​Hạnh phúc khi được “va chạm” với tuổi thơ

KIM NGÂN 11/09/2014 07:09 GMT+7

TTCT - Gặp nhà văn Nguyễn Thái Hải khi ông vừa từ Singapore trở về trong chuyến đi giúp ông “thu thập những tư liệu tuyệt vời”.

Nhà văn Nguyễn Thái Hải
Nhà văn Nguyễn Thái Hải - Ảnh: Kim Ngân

​Trước chuyến đi, ông đã kịp tặng hàng trăm bản hai tác phẩm mới in trong năm của mình (tập truyện đồng thoại Hai con diều bay thấp và Khu vườn hạnh phúc) cho trẻ em vùng sâu vùng xa Đồng Nai. 

Có thể lỗi không nằm ở các em

* Tác phẩm của ông được nhiều thế hệ thiếu nhi yêu thích. Vậy điều khó nhất khi viết cho thiếu nhi là gì, thưa ông?

Nhà văn Nguyễn Thái Hải được biết đến qua nhiều tác phẩm dành cho người lớn (bút danh Khôi Vũ) lẫn thiếu nhi (Nguyễn Thái Hải). 

​Ở tuổi ngoài 60, ông đã có 48 đầu sách xuất bản với hàng trăm truyện ngắn, tiểu thuyết và vẫn là một trong những nhà văn theo nghề bền bỉ nhất. 

Trong đó, nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi của ông được nhiều thế hệ mến mộ như: Chiếc lá thuộc bài, Hoa tầm gửi, Mùa sương mù, Ngoài cửa sổ, Cha con ông mắt mèo, Con dốc cổng trường, Bên bóng Thái Sơn... 

- Điều khó nhất là để các em chấp nhận đó là tác phẩm viết cho thiếu nhi chứ không phải của người lớn. Người ta hay nhầm lẫn và dùng từ thiếu nhi cho cả lứa tuổi mới lớn, cận kề thanh niên. Theo tôi thì không đúng.

Tôi phân biệt rõ: nhi đồng (6-10 tuổi), thiếu niên (11-15 tuổi) và mới lớn (16-18 tuổi). Mỗi lứa tuổi có nhận thức khác nhau. Tôi thường chọn viết cho các em từ 6-15 tuổi và tùy lứa tuổi để chọn những hình thức phù hợp. 

Tôi không có cách nào khác hơn là tiếp cận và “chơi” với các em. Ngôn ngữ của chúng rất “ngộ”. Khi không “chơi” với các em ở lứa tuổi đó, người viết dễ bị “chìm” trong lứa tuổi của mình và không thoát ra được. Đôi khi tôi có thể viết về tuổi đó vào thời của tôi, hoặc hóa thân hoàn toàn vào các em hiện tại. 

* Đâu là sự khác biệt giữa nhu cầu đọc, nhu cầu tìm thấy thế giới của mình giữa thiếu nhi cách đây nhiều năm với hiện tại?

- Khác rất nhiều. Thiếu nhi 10 hay 20, thậm chí 30 năm về trước khá thiếu thốn trong điều kiện sống, do đó nhu cầu đọc của các em cũng khác. Các em chỉ cần có trong tay vài quyển sách đã rất quý, rất yêu.

Ngày ấy, tôi viết khoảng 50 truyện ngắn trong tờ báo thiếu nhi Tuổi Hoa, văn chương đơn giản, ngây ngô, nhưng độc giả nhí vẫn mê. Ngày nay viết cho các em khó hơn hẳn, nhất là khi đặt văn chương trong bối cảnh đời sống hiện đại đã đổi khác quá nhiều.

Tôi tự đặt ra một “chương trình 5 năm” (2011-2015), gọi là “trở lại với tuổi thơ”, tập trung hơn việc viết sách cho thiếu nhi. Sau khi viết, tôi vận động các nhà xuất bản in, phát hành và bán (khoảng 2.000 bản/cuốn). Tôi mua lại sách của mình (300-400 bản/cuốn) rồi tặng lại cho học trò Đồng Nai.

Tôi đã làm được bốn năm, với mong muốn tiếp cận sâu hơn với độc giả nhỏ để nghe các cháu đọc và nhận xét sách của mình, qua đó rút kinh nghiệm.

* Nhiều người lo ngại cùng với sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế, thế giới vật chất cũng sẽ ảnh hưởng đến thói quen đọc và viết của các em, qua đó ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách. Ông nghĩ sao về điều này? 

- So với trước kia, các em tuổi 13 trở lên “trưởng thành” nhanh quá. Một ví dụ nhỏ, tôi vừa cùng các em trải qua một trại sáng tác nhỏ của Đồng Nai tổ chức, được vài trăm tác phẩm. Tôi đọc tất cả và thấy một số em bị ảnh hưởng bởi “sách ngôn tình”.

Học sinh lớp 10-12 chìm đắm vào chuyện tình yêu, thiếu hẳn những ước mơ, khát vọng. Những lý tưởng tuổi trẻ không còn nhiều lắm. Một điều đáng ngại nữa là các em thiếu trí tưởng tượng. Các giá trị khác như tình yêu lao động, những đức tính tốt của con người... cũng còn rất ít.

Thế giới vật chất hiển hiện trong văn học: hàng hiệu, xe sang, biệt thự, những mối tình ngang trái... may mắn không thấy nhiều trong trang viết của các em, nhưng lại xuất hiện dày đặc trong các thể loại sách dành cho các em. Có thể lỗi không nằm ở các em.

* Quan sát thế giới thiếu nhi nhiều thế hệ, điều gì làm ông lo ngại nhất trong quá trình tiếp cận với sách của các em?

- Trong số các em đọc sách mà tôi có thể tiếp cận thì điều đáng lo là các em đọc sách thiếu chọn lọc, những dạng sách như tìm hiểu kiến thức, các tác phẩm văn học có giá trị... lại không thu hút các em lắm. Cũng không thể không nhắc đến sách ngôn tình với hai mặt của nó.

Theo tôi, thật ra sách ngôn tình không có hại. Nhưng chúng cũng không có lợi. Ở các độ tuổi đang cần tiếp nhận kiến thức, tiếp cận những suy nghĩ tích cực để xây dựng tương lai thì nếu chìm đắm trong những chuyện tình, những bi kịch cá nhân nhỏ bé thì hơi đáng ngại.

Chúng ta đang trong một vòng luẩn quẩn: nhà xuất bản thích in sách ngôn tình vì dễ bán, tác giả trẻ thích viết sách ngôn tình vì dễ được in. Tôi không phản đối sách ngôn tình nhưng trong cơ cấu sách được xuất bản và bán trên thị trường, ngôn tình không nên chiếm quá 30%. 

Muốn trẻ đọc, cách hay nhất là người lớn hãy đọc... 

* Làm sao rèn luyện thói quen đọc sách cho các em?

- Đúng là hiện nay nhiều em không chịu đọc. Có lẽ vì các em có thú vui khác. Facebook chẳng hạn. Nhiều em chìm đắm trong các hoạt động ảo trên mạng. Mỗi em một chiếc iPad hoặc smartphone và lãng quên việc đọc.

Bản thân đứa bé quyết định việc đọc hay không đọc. Có em thích đọc sách kiến thức, có em thích địa lý, văn học... Nhưng có thể rèn luyện thói quen đọc cho các em hay không? Có chứ.

Người lớn muốn trẻ con đọc sách, cách hay nhất là người lớn đọc sách. Trong nhà nên có một tủ sách. Tôi đến nhiều nhà, không thấy bày sách mà bày nhiều thứ khác. Nên có chỗ dành cho sách. Tôi vẫn cho rằng cha mẹ biết đọc sách thì con cũng sẽ chịu ảnh hưởng và nhiều em sẽ thích đọc sách.

* Nếu phải gợi ý 5 loại sách nên đọc cho thiếu nhi, ông sẽ gợi ý gì?

- Tôi nghĩ mỗi gia đình cần có một tủ sách và một góc sách cho các em. Tôi không nêu cụ thể tên sách nhưng theo tôi, cứ trong năm cuốn sách nên có một cuốn sách thiếu nhi cổ điển nước ngoài nổi tiếng, hai cuốn của các nhà văn lão thành Việt Nam và hai cuốn còn lại của các tác giả thiếu nhi đương đại.

Lớn lên một chút, các em có thể tìm đến những tác phẩm kinh điển hơn, ở tuổi trung học chẳng hạn. Học sinh trung học phổ thông cần phải đọc những tác phẩm có tính nền tảng như: Cuốn theo chiều gió, Jane Eyre, Đồi gió hú, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Chiếc lá cuối cùng... hay các tác giả Việt Nam nổi tiếng: Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam...

Tôi biết những đầu sách tôi nêu ra là khá “lý tưởng” và thực tế không nhiều em đọc. Nhưng tôi nghĩ nếu cứ mạnh dạn đọc, có thể đọc lần đầu chưa hiểu, song khi lớn lên một chút, đọc lại các em sẽ hiểu và thích.

* Ông xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình ở tuổi 20. Nay đã hơn 40 năm theo nghề một cách đều đặn, theo ông, điều gì giữ một nhà văn theo nghề bền bỉ nhất?

- Đam mê là yếu tố đầu tiên. Thứ hai là tự học. Thứ ba, đến một giai đoạn nào đó phải chuyên nghiệp hóa hoạt động nghề nghiệp của mình. Trau dồi những kỹ năng của một người viết, luôn phải quan sát thế giới xung quanh. Khi đó, chúng tôi lượm lặt được những chi tiết mà người bình thường không nhận ra.

Làm tư liệu cũng là điều quan trọng. Tư liệu trên báo, mạng hay tư liệu trong cuộc sống. Nghĩ liên tục, viết liên tục cũng là điều cần thiết. Lúc nào cũng sẵn sàng ghi lại những ý tưởng, tư liệu, chi tiết... để làm vốn cho tác phẩm của mình. Đó là cách giữ nghề của riêng tôi.

Nhiều nhà văn cho rằng cần có kỷ luật viết, ngày nào cũng viết. Nhưng tôi nghĩ khác, tôi cho rằng ngày nào cũng phải nghĩ. Lúc nào cũng nghĩ. Khi trong đầu đã đầy thì việc viết không quá khó. 

Cảm xúc được in một truyện ngắn hay một cuốn sách lúc này đối với tôi vẫn hạnh phúc như những ngày xưa. Nhuận bút dù chỉ đủ để mua lại 100 cuốn sách của chính mình để tặng bạn bè, nhưng giá trị tinh thần rất lớn.

Tôi sẽ viết và in sách đến khi nào không còn sức lực nữa. Nhưng từ sau 60 tuổi trở đi, tôi nghiêng về phía sách thiếu nhi. Tôi nhận ra mình hạnh phúc khi được “va chạm” với tuổi thơ, va chạm với sự trung thực và trong sáng mà thế giới người lớn đang dần mất đi.

* Ông vừa có chuyến đi khá dài ngày sang Singapore, con mắt nhà văn của ông nhìn thấy gì ở đất nước đó cho các tác phẩm tương lai? 

- Gia đình con gái tôi sống ở Singapore nên mấy năm qua tôi có nhiều chuyến đi đến đó. Năm 2014, tôi cũng xuất bản tập truyện - ký viết từ những chuyến đi Singapore tựa đề Người giỏi hơn chưa chắc đã thắng.

Tư liệu quan trọng nhất mà tôi thu thập được từ những chuyến đi là những thông tin, suy nghĩ về con người. Quan sát, trò chuyện, cảm nhận và suy nghĩ về con người ở những nơi tôi đi qua chưa bao giờ hết thú vị.

Người viết cần có vốn sống. Nhưng nếu chỉ đi chơi thì không giúp ích được nhiều. Phải thực hiện những chuyến đi trong tâm thế một người luôn quan sát, suy nghĩ, ghi nhận. Tôi luôn dành thời gian tiếp cận, trò chuyện với càng nhiều người càng tốt, để có thể va chạm với nhiều câu chuyện về cuộc sống càng tốt.

Cũng là Singapore nhưng người Thái Lan, người Ấn Độ, Malaysia hay Việt Nam sinh sống tại đó sẽ có những câu chuyện, hình ảnh, văn hóa... khác nhau, kể cả những mặt trái: sự coi thường, kỳ thị, dân tộc tính, sự lười biếng hay sự lạc lõng của con người trong một xã hội hiện đại luôn vận động...

Vợ chồng tôi luôn dành thời gian đi đến khu người Ấn Độ, khu người Hoa, ngoại ô thành phố, quan sát và trò chuyện với những người vô gia cư, những người nhập cư, dân buôn bán... Đó là những tư liệu tuyệt vời.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận