Hiểu một bộ rễ mới trồng được một khu rừng

TS NGÔ ANH ĐÀO 10/07/2019 21:07 GMT+7

TTCT - Khi chuyện cháy rừng liên tiếp ở các tỉnh miền Trung dịu đi, người ta bắt đầu gọi nhau “trồng một cây”, thậm chí những phong trào kêu gọi ủng hộ tiền, quyên góp cây để tái tạo rừng bắt đầu ồn ào. Chính từ đây, phải nghĩ kỹ và hiểu sâu nhiều tầng nấc nữa về chuyện trồng rừng. Bởi đã có không ít con người chỉ nhìn thấy phần trên mặt đất để rồi ra quyết định đối xử với cây chỉ nhằm phục vụ lợi ích trước mắt của mình.

 

NGUYÊN LÝ TẢNG BĂNG TRÔI và NGUYÊN LÝ BỘ RỄ CÂY

Nguyên lý “tảng băng trôi” nói về một hiện tượng vật lý: Khi một tảng băng trôi trên mặt đại dương, chỉ 1 phần nổi, 7 phần còn lại chìm. Bản chất của các tảng băng trôi được nhà khoa học Mikhail Lomonosov (Nga) giải thích từ thế kỷ 18: gần 90% thể tích của tảng băng trôi nằm dưới nước. Chính phần chìm mới thật sự đáng sợ và nguy hiểm.

Nguyên lý này được sử dụng nhiều trong kinh tế, xã hội, tâm lý học... lưu ý mọi sự vật, sự việc trên đời này đều có hai phần nổi và chìm. Nếu ví con người như tảng băng trôi, phần nổi trên mặt nước chính là địa vị xã hội của người đó, kiến thức và kỹ năng sống, phần nhiều chìm và khó thấy là các giá trị sống (là tâm, là đức, là hứng thú, lý tưởng, định hướng, hoài bão, mơ ước của mỗi cá nhân). Nếu nhìn một mặt hàng được bán trên thị trường, chẳng hạn chiếc túi da, phần bạn “nhìn thấy” là hình thức của nó, nhãn mác và giá cả; phần không nhìn thấy được là cả một chuỗi dài những nan đề (từ việc con vật được nuôi và bị giết, tẩy rửa và nhuộm màu, may và bán, ai chịu thiệt hại về nguồn nước thải ô nhiễm từ việc thuộc da)...

Ở những xứ sở nhiệt đới, hình ảnh ẩn dụ nào sẽ giúp người ta “hiểu người, hiểu xã hội”, hiểu những khuất lấp mà nếu không nhìn ra được, không biết cách nhìn, sẽ là những mầm mống cho tai họa? Đó có lẽ là nguyên lý “bộ rễ cây”. Với một cái cây, một khu rừng, con người hoàn toàn “mù”, không nhìn thấy phần “chìm” trong đất, chỉ thấy được phần xanh tốt phía trên - những gì dễ dàng khai thác, thậm chí tận diệt, để thỏa mãn nhu cầu và lợi ích kinh tế của mình.

Minh họa
 

Tự nhiên vốn là một hệ thống hoàn hảo, cái cây mọc được ở chỗ nào đều có lý do cho sự tồn tại của nó ở đó. Hiểu được giải phẫu của thế giới thực vật, sẽ giúp hiểu được chính con người và văn hóa - xã hội của con người. Cũng vậy, hiểu được diễn tiến hình thành một khu rừng, sẽ hiểu tương lai xã hội con người đó đi tới đâu và thế nào.

GIẢI PHẪU MỘT CÁI CÂY: HÃY NHÌN BỘ RỄ

Rễ cây là một cơ quan sinh - dưỡng của thực vật, giúp cây bám vào lòng đất, rễ cây hút nước và các chất khoáng, hô hấp. Rễ cây còn là cơ quan dự trữ các chất dinh dưỡng, đóng vai trò quan trọng trong tổng hợp cytokinin - một dạng hormone tăng trưởng của thực vật để phát triển các chồi và cành cây.

Phần nhìn thấy: Xã hội của cây được phân bố tầng tán rất rõ trong không gian qua 9 tầng tán: 1) cây gỗ cao, 2) cây tầm trung, 3) cây bụi, 4) cây thân thảo, 5) cây phủ mặt đất, 6) cây lấy củ, 7) cây leo, 8) cây thủy sinh, 9) cây bám bề mặt (rêu).

Không phải vô cớ mà trong tự nhiên, thực vật phân bố theo kiểu tầng tán này. Mẹ thiên nhiên có những quy luật và nguyên tắc sáng suốt như vậy để tạo ra một “ngôi nhà” lý tưởng cho muôn loài, định sẵn việc cây nọ phải che chở cây kia, cây nọ nương vào cây kia theo mối quan hệ tương sinh hay tương khắc, bổ trợ hay loại trừ... trong nền tảng môi trường đất, nước, ánh sáng, nhiệt độ...

Tất cả đều có một mục đích là tạo ngôi nhà chung cho muôn loài cây cối, chim thú, côn trùng... Và đó là đa dạng sinh học, là sự sống. Con người chỉ là một mắt xích rất nhỏ trong đó, và không phải là trung tâm vũ trụ.

Một nguyên tắc đã được các nhà nghiên cứu thực vật đưa ra khi nói về tương quan giữa bộ rễ và tán lá cây: đó là “trên sao dưới vậy”.

Phần không nhìn thấy: Rễ cọc (điển hình cho thực vật thuộc lớp 2 lá mầm) và rễ chùm (điển hình cho thực vật thuộc lớp 1 lá mầm). Cấu tạo rễ, cách hoạt động của rễ để nuôi cây, mối liên hệ/giao lưu giữa các bộ rễ để “sống” và giữ đất phản ánh rất rõ văn hóa của tự nhiên, và có thể lấy đó là một nguyên lý phóng chiếu vào văn hóa của con người trong xã hội.

VÒNG ĐỜI CỦA MỘT KHU RỪNG

Ta hãy bắt đầu với việc hiểu về “Diễn thế sinh thái” (Ecological Succession), một “quá trình biến đổi tuần tự của quần xã sinh vật qua các giai đoạn khác nhau, từ dạng (trạng thái) khởi đầu, được thay thế lần lượt qua các giai đoạn chuyển tiếp bởi các dạng quần xã tiếp theo, cuối cùng thường dẫn tới một quần xã tương đối ổn định, tồn tại lâu dài theo thời gian. Đó là trạng thái đỉnh cực (Climax). Diễn thế có thể kéo dài trong vài thập kỷ (trong trường hợp cháy rừng) cho đến hàng triệu năm (trong trường hợp xảy ra sự kiện tuyệt chủng)”.

 

Với kiến thức sinh học từ trường phổ thông cơ sở, ta cũng có thể hiểu được sự hình thành, vòng đời hay chu trình của một khu rừng, tác động con người và ngoại cảnh lên một khu rừng.

Hãy lấy ví dụ về “diễn thế thứ sinh” theo từng giai đoạn:

Một quần xã rừng rụng lá ổn định - Cháy rừng, phá hủy cả khu rừng (yếu tố ngoại cảnh tác động) - Đám cháy thiêu trụi hoàn toàn quần xã - Đám cháy tắt, để lại khoảng đất trống nhưng đất đai không bị phá hủy - Cỏ và các cây thân thảo mọc lại nhanh chóng - Bụi cây nhỏ và cây thân lùn bắt đầu phát triển - Cây thường xanh mọc nhanh, vươn cao để tỏa bóng râm, tạo điều kiện để cây ưa bóng phát triển - Cây thường xanh vốn không thể tồn tại dưới bóng râm của các cây rụng lá sẽ bị diệt vong nhanh chóng. Hệ sinh thái trở về trạng thái ban đầu, trước khi xảy ra vụ cháy rừng.

Nhưng để có một khu rừng ở mức độ “trưởng thành tự nhiên”, ta cần tới từ 50-150 năm. Để có một khu rừng đạt trạng thái “giàu có nhất”, ta cần tới 200-300 năm (tuỳ điều kiện khí hậu).

Diễn thế sinh thái điển hình của rừng

Tới đây, ta sẽ hiểu hệ quả của việc con người hiện tại, với tốc độ khai thác chóng mặt, tận thu hết gỗ quý của những khu rừng già vài chục đến vài trăm năm, thay thế bằng những khu rừng siêu tốc, độc canh (keo, tràm...) chỉ cần 5-7 năm là khai thác trắng, bào mòn đất và phá hủy đa dạng sinh học.

THỰC TRẠNG CÂY VÀ RỪNG Ở VIỆT NAM

Ta đang chứng kiến những hiện trạng phũ phàng: Rừng nguyên sinh bị phá hủy nghiêm trọng ở nhiều địa phương, thay bằng những khu rừng trồng độc canh, ngắn ngày phục vụ khai thác và sản xuất kinh tế (gỗ và cây ăn quả ngắn ngày). Mục tiêu phủ xanh đất trống đồi trọc trên diện rộng đang đi theo hướng hình thức, tức tạo phần “xanh” theo số lượng bằng những cây công nghiệp như keo, tràm, cà phê, ca cao, cao su... Mục đích kinh tế của trồng rừng được đặt lên hàng đầu.

Một ví dụ là tại tỉnh Quảng Trị, nơi hiện có trên 111.000ha rừng trồng, chủ yếu là keo lai và tràm. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, điều này “giúp tỉnh hình thành được vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung, bình quân mỗi năm có khoảng 6.000ha rừng cho khai thác với trên 850.000m3 gỗ”.

Nhưng với rừng gỗ lớn - loại rừng giúp giảm xói mòn, rửa trôi đất, diện tích Quảng Trị chỉ có trên 22.000ha. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị, ngay cả với mô hình rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý bền vững (FSC), việc trồng rừng FSC cũng “cho thu nhập bình quân 150-200 triệu đồng/ha chu kỳ khai thác 10 năm, cao hơn từ 2-3 lần so với trồng rừng gỗ thông thường”.

Vấn đề kế tiếp của Việt Nam là việc tập trung nguồn lực “chuyển” toàn bộ hệ nông nghiệp trồng cây ngắn ngày (rau) từ vùng thấp “đi ngược” lên vùng cao, và những khuyến khích đại trà về nền “nông nghiệp công nghệ cao, tưới nhỏ giọt kiểu Isarel”.

Ở nhiều vùng, đây chính là hành động gây mất năng lượng cao nhất, hủy diệt nhất cho đất mẹ. Lý do là, theo nguyên lý “trên sao dưới vậy” của bộ rễ, con người chỉ trồng rau và canh tác trên một lớp đất bề mặt rất mỏng, sử dụng nguồn phân bón hóa học tăng cường trên lớp bề mặt đó để tạo năng suất cho chỉ một tầng thực vật mỏng (rau) với bộ rễ ngắn của chúng.

Hệ quả là, với thời gian, lớp đất bề mặt này bị chai sạn và cứng hóa, trơ bề mặt, tạo điều kiện cho sự rửa trôi khi có mưa/lũ.

Hình thái thổ nhưỡng/đất (Soil profile) điển hình trong diễn thế đất 

Đấy là khi những phần-không-nhìn-thấy là bộ rễ đã bị phá hủy sự đa dạng (theo chiều ngang và theo chiều thẳng đứng trong lòng đất). Hậu quả là gì? Lại thật mỉa mai thay, ai ai cũng thấy!

MỘT LIÊN HỆ ĐỂ SUY NGẪM

Dẫu tiến hành với mục tiêu khai thác gỗ xuất ngược về Pháp và phục vụ xây dựng các công trình kiến trúc Pháp tại nước thuộc địa, nhưng cách mà người Pháp từng làm gần 150 năm trước cho toàn Đông Dương đã để lại một vốn quý không nhỏ.

Họ đã xây dựng một bản kế hoạch trồng rừng với sự nghiên cứu kỹ lưỡng về thổ nhưỡng và điều kiện tự nhiên/sinh thái từng vùng. Từ các cấp độ lớn (toàn vùng Đông Dương) tới các địa phương, theo tên gọi cũng có thể nhận diện dễ dàng chủng loài cây được chọn trồng: tếch, huỵnh (LuangPrabang), căm xe, đàn hương (Vientiane), vàng tâm (Yên Bái), muồng, nghiến, táu (Tuyên Quang), lim (Thanh Hóa), lát, gội (Vinh), huỵnh (Huế), kiền kiền (Quảng Nam), bằng lăng (Tuy Hòa, Nha Trang), tràm (vùng ĐBSCL)...

Vào thời kỳ này, toàn vùng Đông Dương đã tạo ra được những khu rừng đa dạng sinh học cao và gỗ quý hiếm. Những gì có thể học được từ họ? Đó có lẽ là một tầm nhìn lâu dài và tôn trọng sự đa dạng sinh học; việc chọn các cây tiên phong là các cây gỗ quý và bản địa (có tính chống chịu và thích nghi tốt nhất), theo cùng một quần xã thực vật tầng tán, tạo đa dạng sinh học cao.

Việc nhập giống cây ngoại lai cần có quy trình nghiên cứu và thử nghiệm nghiêm ngặt, qua vườn ươm. (Vườn ươm và bộ rễ vẫn là hai yếu tố quyết định cho việc xây dựng một thảm thực vật có giá trị cả trên mặt đất lẫn dưới lòng đất). Cuối cùng là kỹ thuật trồng một cái cây đúng, với sự hiểu và tôn trọng bộ rễ tối đa, hiểu giải phẫu của một cái cây từ rễ đến tán cây, kể cả trong những không gian chật hẹp (đô thị) cho tới rừng rộng.

Vòng luẩn quẩn mất rừng già - thay thế bằng các khu rừng sản xuất nhằm “phủ xanh đồi trọc” với những cây gỗ giá trị thấp, quay vòng kinh tế nhanh (5-7 năm) - tỉ lệ đồi trọc và đất bạc màu cũng tăng nhanh - đi kèm với hiện tượng sạt lở, lũ ống, lũ quét xảy ra với tần số cao... cần phải được chấm dứt. Nhưng muốn thế phải bắt đầu bằng sự hiểu biết thực sự và tầm nhìn lâu dài về trồng một cái cây, ươm một khu rừng.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận