Hành trình quả vải

BẢO NGỌC - VŨ TUẤN 01/07/2020 22:07 GMT+7

TTCT - Quả vải đã là một thứ thời trân của vùng Bắc Bộ Việt Nam được hàng nghìn năm, đặc sản của vùng đất đai màu mỡ và đặc biệt ở tả ngạn sông Hồng, một dải Sơn Nam Thượng, Hải Dương, Hưng Yên cho tới vùng bán sơn địa Bắc Giang những năm gần đây, để rồi tỏa đi khắp những cung đường xuất khẩu khắp toàn cầu. Quả vải còn lớn hơn một biểu tượng.

Người dân bán vải trên quốc lộ 31 huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: Vũ Tuấn
Người dân bán vải trên quốc lộ 31 huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: Vũ Tuấn

Mùa vải Lục Ngạn đang độ chín, những ngày này dọc quốc lộ 31 chạy qua trung tâm thị trấn Chũ và nhiều xã của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, ngập trong sắc đỏ vải thiều. Cả chục cây số tuyến quốc lộ 31 từ phố Kim đến thị trấn Chũ, dài về phía phố Kép ùn ùn xe chở vải. 

Năm nay vải không được mùa, nguồn cung có hạn, nên nhiều chủ vườn vải đang găm hàng chờ tăng giá. Đa số chủ vườn tin rằng hết thời gian cách ly y tế, các thương lái Trung Quốc trở lại mua bán, giá vải sẽ tăng cao.

Khó khăn đa dạng hóa thị trường

Dù mới vào mùa, quốc lộ 31 cả đêm lẫn ngày đều tấp nập xe đông lạnh qua lại, tại các chợ vải dọc tuyến, hàng chục chiếc container nằm chờ ăn hàng. Mờ sáng tại chợ vải phố Kim, huyện Lục Ngạn, chiếc xe Wave của anh Thân Hoàng Phương, xã Phượng Sơn, ì ạch cõng hơn 2 tạ vải ra phố Kim để bán. Giữa chợ buôn vải, anh Phương chống chân nhích từng chút để tìm chỗ đứng bán. Sáng nào cũng vậy, anh dậy từ tờ mờ sáng, cắt hơn tạ vải chở ra quốc lộ 31 bán.

Thương lái tủa đi khắp chợ xem vải rồi trả giá mua. Thỏa thuận xong, thương lái ghi giá cả vào một tờ giấy nhỏ, chỉ anh đến điểm cân vải và nhận tiền. Vải Lục Ngạn đã vào mùa được gần một tháng. Giờ đang độ thu hoạch rộ vải Thanh Hà, giống vỏ đỏ, dai, cùi dày mà thương lái Trung Quốc rất ưa thích. Mấy hôm nay trời mưa, anh Phương cho hay phải cắt những chỗ đã chín rộ đi bán, nếu để muộn hơn, vải chín quá sẽ nứt, hỏng và hao hụt nhiều.

Tại chợ cân vải đầu cầu Chũ, thị trấn Chũ, anh Nguyễn Văn Nam đang chờ bán xe vải 2,5 tạ. Anh cho biết giá vải năm nay chỉ bằng phân nửa năm ngoái. Hàng mã đẹp bán được 27.000 - 30.000 đồng/kg, hàng mã xấu chỉ bán được 22.000 đồng/kg dù năm nay nhiều vườn vải tại Lục Ngạn mất mùa.

Giải thích việc vải mất mùa nhưng giá vẫn rẻ, anh Nam cho biết hầu hết vải đang được các đầu mối trong nước mua gom để bán lại cho thương nhân Trung Quốc hoặc đóng xe lạnh đi về Hà Nội và các tỉnh phía Nam tiêu thụ nên bị dìm giá. Năm trước cũng mất mùa vải như năm nay, nhưng khi thương lái Trung Quốc sang mua, giá vải cao gấp đôi năm nay, khoảng 55.000 đồng/kg.

Hàng trăm thương nhân Trung Quốc đến Bắc Giang mua vải thời gian qua vẫn đang bị cách ly y tế nên không thể trực tiếp mua bán vải. Chị Lan, một đầu mối thu mua vải, cho hay việc thương lái Trung Quốc không trực tiếp mua vải đang ảnh hưởng tới giá bán của nông dân.

Theo chị Lan, mọi năm cứ vào mùa, đoạn quốc lộ 31 qua phố Kim, trước nhà chị đỏ rực vải, xe bán vải xếp hàng chờ cân tắc vài cây số. Mỗi ngày điểm cân vải nhà chị Lan nhận cân cho thương lái Trung Quốc từ 4h sáng đến xế chiều. Có hôm cân đến 10h sáng đã được hơn 20 tấn vải. Năm nay, cả buổi sáng chị Lan mới cân được khoảng chục tấn.

Về giá thu mua, chị Lan cho hay do thương lái Trung Quốc chưa “ăn hàng” nên chị nhận thu mua cho thương lái miền Nam đủ loại giá. Vải xấu mã, chưa chín hẳn chỉ 14.000 đồng/kg, loại mã tốt giá khoảng 22.000 đồng/kg. Hàng cực đẹp, vỏ đỏ, đều gai, quả to đều có giá từ 27.000 - 30.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Thọ - giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang - cho biết sản lượng tiêu thụ vải tại Bắc Giang tính đến ngày 15-6 đạt hơn 56.000 tấn, riêng huyện Lục Ngạn sản lượng tiêu thụ hơn 20.000 tấn, giá bán vải trung bình từ 20.000 - 35.000 đồng/kg.

Cũng theo ông Thọ, trên toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 300 điểm cân, thu mua buôn vải thiều, riêng huyện Lục Ngạn có khoảng 120 điểm. Thị trường tiêu thụ vải thiều chủ yếu là các tỉnh, thành phố Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Lào Cai và các tỉnh lân cận. Trong khi thị trường xuất khẩu vải lớn nhất của Việt Nam vẫn là Trung Quốc.

Vườn vải của ông Lân thí điểm làm nhà lưới chống côn trùng. Ảnh: Vũ Tuấn
Vườn vải của ông Lân thí điểm làm nhà lưới chống côn trùng. Ảnh: Vũ Tuấn

Việc quá phụ thuộc vào thị trường vải lớn nhất thế giới này là một trong những lý do quan trọng khiến giá cả khó ổn định và về lâu dài không phải là điều tốt cho xuất khẩu nông sản nói chung, và quả vải nói riêng của Việt Nam.

Một nghiên cứu năm 2018 theo đặt hàng của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) do Trung tâm Nghiên cứu Bangkok, Thái Lan, thực hiện nhận xét: “So với các loại trái cây khác, quả vải có lịch sử xuất khẩu tương đối dài. Vải là một trong những loại trái cây xuất khẩu vào Trung Quốc quan trọng nhất của Việt Nam; 90% vải Việt Nam xuất sang Trung Quốc là vải tươi, chỉ 10% là đã chế biến (vải khô)”.

Nghiên cứu đi chi tiết vào tỉnh Bắc Giang, nơi vải “là loại cây trồng tương đối mới với nông dân địa phương” được đưa vào “nhờ dân di cư từ tỉnh Hải Dương vào những năm 1990”. Nghiên cứu cho biết do sự phù hợp đặc biệt của thổ nhưỡng ở Bắc Giang, cây vải đã nhanh chóng trở thành cây trồng chủ lực, với sản lượng gần 186.000 tấn - chiếm hơn 25% tổng sản lượng cả nước (2015), với diện tích lên đến 31.100ha.

Đi sâu hơn vào một huyện trồng vải điển hình của Bắc Giang là Lục Ngạn (52,5% sản lượng vải toàn tỉnh vào năm 2015, đồng nghĩa riêng huyện này sản xuất hơn 12% sản lượng vải cả nước), nghiên cứu - của các tác giả Shozo Sakata và Fumie Takanashi - thấy rằng thị trường đơn lẻ lớn nhất của vải Lục Ngạn chính là Trung Quốc, thường xuyên chiếm tỉ trọng cao hơn thị trường trong nước giai đoạn 2013 - 2017, đơn cử lên tới hơn 50% năm 2014.

Thị trường Trung Quốc cũng chiếm tỉ trọng gần như tuyệt đối với vải Lục Ngạn xuất khẩu, tăng dần từ 90,2% lên 98,5% xét về giá trị trong giai đoạn 5 năm nói trên.

Sự phụ thuộc đó đã giảm bớt trong những năm gần đây, với nỗ lực đa dạng hóa đầu ra trong khoảng 5 năm trở lại đây. Tháng 6-2015, lô vải thiều đầu tiên được xuất sang Mỹ và Úc. Nhưng những bước dò dẫm đầu tiên gặp không ít trở ngại, phản ánh tính chất thiếu đồng bộ của một nền nông nghiệp còn rất nhiều việc phải làm, những cơ hội bị bỏ lỡ, và thực tế chung về năng suất của nền kinh tế.

Với thị trường Mỹ năm 2015, 17 nhà máy đóng gói trái cây tươi được Mỹ cấp mã số lại nằm toàn bộ ở phía Nam, phải vận chuyển vải bằng máy bay vào TP.HCM để sơ chế, đóng gói và chiếu xạ (từ năm 2016 mới có trung tâm chiếu xạ ở miền Bắc), làm phát sinh thêm chi phí và giảm tính cạnh tranh.

Với thị trường Úc, vải Việt Nam có giá cao hơn của Úc, Thái Lan và Trung Quốc vì chi phí chiếu xạ và vận chuyển bằng hàng không của Việt Nam đều cao hơn, khâu thu hái, xử lý, bảo quản, vận chuyển thường xuyên vướng kiểm dịch tại Úc. Tất cả những chi phí đó đều cộng vào giá bán ra.

Đến năm 2020 này, Nhật Bản được chờ đợi là một thị trường mới cho quả vải, nhưng thực tế tới giờ, Trung Quốc vẫn là thị trường áp đảo của quả vải Việt.

Dây chuyền sản xuất nước ép vải của Công ty Toàn Cầu. Ảnh: Vũ Tuấn
Dây chuyền sản xuất nước ép vải của Công ty Toàn Cầu. Ảnh: Vũ Tuấn

Trái cây thị trường ngách

Trong khi nhiều nhà vườn Lục Ngạn thất thu mùa vải này thì vườn vải xuất khẩu nhà ông Trần Văn Lân, thôn Lâm, xã Nam Dương, vẫn sai trĩu quả. Vườn vải 3ha của ông Lân nằm cheo leo trên đỉnh đồi, nhưng ông luôn tự hào vì vườn nhà ông không bao giờ thiếu nước.

Theo ông Lân, cây vải trồng trên đất này hợp đất, hợp nước, gần hai chục năm nay, 700 gốc vải trong vườn chưa năm nào bị mất mùa, năm nay vườn của ông cũng thu được khoảng 40 tấn. Vườn vải của ông chỉ trồng vải “muộn” - vải thiều, thứ vải ngon trứ danh của vùng đất Lục Ngạn. Vì thế, trong khi nhiều nhà vườn khác đang chộn rộn thu vải Thanh Hà đem bán thì ông Lân vẫn điềm nhiên uống trà ngắm những quả vải “mã mây” ửng hồng để chờ lên giá.

Ông Lân khoe, vụ vải năm nay ông đăng ký bán 8 tấn cho một doanh nghiệp thu mua xuất khẩu sang Nhật Bản với giá khoảng 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, họ đưa ra nhiều tiêu chí khắt khe, với một danh sách dài các loại thuốc trừ sâu không được sử dụng. Người của công ty đến tận vườn để lấy mẫu đất, mẫu nước và mẫu quả đi kiểm định chất lượng.

Lão nông dạn dày kinh nghiệm cho hay, nếu phun thuốc theo cách nhiều người khác đang làm, quả vải rất đẹp nhưng dễ bị nứt vỏ, hoặc “cháy”. Loại vải ấy nếu đến vụ không thu hoạch nhanh, bán nhanh thì chỉ có đổ đi. Còn vườn vải của ông được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap, sử dụng công nghệ vi sinh có thể kéo dài vụ thu hoạch thêm 25 ngày nữa.

Nhưng ông Trịnh Đình Hãnh - một chủ vườn vải xuất khẩu khác tại thôn Lâm - lại lo ngại thời tiết mưa quá nhiều những ngày qua sẽ làm quả vải tới độ chín nứt vỏ. Theo ông Hãnh, nếu không đẩy nhanh vụ thu hoạch thì các vườn vải bị nứt sẽ hư hỏng, không đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu dù nhà vườn đã ký hợp đồng xuất khẩu với các doanh nghiệp.

Năm nay là năm đầu tiên ông Hãnh đăng ký để bán cho doanh nghiệp thu mua xuất sang Nhật Bản với giá bán cao hơn hẳn giá ngoài thị trường. Ông tính toán, nếu thuận buồm xuôi gió, năm nay vườn vải 5ha thu hoạch được khoảng 17 tấn vải, trừ hết chi phí, gia đình cũng thu lời hơn 400 triệu đồng.

Tại Lục Ngạn, không chỉ có nông dân trồng vải theo công nghệ VietGap, ông Trần Văn Hành, thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn, còn tiên phong trong trồng vải hữu cơ. Giá bán vải hữu cơ thường cao gấp chục lần giá trên thị trường, nhưng ông Hành nói ông chỉ được hưởng một phần giá bán trên thị trường. Chẳng hạn giá bán vải hữu cơ năm nay khoảng 100.000 đồng/kg nhưng gia đình ông chỉ thu về khoảng 40.000 đồng/kg, phần còn lại hệ thống sơ chế, phân phối và bảo quản thu.

Tính chất đặc sản của quả vải thể hiện qua đặc điểm thị trường và chuỗi cung ứng của loại trái cây nhiệt đới đặc biệt này: tỉ lệ tiêu thụ trong nước ngày càng ít, và tầm quan trọng trong thương mại toàn cầu ngày càng lớn.

Ở những vùng sản xuất đặc sản, các loại trái cây nhiệt đới được Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) gọi là “trái cây thị trường ngách” trong nghiên cứu Minor Tropical Fruits: Mainstreaming a Niche Market (Các loại trái cây nhiệt đới thứ yếu: Chỉnh hướng chủ lưu cho một thị trường ngách, 2018) có vai trò tạo ra nguồn thu nhập rất quan trọng.

Bắc Giang chính là ví dụ. Với sản lượng 186.000 tấn của năm 2015 chẳng hạn, chỉ cần giá bán là 30.000 đồng/kg, thì riêng quả vải tạo ra doanh thu 5.580 tỉ đồng mỗi năm cho toàn tỉnh. Đặt trong bối cảnh GRDP của Bắc Giang cả năm 2019 là 106.750 tỉ đồng, và đây là tỉnh có mức tăng trưởng vào loại nhanh nhất cả nước những năm gần đây, điều hẳn có sự đóng góp không nhỏ của quả vải.

Báo cáo trên của FAO, thăm dò với các hộ nông dân nhỏ ở nông thôn, cho thấy tại những vùng trồng trái cây đặc sản, thu nhập từ đó có thể chiếm tới 75% tổng thu nhập của nông hộ. Một lợi thế mà giới làm chính sách cũng cần nhận ra là trên các thị trường quốc tế, trái cây nhiệt đới vẫn được coi là sản phẩm mới mẻ của thị trường ngách, với chủng loại và sự cạnh tranh còn ít, chủ yếu nhắm vào dân châu Á di dân.

Nhưng điều đó sẽ sớm thay đổi với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc và sự quen thuộc dần các sản phẩm nhiệt đới ở các nước giàu, khiến đây là hướng đi không thể bỏ qua với các quốc gia nông nghiệp.

 

Nghiên cứu của FAO nhận định các loại trái cây nhiệt đới đặc sản như vải có “là cơ hội thương mại tuyệt vời cho các nước có thu nhập thấp”, dù các nước đó sẽ đối mặt với “nhiều thách thức cả ở hai phía cung và cầu” của thị trường này. Về mặt cung, vấn đề là chất lượng và sản lượng còn thấp của nông nghiệp quy mô nhỏ, tỉ lệ hao hụt lớn, nhất là trong quá trình thu hoạch khi quả đã chín.

“Hơn nữa, canh tác các loại trái cây thị trường ngách có tính thời vụ cao độ, đặc trưng là các giai đoạn thu hoạch ngắn, dẫn tới mức cung thiếu ổn định và biến động giá cả lớn”, theo nghiên cứu của FAO. Đó là những trở ngại chính với “năng lực thâm nhập thị trường”, một vấn đề trầm trọng thêm vì thiếu hạ tầng và công nghệ cần thiết để vận chuyển nhanh các sản phẩm mau hư hỏng, bài toán gần như kinh niên của mỗi mùa vải Việt Nam.

Những nỗ lực ở địa phương

Trong khi chờ đợi những giải pháp căn cơ, lâu dài hơn, và ở quy mô rộng lớn hơn cho quả vải, tỉnh Bắc Giang đã có những nỗ lực tự thân đáng chú ý trong thời gian vừa qua.

Để hỗ trợ đầu ra cho quả vải, tỉnh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho 371 thương lái Trung Quốc được phép nhập cảnh vào Việt Nam thu mua vải thiều. Tính đến ngày 16-6, đã có trên 113 thương lái nhập cảnh và đang được cách ly y tế trên địa bàn huyện Lục Ngạn. UBND huyện cũng bố trí 29 nhà nghỉ trên địa bàn để phục vụ cách ly, bố trí công an, nhân viên y tế trực 24/24 giờ, bảo đảm cơ sở vật chất, nơi ăn nghỉ cho thương lái theo quy định.

Ông Nguyễn Thế Thi - phó chủ tịch huyện Lục Ngạn - cho hay nhiều thương lái Trung Quốc đã đến Bắc Giang được hơn 10 ngày, trong tối ngày 16-6 có 21 thương lái Trung Quốc hết cách ly, khoảng ba hôm tiếp theo, hầu hết các thương lái Trung Quốc hết thời gian cách ly y tế sẽ trực tiếp ra chợ mua vải và hoạt động mua bán sẽ sôi động hơn.

Trong thời gian cách ly, hầu hết thương lái Trung Quốc đều phải livestream, quay phim, chụp ảnh, kết nối trực tuyến, hợp đồng gián tiếp với các đầu mối thu mua trong nước qua điện thoại để chốt số lượng, giá cả mua vào để xuất qua Trung Quốc.

Cũng theo ông Thi, hằng năm tỉnh Bắc Giang đều tổ chức hội nghị xúc tiến, giới thiệu vải thiều, nhưng năm nay là lần đầu tiên tỉnh thực hiện hoạt động xúc tiến, quảng bá vải thiều Lục Ngạn trực tuyến.

Năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh, tỉnh đã tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối giao thương với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và hai điểm cầu tại tỉnh Vân Nam, hai điểm cầu tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Không chỉ có vậy, để hỗ trợ đầu ra cho quả vải, những năm qua Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang, Sở Công thương tỉnh Bắc Giang và UBND huyện Lục Ngạn đã hỗ trợ, định hướng nông dân trồng vải Lục Ngạn phát triển thương hiệu, định hướng để nông dân trồng vải sạch, chất lượng tốt hơn.

 

Về chuyện tìm đầu ra cho quả vải, ông Lại Thanh Sơn, phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, nói để ứng phó với bối cảnh dịch COVID-19, nhiều thị trường xuất khẩu chưa mở cửa, ngay từ những ngày đầu năm 2020, tỉnh đã xây dựng ba kịch bản với mục tiêu kép, vừa phòng dịch, vừa thúc đẩy sản xuất tiêu thụ. Đồng thời, xây dựng các kế hoạch tổ chức xúc tiến tiêu thụ vải thiều và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, thương nhân đến tìm hiểu, thu mua, tiêu thụ vải thiều trên địa bàn.

Về thị trường tiêu thụ vải thiều năm nay, ông Sơn cho biết thêm mọi năm khoảng 50% vải thiều được tiêu thụ nội địa và 50% xuất khẩu, trong đó chủ yếu được xuất sang thị trường truyền thống Trung Quốc và một số thị trường tiềm năng khác.

Năm nay, do tác động của dịch COVID-19 nên các nước đều có những chính sách kiểm soát dịch tễ, xuất nhập cảnh, một số quốc gia đóng cửa biên giới không cho thông quan nên xuất khẩu vải gặp nhiều khó khăn hơn. Vì vậy, trong năm nay tỉnh Bắc Giang vẫn xác định ưu tiên xuất khẩu vải sang thị trường Trung Quốc và một phần tiêu thụ nội địa.

Theo Sở Công thương thì vải thiều Bắc Giang đã được xuất khẩu tới trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên thị trường Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống và có quan hệ hợp tác nhiều năm qua.

Tỉnh Bắc Giang đã đăng ký mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói và tem truy xuất nguồn gốc... để xuất khẩu sang Trung Quốc theo chương trình hợp tác chính ngạch. Đồng thời, tỉnh cũng đang đẩy mạnh chiến lược xuất khẩu vải sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Malaysia, Thái Lan, Singapore và mở rộng xuất khẩu tới thị trường Trung Đông, EU, Mỹ, Canada.

Đối với thị trường nội địa, tỉnh Bắc Giang đã làm việc với Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước, các tập đoàn Central Group, Mega Market, Aeon, Saigon Co.op... để tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều. Đến nay, vải thiều Bắc Giang đã được tiêu thụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các trung tâm, siêu thị lớn trên cả nước.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã tiêu thụ 50.000 tấn, trong đó gần 23.000 tấn được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đến các nhà vườn đăng ký thu mua vải thiều để xuất khẩu. Dự kiến vụ vải thiều năm 2020 sẽ có khoảng 50% sản lượng được xuất khẩu đi các nước. ■

Ông Hoàng Trung (cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn):

Điều kiện xuất khẩu vải thiều đã sẵn sàng

Việc xuất khẩu vải sang các thị trường Trung Quốc, Úc, Mỹ... thuận lợi nhờ đã có sự chuẩn bị và tiếp cận thị trường từ nhiều năm qua. Riêng năm nay, Chính phủ đã có nhiều giải pháp về mặt chính sách và thủ tục để thuận tiện cho việc xuất khẩu vải. Theo đó, Úc đã chấp thuận việc chiếu xạ vải tại Hà Nội.

Nhờ ứng dụng những cải tiến về công nghệ, việc bảo quản quả vải tươi có thể kéo dài đến 35 ngày, thuận lợi cho việc xuất khẩu bằng đường biển. Riêng với thị trường Nhật Bản, đến nay chất lượng vải các vùng vải xuất khẩu tại Bắc Giang, Hải Dương đều đạt yêu cầu khắt khe của nhà nhập khẩu và điều kiện kỹ thuật cho việc xuất khẩu vải sang Nhật đã sẵn sàng.

Ba chân kiềng cho xuất khẩu quả vải

TS Đặng Kim Sơn - nguyên viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - cho rằng nông dân Việt Nam sản xuất gì cũng có thể làm được, nhưng có một thứ họ chưa thể làm là thị trường. Đây là vấn đề ngoài sức với của người nông dân.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc tiêu thụ và xuất khẩu nông sản nói chung và vải thiều nói riêng luôn bấp bênh.

Trong ngắn hạn thì năm nay tiêu thụ vải thiều ít nhiều chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, khi nhiều quốc gia vẫn còn đóng cửa. Thương nhân sang mua vải cũng phải có giấy phép đặc biệt và chịu cách ly, làm tăng chi phí. Đối với cây trồng bán quả tươi như cây vải, thời vụ cấp tập thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng.

Về dài hạn, Việt Nam là một nước có thế mạnh nông nghiệp nhiệt đới, nhưng chiến lược phát triển công nghiệp hiện nay thiếu gắn bó với các ngành hàng nông sản. Quả vải tươi không khó chế biến, thành đồ khô, đồ hộp đông lạnh, sirô... nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức.

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT cùng các tỉnh có cây vải đã rất nỗ lực, với việc triển khai trồng vải theo mô hình VietGap, GlobalGap, tăng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, cấp mã vùng cây ăn quả, tạo thuận lợi cho thương lái dễ dàng tiếp cận để mua vải..., nhưng vấn đề nền tảng là phát triển công nghiệp chế biến thì chưa có mấy chuyển biến.

Xa hơn thì chuỗi giá trị nông sản, bao gồm vải thiều, chưa hình thành vững chắc. Người mua vải chủ yếu là thương lái Trung Quốc nhỏ lẻ, chỉ mua, thuê xe chở lên biên giới, là trung gian chứ không phải người bán cuối cùng ở các thị trường thực sự Thượng Hải, Thâm Quyến, Bắc Kinh...

Nhu cầu vẫn cao và rất thực, nhưng việc vận chuyển bằng xe container đi theo đường biên giới trên bộ như hiện nay đang dần lỗi thời, cần tính toán vận chuyển nông sản bằng đường biển, với hệ thống trữ lạnh tốt, hoặc bằng đường không, đường sắt đến chuỗi siêu thị cuối cùng, nhà máy chế biến, cửa hàng bán lẻ... thì thu nhập của người trồng vải mới thực sự được cải thiện. Điều này đòi hỏi tổ chức bài bản để hình thành chuỗi giá trị vượt xa năng lực của bất kỳ hộ nông dân, hay thậm chí là chính quyền địa phương, đơn lẻ nào.

Ở nhiều nước, họ tổ chức hợp tác xã, hội nông dân chịu trách nhiệm toàn bộ việc tiêu thụ nông sản. Các tổ chức này sẽ đủ lớn để mua hoặc thuê xe lạnh, ký hợp đồng với hệ thống bán buôn - bán lẻ, người phân phối ở khâu cuối cùng, qua đó chủ động hơn trong khâu mua bán, tăng giảm diện tích trồng, phát triển quả trái vụ, và mở rộng sang các thị trường khác nhau, hòng tránh cảnh “giải cứu nông sản” lặp đi lặp lại.

Tóm lại, để đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu nông sản cần ba sự thay đổi: gắn phát triển công nghiệp với chế biến nông sản, thay đổi tổ chức nông dân hợp tác xã, và thay đổi hệ thống dịch vụ hậu cần phục vụ xuất khẩu. Cả ba việc này đều cần sự hỗ trợ có chủ đích từ nhà nước.

 

Quả vải sạch cho giá trị cao hơn

Quả vải sạch cho giá trị xuất khẩu cao hơn vì có thể vào được các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU..., nhưng hoạt động xuất khẩu vải bền vững hay không hoàn toàn phụ thuộc vào quy trình trồng và chăm sóc. Doanh nghiệp có thể đầu tư công nghệ chế biến hiện đại để xuất khẩu nhưng không thể thay thế các chủ vườn.

Đó là khẳng định của ông Đỗ Hòa Phương - giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu - một trong ba doanh nghiệp xuất khẩu vải lớn tại Lục Ngạn. Riêng với thị trường Trung Quốc, theo ông Phương, Công ty Toàn Cầu chỉ xuất khẩu theo đường chính ngạch thông qua các đối tác phân phối lớn - như chi nhánh của Walmart tại Trung Quốc - chứ tuyệt đối không xuất tiểu ngạch. Chỉ có như vậy mới tạo ra tiền đề cho xuất khẩu lâu dài.

Điều quan trọng nhất với quả vải xuất khẩu là hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng và chăm sóc. Nhà máy chế biến thì doanh nghiệp có thể đầu tư công nghệ, dây chuyền chế biến, nhưng quá trình trồng và chăm sóc phải dựa vào người nông dân. Nếu các chủ vườn tự ý thức, tuân thủ quy trình, đương nhiên chất lượng quả vải ngon hơn, sạch hơn, giá bán cao hơn và tạo được lòng tin với các thị trường nhập khẩu.

Điều này cũng đúng với mọi loại nông sản khác. Khi đã định hình một quy trình sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu chuẩn rồi, việc quả vải xuất ngoại sẽ rất thuận lợi và càng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe thì quả vải thiều càng có giá trị cao. Trong vụ vải thiều năm 2020, ngay từ đầu năm Công ty Toàn Cầu đã ký hợp đồng thu mua khoảng 800 tấn vải thiều từ nông dân Lục Ngạn, nhưng do vải mất mùa nên chỉ thu mua được khoảng 400 tấn, trong đó dự kiến xuất đi Nhật Bản vài chục tấn.

Công ty đặt hàng và thu mua trực tiếp vải tại vườn của nông dân để chế biến xuất khẩu. Hợp đồng với nông dân có đính kèm danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm. Ngoài ra cũng cần một quy trình kiểm định chất lượng nghiêm ngặt sau khi thua mua. Năm 2019 khi thu gom vải thiều xuất đi Úc, Công ty Toàn Cầu từng dính một số thùng vải ở các vườn khác trà trộn vào nhiễm chất cấm, gây nhiều rủi ro cho hoạt động xuất khẩu, nên việc hậu kiểm là bắt buộc.

Cũng theo ông Phương, cả ba doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản là Công ty Chánh Thu, Công ty A Mây và Công ty Toàn Cầu đều đang chờ chuyên gia Nhật Bản hết thời gian cách ly đến kiểm tra an toàn trong chế biến của các nhà máy.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận