TTCT - Xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam nổi lên như một doi đất nằm hướng ra sóng nước. Đó là một nơi từ lâu nổi tiếng với những ngư dân can trường quanh năm đi đánh bắt hải sản ở Hoàng Sa. Nhưng nơi đây còn nổi tiếng về một câu chuyện đẹp khác: trồng rừng, giữ cánh rừng ngập mặn qua trăm năm. Những gốc cây đường kính 30-50cm trong rừng ngập mặn. Ảnh: B.D. Cứu rừng hoặc dời làng Gần 12h trưa, chúng tôi đứng ở doi đất lớn nhất làng Đông Xuân (xã Tam Giang) tận mắt thấy sự kỳ thú của cánh rừng ngập mặn mà lâu nay người dân ở Quảng Nam thường nhắc đến với sự tôn kính: rừng thiêng, rừng ông bà. Ông Nguyễn Ngọc Chính, 62 tuổi, lớn lên ở ngôi làng này từ ngày thân cây mắm, cây bần ở rừng ngập mặn còn bé bằng cổ chân. Ông bảo, suốt đời mình, thấy rừng có lúc mỏng lúc dày nhưng cua cá thì chưa bao giờ cạn, bởi “rừng mọc tới đâu là cua cá về bám dưới tầng rễ cây làm tổ ấp trứng tới đó”. "Khu rừng này có từ hồi nào tới giờ, chúng tôi coi đấy là rừng ông bà để lại. Tôi lớn lên đã thấy rừng mọc dày vây quanh toàn bộ 6 ngôi làng (nay nhập lại còn 4 thôn). Ai hỏi, tôi đều trả lời là ông bà để lại như cha mẹ tôi đã trả lời tôi từ lúc nhỏ. Chúng tôi gọi là rừng ông bà, tức là rừng của tiền nhân, tổ tiên, của thiên nhiên trời đất sinh ra vậy”, ông nói. Thầy giáo Nguyễn Khắc Điệp, hiện là hiệu trưởng một trường miền núi, chạy xe máy hơn 100km trực tiếp dẫn khách ở xa tới thăm khu rừng mà ông rất tự hào. “Tôi chưa bao giờ thấy ở nơi nào mà bà con quý rừng như vùng này. Ý thức được hình thành từ thực tế, sự sống còn của làng và nồi cơm manh áo mỗi nhà”, thầy Điệp cho biết. Theo bí thư Đảng ủy xã Tam Giang Huỳnh Văn Côi, cánh rừng ngập mặn ở Tam Giang chủ yếu trồng đước, bần và cây mắm. Trước đây Tam Giang còn là những ngôi làng nghèo nằm sát cửa biển, dân cư ít, rừng ngập mặn trùm kín toàn bộ diện tích làng. Nhưng khi dân đông lên, nhu cầu làm nhà cửa, canh tác hoa màu nhiều lên, rừng bị thu hẹp dần. Khoảng 20 năm nay, khi tuyến đê biển được kè, khu rừng ngập mặn làm dải kè mềm che chắn gió bão cho các ngôi làng, diện tích rừng ở đây mới được giữ ổn định, khoảng 55-70ha, trải dọc bốn thôn Đông An, Đông Bình, Đông Xuân và Hòa An. Trước đó, có những giai đoạn rừng ở đây nguy khốn, sụt giảm nghiêm trọng do một số người dân không vững lòng trước sức hấp dẫn, hứa hẹn đổi đời cho họ từ con tôm chân đen, chấp nhận phá bỏ “rừng ông bà” để làm ao đìa. Nằm sát biển là các ngôi làng của xã Tam Giang. Ảnh: B.D. Ông Đinh Xuân Lũy, nguyên trưởng Ban nông nghiệp - thủy lợi xã Tam Giang, cho biết từ nhỏ đến lúc đi làm cán bộ xã, ông thường theo cha mẹ và người dân hằng năm đi dặm những khoảnh đất trống trải để phủ dày cánh rừng. Nhờ đó, rừng quanh làng lúc nào cũng xanh mướt, che chắn cả ngôi làng trước bão tố. Nhưng những năm thập niên 1990, phong trào nuôi tôm đổi đời kéo đến, những trảng rừng lần lượt bị hạ xuống, thay thế bằng những ao tôm. Một vài người phá rừng nuôi tôm thành công, sắm được tivi, làm được nhà mới kéo theo nhiều hộ khác cùng làm. Cứ thế, rừng ở Tam Giang tàn lụi dần. Nhưng thiên nhiên luôn có lời đáp trả thích đáng. Nằm ngay cửa biển nên mỗi mùa mưa bão về, không còn rừng che chắn, những ngôi làng ở Tam Giang đều chịu trận thiên tai. Sau những năm phong trào nuôi tôm bùng nổ, rừng càng lúc càng mất nhiều, những đợt bão hằng năm càng thêm hung dữ. Có những năm bão quét qua làng, từng đỉnh sóng cao vượt băng cánh rừng mỏng bên ngoài, đánh sâu vào làng, tan tác nhiều nhà cửa, hoa màu. “Nhà nước cấp cây giống, bà con tự nguyện đăng ký danh sách tham gia trồng. Từ sáng tới tối người dân tập trung nhận cây vây kín UBND xã, họ làm quần quật như vậy từ đầu mùa khô tới mùa mưa bão. Để hỗ trợ bà con có cái ăn hằng ngày, Nhà nước đem gạo xuống phát, ai đi trồng cây thì được cấp gạo ăn hằng ngày. Tôi cũng đi trồng cùng bà con lúc đó”, ông Lũy nhớ lại.“Phải trồng lại rừng thôi! Nếu không đến phải bỏ làng mà đi”, ông Lũy nhớ lại những năm mình và dân làng cùng bàn kế hoạch phục hồi rừng Tam Giang trong nỗi âu lo. Ròng rã nửa năm, từ tháng 3 đến tháng 8-1995, một đợt vận động trồng rừng, phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn xã Tam Giang được triển khai với sự tham gia của hàng ngàn người dân. Từ “rừng ông bà” tới “rừng Nhà nước” Sự quan trọng bậc nhất của cánh rừng ngập mặn vây quanh dải biển huyện Núi Thành và sự mong manh của nó trước sức ép phát triển kinh tế, đời sống bà con đã thúc ép chính quyền cùng người dân suy nghĩ, ngồi lại cùng nhau bàn cách “nâng cấp” tầm bảo vệ rừng. Không dừng lại ở những quy ước, những thỏa thuận mang tính cộng đồng trong làng xã, rừng ngập mặn ở xã Tam Giang được đưa vào sổ sách, được kiểm đếm và tổ chức lực lượng chốt chặn, bảo vệ. Các kế hoạch, dự án trồng rừng, bồi lấn cũng được thực hiện đều đặn. Mới đây xã Tam Giang còn đề nghị lên cấp trên đưa gần 70ha rừng ở đây vào diện tích rừng phòng hộ ven biển. Chúng tôi được người dân trong làng chèo ghe đưa qua những cánh rừng già trải dài hàng chục cây số dọc bờ biển, từ trụ sở UBND xã Tam Giang về cuối các thôn phía dưới, như thể đi trong một thế giới khác. Đi dưới tán rừng mới thấy hết sự phong phú của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Khu rừng ngập mặn tuổi đời trăm năm ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đang là kè chắn mềm bảo vệ các ngôi làng trong đất liền. Ảnh: B.D Những gốc cổ thụ ngoằn ngoèo, cây to che bóng mát cho những lớp cây con mới mọc, trái cây già rụng xuống, được sóng xô đi rồi nảy mầm bắt rễ ở một rẻo đất khác, góp thêm một mầm mới. Rừng mỗi năm lại dày thêm. Rừng mọc tới đâu, tôm cua, cá về chen chân ấp nở tới đó. Không những giữ được làng, giữ được đất, cánh rừng này tiếp tục tạo ra cái ăn cho những người dân sống ven biển này. Ông Phạm Văn Kỳ, một lão ngư ở thôn Đông Bình, nói rằng chẳng cần trồng, chỉ cần đừng phá thì rừng tự khắc mọc lên, nhanh tới mức con người chẳng kịp nhìn thấy. “Tự nhiên có quy luật và sức rướn của nó, ta đừng phá thì rừng sẽ mọc dày lên”, ông nói. Những người ở thế hệ ông đã nếm trải đủ sự dữ dội của biển, hiểu thấu giá trị của dải rừng ngập mặn. “Hồi tui còn nhỏ, cứ tới mùa là dân làng hẹn nhau đi trồng rừng, rừng trống chỗ nào là đi vá dặm chỗ đó, im lặng cùng nhau giữ. Giờ đây có thêm Nhà nước giúp bảo vệ, tuần tra, rừng sẽ vững chãi hơn nhiều” - ông vui vẻ.■ Những cây con được người dân cùng các dự án trồng đã mọc lá, vượt lên khỏi mực nước triều. Ảnh: B.D Sẽ tiếp tục trồng rừng Bí thư Đảng ủy xã Tam Giang cho biết vì tính chất quan trọng về hệ sinh thái, là “lồng” ấp nở vào mùa sinh sản của tôm cá ven biển nên nhiều năm nay rừng Tam Giang đã nhận được sự tham gia của nhiều dự án. Ngoài đợt “đại phục hồi” vào năm 1995 làm sống lại hơn 30ha rừng, đến nay Tam Giang còn thêm hai lần nhận được các dự án khôi phục lớn: từ 2014-2015, Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam đã vận động người dân trồng, chăm sóc được 27,45ha rừng. Mới đây, một đề tài khoa học được Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình (Bộ Tài nguyên - môi trường) triển khai, tiểu phần tại xã Tam Giang đã cùng người dân trồng lại diện tích lớn rừng ngập mặn. Qua 1 năm từ khi trồng, số cây con đã sống sót và vượt lên mặt nước, bám rễ sâu hơn, chuẩn bị thành rừng lớn. Ngoài việc tự thay nhau bảo vệ, người dân ở đây góp công vào việc dựng lớp hàng rào bằng tre chạy sát bao quanh rừng để hạn chế sóng lớn, giúp khu rừng phát triển mạnh hơn. Tags: Choi HyeonjuSơn NamTrồng rừngRừng ngập mặnGóp cây
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Doanh nhân đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc THÀNH CHUNG 11/10/2024 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tin tưởng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp chắc chắn sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc: Việt Nam là ngôi sao của ASEAN QUỲNH TRUNG 11/10/2024 Đó là lời khẳng định của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 11-10 tại Lào. Cùng ngày, Thủ tướng cũng gặp lãnh đạo một số nước dự hội nghị ASEAN.
Tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân TP.HCM tiêu biểu năm 2024 NGỌC HIỂN 11/10/2024 Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh “Doanh nghiệp, doanh nhân TP.HCM tiêu biểu" năm 2024 vào tối 11-10.
Giá điện tăng lên 2.103 đồng/kWh, người dùng điện phải trả thêm bao nhiêu? NGỌC AN 11/10/2024 Việc tăng giá điện tác động thế nào đến các hộ tiêu dùng điện, khách hàng nào phải trả tăng tiền điện nhiều nhất?