Học chữ ở vùng cao

ĐĂNG NAM - ĐOÀN CƯỜNG 26/10/2007 17:10 GMT+7

TTCT - 24 giờ trong ngày của những cô cậu học trò người dân tộc Ve, Tà Riềng ở huyện vùng cao Nam Giang (Quảng Nam) bắt đầu từ sáng sớm.

Phóng to

Khi cái lạnh của núi rừng chưa được những tia nắng đầu ngày xua tan đi, thì khi ấy bọn trẻ vùng cao này đã phải một mình lặn lội vượt ngầm sông Ring đến lớp với trên tay chỉ vài cuốn vở cùng quần áo. Vào lớp học mà đôi chân tím tái, đôi môi vẫn còn đen xì và mấp máy vì lạnh. Nhưng rồi buổi học của một ngày mới tại ngôi trường cấp I-II liên xã Đăcpring - Đăcpree cũng đã bắt đầu.

Chuyện dạy và học chữ nơi đây đã khó rồi nhưng để kiếm đủ cái ăn cho đám học trò vùng biên này cũng không kém phần khổ ải.

Với bậc tiểu học, nhà trường tổ chức cho bán trú bằng cách huy động mỗi phụ huynh có con em đi học hỗ trợ 10 lon gạo/tháng. Với học sinh nội trú bậc trung học cơ sở, Nhà nước hỗ trợ 100.000 đồng/tháng/em. Tuy nhiên, chỉ có 40/115 học sinh của trường được hưởng chế độ ưu đãi đó. Vậy nên “nhà trường chia đều cho tất cả học sinh nội trú. Trừ một số chi phí, tính ra suất ăn của mỗi em không quá 500 đồng/ngày” - thầy Hứa Thành Điểu, hiệu trưởng nhà trường, tính toán.

Và để cải thiện bữa ăn, cả thầy lẫn trò phải tăng gia sản xuất. Người nấu cơm, người đi kiếm củi, trồng rau. Sau mưa, những bó củi nặng trịch vì nước... tất cả đều đè lên những đôi vai bé bỏng của các em. Và rồi khi màn đêm buông xuống, tất cả chúng lại quây quần bên chiếc tivi độc nhất của trường để hiểu thêm văn minh của miền xuôi. Hết dầu, máy nổ tắt lịm. Vậy là cả đám học trò đành lủi thủi quay về “doanh trại” móc màn, lăn ra ngủ.

Ngày mai, 24 giờ như ngày hôm nay lại bắt đầu.

Phóng to

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận