi trong những kẽ đất nứt. Một vài vết sáng hiện ra qua những chấm trắng do xương của Tiểu Lộ để lại trên tấm phim âm bản làm cho bóng tối trên gương mặt lão Quan Sát Viên già tan đi. Đôi mắt của Mặc chăm chú bao vây chặt những nét nhăn trên mặt lão, những vết hằn sâu như thung lũng, những chỗ trũng khủng khiếp của tuổi già, bộ ria trắng lưa thưa của lão, cặp môi mỏng và cái mũi tẹt. Mặc săn đón từng cử động nhỏ nhặt của các cơ trên gương mặt lão, săn đón một biểu cảm, một ánh lên từ đôi mắt. Cả hai người cùng ngồi trên một thân cây, trong đám bùn mới khô, trước ngôi nhà làm trong rừng của lão già, ngôi nhà vắt vẻo trên núi cao hai nghìn mét, tách xa hẳn khỏi con lộ chính, trong một khoảng rừng thưa xung quanh là những cây tre khổng lồ. Bên trên cái cửa có hai cánh là một tấm ván sơn trắng trên đó viết: “Trạm quan sát phân gấu panda Rừng Tre”. Ông già sống với cỏ cây hoa lá tiếp tục quan sát tấm phim với cặp mắt vô hồn, gần như là đã thành đần độn. Tấm phim X-quang của một cô gái, một ngôi sao vũ đạo tương lai, mà theo lời người cha đỡ đầu, trong vòng mười hôm nữa cô ta phải tham gia một cuộc thi múa balê toàn quốc, tấm phim đang loạt soạt bay trong gió. Lá tre lao xao rì rào xung quanh họ. Gương mặt của Mặc sa sầm xuống khi thấy ông già lại cầm tấm phim ngược. Một sự phát hiện đau lòng. Mặc giằng tấm phim khỏi tay ông già, đặt lại cho đúng chiều và lấy ngón tay chỉ vào đoạn đầu của khúc xương bắp chân. Vẫn với cái nhìn vô hồn, ông già xem xét lại lần nữa, chẳng lộ ra một biểu cảm gì đặc biệt, tựa hồ như ông chẳng thấy vừa rồi xảy ra chuyện gì khác lạ. - Ông gọi tên cái xương gãy làm đôi này là gì? - Mặc hỏi và giật mình vì đã liều mạng đặt câu hỏi như vậy. - Không biết. - Ông làm ơn đừng làm tôi phải sốt ruột chờ đợi nữa đi. Tôi ngồi mười lăm giờ đồng hồ xe khách để đến đây. Ông không biết tên gọi “bắp chân” là gì hả? - Không. - Một trong những người trước đây cùng ngồi tù với ông, mang số 96 137, nói rằng cách đây mười năm ông đắp lá nối liền cái bắp chân anh ta bị gãy khi làm việc ở nhà in của trại giam. - Không nhớ nữa. - 96 137, ông không nhớ gì cả sao? Một anh tù chung thân. Khi đó ông đặt điều kiện cho công việc chữa chạy: gia đình anh ta phải trả tiền học hành cho con gái ông vẫn còn sống ở nước ông với mẹ nó. - Chẳng còn nhớ gì hết. Mưa như trút khi Mặc từ biệt lão Quan Sát Viên phân gấu panda rồi đi xuôi ra con đường tỉnh lộ nơi đó một ngày có hai chuyến xe khách chạy ngang. Anh trú mưa dưới một hốc đá. Thế rồi, vì trời đã muộn và vì người anh ướt sũng cả, anh quyết định ngủ đêm tại nhà ngủ tập thể của những công nhân chưa vợ một xí nghiệp làm đồ dùng gia đình bằng tre. Cái xí nghiệp kiểu Trung thế kỷ này không xa nhà của lão Quan Sát Viên phân gấu panda bao xa, và ai ai ở đây cũng biết lão, cái ông hàng xóm cô đơn, lầm lì, bị quá khứ nghiền nát, bị kết án năm năm tù ngồi vì đã dám bí mật vượt biên giới đất nước. Nghe nói là lão định vượt biên sang Hồng Kông sau sự kiện đàn áp sinh viên năm 1989. (Lão bơi suốt một đêm trên biển. Lão nhìn thấy ánh đèn Hồng Kông rồi. Nhưng lão không đến nơi được). Theo lời những công nhân, công việc của lão là đi quanh khu rừng nơi đây còn sót lại con gấu panda duy nhất của cả vùng, và là một trong một nghìn con của cả thế giới. Con vật lại còn cô đơn hơn lão nữa, nó không bao giờ ló mặt ra. Lão phải đi nhặt phân nó ị ra rồi gửi về các cơ quan chức năng phân tích và quyết định xem phải cho nó ăn thêm loại thức ăn gì hoặc phải cho nó thuốc thang gì. Mưa đã ngớt, nhưng những giọt nước vẫn còn nhỏ từ cây và từ những tấm tôn uốn xuống. Phía sau nhà ngủ, một con suối chảy rào rào. Bên trong nhà ngủ, công nhân chơi bài, những ngọn đèn dầu bập bùng, khói mù mịt đến ngạt thở. Mặc đổ nước vào một ấm đun bằng đồng méo mó, đặt trên cái bếp lò đào xuống nền nhà. Lửa tí tách. Anh bó gối ngồi ngủ gà gật trên một ghế băng bằng gỗ cạnh cái ấm đun nước đang reo. Anh có một giấc mơ, trong giấc mơ anh nghe tiếng gọi “Bối Lặc”, một cái tên rất cổ với hai âm tiết nổ vang, khi đó anh đang trong một lâu đài hoành tráng (Cấm Thành, hay là tòa nhà tư pháp tỉnh Thành Đô?) ở trên ngai có hoàng đế mặc áo vàng và triều đình đang có cuộc nghị hội buổi sáng có các tể tướng, tướng soái và những đình thần khác. Bối Lặc là người am hiểu nhất về ngựa của đất nước. Khi đến tuổi về hưu, Bối Lặc giới thiệu với hoàng đế một người họ Mã tên là gì đó để thay chân mình. - Tâu hoàng thượng, ông Mã này là người tuyệt vời - Bối Lặc nói - Ông ấy hiểu về ngựa còn hơn cả hạ thần. Không ai hơn được ông Mã để thay chân hạ thần. Nhà vua tò mò cho gọi người họ Mã kia đến kinh đô, ra lệnh cho ông này đến chuồng ngựa của nhà vua và chọn trong hàng trăm hàng nghìn con ngựa lấy ra một con tốt nhất cho nhà vua cưỡi. Hoàng đế là một bạo chúa hung ác, khó chiều và tính nết thay đổi chẳng ai dự đoán nổi. Với ông họ Mã này (những đường nét, con người và cung cách ăn mặc của ông ta hết sức giống với lão Quan Sát Viên phân gấu panda), chỉ một sai lầm cỏn con sẽ là chết người. Ông ta đến chuồng ngựa, xem xét ngựa và không ngần ngừ chút gì chọn luôn một con. Khi đem ngựa do ông chọn cho nhà vua coi, vua và cả triều đình phá lên cười: con ngựa không những thiếu hẳn cái bờm trắng dấu hiệu căn bản cho thấy đó là ngựa nòi và thuần chủng, mà đó còn là một con ngựa cái yếu ớt bé nhỏ, âu sầu và xấu xí. Nhà vua cho gọi Bối Lặc lại và bảo: - Sao ngươi lại cả gan đánh lừa một người quyền uy nhất đất nước như vậy? Tội của ngươi đáng chết vì đã tiến cử cho ta một kẻ thậm chí không phân biệt nổi ngựa đực với ngựa cái. Trước khi bị xử, ông già Bối Lặc xin nhà vua cho coi con ngựa do ông Mã chọn. Khi thấy con ngựa cái, ông ta thở dài não nuột. - Ông Mã thật sự thiên tài. Kẻ hạ thần không đáng gót chân ông - Bối Lặc nói với nhà vua. Quả thật, hai năm sau, khi tên bạo chúa đã bị giết trong một cuộc nổi loạn của dân, con ngựa cái kia về tay người kế vị, và nó tỏ ra là con ngựa chạy nhanh nhất trong cả nước, mỗi ngày chạy được một nghìn dặm, hệt như con thiên lý mã có cánh trong truyền thuyết. Mặc tỉnh giấc đúng lúc anh thấy vị hoàng đế chẳng là ai khác mà chính là quan tòa Đ., còn Bối Lặc là chàng rể của thị trưởng, và Mã - kẻ am hiểu về ngựa mọi thời đại - chính là lão Quan Sát Viên phân gấu panda. Vị hoàng đế mới, giữa đám cận vệ mặc áo giáp, khi đã bỏ rơi bộ râu giả đi, chính là Mặc; con ngựa có cánh nấp trong thân xác con ngựa cái, hóa ra là tấm phim X-quang chụp cái xương bắp chân bị gãy. “Nếu như với ông Mã thì vẻ bề ngoài không có chút gì quan trọng, Mặc tự đặt câu hỏi, thì tại sao lão Quan Sát Viên phân gấu panda lại cố tình cầm ngược tấm phim chụp cái xương gãy? Đến sáng sớm, Mặc đi ngược lại con đường lên trạm quan sát phân gấu panda. Lão già, với chiếc gùi trên lưng, đã chuẩn bị một ngày đi tua trong rừng. - Cháu đi với cụ được không? Một dịp cho cháu thấy gấu panda ở trạng thái tự nhiên hoang dã, chứ không phải là nuôi nhốt như ở sở thú. - Để chụp những tấm ảnh ngu xuẩn? - Không. Cháu không có máy ảnh. - Báo trước cho mà biết, phí công vô ích thôi. Mặc chẳng còn nhớ anh đã đọc được câu này ở đâu: những con người hành động bao giờ cũng ít lời. Theo ý nghĩa đó, lão Quan Sát Viên phân gấu panda là một con người hành động vĩ đại. Khi nói với lão, Mặc có cảm tưởng lão muốn nhét ngón tay đút nút lỗ tai lại. Ban đầu, anh giải thích cử chỉ đó như một dấu hiệu khinh thị. Nhưng càng đi sâu vào Rừng Tre, rừng quá rậm rạp đến độ chẳng thấy bóng mặt trời, và muốn tiến lên một bước thì lão già lại phải chặt những cành cây ngáng lối, và khi đó anh càng thấy cái im lặng kia là do công việc bắt buộc. Mọi thứ gì mắt thường không nhìn thấy thì lão lắng nghe và nhìn bằng tai nghe. Tai lão to, đầy lông, thật sự tinh tường. Chợt lão dừng bước, vểnh tai, rồi lão nói là đã thấy dấu vết con gấu trong rừng thông. Hai người đi về phía đó, và sau hai chục phút đi nhanh, họ tới một cánh rừng thông, ở đó có những dấu vết con vật còn mới tinh, rõ nét trên mặt đất còn ẩm ướt và mềm dẻo, nằm giữa những lá kim màu hung hung đỏ của cây thông và những quả thông nẫu, ẩm ướt và thơm hương. Những dấu chân to bằng bàn tay với ngón cái tách xa khỏi những ngón khác và hướng sang phía khác. Trên đôi ba vết chân hằn rõ còn thấy cả vết gót chân và móng chân. - Cụ nghe thấy tiếng chân chúng từ khi còn ở bên kia dốc núi, cách đây hơn một cây số? Thấy lão già chẳng tỏ vẻ gì xúc động trước lời khen chiêm ngưỡng đó, Mặc nói tiếp: - Cháu gần như người mù, nhưng hôm nay gặp cụ và nhờ cụ mà cháu biết là mình gần như điếc. Không đáp lại, lão Quan Sát Viên cúi xuống lấy trong gùi ra một chiếc thước dây, và giống như một anh thợ may đang đo vải, lão xác định chiều dài và chiều rộng của dấu chân. Mặc phá vỡ sự im lặng: - Cụ không thích chữa bệnh giúp người vì cụ không có bằng y sĩ và vì cụ sợ trả giá rất đắt cho mỗi sai sót nhỏ nhặt. Nhưng cháu cam đoan với cụ, và cháu có thể viết lời cam đoan ra, rằng nếu cụ không ghép nối được cái xương gãy cho ngôi sao nghệ sĩ múa tương lai này thì cháu cũng không trách gì cụ cả. Như thể chẳng nghe thấy gì, lão Quan Sát Viên kéo dây thước ra và đo tỉ mỉ chiều dài giữa hai dấu chân. Những dấu chân xéo díu vào nhau, có vẻ như con vật đã chạy. Rồi lão đứng dậy và lần theo dấu chân con vật để lại trong bùn. Mặc đi sát theo lão. Nhưng lão già bước quá nhanh, như thể muốn cho Mặc lạc trong rừng để trừng phạt anh vậy. Lão bước qua nhiều khúc suối, nhảy từ tảng đá này vách đá nọ qua tảng đá vách đá kia, khéo léo, khiến Mặc thấy lão sao mà giống như bọn Lô Lô. Anh khó nhọc đi theo lão. Có lúc mất hút lão. Lão mải mê tìm dấu vết gấu panda trên mặt đất ẩm. Có khi những dấu vết chân xéo đi xéo lại lộn xộn ở một chỗ, như thể con vật bị quấy nhiễu vì đói hoặc vì điều gì khác, nó lúng túng quanh quẩn một nơi, hoặc giả nó định chơi khăm lão già bằng cách tạo ra những dấu chân giả. Có thể con gấu đã chọc giận lão Quan Sát Viên già, kẻ cặp đôi duy nhất với nó, bằng cách để lại những dấu chân tạo thành ngã ba, tạo ra những dấu vết đi lộn ngược bất chợt, đi quanh dấu vết đã đi để nhạo báng lão, những bước chân đi lạc, những dấu chân gia tăng gấp bội, rồi chúng mất hút đi bên bờ một thác nước. Sau rồi Mặc cũng đuổi kịp lão dưới một gốc cây. Hình như lão đang nghiền ngẫm chuyện gì đó. Một cây phong không có gì đặc biệt. Bình thường. Xung quanh là những dây leo bị phá nát, những lá cây bị xéo. Vỏ bạc và nhẵn phía dưới thân cây phong bị cào xước, tróc vỏ, đôi chỗ bị bóc đi. Ngửi thấy được mùi vị nó như mùi thơm của hoa hồi. - Cụ định cho cháu lạc rừng nhưng đâu có dễ - Mặc nói trong tiếng thở dốc - Nhưng cụ chớ ngại. Cháu có một lời cuối cùng này để nói với cụ, sau đó cụ không thích nữa thì thôi. Không thèm nhìn Mặc, lão Quan Sát Viên già gí mũi vào sát vỏ cây phong. Cánh mũi nở ra, lão hít ngửi hương thơm hơi chua chua của nhựa cây phong. - Cháu có một điều này muốn thú nhận với riêng cụ. Anh dừng lại, im lặng, cố cưỡng lại cái ý định muốn nói bằng hết sự thật với lão già. Nói rằng việc chữa cái chân gãy này có thể làm thay đổi cuộc đời nhiều con người, trong đó có cả cuộc đời cô gái này. Song anh vẫn không nói, vì anh tin rằng hễ nhắc đến “quan tòa” là nhắc lại cho kẻ cựu tù nhân này một sự tuyệt vọng khủng khiếp, là nhắc lại cái tra khảo, là sắt, lửa và máu. - Mười năm nay cháu nghiên cứu khoa phân tâm học ở bên nước Pháp - anh nói tiếp - Cháu mặc cả với cụ điều này: trong vòng mười ngày, nếu cụ làm cho cái chân gãy của cô gái kia liền lại, cháu sẽ dạy cụ tất tần tật từ A đến Z cái khoa học mới mẻ làm đảo lộn thế giới loài người đó. Lần đầu tiên thấy lão quay đầu lại, và hình như nhìn Mặc để ước lượng giá trị anh đàn ông này. - Một khoa học do Freud sáng lập, khoa học làm lộ diện bí ẩn của cuộc đời con người ở khắp nơi. - Bí mật gì? - Tính dục. - Nhắc lại coi. - Tính dục. Lão già phá lên cười sặc sụa. Lão cố nhịn cười, nhưng lại càng cười to, cười rung người, cười muốn vỡ tan người ra. Chút nữa thì lão ngã xuống dưới gốc cây phong. - Phải gọi cái lão Freud nhà anh lại đây - lão vừa nói vừa chỉ vào những vết xước trên thân cây phong - Cái ông Freud đó sẽ giải nghĩa vì sao con gấu panda lại cọ mình nó vào cái cây này. - Có lẽ nó đói. Freud sẽ nói với chúng ta đó là do con vật đau đớn vì tâm trạng thất vọng do thiếu thốn về vật chất. - Không phải vậy đâu, anh bạn ơi. Con gấu panda đúng là đang muốn vặt cái con c. của nó đi cho rảnh. Sững sờ, gần như là thán phục, Mặc đứng như trời trồng trước cái bằng chứng về hiện tượng tự thiến, một khái niệm phân tâm học mà anh đã đọc được trong sách. Mặt trời rọi xuống tạo ra những mảng lốm đốm da báo lên cái thân cây lặng lẽ, rạng rỡ, quyến rũ. Mặc cảm thấy thất vọng, như anh vẫn thường như vậy, khi nhận ra rằng cách lý giải hiện tượng của anh tỏ ra sai lạc. Anh tự trách mình về điều đó trong lúc lão Quan Sát Viên già đang đi xa dần trong con đường rừng. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, anh lại đứng trước điều ngạc nhiên nữa. Cơ man nào là bươm bướm đủ các chủng loại khác nhau, con này đẹp hơn con kia, lứa gặp lúc sau đẹp hơn lứa trước, vẫn những con bướm mà suốt từ sáng hai người bắt gặp trên đường đi song chẳng mảy may làm Mặc và lão già ngạc nhiên, thì bây giờ lão bỗng đứng sững và ra hiệu cho Mặc cũng im lặng dừng lại. Trên con đường rừng bùn lầy bốn xung quanh là tre, lão nhìn thấy một con bướm không có gì đặc sắc, bé nhỏ, đang đậu trên những bụi xa cúc đen và những bụi cúc ngải vàng, những loài cây bụi thường vẫn mọc trong nước và bùn. Với nụ cười thỏa mãn của nhà côn trùng học kiên trì mãi rồi cũng tìm thấy chủng loại đang kiếm tìm, lão già tuyên bố: - Hôm nay về sớm thôi. Trong lòng nghi hoặc, chưa biết lão già sẽ định chơi một vố gì đây, Mặc tìm cách tập trung chú ý để cư xử đúng như một đồ đệ đầy phẩm cách và thông minh của thầy Freud. Hai người lặng lẽ dõi theo con bướm xanh-đen với những vệt xám ngả trắng. Nó bay chậm, nhiều khi bay sà thấp sát những đám cỏ không tươi tốt, sát những cây nấm độc, sát những đám vỏ cây rải đầy con đường mòn trong rừng lốm đốm loang lổ ánh mặt trời, trong lớp bùn lắm khi Mặc lội ngập đến mắt cá chân. Vì cố tập trung nhìn con bướm, cuối cùng mắt anh nhòa đi không thấy nó nữa. Những đốm màu và vạch màu của nó cuối cùng hòa lẫn với những bụi dương xỉ nhe răng cắn bám vào những bộ rễ tre mọc nhô ra, vặn vẹo, xương xẩu màu trắng cùng những đám rêu màu xanh thẫm. Đột nhiên, con bướm đập cánh mạnh hơn và nhanh hơn, nó quay tròn, rồi nó lượn sà xuống, nó run rẩy, nó bỗng đẹp hơn lên, rạng rỡ hơn lên, như thể chếnh choáng say vì một chuyện gì đó. Một mùi vị ngon lành? Một làn hương giống cái? Đúng vào lúc Mặc định có một lời bình theo học thuyết Freud về đề tài này, thì anh bỗng vô cùng thất vọng thấy con bướm bay xuống một cái hố và đậu trên một đống phân. Nó được kích động, cánh nó run lên. - May ơi là may! - Lão già nói và nhảy xuống dưới hố. Lão quan sát cái tạo vật mảnh dẻ đó và dịu dàng nói với nó: - Chúc ăn ngon, con à. Bao giờ con cũng thèm phân panda. Hình ảnh khó có thể tin ấy khiến Mặc vô cùng xúc động: những đống phân của một con vật, rồi một con bướm, rồi một kẻ từng là tù nhân. Trong cái bộ ba ấy, có cái gì đó tồn tại ngoài thời gian, cái gì đó cực kỳ cao cả, hầu như vĩnh hằng. Cuộc đời anh, sách vở của anh, những cuốn từ điển, những cuốn vở ghi chép, những niềm xúc động, những nỗi lo âu bây giờ đều có vẻ như là vô tích sự và hời hợt. Cũng vô ích và hời hợt như vậy có sự phản bội một mối tình im lặng bởi con giống của anh, sự khiếp nhược của anh khi ở trên đỉnh núi của bọn Lô Lô, và thậm vô ích và thậm hời hợt là tham vọng của anh định quay trở về đất Trung Hoa đóng vai trò kẻ ra tay cứu vớt. Hơi ẩm ướt bay lượn trong rừng tạo ra ở đống phân một lớp che phủ màu nâu nhạt. Con bướm bỏ đi rồi, lão Quan Sát Viên già mang đồ nghề ra, thu vét phân gấu panda và đựng vào một túi nhựa. Mặc nhìn thấy ông ta xếp tất cả vào trong gùi. Hai người đi ngược đường về trạm quan sát. Lão già đem ra một chiếc chiếu đan bằng nan tre, trải xuống nền đất trước nhà, đem bày ra đó tất cả những đống phân thu gom được để phơi. Rồi lão vào trong nhà và đem ra những túi nhựa khác nữa đầy những phân, túi nào cũng có ghi ngày tháng. - Trong nhà ẩm lắm. Phải luôn luôn đem ra phơi - lão nói - Trung tâm mười lăm ngày một lần mới cử người đến đây thu phân về. Phân gấu panda trải trên chiếu. Lão già xếp từng đống riêng và sắp xếp theo thứ tự thời gian thu nhặt. Nom chúng vẫn còn có màu sắc, nhưng do độ ẩm ở đây nên chúng đã trở nên xốp xốp, và có thể còn thấy ở trong phân có lẫn cả lá tre chưa tiêu hóa hết. Sau khi trải phân ra phơi, lão chợt nói: - Cậu có sẵn sàng sống cả đời với một đứa gái quê không? - Cụ nói gì kia ạ? Cháu không hiểu ý cụ định nói gì. - Nếu trong hạn mười ngày mà ta làm liền được xương chân cho cô vũ công, liệu anh có bằng lòng cưới con gái ta không?
Kim Nguyen Baraldi: Đọc sách là lúc thời gian có nhịp điệu khác... ZÉT NGUYỄN THỰC HIỆN 08/05/2025 3245 từ
Truyền hình trực tiếp: Lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng tại Nga 09/05/2025 Matxcơva đang tổ chức Lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng, đánh dấu 80 năm chiến thắng vang dội của Hồng quân Liên Xô và các nước Đồng minh trong cuộc chiến chống phát xít, tạo tiền đề quan trọng chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ II.
Dự kiến giảm biên chế gần 130.000 người, Thủ tướng chỉ đạo sớm bố trí đủ kinh phí chi trả NGỌC AN 09/05/2025 Ngày 9-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp của Chính phủ về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Đông nghịt người Hà Nội lại xếp hàng từ 4h sáng để chờ làm thủ tục hành chính, vì sao? PHẠM TUẤN 09/05/2025 Tại Hà Nội, rất đông người dân xếp hàng dài từ cổng ra tận vỉa hè từ 4h sáng ở trung tâm phục vụ hành chính công để chờ lấy số thứ tự làm thủ tục hành chính, lý do vì sao?
Sáng mai bắt đầu hồi sinh rạch Xuyên Tâm sau hàng chục năm LÊ PHAN 09/05/2025 Sáng mai 10-5, TP.HCM sẽ khởi công dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm.