Huyền thoại “một ăn ba trăm” hay ảo giác về năng suất lúa ở đất phương Nam

PHẠM HOÀNG QUÂN 08/05/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Đối với một di sản rất quan trọng về lịch sử Đàng Trong như Phủ biên tạp lục thì nội dung có vài điều sai trật cũng là điều bình thường, nhưng phải thấy rằng có những câu trong đó mà người đời nay càng dẫn thì càng làm giảm giá trị tổng thể sách ấy, như trường hợp huyền thoại “một ăn ba trăm”. Cái lỗi lớn của học giới đương thời là thay vì chú giải những điểm bất hợp trong tư liệu cổ thì lại tin theo rồi trích dẫn tán tụng nhơn rộng thêm ra

 
 Nông dân Nam Kỳ gặt lúa, -ảnh chụp năm 1925. -Ảnh: Pictures from History / Alamy

 Huyền thoại“một ăn ba trăm”

“Khoa Thuyên nói, ruộng các thuộc Quy An, Quy Hóa huyện Tân Bình, Phước Long, đều cày rồi mới cấy, cấy 1 hộc giống thì gặt được 100 hộc; thuộc Tam Lạch, trại Bả Canh ở châu Định Viễn thì khỏi cày, phát cỏ rồi cấy, cấy 1 hộc giống gặt được 300 hộc” (Phủ biên tạp lục, q.3, ngạch thuế).

Dựa vô độ phiêu của ngữ nầy, có thể gọi đây là “huyền thoại một ăn ba trăm” (đây là làm lúa chớ không phải cá độ). Vụ nầy do Lê Quý Đôn đặt ra trước tiên và các sử quan thời Nguyễn như Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí (1820) và nhóm tác giả Đại Nam nhứt thống chí (~1870) cho đến sử quan, sử gia, học giả các đời sau rần rần nghe theo, tán tụng về độ phì nhiêu của đất đai phương Nam. 

Cũng có thể lấy đây làm trường hợp tiêu biểu cho truyền thống cắm cúi ghi chép mà không chất vấn gì ở xứ ta.

Vô ở Thuận Hóa được chừng hơn một năm (1776 - 1777) nên kiến thức mọi mặt về Nam Hà chép trong Phủ biên tạp lục là do Lê Quý Đôn tiếp quản từ kho lưu trữ của chánh quyền Đàng Trong và nghe Cai bạ dinh Long Hồ Nguyễn Khoa Thuyên kể. Trong mắt ông Đôn, ông Thuyên là người bên phe thua cuộc phải cung cấp tư liệu và phải trả lời những thắc mắc để ông soạn sách, còn ông Thuyên lúc ấy vui hay buồn và phục vụ ông Đôn nhiệt tình hay qua loa thì chắc cũng dễ đoán. Thông tin “một ăn ba trăm” có lẽ là một trong những điều lạ ở phương Nam xa xôi mà ông Thuyên xí gạt ông Đôn cho có chuyện cười thầm chơi.

Nói cho đàng hoàng một chút thì huyền thoại ấy có thể lý giải theo hai hướng. Một là, năng suất đó có thể có nhưng không phải năng suất phổ biến mà là trường hợp cá biệt đột xuất ở một nơi nào đó, có khi cả trăm năm gặp được một khuỷnh đất cho năng suất 1 hộc ra 300 hộc, rồi lại suy diễn rằng toàn bộ đất đai ở thuộc Tam Lạch (gồm 100 thôn, theo Phủ biên) và ở trại Bả Canh (~30 thôn, theo Phủ biên) cho năng suất như vậy. Hai là, do thơ ký của ông Đôn chép lộn con số. Tuy nhiên, tình huống này khó xảy ra vì lời ông Thuyên nói được chép lại cho thấy nội dung có ngằn có lớp, có phân biệt hai vùng trồng lúa với hai pháp (kỹ thuật) canh tác riêng, miền hai huyện Tân Bình, Phước Long (Gia Định, Biên Hòa) thì làm cực hơn (phải cày đất) mà năng suất thấp hơn miệt châu Định Viễn (Định Tường, Vĩnh Long).

Có lẽ nên nhận xét vui một chút rằng, từ xưa tới nay, mấy ông làm ruộng thì chưa đọc sách Phủ biên tạp lục, còn mấy ông đã đọc Phủ biên tạp lục thì chưa từng làm ruộng, cho nên chưa thấy ai có ý kiến về “huyền thoại một ăn ba trăm” nầy. 

Tôi đọc qua Phủ biên tạp lục nhiều lần, lại thời trẻ từng trực tiếp canh tác trên 3 loại ruộng - một là ruộng sạ lúa mùa ở Kinh Tư Cũ (Đồng Tháp Mười), hai là ruộng cấy ở rạch Xẻo Muồng (huyện Cái Bè), ba là hồi năm 1986 từng làm trợ lý (bưng xách dụng cụ) cho kỹ sư Tài ở trại lúa giống 19-5 (huyện Cái Bè) nên nay nêu chút ý kiến.

Phàm nói đến số lúa giống (sạ hoặc cấy) thì phải gắn với diện tích gieo hạt, ruộng sạ thì một giạ giống trên một công (1.000m2), ruộng cấy thì khoảng nửa giạ (~8-10kg) giống trên một công đất. Thời chưa có máy móc, đây là mật độ hạt/gốc mạ được nông gia coi là vừa vặn lý tưởng để lúa cho năng suất tối ưu, và nếu trên loại đất phù sa cực tốt, bón phân đúng chuẩn, phong điều vũ thuận các thứ như ý hết cỡ thì công lúa này cho khoảng 35 giạ [½ giạ giống gặt 35 giạ], tức 1 giạ lúa giống gieo trên 2 công đất sẽ gặt được 70 giạ (1 ăn 70).

Nếu tính trên diện tích, ruộng đạt 35 giạ/công, tức 7 tấn/mẫu, năng suất cỡ này thì chèn ơi, hồi thời 1980 báo Nhân Dân đăng rần rần luôn đó, gọi là cánh đồng 7 tấn (7 tấn/ha). Cho nên, dù năng suất “một ăn một trăm” thôi thì ruộng ở miền Tây kiếm đỏ mắt mới được một vạt, lấy đâu ra mà “một ăn ba trăm”.

Địa chí Bến Tre 2001 tuy cùng dẫn huyền thoại “một ăn ba trăm” nhưng hình như có vẻ lăn tăn nên nhận định thêm “Cần hiểu tình hình này chỉ diễn ra trong giai đoạn khai phá buổi đầu mà thôi” (tr.441), rồi mô tả việc làm ruộng ở những vùng đất tốt nhứt Bến Tre như sau: “Tuy nhiên, kỹ thuật canh tác trong giai đoạn này [đầu tk.19] vẫn chưa có gì thay đổi, chủ yếu vẫn dựa vào điều kiện thiên nhiên, mỗi năm chỉ làm một vụ lúa, cho nên sản lượng nông sản tăng chậm. Thông thường, đầu tháng 5 (âm lịch) người ta bắt đầu gieo mạ. Đến cuối tháng 7 thì cấy xong. Vào rằm tháng chạp thì lúa mùa chín rộ. Năm trúng, thu được 12 đến 15 giạ trên một công [3 tấn/ha]” (tr.442).

Người Pháp đến, đem đến khoa nông học, bắt đầu tìm hiểu tình hình sản xuất nông nghiệp, ghi chép qua điều tra thực tế chớ không chỉ nói theo như nhóm sử quan cung đình soạn Đại Nam nhứt thống chí trước đó. Chuyên khảo địa lý Gia Định hồi đầu thế kỷ 20 cho thấy “Lúa mùa cho năng suất cao, ở ruộng hạng 1 bình quân đạt được 2,5 tấn/ha, ruộng hạng 2 là 1,5 tấn/ha, ruộng hạng 3 là 800kg/ha” (GPEHC Gia Định 1902, tr.69); và ở vùng đất tốt nhứt tỉnh Sóc Trăng - chỗ “vương quốc” của kỹ sư Hồ Quang Cua với giống lúa ST25 hiện nay - thì: “như đạt sản lượng khá đáng kể (từ 1,4 tấn đến 2 tấn/ha) là nhờ đất đai màu mỡ tự nhiên, chứ ít nhờ vào sự chăm sóc hay việc chọn giống tốt” (GPEHC Sóc Trăng 1904, tr.70).

Hồi trước, tôi có nghe kỹ sư Tài kể về lần đầu tiên nhập giống cao sản về Việt Nam thí nghiệm. Đó là hồi năm 1966, trung tâm thí nghiệm lúa ở Long Định (Định Tường) đem về 10kg lúa giống IR8 để trồng thử nghiệm, cấy 10kg giống đó trên 2.000m2 (2 công), lúc thu hoạch đạt 4 tấn/ha (20 giạ/công), năng suất vậy là gấp đôi so với giống lúa cổ truyền ở Việt Nam. Giống IR8 cũng gọi là Thần Nông 8, danh tiếng còn lừng lẫy đến nay.

Trong việc trồng lúa ở đất mới phương Nam, tuy có thể cho rằng do đất đai màu mỡ nên năng suất hồi cuối thế kỷ 18 cao vượt bực, nhưng cũng phải xét đến sự hạn chế trình độ kỹ thuật đương thời, cho nên sự chênh lệch năng suất thời đó so với thời nay không thể xa quá xá vậy. Nếu nói vài miếng ruộng tốt nhứt ở châu Định Viễn (Định Tường, Vĩnh Long) đạt năng suất 50 giạ một công (1 ăn 100) thì có thể gượng gạo mà tin theo, còn hơn nữa thì đành gắn vào huyền thoại thôi. 

Thiết nghĩ, những ghi chép trong sử thì có điều trúng có điều trật, ngoài việc phân tích nội dung văn bản, cái nào có thể giảo nghiệm để kiểm chứng thì phải giảo nghiệm, và trồng lúa để tính năng suất là việc có thể giảo nghiệm.

Hậu quả dai dẳng

Đến nay, số bài báo vắn dài cùng công trình khảo cứu các thứ, sách lớn thì từ địa chí tỉnh này tỉnh kia đến vùng sử cho đến quốc sử... đã dẫn dụng huyền thoại ấy khó thể kể hết, chỉ nói vài sách tiêu biểu:

Địa phương chí thì có Địa chí Tiền Giang 2005, tập 1, chương II - Từ buổi đầu khai hoang đến giữa thế kỷ 19, viết: “Ruộng màu mỡ, phì nhiêu và cho năng suất cao. Theo Lê Quý Đôn, ở hai thuộc Bả Canh và Tam Lạch “cứ cấy một hộc thóc giống thì thu hoạch được 300 hộc”, trong khi đó, ở hai thuộc Quy An, Quy Hóa (có lẽ ở Bến Tre hoặc Vĩnh Long ngày nay) chỉ có 120 hộc mà thôi. Được biết, 1 hộc bằng khoảng 69 lít, tương đương 46 kg” (tr.378); 

Địa chí Đồng Tháp 2014, dẫn Phủ biên (tr.168 - 169) và cũng dẫn thêm Đại Nam nhứt thống chí về huyền thoại “một ăn ba trăm” (tr.304). Vùng sử thì có Lịch sử hình thành và phát tiển vùng đất Nam Bộ (Trần Đức Cường, 2014), dẫn nguyên văn đoạn chép trong Phủ biên và thêm lời bình phẩm về đất đai phì nhiêu.

Quốc sử thì có Lịch sử Việt Nam tập IV (Viện Sử học, Trần Thị Vinh cb, NXB Khoa Học Xã Hội 2013, bộ 15 cuốn), dẫn: “Vùng Gia Định, Đồng Nai là đất tốt bậc nhất, ruộng các huyện thuộc Tân Bình, Phúc Long, Quy An, Quy Hóa có cày để cấy, cấy một hộc thóc thì gặt được 100 hộc thóc; thuộc Tam Sạch, trại Bả Canh, châu Định Viễn thì ruộng không cày, phát cỏ rồi cấy, cấy 1 hộc thóc thì gặt được 300 hộc” (chương IV - Tình hình kinh tế nông nghiệp). 

Bộ quốc sử nầy có điểm độc đáo là rất nhiều lỗi chánh tả, mấy chữ Phúc Long, Tam Sạch là nguyên chữ trong đó, trích theo y vậy; còn bộ cùng loại Lịch sử Việt Nam tập II cũng trích y đoạn này thì thấy viết địa danh là Phúc Long, Tam Lạch (Phan Huy Lê cb, NXB Giáo Dục Việt Nam 2012, bộ 4 cuốn).

Trong công trình nghiên cứu nổi tiếng Xứ Đàng Trong, tiến sĩ Li Tana còn đi xa hơn khi dựa vào toàn dữ liệu sai trong Phủ biên để phân tích hệ thống thuế của họ Nguyễn: “Thuế đất ở đây rất thấp. Vào thập niên 1770, ở Tân Bình (Sài Gòn ngày nay), Phước Long (Biên Hòa ngày nay), Quy An, Quy Hóa (nay là Mỹ Tho), “gieo một hộc thóc có thể gặt được 100 hộc” nhưng phải đóng thuế từ 4 đến 10 hộc. 

Hay như ở Tam Lạch hay Bả Canh trong tỉnh Vĩnh Long ngày nay, vẫn theo nguồn tư liệu trên, “gieo một hộc thóc có thể gặt được 300 hộc” nhưng phải đóng 2 hộc thuế đất (một thửa ruộng)” (bản dịch, xb 2014, tr.175). Kiểu ráp nối này giống như lấy năng suất đỉnh trên khu ruộng kiểu mẫu nào đó để gắn cho mức thuế phổ quát, rồi cho là mức thuế thấp.

Đọc qua vài trích đoạn nghiên cứu nêu trên hẳn người đọc khó thể giữ cho vững não khi thấy các vùng miền được đối chiếu lung tung, như Tam Lạch, Bả Canh chẳng hạn, đối với tác giả này thì nó thuộc Định Tường, đối với tác giả kia thì nó thuộc Vĩnh Long. Đây cũng là hậu quả của sự ghi chép bất nhứt trong Phủ biên, nhưng đó là vấn đề thuộc phần khảo cứu về Vị trí 9 Khố trường.

Đối với một di sản rất quan trọng về lịch sử Đàng Trong như Phủ biên tạp lục thì nội dung có vài điều sai trật cũng là điều bình thường, nhưng phải thấy rằng có những câu trong đó mà người đời nay càng dẫn thì càng làm giảm giá trị tổng thể sách ấy, như trường hợp huyền thoại “một ăn ba trăm”. Cái lỗi lớn của học giới đương thời là thay vì chú giải những điểm bất hợp trong tư liệu cổ thì lại tin theo rồi trích dẫn tán tụng nhơn rộng thêm ra. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận