Gran Torino: Clint Eastwood, hòa giải và hóa giải

ĐẶNG TIẾN (PARIS) 11/04/2009 03:04 GMT+7

TTCT - Gran Torino là phim mới phát hành, đang trình chiếu tại Paris, của đạo diễn Mỹ Clint Eastwood. Ông sinh năm 1930, tuyên bố đây là lần cuối xuất hiện như diễn viên, ở tuổi 78, sau non nửa thế kỷ diễn xuất và bốn lần đoạt giải Oscar. Nhưng hẹn sẽ còn tà tà làm phim đến tuổi 100.

Phóng to
Walt Kowalski (trái) trong Gran Torino do Clint Eastwood thủ vai

Nhân vật chính của Gran Torino tên Walt Kowalski, do Clint Eastwood thủ vai, là một ông già gàn dở, công nhân Hãng xe hơi Ford, phải về hưu non vì khủng hoảng kinh tế; ông nâng niu, chắt chiu chiếc xe sưu tập kiểu Gran Torino, do hãng sản xuất năm 1972 và chính mình lắp ghép.

Gran Torino, biểu tượng cả cuộc đời, và vì âm vọng, được chọn làm tên phim.

Oán hận và ân hận

Cựu chiến binh Triều Tiên thời 1950, Walt ôm hận chiến trường, kỳ thị chủng tộc, tư duy phản động và bảo thủ, sống một mình sau khi góa vợ, hiềm khích với con cháu, kỳ thị hàng xóm láng giềng là những di dân châu Á, gốc Hmông. Đề tài quan hệ dị chủng Mỹ - Á bắt đầu từ đây, từ chửi thề, nghi kỵ, hiềm khích, đến giao tiếp, kết thân cho đến mức cuối cùng là hi sinh cho nhau mạng sống.

Hai chị em bé Sue và Thao hàng xóm thường xuyên bị một băng đảng côn đồ đồng chủng Hmông đàn áp; cụ Walt nhiều phen can thiệp, không những vô hiệu mà còn gia tăng tai họa cho cả gia đình, đến cả súng đạn.

Cho tới khi ông cụ nhận ra bạo lực không loại trừ được bạo lực, hơn nữa ở tuổi gần 80, cụ không còn là tay súng cự phách với khẩu 357 Magnum như chàng thanh tra Harry Callahan những năm 1970, hay Người không tên, hay Hiệp sĩ ma... - những tay súng thần kỳ của Clint Eastwood xa xưa. Hàm ý này có tính cách tổng kết sự nghiệp qua cuốn phim.

Tiếp theo là hàm ý chính trị. Walt là cựu chiến binh chiến tranh Triều Tiên, lòng đầy oan trái: oán hận và ân hận. Oán hận ai thì không biết, nhưng có thể một bữa tiệc vui bất ngờ với hàng xóm Hmông, sau vài lon bia thì tạm nguôi ngoai. Còn ân hận, đối diện với lương tâm và tiềm thức sâu thẳm không dễ gì hóa giải, dù với niềm tin tôn giáo, qua những buổi xưng tội. Trong chiến tranh, Walt đã từng giết người da vàng, có khi là trẻ con vô tội. Không cố tình nhưng những giao tiếp, cứu nạn, giúp đỡ trẻ con, thanh thiếu niên Hmông hàng xóm làm Walt cảm thấy nhẹ lòng. Tình cờ và thản nhiên thôi.

Có lúc ông thổ lộ “với những người khác nguồn gốc này, mình thấy nhiều đồng cảm hơn với lũ con cháu hư đốn”. Câu này có giá trị đặc biệt, nơi cửa miệng Clint Eastwood lừng danh bảo thủ và kỳ thị chủng tộc, làm nhớ câu nói của nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Sao mà con người trong nhân loại giống nhau thế” (1988).

Từ đó Gran Torino có tác dụng hòa giải chủng tộc, hóa giải hận thù, như một tác phẩm sám hối. Tư tưởng sám hối này, của cá nhân và dân tộc Mỹ, đã manh nha từ lâu nơi tác giả, qua nhiều phim gần đây, gần nhất là hai phim phản chiến Ký ức tiền nhân và Lá thư Iwo Jima quay vào cao điểm của chiến tranh Iraq. Trong Gran Torino, câu chuyện đơn giản hơn, có thể vì vậy mà thấm thía hơn.

Lời tỉ tê tủi hờn

Gran Torino là lời tỉ tê tâm sự chiều chiều của tuổi già tổng kết đời mình, trong cô đơn, tủi hờn và bất lực.

Nỗi bất lực của con người trước lịch sử, xã hội, và nói chung là số mệnh có chút gì bi đát vào cuối sự nghiệp của Clint Eastwood. Nội dung phim vừa tiếp nối, vừa điều chỉnh. Tiếp nối ở niềm tin vào công lý, vào tài năng và lương tri, lương tâm của một cá nhân hiệp sĩ kiêu bạc, một mình một ngựa chiến thắng bạo lực. Nhưng sự thật không dễ dàng như thế. Gran Torino đã điều chỉnh: người hùng cũng có khi bất lực; và không còn cách nào ngăn chặn áp chế, cứu khốn phò nguy, ngoài việc hi sinh tính mạng, sau khi ký di chúc để lại chiếc Gran Torino quý báu cho cậu bé Thao kế thừa.

Gran Torino là một phim hay. Trước tiên là hay ở bản thân nó: bất ngờ, linh hoạt, đa dạng và đề xuất chủ đề mới, hình ảnh và đối thoại mới. Và Clint trong vai phản anh hùng diễn xuất tài tình.

Vẫn cốt cách truyền kỳ, dưới trang phục, âm giai đương đại, phản ánh xã hội Mỹ hiện nay, tạp chủng, hỗn tạp. Và thêm phần phức tạp trong tình trạng tinh thần bất an và kinh tế suy thoái.

Sau nữa, nó lược thuật quá trình sáng tạo của đạo diễn, kiêm diễn viên Clint Eastwood với những điểm khẳng định và phủ định. Bớt phần manh động, lãng mạn, truyền kỳ, thêm chất trầm tư, u hoài, hiện thực. Bớt nhân tạo, thêm nhân đạo. Cái gì đó rất người. Người với người, giữa những con người thật và thật, khác tuổi tác, văn hóa, chủng tộc.

Siêu nhân nhường bước cho tha nhân.

Cuối cùng Gran Torino mở ra những viễn ảnh mới, nhân đạo, hòa hợp, mơ ước bình an sau ác mộng, ác mộng từ những đám cháy lịch sử và xã hội. Về chiến tranh, ông có nói câu này trong phim: ”Niềm ân hận lớn nhất là phạm vào những tội ác khi không ai sai khiến”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận