TTCT - Hệ quả xã hội rộng lớn của tín dụng đen, nhất là ở những người lao động có thu nhập thấp, không chỉ dừng lại ở cá nhân người vay tiền hay gia đình họ. Ảnh: TTCT.Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2020, gần 50% dân số Việt Nam có nhu cầu vay mượn, nhưng chỉ 18% trong đó vay được từ các tổ chức ngân hàng chính thống. Phần còn lại vay mượn người thân, bạn bè và các tổ chức tín dụng khác, trong đó có hình thức vay nặng lãi - cả một thế giới tín dụng đen hết sức phức tạp và để lại nhiều hệ quả xã hội.Trong các hoạt động tín dụng mang tính hỗ trợ cho người nghèo, người yếu thế và có thu nhập thấp, hệ thống ngân hàng có các nghiệp vụ chuyên biệt - thường được gọi là tài chính vi mô. Các tổ chức này tiến hành nghiệp vụ cho vay tín chấp cho nông dân hay hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, thông qua sự bảo đảm của hệ thống chính quyền cơ sở, các hội đoàn thanh niên, phụ nữ.Tín chấp và thế chấpMô hình này trở nên nổi tiếng toàn thế giới nhờ hình thức "ngân hàng làng quê" ở Bangladesh - nơi mà hơn 2 triệu người đã được ghi nhận thoát nghèo và tự trang bị cho mình một năng lực cạnh tranh tương đối để tự tổ chức cuộc sống. Tác giả của mô hình này - người sáng lập Ngân hàng Grameen, Muhamad Yunus, là chủ nhân giải Nobel hòa bình năm 2006. Nhờ ông mà khái niệm tài chính vi mô được phổ biến và triển khai hiệu quả ở nhiều quốc gia trên thế giới, dù cũng còn nhiều điểm tranh cãi.Với đối tượng khách hàng của các tổ chức tài chính vi mô - nông dân và hộ kinh doanh nhỏ - họ chủ yếu vay bằng tín chấp. Với các ngân hàng lớn bài bản, ít nhất các khách hàng này cũng có mảnh đất canh tác hay mặt bằng cửa tiệm, tức là có một chút tài sản đảm bảo cho khoản vay. Khả năng trả nợ của họ vẫn được đánh giá là khả thi. Nhưng trong xã hội còn một đối tượng rất đông đảo nữa - mà khả năng tín chấp và thế chấp của họ còn thấp hơn, trong khi nhu cầu cần tiền nhanh của họ là thường trực: công nhân.Thứ duy nhất người công nhân có thể chứng minh với tổ chức cho vay, ngoài căn cước công dân, là hợp đồng lao động. Không có gì khác nữa. Do vậy, để được vay một khoản tiền mặt từ các ngân hàng thương mại hầu như là không thể. Các tổ chức tài chính vi mô ở Việt Nam hiện tại thì duy nhất chỉ có CEP - tổ chức tài chính phi lợi nhuận của Liên đoàn Lao động TP.HCM - là có nghiệp vụ hỗ trợ công nhân.Không có cách nào khác, nhiều công nhân chỉ có thể nhờ đến những dịch vụ vay tiêu dùng - mua trả góp của các công ty tài chính mà lãi suất tính cho hết thì cũng phải xấp xỉ 20%/năm - mức giới hạn về luật cho định nghĩa vay nặng lãi. Còn nếu cần một khoản tiền mặt không giải trình được mục đích sử dụng: hiếu hỉ, về quê, tiền thuốc, tiền đóng học, tiền chữa bệnh, tiền để cá cược lô đề..., họ chỉ còn một cách: các app "Vay tiền dễ dàng không cần chứng minh thu nhập, nhận tiền mặt trong 24 giờ, giải ngân sau một nụ cười".Những khoản vay cắt cổHiện nay, theo hiểu biết của người viết, có khoảng 200 app như thế trên mạng, đi kèm là một đội ngũ đông đảo những người phát tờ rơi, dán quảng cáo ngày đêm ở các khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân. Các tổ chức cho vay nặng lãi bị công an phát hiện và xử lý lên đến hàng chục và quy mô có thể lên đến hàng ngàn tỉ đồng.Dù nỗ lực ngăn chặn, Bộ Công an vẫn phải thừa nhận các tổ chức tín dụng đen này như vòi bạch tuộc. Việc triệt phá hoàn toàn là hầu như không thể nếu chỉ trông cậy vào giải quyết phần ngọn, khi những vụ vay mượn đã vỡ lở thành các hệ quả xã hội. Lợi nhuận quá lớn, công cụ thì có sẵn và thị trường lại luôn rộng mở.Vay 1 triệu đồng, một ngày chỉ trả lãi có 3.000 đồng. Trong lúc túng quẫn và không biết xoay xở đâu ra vài triệu để lo tiền đóng trọ hay thuốc thang bệnh tật, thì đó gần như là lựa chọn tất nhiên. Việc chỉ bấm vài nút next ở trên app, tiền sẽ về tài khoản khiến nhiều người quên mất khái niệm lãi suất kép - tức lãi mẹ sẽ đẻ lãi con và nếu chỉ trả 3.000 đồng một ngày cho 1 triệu tiền vay, thì lãi suất tính theo năm của khoản vay sẽ là 100%, với điều kiện phải trả đúng hạn!Cứ mỗi tháng trễ hạn, lãi suất sẽ tăng thêm 10% và nếu số tiền vay là 5 triệu, thì khoản nợ phải trả sau 1 năm có thể lên tới 25 triệu, chưa kể những uy hiếp về tinh thần mỗi cuối tháng khi trễ hạn trả bởi tin nhắn lẫn điện thoại hăm dọa đến cả tính mạng người vay lẫn người thân trong gia đình.Liệu mấy người sẽ còn đủ tỉnh táo và tập trung cho công việc, đủ kiên nhẫn để chờ đến cuối tháng lĩnh lương hầu trả một phần, hay sẽ quyết tâm nhấn thêm vài nút OK, next nữa ở app khác để có 10 triệu trả nợ đi cho xong? 10 triệu kia cũng chỉ 25.000 đồng lãi mỗi ngày, nhưng đấy lại là khởi đầu cho một vòng xoáy mới - không lối thoát.Bi kịch của người có thu nhập thấp cũng chính là thị trường béo bở cho các hoạt động tín dụng cả trắng lẫn đen. Người công nhân có quyền lựa chọn các dịch vụ cho vay đang tràn ngập trên thị trường. Bản thân các tổ chức tài chính cũng đang mở rộng kinh doanh vào thị trường này.Tuy nhiên, thấu chi tiền mặt luôn là một nghiệp vụ có độ rủi ro cao, nên hoạt động tín dụng đen hiện tại, ví dụ như ở khu vực Đông Nam Bộ - dường như không còn được kiểm soát. Mới đây, một kẻ cho vay ngang nhiên gọi điện đến văn phòng công ty người viết yêu cầu công ty phải hỗ trợ công nhân trả nợ đúng hẹn và hăm dọa cả những người vốn không liên quan gì đến khoản vay.Hệ quả xã hộiNhững kẻ bất lương đã tận dụng rất tốt lợi ích của công nghệ để tạo ra và vận hành rất trơn tru một quy trình kinh doanh: nhân viên chào mời cho vay lãi suất thấp, rút tiền nhanh, lượng tiền mặt dồi dào từ những nguồn tín dụng đầu vào cũng đen không kém, app ứng dụng giao diện thân thiện, thao tác dễ dàng, đội ngũ nhân viên đòi nợ online chuyên nghiệp. Và trên hết là những ông chủ kinh doanh bất lương có xuất xứ quốc tịch từ khắp nơi trên thế giới với đầy đủ kinh nghiệm và kiến thức kinh doanh cho vay nặng lãi, chắc chắn được đào tạo bài bản.Trong khi đó, khi doanh nghiệp kêu cứu các cơ quan chức năng vì tình trạng điện thoại công ty bị chiếm sóng vì các cuộc gọi hăm dọa đòi nợ nhân viên, thì nhận được câu trả lời là các cuộc gọi này đều gọi từ sim rác nên rất khó xử lý, ngăn chặn.Rõ ràng trong cuộc chiến này, phía bất lương tận dụng công nghệ tốt hơn. Để người công nhân, khi thực sự cần tiền cho những nhu cầu chính đáng, không lập tức truy cập vào các app vay tiền nhanh, phía công quyền phải có sự đồng bộ của ngân hàng, công ty tài chính lương thiện, công an và cả những tổ chức hội đoàn vốn bình thường rất hay có tên trong các sự kiện hiếu hỉ của công ty.Một khoản vay, nếu lên app của ngân hàng, công nhân phải kê tầm 20 mục và khả năng bị từ chối rất cao vì không thể chứng minh thu nhập là đủ và ổn định, trong khi với app tín dụng cắt cổ, chỉ cần số điện thoại và căn cước công dân. Trên thực tế, người đi vay sống ở đâu, làm ở công ty nào, đã có sẵn trong dữ liệu của các công ty bất lương này rồi. Còn bằng cách nào họ có được dữ liệu đấy lại là một câu chuyện buồn khác.Công nhân thời nào thường cũng phải chịu nhiều vất vả thiếu thốn. Thời của người viết cách đây 30 năm, nhà trọ cho kỹ sư, cử nhân cũng 10 mét vuông cho 3 người, 3 xe máy, nhà vệ sinh cả khu 30 căn dùng chung 4 cái. Cách để công nhân thời đấy vượt qua, dù là thụ động, là phải tự nấu cơm để ăn và quan trọng nhất là đi làm về, phải đẩy xe máy ngay vào nhà trọ, lúc đấy muốn đi ra ngoài cũng không được, vì phòng đã chật kín, không thể dẫn xe ra được nữa. Ăn cơm tối xong là tắt đèn đi ngủ, tự cắt đứt cơ hội ra ngoài vào buổi tối để tránh la cà, tiêu pha. Đấy là cách để vài năm sau họ mua đất giấy tay ở ven ngoại ô và mơ về một ngôi nhà cấp 4 xây không phép. Phần nào đó cũng là ý chí và bản chất lương thiện của một thế hệ, một nghề.Việc chỉ ngồi nhìn trân trân vào màn hình điện thoại vốn rất nhiều cám dỗ mỗi tối như hiện nay, thì chỉ cần một phút thiếu tỉnh táo, người công nhân sống ở nhà trọ có thể rơi vào vòng xoáy mà việc thoát ra tự bản thân họ khó lòng làm nổi, cả về vật chất lẫn tinh thần. Hệ lụy từ vấn nạn này có thể ám ảnh suốt cả một cuộc đời và không chỉ với mỗi người đi vay.Những hậu quả tín dụng đen gây ra cho xã hội vẫn còn chưa được tìm hiểu đầy đủ. Sự phát triển của thị trường này phản chiếu sự đi xuống trong chất lượng cuộc sống của dân chúng, phải được xem xét như một tình huống khủng hoảng được ưu tiên trong những nỗ lực quản trị nhà nước.■Anh T.N.L., cán bộ công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam, cho biết hiện nay nhiều công ty hỗ trợ công nhân vay tiền với lãi suất thấp nếu có nhu cầu. Công nhân Công ty Pousung Việt Nam có thể vay tiền từ Quỹ CEP với lãi suất 0,55%/tháng. "Hiện công ty có khoảng 10.000 khách hàng, lũy kế cho vay khoảng 3.000 tỉ và dư nợ hằng tháng dao động từ 200-250 tỉ đồng. Trung bình 1-2 tháng công ty sẽ tổ chức cho công nhân đăng ký vay tiền với số lượng từ 1.000 - 2.000 lao động", anh L. nói.A LỘC Tags: Tín dụng đenCho vay nặng lãiĐòi nợ thuêBẫy tín dụng
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.