TTCT - Với sinh viên, học phí dù nhiều hay ít cũng là chuyện có thời gian, kỳ hạn rõ ràng, có thể dự trù, sắp xếp được. Những khoản chi để mua dụng cụ, thiết bị học hành mới dễ gây "đau đầu" vì có thể phát sinh quanh năm. Minh họa: Till Lauer cho New York TimesChênh lệch về học phí và tiền học cụ giữa các ngành học có thể rất lớn. Ngành kiến trúc, y khoa từ lâu nổi tiếng là "ngành nhà giàu", nhưng giờ học báo chí, đồ họa cũng cần không ít tiền mua sắm đồ dùng học tập.Tốn bộn tiềnGia đình Mai Thư - sinh viên năm hai khoa báo chí và truyền thông Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - hiểu rất rõ chuyện ngành học này có thể đắt đỏ hơn ngành học khác. Khi vào đại học ngành kế toán, chị gái của Thư gần như không tốn gì ngoài một chiếc laptop (được người thân cho) đủ xài Word và Excel.Nhưng sinh viên báo chí thời nay phải có máy tính mạnh hơn để còn cài các phần mềm dựng phim. Thư mua máy tính hết 15 triệu, chưa được bao lâu thì tốn thêm khoảng 20 triệu đồng mua một thân máy ảnh đã qua sử dụng và một ống kính "gin", mới hồi tháng rồi. Đó là hai lần mua sắm đắt đỏ nhất của Thư trong năm nay.Học báo thì phải có máy ảnh gần như là chuyện đương nhiên. Nhưng không phải sinh viên nào cũng có đủ tiền để thủ sẵn một chiếc máy hàng chục triệu ngay đầu năm nhất. Thư cũng phải đợi tới 1,5 năm mới có thể mua thiết bị quan trọng này.Thư kể hồi đầu năm nhất trong học phần nhập môn, giảng viên yêu cầu làm video mà nhóm của cô lúc đó ai cũng xài điện thoại đời cũ, lúc quay vỡ hết hình ảnh. Tương tự với môn kỹ năng giao tiếp báo chí, cô giáo yêu cầu các nhóm nộp video bài tập, nhóm của Thư chỉ đạt điểm khá, còn các nhóm quay đẹp đều có máy ảnh. Giờ có máy rồi Thư cảm thấy tự tin hơn hẳn, còn tính đến chuyện thường xuyên cộng tác cho các báo.Mai Thư và chiếc máy chụp ảnh mới sắm. Ảnh: NVCC"Vì biết phải mua nhiều đồ như thế nên mình có sự chuẩn bị. Hồi vừa thi tốt nghiệp xong, mình đã đi làm thêm công việc văn phòng cho một công ty ở quận 9, được khoảng 10 triệu sau ba tháng. Trong năm nhất thì mình tiết kiệm các khoản ăn uống, sắm sửa. Đến lúc cần mua laptop và máy ảnh, mình tự bỏ ra phần để dành, được khoảng 1/3 giá tiền món đồ, còn lại mình nhờ gia đình hỗ trợ. Nhưng mình cũng tự nhủ phần hỗ trợ đó như phần mình tạm mượn từ cha mẹ, sắp tới làm thêm có tiền, mình sẽ trả lại" - Thư nói.Trái lại, Phương Nghi - sinh viên năm hai ngành thiết kế đồ họa Trường đại học Văn Lang - chọn thuê máy ảnh thay vì mua. Nghi cho biết nhiều đàn anh, đàn chị học trước cũng đi thuê máy ảnh khi đến học phần cần dùng. Lý do là vì các sinh viên này thường không có ý định phát triển hướng đồ họa cần dùng tới máy ảnh sau khi ra trường.Nhưng tiết kiệm được khoản này thì cũng phải chi khoản khác. Nghi tốn nhiều tiền hơn cho các bộ bút viết, chì màu, màu nước. Các học cụ này không thể sắm một lần là dùng hết bốn năm đại học, mà cứ mỗi đồ án lại phải mua bổ sung những loại còn thiếu hoặc đã dùng hết. Có đồ án phải mua từ 3-4 loại màu khác nhau. Nghi nhẩm tính trong năm học đầu tiên, mình đã mua các học cụ này khoảng bảy lần, mỗi lần tốn từ 200.000 - 1 triệu đồng. "Đó là chưa kể mình đã sắm bảng vẽ wacom và laptop để bắt đầu học vẽ đồ họa trên máy tính" - Nghi nói.Học bổng đỡ đần học cụDuy Minh - sinh viên năm hai Trường đại học Kiến trúc TP.HCM - cho biết việc mỗi sinh viên sắm đầy đủ các loại bút viết gần như là bắt buộc. Bởi khi thực hiện các bản vẽ kiến trúc, sinh viên cần thể hiện các nét vẽ với độ dày mỏng khác nhau cho người xem phân biệt những chi tiết…Vừa vào đại học, Minh tốn khoảng 5 triệu tiền học cụ cho các loại bút viết, thước, màu, bảng vẽ. Sang học kỳ 2 năm nhất, mỗi lần làm đồ án là một lần Minh sắm mới nhiều loại cây bút để phòng hờ hết mực và giảm rủi ro bút sai lệch do dùng lâu. Các sinh viên kiến trúc như Minh còn phải chi tiền mua các loại giấy chất lượng và một số chất liệu giúp diễn họa đồ án đẹp hơn. Trung bình một đồ án tốn thêm của Minh khoảng 1 triệu đồng.Bộ họa cụ cho ngành thiết kế đồ họa của Phương Nghi. Ảnh: NVCCNhìn chung với Minh, khoản chi to nhất là khoảng 30 triệu đồng mua máy tính để bàn (PC) đầu năm học này. Vì sao không phải laptop mà lại là PC? Theo Minh, phần lớn các phần mềm thiết kế trong lĩnh vực kiến trúc cần độ chuẩn màu sắc và các phần mềm render (xuất) 2D, 3D thường cho các file rất nặng, có file nặng đến 2 terabyte, nhiều laptop không thể tải nổi. "Không chỉ mình mà phần lớn sinh viên kiến trúc đều sắm PC. Những bạn có điều kiện hơn thì sắm thêm một laptop để bổ trợ" - Minh giải thích.Biết trước học cụ đắt đỏ như thế, Minh xác định từ đầu sẽ thi cho bằng được vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, vì là một trong những trường có mức học phí hiện thời phải chăng nhất trong số những cơ sở giáo dục đại học có ngành kiến trúc. Phần tiền học tiết kiệm được sẽ được dành cho mua sắm dụng cụ, thiết bị học tập.Ngoài ra, Minh đầu tư công sức vào săn các học bổng khuyến khích học tập của trường (học bổng xuất sắc bằng 200% học phí). Dù vậy, "trông cậy vào học bổng cũng có điểm bất lợi là giải ngân chậm. Có khi đến gần hết học kỳ này mới nhận được học bổng của học kỳ trước. Điều này làm mình bị động khi tính toán các khoản cần chi tiêu" - Minh nói.Học cụ hôm nay, đồ nghề ngày maiTốt nghiệp ngành răng hàm mặt của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch được hai năm, Xuân Nam cho biết nha khoa là một trong những lĩnh vực phải mua học cụ nhiều nhất trong các ngành y dược.Thông thường, trường đại học có sẵn một số loại máy móc nhưng phần nhiều các loại đồ dùng thực hành, sinh viên sẽ cần tự sắm. Chẳng hạn, sinh viên cần sắm bộ răng nhựa để thực hành tháo lắp răng, mua sáp để làm khuôn răng nhựa, mua thêm một số dụng cụ hành nghề như dao, bay đánh thuốc, mũi khoan…Phần lớn thời gian năm nhất, năm hai học chủ yếu là lý thuyết, sinh viên chưa phải sắm sửa những dụng cụ này. Đến nay năm ba, năm tư khi phải đi phòng lab nhiều hơn, sinh viên sẽ cần mua các loại học cụ. "Giáo viên không bắt buộc mỗi bạn phải có một bộ dụng cụ. Một số trường hợp sinh viên có thể dùng chung. Đến khi thi, một bạn thi ca sáng và một bạn thi ca chiều vẫn có thể mượn dụng cụ của nhau để thi. Nhưng nếu có một bộ dụng cụ riêng, sinh viên sẽ có nhiều thời gian thực hành hơn" - Xuân Nam nói.Minh họa: Lindsey Balbierz cho NPRVừa trải qua thời sinh viên, Xuân Nam nhận thấy giá cả các loại dụng cụ thực hành nha khoa muôn hình vạn trạng. Đắt thì có hàng của Mỹ, Nhật, nhiều lúc lên tới vài chục triệu, rẻ thì có hàng Trung Quốc chừng 500.000 đồng. Giá càng đắt, các dụng cụ thực hành càng giống, thậm chí chính là dụng cụ hành nghề ngoài đời thật.Chẳng hạn, một tay khoan xịn vừa thực hành vừa làm nghề có giá dao động từ 10-20 triệu/cái, trong khi tay khoan đơn thuần để thực hành chỉ cỡ vài trăm ngàn một cái. Dụng cụ thực hành rẻ thì gần như chỉ có thể thao tác trên mô hình, nếu dùng ngoài đời có thể khiến bệnh nhân chảy nhiều máu. Nếu có điều kiện thực hành trên những bộ dụng cụ thật, xịn cũng sẽ giúp người học luyện được thao tác chính xác với thực tế nhanh hơn.Nam kể ngày trước bạn chọn những dụng cụ thực hành nha khoa có giá tiền vừa phải với sinh viên. Tuy nhiên, riêng với bộ nạo túi Gracey - dùng cho bệnh nhân bị viêm nha chu - Nam chơi lớn sắm hẳn một bộ ngon lành giá chục triệu với ý nghĩ mua để sau này tốt nghiệp đi làm có thể sử dụng luôn. Đến giờ khi đã bắt đầu hành nghề, Nam vẫn dùng bộ nạo túi mua từ thời sinh viên này. "Tuổi đời của bộ có thể phụ thuộc vào tần suất được sử dụng, nhưng nếu những bộ tốt có thể có tuổi thọ từ 10 - 20 năm" - Nam chia sẻ. Đồ dùng phục vụ học tập không chỉ bao gồm những thứ hữu hình. Hoàng Đức - sinh viên năm ba chương trình liên kết quốc tế của Đại học Kinh tế TP.HCM - chia sẻ "học cụ" mà bạn đang sử dụng hầu hết là các phần mềm trả phí. Chẳng hạn, Đức dùng phiên bản ChatGPT Plus khoảng 480.000 đồng/tháng. ChatGPT Plus được Đức sử dụng như một "cố vấn học tập" cá nhân, có thể dùng để tìm kiếm tài liệu hay tham khảo cách giải quyết bài tập.Đức cũng mua phần mềm kiểm tra lỗi chính tả và trau chuốt câu văn Grammarly phiên bản cao cấp (Premium), giá khoảng 290.000 đồng/tháng để viết bài luận tiếng Anh.Một phần mềm khác là học cụ không thể thiếu của Đức là Otter AI - phần mềm rã băng giọng nói bằng tiếng Anh. Khi thầy cô dùng tiếng Anh giảng bài, Otter AI sẽ biến giọng nói thành văn bản trong thời gian thực, giúp Đức tránh bỏ sót thông tin khi nghe thầy cô giảng bài trực tiếp bằng tiếng Anh. Gói Pro mà Đức đang sử dụng có giá khoảng 240.000 đồng/tháng.Tính chung cả ba học cụ, Đức tốn trên 1 triệu đồng/tháng. "Những phần mềm này không bắt buộc nhưng nếu sử dụng sẽ hỗ trợ việc học rất nhiều. Mình thấy đây không phải là khoản tiền quá lớn với mình nên mình đăng ký sử dụng luôn. Mình cũng đang tìm kiếm thêm một số phần mềm khác để tăng thêm hiệu quả học tập" - Đức nói. Tags: Học phíHọc cụDụng cụ học tậpChi phí học tậpSinh viên
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, Chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.