Im lặng là một phần lời

YEVGHENI VODOLAZKIN 19/03/2017 17:03 GMT+7

TTCT- Nhà văn nổi tiếng Nga Yevgheni Vodolazkin đã mặt đối mặt với “Cô đơn trên mạng” và thử tìm hiểu tại sao văn học thời Internet hiện nay xuất hiện những đặc tính rõ ràng của thời Trung cổ.

Minh họa: Ry Nguyễn
Minh họa: Ry Nguyễn

TTCT giới thiệu một ghi chép của nhà văn trên trang web của ông (*).


Mùa thu vừa rồi, tôi dự hội chợ sách Frankfurt, ở đó có liên hoan cho các nhà văn với bàn tiệc đầy ắp. Giữa cao trào buổi tiệc, tôi bước ra ngoài hít thở không khí. Cùng với tôi có một người không quen bước ra châm thuốc.

Tôi nói chung không hút thuốc, nhưng không hiểu sao lại xin ông ta một điếu, có thể vì ông ta nói tiếng Nga. Người trò chuyện với tôi cho biết ông là nhà văn Ba Lan, tôi cũng tự giới thiệu là nhà văn Nga.

Tôi nói tôi thích Warsaw, còn ông ấy bảo thích Matxcơva và cuộc trò chuyện cứ thế trôi qua theo chiều hướng thân thiện nhất. Khi cuối cùng tôi hỏi mình có vinh dự trò chuyện với ai, hóa ra tôi đang nói chuyện với Janusz Wisniewski - tác giả Cô đơn trên mạng.

Đấy, cuộc sống được sắp đặt thú vị như thế đấy. Tôi báo cho ông ấy biết là ở nước ta ông rất nổi tiếng (dĩ nhiên ông ta cũng biết điều này rồi), và mời ông đến nhà Pushkin để chỉ cho ông ấy xem văn học đã như thế nào trước khi có Internet. Buổi chiều hôm ấy, Internet từ một hiện tượng trừu tượng vô diện với tôi đã mang gương mặt con người đúng nghĩa.

Đó là gương mặt của Janusz Wisniewski. Nghe câu hỏi có từ “Internet” và “văn học”, tôi đã thấy từ dạo đó đôi mắt thấu suốt của nhà văn Ba Lan và cố trả lời trong tinh thần tích cực. Ít ra bắt đầu từ đó.

Tai họa của “sự phún xuất từ ngữ”

Trong chừng mực nào đó, Internet có ích cho văn học. Thí dụ, khi bạn viết tiểu thuyết và cần làm rõ những chi tiết đời sống của thời được mô tả. Trước kia bạn cần đến thư viện, còn bây giờ chỉ cần nhấn phím và hàng trăm câu trả lời lập tức xuất hiện, trên cơ sở đó ta có thể tạo ra cách hình dung riêng về đồ vật đó.

Nó chính xác tới đâu? Ở đây bạn cần dựa vào trực cảm vốn không là gì khác hơn kinh nghiệm, cộng với nhận thức nào đó. Khi làm việc lâu với văn bản hay với những bằng chứng lịch sử, bạn sẽ ngửi được ở đâu là đúng.

Ở đây cũng có vai trò uy tín của người viết. Nếu biết ở những công trình khác tác giả N. không nói dối, bạn có cơ sở giả định ông cũng sẽ không nói dối trong bài viết này. Tất cả những thứ ấy giúp ta định hướng trong các luồng thông tin chảy qua đầu nhà văn.

Đó là mặt tốt của Internet. Nhưng mặc cho lòng tôn trọng sâu sắc của tôi với Janusz Wisniewski, (Internet) cũng có những mặt xấu.

Tai họa ở chỗ Internet tạo điều kiện cho việc có thể gọi là sự phún xuất từ ngữ. Con người bắt đầu viết, viết và viết. Một người hướng ngoại hưng cảm mô tả anh ta thức dậy thế nào buổi sáng, vệ sinh, đánh răng, ăn sáng rồi đi xuống thang.

Tất cả mọi thứ được mô tả liền một mạch và không mô tả đơn giản, mà ở mỗi khoảnh khắc cụ thể anh ta đều thấy cuộc sống với tư cách một bài viết tương lai của mình trên Facebook. Và không phải tất cả mọi người đều có thể vượt qua thử thách này của Internet.

Có tai họa nghiêm trọng hơn: người ta xốc nổi viết gì đó, để rồi hối hận. Lẽ ra giữa suy nghĩ và việc công bố nó cần phải có một khoảng thời gian nào đó. Cần phải để bụi lắng xuống, để con người có thể trấn tĩnh và khi đã trong trạng thái bình thản, công bố điều gì anh ta cho là cần thiết.

Tôi nhớ hàng ngàn những người kém may mắn, đưa lên mạng những bức ảnh không nên nào đó, những video, phát ngôn nào đó để rồi bị rơi vào sự phán xét của xã hội, bị mất việc và ra tòa. Tất cả chỉ bởi vì họ không cho mình cất công suy nghĩ trong nửa giờ.

Tôi nhớ tất cả những người uống say sau một ngày lao động, tất cả, những ai bị mất thắng và tiềm thức của họ xuất đầu lộ diện, tất cả những ai từng che đậy việc văng tục thủ trưởng trên mạng. Họ cũng là nạn nhân của Internet. Thật là đặc trưng khi nhiều xìcăngđan thời gian gần đây do tự vạch trần.

Con người không có thời gian “đuổi kịp” những khám phá của riêng mình, không kịp lĩnh hội nó. Đó là lý do vì sao Internet, lẽ ra có thể trở thành cái hay ho thật sự, lại làm phức tạp cuộc sống nhiều người. 

Cũng giống như năng lượng nguyên tử. Tưởng như có điện giúp soi sáng và sưởi ấm, vậy hãy ngồi xuống và hưởng thụ đi.

Nhưng con người lại tạo ra bom nguyên tử và cùng với nó là hàng khối vấn đề.

Chỉ một thứ cứu vãn: “vali hạt nhân” nằm dưới gầm giường không phải của mỗi người. Thế nhưng mỗi người lại có Internet trong túi. Người ta có thể lấy điện thoại thông minh ra, bấm phím - và sau đó là một hậu quả hủy diệt có thể.

Ở đây còn có thêm một thứ song song nữa: vũ khí. Tại sao tôi chống người ta sở hữu vũ khí? Khi con người có khẩu súng lục, anh ta đơn giản có thể đục thủng đầu mình (hay người khác). Gí vào và - đùng.

Còn nếu không có vũ khí, anh ta cần suy nghĩ, tìm một sợi dây thừng, một cái búa. Làm việc với những công cụ này không chỉ khó khăn mà còn khó coi. Nghiêng ngó và con người, sau khi cân nhắc mọi hoàn cảnh, tiếp tục sống. Sự đơn giản của thực hành là một đại cám dỗ.

Kết luận này liên quan như nhau đến vũ khí và Internet, bởi Internet cũng là vũ khí. Nhưng Internet không chỉ giới hạn trong khả năng này.

Nghe thì lạ, nhưng sự xuất hiện của Internet đã chấm dứt thời kỳ mà chúng ta gọi là “Thời đại mới”. Tiếp theo sẽ là gì, nhìn chung không rõ lắm, nhưng đã thấy được những đường nét nào đó. Giống như trẻ em có khi không giống bố mẹ mà giống ông bà, văn hóa (phát triển theo hình xoắn ốc) ở mức độ nào đó có khả năng trở về vị trí ban đầu.

Tính chất Trung cổ của văn học hiện đại

Rất hiển nhiên là hiện nay trong văn học đã xuất hiện những tính chất của thời Trung cổ. Văn bản thời Trung cổ là vô hạn: mỗi bản sao mới của một văn bản nào đó không phải là một sao chép nghiêm ngặt, nó luôn là một tác phẩm mới: người ta viết thêm vào văn bản, bỏ bớt gì đó, thay đổi gì đó...

Chúng ta nhớ lại việc xuất hiện của Thời đại mới trùng hợp với việc từ bỏ bản thảo viết tay và sự phát triển của in ấn. Bằng cách đó, văn hóa cố đặt ranh giới cho văn bản, cố định nó, tạo ra văn bản không thay đổi, lặp đi lặp lại chính xác ở hàng nghìn bản in.

Còn ngày nay, văn bản lần nữa trở nên không giới hạn: Internet tạo ra siêu văn bản, trả lại văn bản những đặc tính Trung cổ.

Ngày nay, nhà biên niên sử lấy “nguồn”, bổ sung những chi tiết của mình, cắt bớt những gì ông ta không thích, thay từ này bằng những từ khác đồng nghĩa và văn bản bắt đầu chu du khắp các trang web.

Chúng dần chịu những thay đổi mới và mới nữa, và sau hai tuần mẹ chúng còn không nhận ra! Một trong những nguyên nhân (của việc thay đổi này - ND) là quyền tác giả (đạo văn, luật pháp, tòa án, Siberia). Kết quả là chúng ta có được biến thể của việc từ bỏ quyền tác giả, vốn là một nét thuần Trung cổ.

Thật ra thời Trung cổ không có quyền tác giả vì những lý do khác, nhưng ở đây vấn đề không ở chỗ đạo văn. Nạn đạo văn là khái niệm của Thời đại mới và xuất hiện song song với ý tưởng quyền tác giả.

Thời Trung cổ về cơ bản là vô danh. Hầu hết văn bản tiếng Nga, ngoại trừ của những người nổi tiếng như Ivan Groznyi hay đấng tiên tri Avvakum - đều khuyết danh. Với người Trung cổ, quyền tác giả không có ý nghĩa lớn.

Văn hóa Trung cổ không tên: chẳng quan trọng là ai nói, chỉ quan trọng là nói cái gì (từ quy tắc này có những ngoại lệ, nhưng chúng ta sẽ không bị phân tâm vì việc này). Cần thừa nhận là sự khuyết danh của Internet ít thiện cảm hơn so với sự khuyết danh thời Trung cổ.

Đấy, một tay nhỏ thó, không tên, ngồi sau bàn phím, nhễ nhại mồ hôi liên tục chửi bới...

...Internet là một công cụ. Thí dụ như cái búa đã nêu trên. Như một chiếc kính lúp. Một cá thể nào đó có thể ngồi và càu nhàu gì đó trong góc, không ai biết.

Nhưng trên Internet, anh ta bỗng phình lên đến kích cỡ khổng lồ - con người giận dữ nhỏ bé ấy tưởng như không choán lấy dù chỉ một chỗ nhưng dưới chiếc kính lúp của Internet, anh ta trở thành giáo sư Moriarti, quấn những xúc tu của mình khắp thế giới.

“Người - ngón tay” hay “người - lưỡi”?

Một hiểm họa nữa của Internet là ở chỗ nếu không biết sử dụng chúng đúng cách, con người sẽ đánh mất sở thích vươn tới kiến thức.

Nói chính xác hơn, sự khai phá tri thức của họ giờ không đồng hành với niềm say mê của người thợ săn đuổi theo con mồi.

Như tôi chẳng hạn, không thợ săn cũng chẳng phải ngư phủ. Và tôi thờ ơ với cá. Nhưng khi những người bạn đưa tôi đi câu cá, chúng tôi đã bắt được cá và ăn ngon lành.

Và cũng thế với tri thức. Khi chẳng động đậy bắp cơ nào để đạt được nó, anh sẽ không bao giờ hiểu thấu đáo. Các giáo viên đã kể cho tôi là sinh viên hiện nay trí nhớ kém. Họ biết chỉ vài lần nhấp chuột và kiến thức sẽ thoải mái trải ra hết cả màn hình.

Không cần phải nhồi kiến thức đầy đầu. Họ không hiểu là con người cần phải biết gì đó. Cũng giống túi xách phụ nữ mà không một người bạn gái nào của chúng ta có thể rời khỏi chúng nửa bước. Vâng, có thể tìm được nhiều thứ dọc đường, nhưng cũng cần phải mang gì đó theo mình.

Thật xấu hổ nếu phải lấy trên Internet chương đầu của “Yevgheni Onhegin”. Xấu hổ khi không thuộc bảng cửu chương.

Với nỗi phiền muộn, tôi nhận ra chúng ta đang tiến đến chỗ chỉ còn lại các nút bàn phím và những ngón tay. Còn những bộ não đang teo lại. Và không ai sợ biến đổi gen, sợ xuất hiện người - ngón tay hay (nếu nhớ về các talk-show) người - lưỡi. Hay ngược lại.

Hãy nhìn một con người hiện nay trong tàu điện ngầm. Tại sao, bước vào toa, anh ta mở điện thoại ra và chơi? Bởi vì trong đầu anh ta không có chất liệu cho công việc của suy nghĩ. Chỉ các ngón tay dịch chuyển và làm việc. Con người dần rời khỏi hoạt động tư duy.

Hãy nhìn xem có hay không nhiều người quanh ta, những ai đơn giản im lặng bởi vì đang suy nghĩ? Không. Mà im lặng trong khi đó là một việc vĩ đại. Trước tiên đó là một phần quan trọng của lời nói. Để lời nói trở nên xác đáng, cần phải tập trung - lẽ đương nhiên, là trong im lặng.

Nếu bạn buộc phải dùng Internet, hãy tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của vệ sinh truyền thông. Mở Skype, xin hãy tử tế im lặng. Trò chuyện trên Facebook, hãy gửi các thông tin không kèm biểu tượng, chỉ sử dụng các khoảng cách. Điều đó sẽ gợi những ấn tượng thuận lợi nhất cho các thông tin của bạn.■

Phan Xuân Loan (dịch)

(*): http://evgenyvodolazkin.ru/779_evgenij-vodolazkin-molchanie-kak-chast-rechi/

Yevgheni Vodolazkin

Yevgheni Vodolazkin sinh năm 1964 tại Kiev, là tiến sĩ ngôn ngữ học chuyên ngành văn học Nga cổ đại. Từ cuối thập niên 1990, sau khi bảo vệ luận văn phó tiến sĩ tại Viện Văn học Nga (Nhà Pushkin, thuộc Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô - IRLI), ông vào làm việc tại ban văn học cổ đại Nga do viện sĩ D.C. Likhachev chủ nhiệm.

Năm 1992, ông nghiên cứu Trung cổ học phương Tây và giảng dạy văn học cổ Nga tại Đại học Munich (Đức), năm 2000 bảo vệ luận án tiến sĩ tại IRLI. Ông là tác giả hơn 100 công trình khảo luận, từ điển và nghiên cứu văn học Nga cổ đại nổi tiếng.

Đặc biệt, “Dimitri Likhachev và thời đại của ông” là công trình giá trị với các tiểu luận về viện sĩ Likhachev và nhiều nhà khoa học, nhà văn, nhà hoạt động xã hội thời đại của ông.

Tiểu thuyết lịch sử của Vodolazkin Solovyev và Larionov xuất bản năm 2009 đã vào chung kết giải thưởng “Sách lớn 2010”. Tiểu thuyết tiếp theo, Lavr (2015) chính thức giành giải “Sách lớn” và giải thưởng Yasnaya Polyana cùng năm.

Năm 2015, tiểu thuyết Lavr còn được trao giải thưởng Gorki Ý - Nga của thành phố Sorrento (Ý). Đến nay, Lavr đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng. Tại Nga, ông được gọi là “Umberto Eco của Nga”, còn tại Mỹ sau khi bản dịch Lavr tiếng Anh ra đời, ông được gọi là “Marquez của nước Nga”.

Tác phẩm mới nhất của ông - Aviator (xuất bản 2016) được đánh giá là nơi “ngôn ngữ Nga phơi bày toàn bộ sự diễm lệ của mình” - theo nhận xét của nhà văn, nhà nghiên cứu chính trị Mỹ gốc Nga Vladimir Pozner.

Bước vào văn học từ thế giới khoa học, Lavr đoạt giải Sách lớn một phần vì Yevgheni Vodolazkin đã am hiểu tuyệt vời lĩnh vực nghiên cứu của mình: văn học Nga cổ đại. Nhưng Aviator với những chất liệu hoàn toàn khác là một bằng chứng cho thấy Vodolazkin không chỉ là nhà khoa học, mà còn là một nhà văn lớn thực thụ của nước Nga (theo RBC).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận