Học sinh dốt hơn vì điện thoại?

NGUYỄN VŨ 16/01/2024 06:08 GMT+7

TTCT - PISA giải thích nguyên nhân gây ra "thành tích ngày càng yếu kém" của học sinh nhiều nước.

Minh họa: Jori Bolton cho Education Week

Minh họa: Jori Bolton cho Education Week

Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) được xây dựng và điều phối bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hiện vẫn đang khảo sát học sinh khắp thế giới một cách đều đặn. Cứ ba năm một lần, PISA khảo sát học sinh 15 tuổi ở khoảng 80 nước về ba lĩnh vực chính là toán, đọc hiểu và khoa học.

Kết quả cuộc khảo sát gần đây nhất vào năm 2022 gây lo ngại ở chỗ đại dịch Covid-19 đã dẫn đến một sự sụt giảm kỷ lục trong thành tích học tập của học sinh khắp thế giới mà theo đánh giá của ban tổ chức là "chưa từng có", "nhiều gấp ba lần bất kỳ thay đổi nào trước đây".

Tuy nhiên, theo tờ The Atlantic, điều đáng quan tâm hơn là điểm số PISA nhìn chung cứ sụt giảm dần trong nhiều năm trở lại đây, ngay cả trước khi có đại dịch. Ở các nước OECD, điểm khoa học đạt mức cao nhất vào năm 2009, điểm đọc hiểu cao nhất là vào năm 2012. Sau đó học sinh các nước phát triển có thành tích nhìn chung "ngày càng yếu".

Báo cáo của PISA cho biết "không một nước nào cho thấy xu hướng ngày càng tích cực ở bất kỳ lĩnh vực nào" và "nhiều nước cho thấy thành tích ngày càng yếu kém ở ít nhất một lĩnh vực". Ngay cả ở các nước trước đây nổi tiếng có điểm số PISA cao nhất như Phần Lan, Thụy Điển hay Hàn Quốc, điểm số PISA ở một hay nhiều môn học đang suy giảm trong nhiều năm. Xem biểu đồ:

Nguồn: OECD

Nguồn: OECD

Báo cáo của PISA cho thấy có ba nguyên nhân để nghi ngờ chính chiếc điện thoại di động là thủ phạm gây ra sự sụt giảm thành tích học tập của học sinh.

Đầu tiên, PISA nhận thấy những học sinh chỉ dùng điện thoại di động dưới 1 giờ/ngày sẽ có điểm số môn toán cao hơn 50 điểm so với học sinh dán mắt vào màn hình trên 5 giờ/ngày. Khoảng cách này vẫn giữ nguyên sau khi điều chỉnh để tính đến các yếu tố kinh tế - xã hội. Để tiện so sánh, cách biệt 50 điểm môn toán là gấp 4 lần so với sự sụt giảm điểm do đại dịch Covid ở nước Mỹ đối với môn này.

Thứ hai, màn hình điện thoại xem ra là vật gây sao nhãng lớn nhất ở trường, ngay cả với học sinh không nhìn vào chúng. Andreas Schleicher, giám đốc khảo sát PISA, nhận xét học sinh cho rằng mình bị tác động bởi việc bạn ngồi cạnh có thói quen xem điện thoại di động thì thường có điểm toán thấp hơn.

Cuối cùng, gần một nửa học sinh ở các nước OECD cho biết chúng cảm thấy "lo lắng" hay "bồn chồn" khi không có điện thoại di động ở cạnh mình. Nỗi lo thiếu vắng điện thoại kiểu này có tương quan nghịch với điểm môn toán. Nói chung, học sinh nào dùng nhiều thời gian nhìn điện thoại hơn sẽ có kết quả học tập tệ hơn, gây sao nhãng cho bạn cùng lớp và cảm thấy ít hài lòng với cuộc sống hơn.

Ngoài PISA, có nhiều nghiên cứu khác cho thấy điện thoại di động gây hại nhiều hơn có lợi cho học sinh. Có những nghiên cứu cho thấy học sinh có đem theo điện thoại thì ít ghi chép bài học hơn, ghi nhận ít thông tin hơn từ giờ học; việc liên tục chuyển đổi từ mạng xã hội sang bài tập ở nhà tương quan với điểm số GPA thấp hơn; học sinh nào nhắn tin càng nhiều thì điểm làm bài càng thấp. 

Đặc biệt là, học sinh bị thu giữ điện thoại di động trong các cuộc thử nghiệm đều cho thấy điểm số cải thiện sau đó. Một chiếc điện thoại trong tầm nhìn cũng đủ làm ta sao nhãng, ngay cả chiếc điện thoại đã khóa bỏ trong túi quần hay để trong bàn học cũng im lặng nhưng bền bỉ kêu gọi sự chú ý của chúng ta.

Trong bối cảnh đó, giải pháp được nhiều người nêu ra là cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học. Vào tháng 10 năm ngoái, Chính phủ Anh đưa ra hướng dẫn, khuyến cáo các trường nên cấm học sinh dùng điện thoại di động, kể cả trong giờ nghỉ. Sau một thời gian nếu các trường không thực hiện khuyến cáo này, hướng dẫn sẽ chuyển thành bắt buộc.

Trước đó nhiều nước châu Âu đã có những lệnh cấm tương tự. Pháp, Ý, Bồ Đào Nha. Trung Quốc cấm học sinh mang điện thoại đến trường từ cách đây hai năm. Ở Mỹ, chuyện cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học là tùy các tiểu bang, như Florida bắt đầu cấm từ tháng 5-2023. 

Trên toàn thế giới, theo UNESCO, gần 1/4 các nước có luật hay chính sách cấm hay hạn chế học sinh sử dụng điện thoại ở trường. Các lệnh cấm như thế đều có ngoại lệ dành cho học sinh khuyết tật hay sử dụng điện thoại cho việc học dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Liệu lệnh cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường có hiệu quả hay không? Nó có giúp học sinh cải thiện thành tích học tập hơn hay không? 

Hiện chúng ta chưa có câu trả lời dứt khoát nhưng để nguyên hiện trạng điện thoại di động và mạng xã hội hủy hoại sức khỏe tinh thần của học sinh thì chắc chắn không phải là chọn lựa đúng đắn. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận