“Hộ chiếu vaccine”: Lúc cần không có, lúc có như không

HOA KIM 31/03/2021 19:05 GMT+7

TTCT - “Hộ chiếu vaccine”, “hộ chiếu COVID-19” hay “thẻ xanh kỹ thuật số” (The Digital Green Certificate) - những tên gọi khác nhau nhưng cùng để chỉ một thứ “giấy thông hành” mà chính phủ nhiều nước đang đau đầu tính toán hòng giúp việc đi lại, giao thương trở lại bình thường khi đại dịch vẫn tiếp diễn.

 
 Ảnh: businesstraveller.com

Sau 6 tháng chỉ bán mang đi do dịch COVID-19, một tiệm pizza ở Tel Aviv (Israel) lại rôm rả kẻ ăn người uống khi mở cửa bán tại chỗ trở lại vào ngày 7-3. Quán bar và nhà hàng ở tầng trên không còn bàn trống - một khung cảnh hiếm thấy trong thời buổi dịch giã. Đa số khách thủ sẵn một loại “giấy thông hành” đặc biệt: bằng chứng họ đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Nhưng hầu như ai ghé quán đều được cho vào mà không cần trình giấy, theo The Economist.

Một số hàng quán lân cận tỏ ra nghiêm túc hơn trong việc xác nhận tình trạng sức khỏe của thực khách. Hàng dài người xếp hàng bên ngoài những địa điểm này, trong tay sẵn sàng nào giấy, nào smartphone (mở sẵn ứng dụng “thẻ xanh” của chính phủ ghi nhận tình trạng tiêm phòng) để chứng minh họ đủ điều kiện vào quán.

Hiệu quả còn bỏ ngỏ

Chương trình tiêm chủng COVID-19 của Israel đang được triển khai ở tốc độ vào hàng nhanh nhất thế giới. Quá nửa người trưởng thành ở quốc gia Trung Đông này đã nhận ít nhất một mũi vaccine Pfizer, trong khi 90% người dân trên 50 tuổi đã chích đủ hai mũi.

Hiện đối tượng đủ điều kiện chích ngừa ở Israel đã được mở rộng cho mọi công dân từ 16 tuổi trở lên. Nhưng thay vì chờ đợi miễn dịch cộng đồng, từ ngày 21-2 chính quyền đã cho phép những ai đã tiêm chủng trở lại phòng gym, nhà hát và các địa điểm trong nhà khác.

Chương trình thí điểm mở cửa có điều kiện của Israel - một dạng “hộ chiếu vaccine” đang được truyền thông nhắc đến - là mô hình mà nhiều nước đang chống chọi với COVID-19 khác đặc biệt quan tâm. Hồi tháng 1, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu nội các đánh giá ý tưởng này. Đến ngày 8-3, các hướng dẫn quốc gia về hòa nhập xã hội hậu COVID-19 của Mỹ đã được cập nhật để thêm các điều kiện phân biệt giữa người đã được tiêm chủng và chưa.

Ủy ban châu Âu (EC) đang cân nhắc khả năng áp dụng một loại “thẻ xanh điện tử”, dưới dạng mã QR trên smartphone, cho công dân đã chích ngừa COVID-19 trong toàn khối. EC không muốn gọi là “hộ chiếu vaccine”, vì nhiều quốc gia thành viên e ngại sẽ dẫn đến tâm lý bị phân biệt đối xử với những người chưa được tiêm. Nước Anh cũng đang xem xét chương trình “hộ chiếu vaccine” cho riêng mình.

 
 Minh họa

Thật ra, “hộ chiếu vaccine” mà nhiều nước hướng đến nên được gọi với tên chính xác hơn là “hộ chiếu COVID-19”, vì thông tin mà nó chứa đựng không chỉ là tình trạng tiêm chủng của người mang hộ chiếu mà còn có thể bao gồm kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2, bằng chứng họ đã hoàn thành thời gian cách ly, hoặc giấy phép miễn tiêm chủng vì lý do sức khỏe.

Thực tế thì hạn chế hay cấp phép đi lại dựa trên lịch sử tiêm chủng của đương sự cũng không phải một ý tưởng mới. Chẳng hạn, du khách đến những nơi có dịch sốt vàng da có thể phải được cấp “thẻ vàng” để chứng minh đã được chích ngừa căn bệnh này. Người nhập cư đến Mỹ được yêu cầu chủng ngừa theo danh sách 15 bệnh do Bộ Y tế nước này quy định trước khi trở thành thường trú nhân.

Nhưng khi áp dụng cho vaccine COVID-19, ta có lý do để thận trọng. Các chuyên gia y tế công cộng khẳng định vẫn còn quá sớm để biết liệu ý tưởng này có phù hợp với các nguyên tắc y tế phòng dịch hay không. Trong một báo cáo hồi tháng 2, WHO cho rằng người dù đã tiêm chủng cũng không nên được miễn trừ tuân thủ các quy định giãn cách, cách ly và sử dụng “hộ chiếu vaccine” để nhập cảnh vào nước khác ở thời điểm hiện tại là “chưa phải lúc”.

Cơ quan của WHO ở châu Âu ngày 18-3 cũng khẳng định không ủng hộ “hộ chiếu vaccine”, chỉ một ngày sau khi EC đưa ra các đề xuất về “thẻ xanh kỹ thuật số” toàn khối. Một lý do khác là tốc độ xuất hiện biến chủng mới của SARS-CoV-2 đang khá nhanh và giấy chứng nhận tiêm chủng ngày hôm nay có thể trở nên vô nghĩa trong tương lai gần khi vaccine không còn đảm bảo sự bảo vệ trước các biến chủng mới.

Trong khối EU, Hy Lạp - nước mà nguồn thu từ du lịch đóng góp 1/5 GDP trước khi dịch COVID-19 bùng phát - là thành viên ủng hộ chính sách “hộ chiếu vaccine” toàn khối mạnh mẽ nhất. Các chủ nhà hàng và khách sạn đang hi vọng nguồn du khách đến nước này bằng “hộ chiếu vaccine” có thể khiến mùa du lịch hè năm nay bớt phần ảm đạm. Nhưng ngay ở những nước cho phép du khách mang “hộ chiếu vaccine” nhập cảnh, những người này vẫn phải hoàn thành giai đoạn cách ly bắt buộc để đảm bảo tuyệt đối an toàn - một yêu cầu tương đối phiền hà mà chỉ những tín đồ du lịch thật sự mới chấp nhận đánh đổi. Đón những thành phần như vậy vào nước có khi lợi bất cập hại. Sau khi Anh tăng cường mức độ giãn cách hồi tháng 1, nhiều hành khách đến sân bay Heathrow đã bất chấp quy định giữ khoảng cách để tìm cách chen hàng cho bằng được. 

Công bằng trong thực thi

Cho dù “hộ chiếu vaccine” đã sẵn sàng, việc thực thi vẫn là một dấu hỏi lớn. Ngay như ở Tel Aviv, dường như có rất ít nỗ lực từ cả phía chính quyền và chủ hàng quán để đảm bảo rằng các địa điểm kinh doanh phải kiểm tra tình trạng tiêm chủng của khách. “Nếu tôi phải thực hiện toàn bộ quy trình phê duyệt đối với mọi vị khách đến quán, sẽ không còn ma nào tới” - một chủ quán bar ở Tel Aviv thú thật.

Các cơ quan y tế công cộng thì lo ngại về tính công bằng của một chính sách như “hộ chiếu vaccine”. Hầu hết các nước ưu tiên người cao tuổi thuộc nhóm nguy cơ cao được chích ngừa COVID-19 trước, vô tình tạo ra sự bất hợp lý là những người được chích ngừa và đủ điều kiện tự do đi lại thì lại dành phần lớn thời gian ở nhà, còn người trẻ ưa ngao du thiên hạ lại chưa được tiêm vaccine để thỏa ước nguyện.

Rồi vẫn còn đó câu hỏi về cách xử lý những trường hợp không thể được chích ngừa, dù là vì lý do sức khỏe hay tôn giáo. Các chính phủ ít nhiều sẽ chịu áp lực cho phép những trường hợp ngoại lệ, mà như vậy thì đã làm giảm đi ý nghĩa của tấm “hộ chiếu vaccine”, vốn nhằm mục đích đảm bảo an toàn khi tái lập tình trạng bình thường trong xã hội.

Và liệu một chính sách “hộ chiếu vaccine” có vô tình tạo ra bất công xã hội - một sự phân biệt đối xử có hệ thống với những người chưa thể hoặc không thể tiêm chủng hay không? Một khảo sát toàn cầu của công ty tuyển dụng Manpower công bố hồi tháng 3 năm nay cho thấy 1/5 số nhà tuyển dụng được hỏi cho biết họ dự kiến đưa tiêm chủng thành một yêu cầu bắt buộc đối với ít nhất là một số vị trí việc làm, trong khi khoảng 14% vẫn đang cân nhắc một quyết định tương tự.

Điểm cuối cùng, độ hữu ích của một hệ thống “hộ chiếu vaccine” sẽ tỉ lệ nghịch với tốc độ triển khai tiêm chủng của quốc gia tương ứng. Thời gian đầu của chương trình tiêm chủng, rất ít người có thể hưởng lợi từ “hộ chiếu vaccine”. Khi chương trình tiêm chủng bước vào giai đoạn cuối và hầu hết dân số đã đạt được miễn dịch, ý nghĩa của tấm “hộ chiếu vaccine” lại không còn bao nhiêu.

Tại những nước như Israel, Mỹ và Anh, nơi công tác chủng ngừa COVID-19 đang diễn ra khá nhanh, khung thời gian mà hộ chiếu vaccine tỏ ra hữu ích nhất là rất ngắn. Ngược lại, ở EU và phần lớn phần còn lại của thế giới, công tác tiêm phòng có thể kéo dài thêm 2-3 năm nữa.

Du khách mang “hộ chiếu vaccine” có thể vi vu du lịch, nhưng nếu dân sở tại chưa được tiêm chủng COVID-19 đầy đủ thì lấy đâu ra lực lượng lao động cho ngành du lịch để vận hành các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng và các điểm vui chơi giải trí một cách an toàn? Thật đúng là một thế lưỡng nan, trớ trêu kiểu lúc cần không có lúc có như không.■

Tất nhiên không thể bỏ qua vấn đề an ninh thông tin, vì bất kỳ chính sách “hộ chiếu vaccine” nào muốn được đón nhận rộng rãi thì trước hết phải thắng được lòng tin của người trực tiếp hưởng lợi. Ứng dụng di động xác thực tiêm chủng của chính quyền Israel đã bị một số nhà nghiên cứu tìm ra lỗi bảo mật giúp kẻ gian tạo ra các chứng chỉ giả và bán cho người cần chúng. Phiên bản mới nhất của app này có cải tiến bằng cách sử dụng hình ảnh chuyển động thay vì ảnh tĩnh ở màn hình xác thực - được giới thiệu là giúp cải thiện tính bảo mật, dù thay đổi này vẫn không đủ thuyết phục các chuyên gia IT. 

Người sử dụng “hộ chiếu vaccine” cũng có lý do để lo ngại thông tin cá nhân của họ bị sử dụng sai mục đích. Năm ngoái, Singapore từng cam kết dữ liệu từ ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần của nước này sẽ không được sử dụng cho mục đích nào khác ngoài chống dịch. Nhưng đến tháng 1, nhà chức trách sở tại thừa nhận cảnh sát đã được cấp quyền truy cập kho dữ liệu này để phục vụ hoạt động phòng chống tội phạm, khiến người dân giận dữ.

Đánh vào nỗi lo này, một công ty tư nhân ở Anh đang nghiên cứu công nghệ lưu trữ và truy xuất dữ liệu tiêm chủng mới chú trọng hơn đến quyền riêng tư của người dùng. Ý tưởng là đảm bảo chủ thể truy xuất không thể truy cập trực tiếp đến cơ sở dữ liệu. 

Ví dụ, người dùng app khi cần chứng minh mình đủ điều kiện để vào một địa điểm nào đó chỉ cần quét mã QR đặt trước cửa quán, hệ thống sẽ đối chiếu các quy định của địa điểm đó (đã chích ngừa COVID-19 chưa, đã hoàn thành cách ly bao nhiều ngày,...) với dữ liệu người dùng và trả về câu trả lời đơn giản là “đủ điều kiện” hoặc “không đủ điều kiện” mà ngăn không cho phần mềm của quán biết cụ thể các thông tin như tên, tuổi, địa chỉ hay ngày tiêm vaccine của khách.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận