Haruki Murakami nói gì về bia lạnh, hư vô và F. Scott Fitzgerald?

ĐỖ TRÍ VƯƠNG dịch 03/12/2022 06:08 GMT+7

TTCT - Trang Interview Magazine phỏng vấn Murakami, nhân dịp cuốn tiểu luận Tiểu thuyết gia như một nghề nghiệp (Novelist as a Vocation / 職業としての小説家) của ông vừa phát hành bản tiếng Anh, sau lần ra mắt đầu tiên tại Nhật năm 2015.

Không nhiều tác giả còn sống có lượng người đọc và hâm mộ đông đảo toàn cầu như Haruki Murakami. Trên kệ sách của một người đọc văn nghiêm túc hầu như luôn có những Rừng Na Uy (Norwegian Wood), Biên niên ký chim vặn dây cót (The Wind-Up Bird Chronicle), 1Q84, hay Kafka trên bờ biển (Kafka on the Shore). 

Từ những nghệ sĩ hậu hiện đại thể nghiệm, fan của thể loại khoa học giả tưởng, triết gia, người lãng mạn cởi mở, dân hippie cho đến những nhà thực tế chủ nghĩa theo phái Kafka, hầu như bất kỳ ai từng lật giở những trang sách dẫn vào vũ trụ hư cấu vừa siêu thực vừa trần tục của bậc thầy văn chương 73 tuổi này đều ngưỡng mộ ông.

Haruki Murakami nói gì về bia lạnh, hư vô và F. Scott Fitzgerald? - Ảnh 1.

Bộ sưu tập 10.000 đĩa vinyl của Haruki Murakami.

Dẫu được yêu mến đến mấy, bản thân Murakami vẫn là một bí ẩn theo cách nào đó với những fan của ông, ngoài những nỗi ám ảnh đã được thừa nhận đối với môn bóng chày, thú chạy bộ và nhạc jazz. 

Cuốn sách tiếng Anh mới nhất của Murakami, Tiểu thuyết gia như một nghề nghiệp (Novelist as a Vocation), soi sáng trí tuệ thông thái và luôn vận động đằng sau những cuốn tiểu thuyết, đem lại những lời khuyên thiết thực cho những ai đang ấp ủ nghiệp văn bằng nhiều thập niên dựng xây những thế giới ẩn của ông.

Trên tất cả, cuốn sách là lời ngợi ca sự khắc nghiệt hằng ngày của công việc khơi gợi óc tưởng tượng. Với ham muốn lớn lao được nghe thêm nhiều câu trả lời, Interview Magazine phỏng vấn Murakami về những chủ đề phép mầu, hạnh phúc và du hành thời gian.

Trong quá trình viết, đã bao giờ ông bị lạc lối đến nỗi khó thoát ra được thế giới do mình tạo ra?

- Thông thường, khi viết một tiểu thuyết, tôi hoàn toàn đắm mình trong đó. Nhưng một khi đã làm xong phần việc trong ngày, tôi luôn quay lại sống một cách bình thường trong thế giới thực. Tôi vẫn ủi quần áo, bắt tàu điện và dừng chân trước hiệu bán đĩa nhạc cũ. Tôi chưa bao giờ trải qua việc không thể thoát khỏi thế giới của tiểu thuyết. Có gia đình rồi mà bị thế thì rách việc lắm.

Những câu chuyện đầu tiên đến với ông ra sao? Những nguồn cảm hứng sáng tác thú vị nhất tới nay là gì?

- Tôi hầu như chưa nhận được nguồn cảm hứng nào. Tôi chỉ đơn giản viết ra giấy những gì nảy ra trong đầu vào thời khắc đó. Rồi tôi tự hỏi "tiếp theo sẽ là gì?", và câu chuyện cứ thế lớn dần một cách tự nhiên. Những gì đến với tôi chỉ là những ý tưởng. Có lúc tôi cũng muốn hưởng cảm giác được truyền cảm hứng, như có một bóng đèn lóe sáng trong đầu vậy.

Ông thường viết tiểu thuyết ở nước ngoài. Đến nay, đâu là chốn sáng tác ưa thích nhất của ông?

- Khi đang viết một cuốn tiểu thuyết trên một hòn đảo ở Hy Lạp, tôi có thể thấy một đàn cừu bên ngoài cửa sổ, ngày nào tôi cũng viết và dõi theo chúng. Không hẳn là lũ cừu giúp ích gì, nhưng có lẽ chúng đã động viên tôi. Cuốn sách tôi viết khi đó là Rừng Na Uy, và trong truyện không có lấy một bóng cừu.

Được định danh là "nhà văn Nhật" quan trọng ra sao với ông?

- Tôi viết tiểu thuyết bằng tiếng Nhật, nên đó có thể là lý do tôi được gọi là một "nhà văn Nhật". Viết bằng tiếng Nhật thì dễ hơn cho tôi, nhưng ngoài ra thì chuyện đó không còn nghĩa lý gì lắm. Tôi vẫn thích sống ở Nhật vì ở đây có những quán mì soba rất ngon.

Âm nhạc và phim ảnh nào tác động nhiều nhất đến ông, khi còn là một người viết trẻ?

- Khi còn trẻ, tôi xem đủ thể loại phim, nghe đủ thể loại nhạc, tất cả chúng được trộn lẫn trong đầu tôi và trở thành một dạng học vấn (hoặc đại loại thế). Nên tôi không thể chọn ra một cái tên được. Quan trọng hơn cả với tôi là câu hỏi làm thế nào chúng trộn lẫn được vào nhau.

Có thứ gì mới mẻ đang khiến ông quan tâm không?

- Xin lỗi, nhưng tôi phải thú nhận tôi hầu như không hứng thú lắm với những điều mới. Suốt ngần ấy năm sống trên đời, chưa có một ca sĩ nào vượt qua nổi Billie Holliday và chưa một nhạc sĩ nào chơi kèn saxophone tenor hay hơn Stan Getz.

Nếu được du hành thời gian, ông thích đi về quá khứ hay đến tương lai?

- Tôi thích đi về quá khứ để dự buổi diễn cuối cùng của Glenn Gould và được nghe Clifford Brown chơi trực tiếp. Tôi cũng rất muốn dự một buổi chơi jazz có Charlie Parker, nhưng tôi e mình sẽ thất vọng vì kỳ vọng quá nhiều.

Haruki Murakami nói gì về bia lạnh, hư vô và F. Scott Fitzgerald? - Ảnh 2.

Trong Tiểu thuyết gia như một nghề nghiệp, ông thường nhắc đến thứ phép mầu sinh ra từ quá trình sáng tác. Ông còn tìm được thứ phép mầu này ở nơi nào khác trên đời?

- Một trận đấu bóng chày, và là trận mở màn mùa giải. Bộ quần áo đấu trắng không tì vết của các cầu thủ. Ngụm bia lạnh đầu tiên sau khi chạy xong cuộc marathon. Hàu tẩm bột rán vẫn còn xì xèo. Toa ăn trong đoàn tàu, khăn trải bàn trắng được giặt hấp cứng, một đóa hồng duy nhất đặt trên bàn. Đĩa nhạc Hãng Blue Note Records từ thập niên 1950. Tiếng đệm đàn mượt mà của Kenny Burrell.

Nỗi sợ lớn nhất của ông?

- Tôi sợ nhất là sau khi chết không chỉ có hư vô [*].

Ông từng viết rằng mình sống một cuộc đời "bình dị, nhàn nhạt" và không có nhiều bạn bè làm nghề viết. (Hoặc, như từng thừa nhận, có thể ông đang phá hỏng vẻ bí ẩn lãng mạn về việc văn sĩ nào cũng có đời sống hoành tráng và trác táng như Hemingway). Ông có cố tình sống một cuộc đời tách rời văn chương? Còn cuộc phiêu lưu hoang dại nào ông vẫn muốn thử không?

- Tôi chỉ làm những gì mình thích và không bao giờ làm điều tôi không thích. Mục tiêu lớn nhất của tôi trên đời là được đọc sách mình thích đọc, nghe nhạc mình thích nghe, chơi đùa cùng lũ mèo, uống vang đỏ đủ ngon, xem bóng chày phát trực tiếp trên ti vi, chạy đủ một cuộc marathon mỗi năm và đi du lịch thường xuyên. Tôi không săn sư tử, không câu cá kiếm. Bản thân cuộc sống đã đủ phiêu lưu rồi.

Cuối năm 2021, Thư viện Haruki Murakami (tên đầy đủ: The Waseda International House of Literature - Bảo tàng văn học quốc tế Waseda) chính thức mở cửa đón công chúng. Được kiến trúc sư Kengo Kuma thiết kế, thư viện mang chủ đề chính là văn chương của Murakami, trưng bày hơn 3 ngàn đầu sách là những tiểu thuyết của ông được dịch sang 50 ngôn ngữ.

Murakami cũng đóng góp vào thư viện nhiều vật phẩm mang dấu ấn cá nhân ông, chẳng hạn bộ sưu tập đĩa vinyl.

MURA

Những tháng năm mở quán bar nhạc jazz đã chuẩn bị gì cho ông để bước vào thế giới văn chương?

- Khi làm quán bar, tôi thấy mình đã làm đủ một đời người công việc trò chuyện cùng thiên hạ. (Suy cho cùng, đó là nghề dịch vụ mà). Suy nghĩ của tôi khi đóng cửa quán bar là "tôi muốn sống phần đời còn lại mà không phải nói chuyện". Điều buồn cười là khách quen thời đó của tôi lại bảo rằng tôi chưa từng nói nhiều.

Văn sĩ có tính nết khó đoán hơn nhạc sĩ không?

- Tôi luôn nỗ lực hết sức làm người công chính. Nhưng có một điều chắc chắn là người tử tế quá thì không viết văn được. Còn về những gì có trong đầu giới nhạc sĩ thì tôi không biết.

Ông nghĩ nhân loại có bất cứ cơ may nào sửa mình không?

- Tôi muốn tin như vậy. Vì đó cũng là lý do tồn tại của mọi cuốn truyện trên đời.

Lời khuyên tốt nhất ông từng nhận được?

- Nếu bạn muốn nói điều gì khác biệt với người khác, hãy dùng ngôn ngữ khác biệt với họ. Tôi quên mất nguồn chuẩn của câu này rồi, và nó cũng không đúng nguyên văn, nhưng đây là lời của F. Scott Fitzgerald. Tôi đọc được câu này lúc còn trẻ và nó luôn in sâu trong tâm trí tôi. Tôi nghĩ nó giúp tôi rất nhiều trong vai trò người viết.

Một cuốn tiểu thuyết có thể bị hiểu nhầm không? Cuốn sách nào của ông nhận được phản hồi khiến ông ngạc nhiên? Và cụ thể ra sao?

- Tôi thật sự tin rằng mọi sự hiểu nhầm khi đạt tận cùng sẽ tạo ra sự hiểu đúng. Nên tôi không phiền khi người ta hiểu sai tác phẩm của mình. Không sợ bị người khác hiểu nhầm thứ mình viết ra, và không kỳ vọng họ hiểu đúng hoàn toàn – là mẹo để viết văn được lâu dài. Nói thật không đùa!

Ai là người đầu tiên được ông chia sẻ một ý tưởng mới cho một cuốn truyện?

- Tôi không nói với ai cả. Tôi một mình nghiền ngẫm về ý tưởng đó suốt một thời gian dài. Đây là tính cách xưa giờ tôi vẫn có.

Có chủ đề nào ông muốn viết về, nhưng chưa sẵn sàng?

- Khi còn nhỏ, tôi nghĩ một ngày nào đó mình sẽ viết một cuốn tiểu thuyết trinh thám khắc nghiệt [**], nhưng quá khó để nghĩ ra một cốt truyện, nên tôi chưa bao giờ bắt tay làm. Tôi không giỏi việc nghĩ ra một mạch truyện xuyên suốt. "Ai là thủ phạm ấy nhỉ?" và tất cả những thứ đó. Tôi nghĩ mình sẽ bị rối trí khi viết được nửa chừng.

Ở nhà ông có tác phẩm nghệ thuật nào không?

- Mua tranh là thú vui xa xỉ duy nhất tôi có. Tôi thích mua những bức tranh mình thích ngắm. Với tôi, nó không đem lại cảm giác sở hữu nhiều bằng cảm giác mình được phó thác những bức tranh đó. Tôi luôn chọn mua tác phẩm của những nghệ sĩ Nhật Bản tương đối trẻ.

Ông còn nhớ cái cây cao nhất mình từng leo không?

- Tôi sợ độ cao khủng khiếp. Cái cây cao nhất ư? Tôi thật lòng không nhớ.

Nơi nào ông hạnh phúc nhất?

- Đó hẳn là vạch đích của một cuộc marathon, khi tôi biết mình không phải chạy nữa.■

(ĐỖ TRÍ VƯƠNG dịch)

[*] Nguyên văn: 無, sự hư vô, không có gì.

[**] Nguyên văn: hard-boiled. Sự khác nhau cơ bản giữa thể loại trinh thám khắc nghiệt và trinh thám cổ điển nằm ở sự nghiệt ngã và đen tối trong cá tính nhân vật chính (thường là một thanh tra hoặc thám tử) và màu sắc bạo lực, tình dục, và cay đắng của đời sống phố thị. Vài tựa tiểu thuyết trinh thám khắc nghiệt nổi tiếng như The Black Dahlia (Hoa thược dược đen), Devil In A Blue Dress (Ác quỷ mặc váy xanh), hay L.A. Confidential (Bí mật Los Angeles). Thể loại trinh thám cổ điển có nhiều đại diện rất phổ thông như Agatha Christie với những Death on the Nile (Cái chết trên sông Nin) hay Murder on the Orient Express (Vụ án mạng trên tàu Tốc hành phương Đông).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận