Hồi kết của Cái không thể

NGÂN HƯƠNG 15/07/2016 20:07 GMT+7

TTCT - Romain Kecew quả nhiên là người luôn đặt hứng thú vào những hồi kết của mọi câu chuyện. Trong Lời hứa lúc bình minh (1960), Kecew từng tự hào kể về thành tích viết 20 chương cuối tiểu thuyết khi những chương trước đó vẫn bỏ trắng.

ảnh bìa
ảnh bìa


Ở thiên truyện này, ông thú nhận mình say mê trò chơi tung hứng, lĩnh vực của điều bất khả đã đạt tới và thực hiện được. Vùi mình vào hồi kết của những thỏa nguyện về vinh quang, Kecew sớm hiểu được mỗi con người đều ra đời với một sứ mệnh thiêng liêng, dù trong tâm thế của kẻ thua cuộc. Và cũng chính ông, sau mọi nỗ lực vươn tay bắt lấy quả bóng cuối cùng, rốt cuộc cũng nhận ra quả bóng ấy không hề tồn tại.

Trong Quấn-Quít (Gros-Câlin, 1974), tác phẩm đầu tiên được ký dưới bút danh Émile Ajar, Romain Gary (Kecew) hé lộ cho những ai tò mò về tác giả mới đầy triển vọng này.

Chúng ta ai cũng có vấn đề thân phận cả. Ta tìm ta, ta tìm mình. Này kia đây đó, chỗ nọ chỗ kia. (tr.87)

Pete - Kẻ Chuyên Chẹt Cổ, con trăn tuyệt đẹp dài đến bảy mét, mê hoặc Gary bởi tư thế thước thợ của nó, tư thế tự vệ của một sự cảnh giác cao độ trong các quan hệ với con người từ thời Chó trắng (1970), trở lại trong hiện thân mới, chú trăn Quấn-Quít, dài hai mét hai, làm bạn với Cousin trong một căn hộ giữa Paris.

Sự cộng hưởng vật lý, mối đồng cảm chọn lọc Cousin nhận ra ở Quấn-Quít tự nó đã là phép tháo gỡ mọi khúc mắc về mối liên đới lạ lùng này. Hình tượng con trăn: lột xác, phục sinh, biến cải, hứa hẹn, và hi vọng, Cousin tìm thấy ở Quấn-Quít một vị trí bên - ngoài nhằm hiểu hơn cái sự thể bên - trong của mình.

Hơn hết, chính ánh mắt của Quấn-Quít, nơi sự vô tri hiện diện chân thực, mới là nguồn cung sức mạnh cho sự yếu đuối không thể cưỡng nổi của anh. Con trăn hiện thân cho sự mềm mại và trơn trượt, một phong cách rất Romain Gary, người luôn thích nắn chỉnh những xơ cứng giới hạn vốn vẫn hợp thức hóa sự tồn tại của xã hội.

Trở lại với hồi kết của cái không thể, ở cuốn tiểu thuyết này, ta dễ dàng nhận ra cái nhìn của Kecew: tự do đối với con người chỉ là một nhầm lẫn đáng tiếc. Đôi khi tôi có cảm tưởng ta sống trong một bộ phim lồng tiếng và mọi người ai nấy đều mấp máy môi nhưng nó lại chẳng ăn vào với tiếng. Ta thảy đều được đồng bộ hóa sau và đôi khi nó được làm tốt quá, ta đâm tưởng đấy là tự nhiên (tr.103).

Giữa Paris mười triệu người, Cousin trốn trong vỏ bọc thế giới tưởng tượng và không tài nào đánh tiếng về sự có mặt của mình. Không có quyền lựa chọn căn cước hay hồi kết cho số phận, Cousin chỉ làm được điều duy nhất, vay mượn giọng nói và đối thoại với thế giới đảo ngược như trong phòng lồng tiếng.

Tính hài hước của câu chuyện bật ra từ chính sự đảo ngược mọi giá trị và suy nghĩ, đặc biệt thể hiện ở mối tình Cousin - Dreyfus, cô đồng nghiệp người Guyane.

Cuốn sách không dừng lại ở bi kịch của con người cô đơn, nó còn gồm những vấn đề thời sự nổi cộm, mà mấu chốt là sự nhân danh giả dạng của đạo đức và văn minh.

Cuộc sống là một việc nghiêm chỉnh, vì tính tầm phơ của nó. (tr.49)

Gạt đi tất cả những lý do cản trở con người có được niềm vui sống, Romain Kecew nuôi lớn niềm tin: con người chính là tạo vật trong mơ. Chỉ cần ai đó để yêu thương, ai đó có thể nhận diện sự tồn tại của mình, con người đủ sức vực mình dậy khỏi những nhãn mác nhân danh vô nghĩa.

Sau tất cả, Romain Kecew, Romain Gary, Émile Ajar, Shatan Bogat hay Fosco Sinibaldi (các bút danh khác nhau của Émile Ajar) không gì khác chính là danh xưng của những lớp da liên tục bị bục ra và rụng đi.

Chúng ta trở lại đối diện hình ảnh của một con người đã không chút ngại ngần nhúng mình vào những tình cảnh gay go nhất, một cách vắt kiệt khả năng để xóa mờ mọi giới hạn của bản thân, và cũng đầy kiêu hãnh, chọn cách hạ màn bằng cú tiếp đất không hụt hơi, đôi mắt vẫn hướng về phía mặt trời hòng tìm kiếm những giá trị bất diệt, bất dịch.

Quấn-Quít là một minh chứng cho thấy khi đứng trước viễn cảnh thua cuộc hay hồi kết của cái không thể, nỗi tuyệt vọng thật sự đã trở thành liều thuốc tái sinh những khởi đầu đáng mơ ước hơn bao giờ hết.■

bìa
 

Émile Ajar, tên thật là Romain Kecew, được biết đến nhiều hơn với cái tên Romain Gary, sinh năm 1914 tại Vilnius, Litva, trong một gia đình Do Thái.

Ông đảm đương nhiều vai trò khác nhau: phi công, nhà ngoại giao, tiểu thuyết gia và đạo diễn. Năm 14 tuổi, Kecew cùng mẹ chuyển đến sống ở Nice, Pháp và nhập quốc tịch Pháp năm 1935, ông gia nhập không quân Pháp và phục vụ trong đoàn quân tướng Charles de Gaulle.

Lịch sử trao giải Goncourt ghi nhận điều có một không hai đối với Kecew, người duy nhất nhận giải hai lần, tác phẩm Rễ trời (Les racines du ciel) năm 1956 dưới cái tên Romain Gary và tác phẩm Cuộc sống ở trước mặt (La vie devant soi) năm 1975 với bút danh Émile Ajar: ông tự vẫn bằng một phát súng tại Paris năm 1980.

Các tác phẩm của ông được dịch ra tiếng Việt như: Chó trắng, Bao người chờ đợi, Lời hứa lúc bình minh, Cuộc sống ở trước mặt, Quấn-Quít.

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận