Hồi sinh pháp lam Huế

THÁI LỘC 15/06/2009 18:06 GMT+7

TTCT - Chẳng hẹn mà gần như đồng thời, tiến sĩ dược học Nguyễn Nhân Đức, thạc sĩ vật lý Đỗ Hữu Triết và kỹ sư chuyên ngành silicat Trần Đình Hiệp mỗi người một “trường phái” đã và đang khôi phục pháp lam - kỹ thuật đã thất truyền một cách bí ẩn trên đất Huế cả trăm năm nay.

Phóng to

Đỗ Hữu Triết và những sản phẩm pháp lam đang được đưa ra thị trường - Ảnh: Thái Lộc

Từ ngày 12 đến 14-6, kỹ thuật pháp lam Huế được trình diễn và tôn vinh tại Festival nghề truyền thống Huế 2009 tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu ven sông Hương.

Mười năm trước, khi tiến sĩ Nguyễn Nhân Đức, phó khoa dược, ĐH Y dược Huế, nghiên cứu kỹ thuật pháp lam, nhiều người đã bật cười. Nhớ lại những ngày ấy, tiến sĩ Đức cho biết: “Những lần sang Trung Quốc, tham quan nhiều cung điện tôi không hề thấy pháp lam trang trí ngoại thất. Trong khi ở Huế pháp lam ngoại thất rất phổ biến. Thế là tôi lao vào nghiên cứu”.

Năm 2002, nhân tỉnh Thừa Thiên - Huế có đề tài khoa học “Nghiên cứu công nghệ sản xuất pháp lam phục chế phục vụ tu bổ di tích Huế”, ông trình bày và được chấp nhận tham gia đấu thầu rồi thắng thầu với trị giá 133 triệu đồng. Tại buổi nghiệm thu đề tài cuối năm 2003, ba sản phẩm pháp lam gồm tấm phẳng, phù điêu, hình khối của tiến sĩ Đức đã được hội đồng thông qua, cho phép đưa vào sản xuất trên những tấm lớn phục vụ trùng tu.

Cho đến nay nhóm pháp lam của tiến sĩ Đức đã hoàn thành trùng tu, trang trí pháp lam chùa Thiên Mụ, hai nghi môn tại cầu Trung Đạo, hai linh tinh môn sân sau điện Thái Hòa... Song tiến sĩ Đức vẫn còn băn khoăn: “Dù phục chế theo tiêu bản và được chấp nhận nhưng đường nét sản phẩm trùng tu vẫn có cái gì đó khô cứng, ít thanh thoát so với nét vẽ và màu sắc do người xưa phóng tác rất có hồn...”.

Phóng to
Vẽ men trên đồng, một công đoạn của pháp lam - Ảnh: Trương Vững

Nhóm thứ hai, dẫn đầu bởi “Triết pháp lam” - một cán bộ nghiên cứu thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. Nhà của anh cũng là cơ sở sản xuất pháp lam có đến hàng chục người thợ thực hiện các sản phẩm pháp lam theo đơn đặt hàng của Festival nghề truyền thống Huế. Cũng khoảng mười năm trước, Đỗ Hữu Triết đã mày mò nghiên cứu pháp lam.

Năm 2004-2005, khi làm luận văn thạc sĩ vật lý tại Trường ĐH Khoa học Huế với đề tài “Men và màu cho đồ gốm sứ ở di tích Huế”, anh mới có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu về men kim loại dùng cho pháp lam. Đến nay nhóm thợ của Công ty Thái Hưng do anh thành lập đã sản xuất thuần thục nhiều loại phù điêu, bình, hũ, ché, khay, đĩa, các loại tranh, tráp... thuộc các thể loại pháp lam vẽ, pháp lam chạm khảm, pháp lam gắn chỉ và pháp lam thấu minh.

Đồng diễn pháp lam tại festival còn có nhóm thợ đến từ Xí nghiệp sản xuất gốm cổ Huế do kỹ sư Trần Đình Hiệp dẫn đầu. “Kết duyên” với pháp lam từ 7-8 năm trước, kỹ sư Hiệp nay đã hoàn thiện được kiểu tráng men trên mặt phẳng với độ bền màu trong nhiều môi trường khác nhau.

Anh đang đầu tư để tạo ra dòng sản phẩm tranh dân gian và tranh thư pháp pháp lam để tung ra thị trường. Ngoài ra, anh còn có ý định kết hợp với một số hãng lữ hành tổ chức cho du khách đến Huế có thể chủ động vẽ, hoàn thiện ý tưởng của mình trên sản phẩm pháp lam...

Phóng to

Hoàn thành trùng tu pháp lam trên nghi môn, Hoàng thành Huế - kết quả của TS Nguyễn Nhân Đức và cộng sự - Ảnh: Thái Lộc

Bộ tranh dân gian pháp lam đang được kỹ sư Hiệp tung ra thị trường - Ảnh: Thái Lộc

Pháp lam là kỹ thuật tráng men nhiều màu lên cốt đồng và nung chín, du nhập vào VN dưới thời Minh Mạng, năm 1827, khi các nghệ nhân từ Trung Quốc sang tham gia xây dựng các kiến trúc cung đình Huế.

Triều Nguyễn đã cho lập Pháp lam tượng cục và các xưởng pháp lam tại Quảng Trị, Quảng Bình để sản xuất các vật phẩm cho cung đình. Khởi đầu từ thời Minh Mạng, phát triển rực rỡ dưới thời Thiệu Trị và dần mai một dưới thời Tự Đức, trong 60 năm ấy pháp lam Huế đã kịp tạo được dấu ấn đặc biệt thông qua các đồ gia dụng, các mảng trang trí nội thất, tự khí và pháp lam trang trí ngoại thất tại các cung điện, lăng tẩm...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận