Hiến pháp như chúng ta mong đợi

NGUYỄN CẢNH BÌNH (*) 09/03/2013 11:03 GMT+7

TTCT - Hiện nay cả nước đang tiến hành góp ý về việc sửa đổi Hiến pháp 1992, nhiều ý kiến rất có giá trị, hữu ích, cũng là cách thức để người dân cũng như các nhà khoa học tham dự nhiều hơn vào hoạt động chính trị của cả nước.

Tập hợp ý kiến phải dân chủ, khách quan

Phóng to
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do tạp chí Nghiên Cứu Lập Pháp, Văn phòng Quốc hội tổ chức - Ảnh: Việt Dũng

Nhìn lại lịch sử lập hiến gần 70 năm qua, chúng ta thấy được sự phát triển về nhận thức và kể từ năm 1945, chủ nghĩa lập hiến đang dần định hình trên đất nước nhưng cũng thấy những trở ngại và khó khăn chúng ta đương đầu.

Chúng ta đang ở đâu và như thế nào so với quá khứ?

Trên thế giới, hiến pháp và chủ nghĩa lập hiến có tới hàng ngàn năm lịch sử, xuất hiện lần đầu từ Ai Cập cổ đại nhưng được hệ thống hóa và bắt đầu định hình trong giai đoạn Hi Lạp cổ đại rồi La Mã cổ đại. Nhưng trải qua thời kỳ Trung cổ tối tăm, mãi đến thế kỷ 13 tại nước Anh, quyền của con người mới bắt đầu được đảm bảo bằng bản Đại hiến chương Magna Carta... Ở nhiều quốc gia, chủ nghĩa lập hiến và bản hiến pháp đầu tiên đã xuất hiện hàng trăm năm nay. Hay ngay tại các quốc gia Đông Nam Á hoặc Đông Á, hiến pháp và chủ nghĩa lập hiến cũng đã có trên 100 năm lịch sử và phát triển.

Nếu so sánh với các thời điểm soạn thảo hiến pháp trước đây, chắc chắn chúng ta phải nhắc đến giai đoạn quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại Việt Nam, giai đoạn 1945-1946. Đó là một giai đoạn có nhiều yếu tố và điều kiện thuận lợi, chúng ta có một nhà lãnh đạo kiệt xuất là Chủ tịch Hồ Chí Minh, ban soạn thảo Hiến pháp 1946 khi đó cũng gồm những trí thức hàng đầu, có kiến thức, ảnh hưởng lớn trong xã hội.

Lần sửa đổi này, chúng ta cũng có một vài thuận lợi: trình độ dân trí chung của cả xã hội đã cao lên, truyền thông, thông tin trong xã hội đã tốt hơn rất nhiều khi các mạng điện thoại, báo mạng và mạng xã hội giúp chia sẻ thông tin, quan điểm nhanh chóng. Nhận thức của người dân về hiến pháp và sự tham gia, quyền tham gia hơn hẳn so với năm 1992...

Đương nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn và trở ngại trên con đường tạo dựng được một bản hiến pháp tốt: sự tuân thủ nghiêm túc luật pháp của cả Nhà nước và người dân; sự chuẩn bị của con người và dân tộc, việc thực thi trên thực tế còn có khoảng cách với những quy định trên giấy; nền giáo dục; sự thống nhất và đồng thuận chắc chắn trong xã hội.

Hiến pháp: rộng và hẹp

Đã có rất nhiều ý kiến, góp ý cho lần sửa đổi hiến pháp này, song phần lớn đi vào cụ thể điều này, điều kia, vấn đề quyền con người, thể chế, chính quyền đô thị, giáo dục...

Thiết nghĩ, vẫn cần nhìn nhận bản hiến pháp ở phạm vi rộng hơn. Theo nghĩa hẹp, hiến pháp chỉ gói gọn trong văn bản vài chục trang với vài trăm điều khoản và nhiều người kỳ vọng ngay trong lần này sẽ có một bản hiến pháp hoàn hảo. Nhưng chỉ những quy định, những điều viết ra trên giấy không thể và không bao giờ đủ để đảm bảo duy trì và phát triển một xã hội tốt và thịnh vượng.

Có một bản hiến pháp thật sự tốt thì cũng không có nghĩa mọi việc đã hoàn tất. Còn rất nhiều việc để chúng ta và các thế hệ sau cần phải làm, nếu muốn mong đợi tiệm cận và tiến tới một thiết chế tốt đẹp và phù hợp. Bản hiến pháp không phải là yếu tố đầu tiên mà thậm chí là yếu tố cuối cùng trong những yếu tố cấu thành nên một nhà nước mạnh, trong sạch, thịnh vượng, dân chủ...

Hiến pháp chính là hệ quả và kết quả của tiến trình lịch sử và thể hiện tầm vóc của dân tộc.

Trong lịch sử cả cổ xưa và hiện đại, cả những gì xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới đã chứng minh điều này. Brazil, Uruguay của những năm 1800-1840, hay Philippines áp dụng y nguyên mô hình hiến pháp Mỹ, hay Thái Lan trong suốt 80 năm lịch sử lập hiến đã có trên 20 lần sửa đổi hiến pháp... Bản hiến pháp, bản thân nó, không thể đảm bảo được sự bền vững và thịnh vượng cho một quốc gia.

Nếu chỉ coi hiến pháp như một văn bản pháp quy thì sớm muộn nó cũng bị vi phạm, không thể thực thi trên thực tế và không mang lại nhiều tác dụng, hiệu quả, rất ít ý nghĩa. Các nhà lập pháp cần hiểu hiến pháp theo nghĩa rộng hơn và chuẩn bị cả những điều kiện, yếu tố khác để đảm bảo tính hiệu quả và thực thi của nó.

Ở nghĩa rộng hơn, hiến pháp là một hệ thống tổng hòa bao gồm nhiều yếu tố cấu thành mà bản hiến pháp viết trên giấy chỉ là một biểu hiện. Hệ thống hiến pháp cần được hiểu là bao gồm:

1. Bản hiến pháp thành văn được soạn thảo và thông qua đúng đắn;

2. Các hệ thống luật liên quan, như Luật hoạt động và tổ chức của Quốc hội, Luật bầu cử, Luật hoạt động tòa án, Luật về chính quyền địa phương...;

3. Những cá nhân lãnh đạo và các thế hệ lãnh đạo, là những người chủ chốt trong việc thực thi luật pháp và hiến pháp, những người sở hữu trong tay quyền lực, sức mạnh quân đội, công an, tòa án và các biện pháp, thiết chế đảm bảo thực thi và vận hành xã hội;

4. Môi trường xã hội bao gồm nền giáo dục, dân trí, ý thức công dân…

Tầm nhìn và những việc cần làm

Việt Nam vẫn tiếp tục chặng đường không mấy đơn giản trong tiến trình phát triển chủ nghĩa lập hiến mà so với nhiều quốc gia khác, ta mới đang chập chững đi những bước đầu tiên. Việc phê chuẩn bản hiến pháp hiện nay, dù có thể còn nhiều chỗ chưa hoàn hảo, hoặc dù có được sửa đổi và có một bản hiến pháp thật sự tốt thì cũng không có nghĩa mọi việc đã hoàn tất.

Còn rất nhiều việc để chúng ta và các thế hệ sau cần phải làm, nếu muốn mong đợi tiệm cận và tiến tới một thiết chế tốt đẹp và phù hợp. Bản hiến pháp không phải là yếu tố đầu tiên mà thậm chí là yếu tố cuối cùng trong những yếu tố cấu thành nên một nhà nước mạnh, trong sạch, thịnh vượng, dân chủ...

Hiến pháp chính là hệ quả và kết quả của tiến trình lịch sử và thể hiện tầm vóc của dân tộc. Ai Cập không thể đột nhiên trở nên thịnh vượng chỉ sau một đêm với bản hiến pháp mới. Iraq không thể trở thành một quốc gia hòa bình chỉ với một hiến pháp do người Mỹ áp đặt…

Muốn hiến pháp trở nên hiệu quả và đúng đắn, cần sự hội tụ của các yếu tố đã nêu của hệ thống hiến pháp. ở chiều ngược lại, hệ thống ấy sẽ đồng bộ và hậu thuẫn cho sự phát huy ý nghĩa, vai trò của bản hiến pháp. Chúng ta có thể dự trù việc sửa đổi hiến pháp tiếp tục diễn ra trong 10-20 năm tới, thậm chí có thể ngắn hơn, khi sự phát triển của đất nước lại đòi hỏi những thay đổi và phát triển cho phù hợp với tình hình.

Chúng ta sẽ tiếp tục hội nhập với thế giới, chắc chắn sẽ tiếp tục bước sâu hơn vào dòng chảy văn minh và tiến bộ của nhân loại, vì thế các hoạt động lập pháp và quyền con người sẽ tiếp tục phát triển... Trong đó, chắc chắn những hoạt động lập pháp sẽ diễn ra mạnh mẽ và nhanh hơn. Các dự luật sẽ được soạn thảo và sửa đổi nhiều hơn. Chính quyền địa phương cũng phải có những thay đổi mà từ đó tiếp tục đặt ra những vấn đề, nhu cầu và mục tiêu phát triển mới.

Hàng loạt dự án đồ sộ đang đặt ra cho chúng ta trong những năm tới: cải cách Luật bầu cử Quốc hội, Luật hoạt động Quốc hội và các hệ thống luật khác như tòa án, chính quyền địa phương, sớm tiến tới xây dựng một Quốc hội mạnh, thực quyền, gồm những đại diện ưu tú của nhân dân. Đó mới chính là yếu tố then chốt cho quá trình cải cách, trong việc soạn, thông qua các dự luật, thông qua các chính sách kinh tế lớn của Nhà nước, đào tạo và phát triển một thế hệ lãnh đạo mới, xây dựng, cải tổ nền giáo dục trở nên thực học hơn, đào tạo ra những công dân có sức khỏe, có trí tuệ và ý thức trách nhiệm...

Chúng ta cần có thêm nhiều học giả, nhà nghiên cứu, những chính trị gia hiện đại có ảnh hưởng và uy tín… Song yếu tố cơ bản nhất là cả một dân tộc được khai sáng, đông đảo người dân sống có trách nhiệm, có kiến thức, nền tảng văn hóa và tinh thần lành mạnh trong một xã hội minh bạch, cần một nền giáo dục lành mạnh, tiến bộ và một hệ thống truyền thông lương thiện.

Nền tảng và môi trường đó sẽ hình thành và nuôi dưỡng các thế hệ công dân sống có trách nhiệm, có tri thức và tiến bộ, hình thành thế hệ lãnh đạo mới cho đất nước. Mọi cá nhân đều có thể góp phần cho những thay đổi mà họ mong đợi bằng cách sống tốt hơn, thực hiện tốt phần trách nhiệm của mình, trong đó chúng ta kỳ vọng và chuẩn bị cho thế hệ trẻ.

Khi nêu ý tưởng “nhân dân nào, chính phủ ấy”, Aristotle còn nói điều then chốt đối với một quốc gia không chỉ là tiền bạc, ngân khố... mà chính là nền giáo dục, và quan trọng nhất là toàn bộ lứa thanh niên... Đó chính là nền tảng thật sự của một quốc gia tiến bộ và thịnh vượng.

(*): Nguyễn Cảnh Bình là chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Alpha Books, giám đốc Trung tâm Hợp tác trí tuệ Việt Nam (VICC), tác giả cuốn Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào, đồng thời là một nhà nghiên cứu hiến pháp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận