Hành trình của những tư tưởng hiến pháp

NGUYỄN ĐỨC LAM 16/11/2016 16:11 GMT+7

TTCT- Văn phòng Quốc hội vừa tổ chức Hội thảo khoa học 70 năm Hiến pháp Việt Nam, nhằm kỷ niệm 70 năm ngày Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam - Hiến pháp 1946. Nhiều người coi đây là bản Hiến pháp chứa đựng nhiều giá trị của tư tưởng lập hiến thế giới, đỉnh cao trong lịch sử lập hiến Việt Nam, để lại dấu ấn trong các bản Hiến pháp sau này, nhất là Hiến pháp 2013.

Minh họa
 

 Dù có không ít người nhận xét Hiến pháp 1946 còn những điểm cần hoàn thiện thêm, nhưng Hiến pháp 1946 ra đời nhờ kết quả của một cuộc hành trình tìm kiếm, quan sát, tiếp nhận các dòng tư tưởng pháp lý, chính trị trên thế giới vào Việt Nam.

Hành trình 50 năm

Trong gần 50 năm từ đầu thế kỷ 20 đến khi ra đời, Hiến pháp 1946, tri thức chính trị - pháp lý nhân loại, tư tưởng về tự do, chủ quyền nhân dân, dân quyền, dân chủ, cộng hòa, mô hình tổ chức bộ máy nhà nước, phân chia quyền lực đã vào Việt Nam từ Pháp, Nhật, Mỹ qua những con đường khác nhau.

Trước hết nhờ những cuốn sách kinh điển: Khế ước xã hội, Tinh thần pháp luật được dịch và xuất bản, phổ biến, những bài viết đăng trên báo, những giờ học, các buổi diễn thuyết ở các trường học, các diễn đàn như Đông Kinh nghĩa thục.

Đồng thời, nhiều trí thức Tây học ở Pháp hoặc nhận học vấn của Pháp, trong đó nhiều người học luật, sau này trực tiếp tham gia soạn thảo Hiến pháp 1946 như Phan Anh, Vũ Đình Hòe, Đỗ Đức Dục.

Nhất là nhờ công sức ra đi và mang về, lan tỏa của các chí sĩ, trí thức yêu nước: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Huỳnh Thúc Kháng... Đó là những cuộc hành trình đến với những nước phương Đông sớm mở cửa như Nhật Bản; những nước là quê hương của các tư tưởng hiến pháp như Pháp, Mỹ, Anh.

Trên hành trình đó không chỉ có sách, diễn thuyết, trao đổi, thảo luận, mà có cả ngục tù, thậm chí máu đổ, đầu rơi vì những lý tưởng được theo đuổi.

Qua sự dịch chuyển đó, những tư tưởng, giá trị hiến pháp chung của nhân loại đã được phổ biến ở Việt Nam, thúc đẩy phong trào đấu tranh đòi độc lập, tự do, bình đẳng và giải phóng nhân dân trong những năm đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam.

Hơn nữa, dù ít nhiều, những tư tưởng lập hiến của các nhà chí sĩ, trí thức yêu nước đã ảnh hưởng đến tầm nhìn, quan điểm, nội dung lập hiến của những người trực tiếp tham gia soạn thảo Hiến pháp 1946, nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn có mối thâm giao, trao đổi, quan sát diễn biến phát triển tư tưởng lập hiến của nhiều người trong số họ.

Vì thế nội dung của Hiến pháp 1946 khá gần gũi với các tư tưởng được thể hiện trong các bản hiến pháp tiêu biểu đương thời.

Sự phân định các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp khá rõ ràng, rành mạch: quyền lập pháp trao cho Nghị viện nhân dân - cơ quan cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, quyền hành pháp thuộc về Chính phủ, và tòa án nắm quyền tư pháp. Không cơ quan nào nắm trọn một loại quyền lực trong tay mà có sự kiềm chế nhau.

Như thực tiễn các nước cho thấy bản thân sự phân định này có tác dụng kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền.

Mặt khác, Hiến pháp 1946 có những điểm khác biệt so với các bản hiến pháp đương thời, cũng như so với các nội dung trong tư tưởng lập hiến ở Việt Nam thời điểm đó.

Ví dụ, trong khi các nước mới giành được độc lập hầu như chỉ theo một mô hình nhất định (Anh, Pháp, hoặc Mỹ), thì Hiến pháp 1946 lại tiếp nhận từ các mô hình khác nhau mỗi nơi một ít.

Ở nhiều nước thuộc địa cũ, thành phần soạn thảo hiến pháp của họ có sự tham gia của đại diện nước đô hộ, nhưng trong việc soạn thảo Hiến pháp 1946 hoàn toàn không có thành phần này.

Trong đó, có những khác biệt căn bản so với đại đa số hiến pháp đương thời, nhất là sự tập trung quyền lực vào Ban thường vụ Nghị viện, Chủ tịch nước, nhưng Chủ tịch nước lại không phải chịu trách nhiệm, ngoại trừ bị truy tố khi phạm tội phản quốc; thiếu cơ chế tài phán hiến pháp.

Hiến pháp bắt rễ trong xã hội

Thực tiễn ở Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan cho thấy sự thành công của việc tiếp nhận tư tưởng hiến pháp từ bên ngoài một phần nào đó phụ thuộc vào bối cảnh, văn hóa pháp lý truyền thống của nước sở tại.

Ví dụ, mặc dù cùng chịu ảnh hưởng từ Mỹ, nhưng Hiến pháp Nhật Bản 1946 đã thành công trong hơn nửa thế kỷ qua, trong khi Hiến pháp Philippines thất bại, vì một bên chú trọng đến những yếu tố văn hóa chính trị, pháp lý bản địa (Nhật Bản), trong khi một bên bỏ qua những yếu tố đó (Philippines).

Nhờ kết tinh những giá trị tiến bộ mà chính người Nhật tự mình tiếp thu và thừa nhận, nên Hiến pháp 1946 của Nhật Bản có sức sống mạnh mẽ.

Tương tự, những điểm giống hay khác biệt trong Hiến pháp 1946 của Việt Nam với các nước khác cũng phù hợp với bối cảnh, tình hình trong nước và trên thế giới lúc đó.

Trình bày trước Quốc hội về dự thảo Hiến pháp 1946, ông Đỗ Đức Dục, phúc trình viên của Tiểu ban hiến pháp, nhấn mạnh: các nội dung trong dự thảo tiếp nhận những tư tưởng lập hiến trên thế giới phù hợp với tình hình trong nước.

Thời điểm 1946, như đã đề cập, các trào lưu nghiên cứu, truyền bá hiến pháp của các nhà chí sĩ, trí thức, cũng như những người tham gia soạn thảo, xây dựng Hiến pháp 1946 đều có học vấn, trải nghiệm về pháp luật, hiến pháp phương Tây, nhất là hiến pháp của Pháp, Mỹ, Anh, Nhật Bản.

Rộng hơn, đất nước vừa mới giành được độc lập, đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, người dân từ vị thế nô lệ, bị áp bức trở thành chủ nhân.

Vì vậy, những tư tưởng về chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc, chủ quyền nhân dân, dân quyền, chính thể cộng hòa, phân chia quyền lực thực chất đã phản ánh khát khao, tâm nguyện của người dân Việt Nam qua bao đời, ngay lập tức được đón nhận trong xã hội.

Đồng thời, thù trong giặc ngoài, nguy cơ chiến tranh đang cận kề đòi hỏi thiết kế một mô hình quyền lực với đầu mối ra quyết định tập trung, hiệu quả, nhưng vẫn phải đảm bảo mức độ dân chủ. Vì vậy, những người soạn thảo hiến pháp thiết kế Ban thường vụ Nghị viện thay mặt Nghị viện ra quyết định khi cần thiết, giống với Chủ tịch đoàn Xô viết tối cao của Liên Xô.

Nhưng đánh giá tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội ở phương Đông, nhất là của xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không thành lập một nhà nước của giai cấp công - nông theo mô hình Xô viết, mà tiến hành xây dựng một nước đại đoàn kết dân tộc, không phân biệt giai cấp, đó là nhà nước dân chủ nhân dân.

Bối cảnh này giải thích tại sao Hiến pháp 1946 tiếp thu những giá trị của chủ nghĩa hợp hiến phương Tây như chủ quyền nhân dân, quyền con người, phân chia quyền lực với “liều lượng” như đã biết.

Hành trình tiếp theo

Tại Hội thảo 70 năm Hiến pháp Việt Nam có một khách mời đặc biệt: con gái ông Đỗ Đức Dục, thành viên ban soạn thảo Hiến pháp 1946. Bà nói lúc đọc lại đoạn hồi ký của cha kể thời khắc ông đọc báo cáo giải trình xong, cả hội trường vỗ tay rào rào, bà rưng rưng nước mắt.

Ông Đặng Thai Mai, lúc đó cũng là thành viên ban soạn thảo, nhận xét bản giải trình đầy chất thơ. Ông Đỗ Đức Dục nhận bằng luật loại ưu của Pháp, ngấm tinh thần pháp luật, cộng với chất kẻ sĩ, cho nên thà thua thiệt chứ không chịu chấp nhận những điều trái với lẽ phải, công bằng.

Tại đám tang ông năm 1993, bạn bè đã dâng bức phướn thêu dòng chữ: Toàn ý, tận tâm với tự do/Vẹn tình, trọn nghĩa vì công lý.

Tự do, công lý - đây cũng chính là tinh thần của Hiến pháp 1946, mà trước đó hơn 20 năm, Nguyễn Ái Quốc đã có câu thơ: Bảy xin Hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền.

Đáng tiếc, cho đến đầu thập niên 1990 ở Việt Nam, “Hiến pháp” thì có nhưng “thần linh pháp quyền” lại không. Các tư tưởng của Hiến pháp 1946 một thời gian dài hầu như vắng bóng trong các bản Hiến pháp 1959, 1980.

Đến Hiến pháp 1992, Hiến pháp sửa đổi 2001, và mới đây là Hiến pháp 2013, một phần nào đó của tinh thần Hiến pháp 1946 mới dần dần xuất hiện trở lại. Nhưng điều đó chưa đủ, khi một số nội dung của bản Hiến pháp đầu tiên vẫn được coi là đỉnh cao, chưa thể vượt qua ở nước ta, như quy định về quyền con người, sự phân định, kiềm chế lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực.

Nhưng cũng có những nội dung của bản Hiến pháp 1946 gây tranh luận giữa các nhà nghiên cứu, các nhà thực tiễn: Nghị viện nhân dân thiếu một số cơ chế kiểm soát quyền hành pháp như: ủy ban điều tra; luận tội; điều trần; hệ thống ủy ban thường xuyên.

Cán cân quyền lực nghiêng về Chủ tịch nước, trong khi quyền lực thực tế của Nghị viện lại nằm trong tay Ban thường vụ Nghị viện, khiến quyền lực của Chủ tịch nước có thể rất lớn.

Với một tương quan quyền lực như vậy, cộng với việc các thẩm phán đều do Chính phủ bổ nhiệm, nhánh tư pháp khó có thể giữ được tính độc lập của mình như đã ghi ở điều 69.

Hiến pháp 1946 cũng không quy định về cơ chế tài phán hiến pháp như ở nhiều nước, theo đó, các đạo luật do Nghị viện ban hành chịu sự giám sát của tòa án về tính hợp hiến.

Trong quá trình thảo luận, thông qua Hiến pháp 2013, Hội đồng hiến pháp - một phương án “mềm dẻo”, khả dĩ, chấp nhận được ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay - “suýt nữa” ra đời, nhưng vào phút cuối đã rơi ra khỏi dự thảo. Tất cả những điểm này có thể làm giảm ý nghĩa của cơ chế phân chia quyền lực, kiểm soát quyền lực lẫn nhau giữa các chủ thể quyền lực.

Việc đánh giá các nội dung của Hiến pháp 1946, giá trị của chúng đối với quá trình phát triển của tư tưởng hiến pháp ở Việt Nam vẫn là một đề tài mở cho các nhà luật học, sử học. Nhưng rõ ràng là bối cảnh, thời thế đã khác.

Các tư tưởng hiến pháp không thể đứng yên một chỗ. Sau chặng đường gần 50 năm, qua chặng tiếp theo 70 năm, hiện nay hành trình của những tư tưởng hiến pháp ở Việt Nam vẫn cần được tiếp tục để bắt kịp với thế giới.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận