Iran và Saudi Arabia bắt tay: Có phải chuyện bất ngờ?

DANH ĐỨC 20/03/2023 08:48 GMT+7

TTCT - Trong việc "Iran tái lập bang giao với Saudi Arabia", báo chí (Mỹ) "la làng" rằng "theo thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian" (CBS 10-3) hay "với sự giúp đỡ của Trung Quốc" (NPR 10-3).

Nhưng thật ra, diễn biến này là hậu/kết qủa của những động thái và chính sách rất lâu dài.

Ảnh: AP

Ảnh: AP

Hài lòng nhất chắc là Bắc Kinh, người trung gian vĩ đại. China Daily 13-3 giải thích sự kiện này bằng bài bình luận tựa đề: "Thực tế và chân thành là chìa khóa thành công của Bắc Kinh trong hòa giải". 

Kèm theo là bức ảnh với chú thích: "Vương Nghị, ủy viên Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, chủ trì cuộc họp kết thúc đàm phán giữa phái đoàn Saudi và phái đoàn Iran tại Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc, hôm 10-3-2023".

Mỹ ủng hộ đối thoại?

Thật ra, một chuyện tày đình như vậy thì dễ gì có… bất ngờ. 

Trong cuộc họp báo hôm thứ hai 13-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có đứng ngoài cuộc khi Trung Quốc làm trung gian hòa giải giữa Iran và Saudi, đã trả lời rằng từ khi nhận nhiệm vụ phát ngôn viên cách đây hai năm, ông đã nhiều lần được hỏi câu này và lần nào cũng trả lời: 

"Chúng tôi ủng hộ đối thoại, ủng hộ ngoại giao trực tiếp, ủng hộ bất cứ điều gì có thể giúp giảm căng thẳng trong khu vực và có khả năng giúp ngăn chặn xung đột". Phát ngôn viên Price quả quyết: "Đây là một quá trình đã diễn ra trong khoảng hai năm nay. Chúng tôi đã ủng hộ".

Ủng hộ đối thoại giữa Saudi và Iran hay ủng hộ đối thoại với sự dàn xếp của Bắc Kinh? Dường như đây mới là ý chính câu hỏi của nhà báo ở trên. Qua trả lời của ông Price, có vẻ như với Mỹ, ưu tiên là "ủng hộ bất cứ điều gì có thể giúp giảm căng thẳng trong khu vực và có khả năng giúp ngăn chặn xung đột".

Vấn đề với Mỹ là vãn hồi trật tự cho cả khu vực, trong đó có Saudi. Nhìn lại lịch trình công tác của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony John Blinken cũng có thể thấy nhiều điều. 

Ông nhậm chức hôm 26-1-2021, thì đúng hai tuần sau, hôm 10-2-2021, ông đã "phải" nói chuyện qua điện thoại với Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Faisal bin Farhan Al Saud về vụ phi trường quốc tế Abha của Saudi bị tấn công bởi phe phiến loạn Houthi. 

Bên cạnh hứa hẹn những nỗ lực mới nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Saudi, ông Blinken còn bàn với người đồng cấp Saudi về các hoạt động ngoại giao nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc chiến ở Yemen, về các cam kết gần đây với các đối tác khu vực và các tổ chức viện trợ nhân đạo, về vai trò của đặc phái viên Liên Hiệp Quốc và các bên liên quan khác, và cả việc Mỹ gửi một đặc phái viên tới Yemen.

Tại sao phe nổi loạn Houthi tại Yemen lại tấn công Saudi? 

Chẳng qua do Saudi từ tháng 3-2015 đã thống lĩnh một lực lượng gồm chín quốc gia từ Tây Á và Bắc Phi can thiệp vào cuộc nội chiến Yemen để đáp lại lời kêu gọi hỗ trợ quân sự của Tổng thống Yemen Abdrabbuh Mansur Hadi sau khi ông này bị quân đội lật đổ hồi tháng 9-2014 bởi Phong trào Houthi được Iran hậu thuẫn. Chiến sự ở Yemen bùng nổ rồi leo thang.

Sáu tháng sau vụ tấn công hôm 10-2-2021 nói trên, hôm 31-8-2021 sân bay Abha lại bị tấn công nặng nề hơn. Lần này, đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden phải gọi trấn an Quốc vương Mohamed Bin Salman của Saudi. Ngoại trưởng Blinken thì cho biết thêm: 

"Từ đầu năm, Saudi Arabia đã phải chịu hơn 240 vụ tấn công từ phe Houthi, vốn đang gây nguy hiểm cho dân chúng Saudi cùng hơn 70.000 công dân Mỹ cư trú tại đây". Ông kêu gọi phe Houthi ngưng bắn và tiến hành đàm phán trong khuôn khổ LHQ.

Trục trặc Mỹ - Saudi

Trong khi Mỹ không thể làm gì hơn để xoay chuyển tình hình thì phía chủ nhà Saudi phải tự cứu, nhất là vào lúc Mỹ và Saudi cũng đang "cơm không lành, canh không ngọt". 

Hục hặc bùng nổ sau vụ nhà văn - nhà báo đối lập với Chính phủ Saudi Jamal Khashoggi mất tích, rồi sau đó được xác định là đã bị sát hại và phân xác như trong xi nê ở ngay trong tòa lãnh sự Saudi tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 2-10-2018.

Cơ quan điều tra Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng đây là hành động của một đội sát thủ 15 người của Saudi. Những khoảnh khắc cuối cùng của nạn nhân Khashoggi đã được ghi âm, sau đó bị rò rỉ và biến thành bằng chứng. 

Chính phủ Saudi cố che đậy vụ giết người và tiêu hủy bằng chứng. Đến ngày 16-10-2018, các cuộc điều tra riêng biệt của các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và tờ The New York Times kết luận rằng vụ giết người đã được lên kế hoạch trước và một số thành viên của đội sát thủ có quan hệ mật thiết với thái tử Saudi, người đang nắm quyền thực tế ở nước này, Mohammed bin Salman (MBS).

Ông MBS đã trở nên khét tiếng ở khu vực từ khi được vua cha tuổi 80 trao quyền. Năm 2017, ông gây tiếng vang khi tái cấu trúc bộ máy chính quyền, đặc biệt là Bộ Nội vụ (an ninh), và tự mình đứng đầu cơ quan bài trừ tham nhũng. 

Ở Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump rất khoái ông MBS, quan hệ hai nước cũng như quan hệ cá nhân của hai nhà lãnh đạo ở mức "sát rạt" cho đến khi xảy ra vụ Khashoggi.

Ân tình lại càng lạnh nhạt từ khi ông Joe Biden lên thay ông Trump năm 2021. Vừa nhậm chức cuối tháng 1-2021, qua tháng sau ông Biden đã quyết định công bố báo cáo của tình báo Mỹ khẳng định chính ông MBS đã phê duyệt chiến dịch thủ tiêu nhà báo Khashoggi. 

Nhưng Mỹ tất nhiên vẫn cần Saudi và ông thái tử, như gần 100 năm qua đã vậy. Họ lại càng cần MBS hơn khi tháng 9-2022 ông này chính thức nắm quyền thủ tướng Saudi. Ngày 18-11-2022 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ loan báo "người đứng đầu đương nhiệm của một chính phủ nước ngoài được hưởng quyền miễn trừ với quyền tài phán của tòa án Hoa Kỳ". 

Quyết định này do hai bộ Ngoại giao và Tư pháp Mỹ cùng đưa ra. Tóm lại là sẽ không ai dám ho he gì đụng chạm tới chuyện Khashoggi - MBS nữa. Nhưng có vẻ như Saudi thấy bấy nhiêu là chưa đủ để họ "nhất biên đảo" với Washington.

Tự thân vận động

Hơn ai hết, MBS hiểu ông phải thủ thế, tách dần ra khỏi Mỹ và tìm những cánh cửa khác để tồn tại. Trong số các cánh cửa đó có Iran - trên danh nghĩa và thực tế là kình địch của cặp bài trùng Mỹ - Israel trong khu vực. 

Hai bên tiếp xúc với nhau từ năm 2021 qua ngả Iraq làm chủ nhà. Đến tháng 3-2022, hai bên đã có thể loan tin: "Mohamed Bin Salman tuyên bố Riyadh hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với Iran" (Iran Intl 3-3-2022).

Hãng tin Iran này cho biết ông MBS tuyên bố hai bên đã "nói chuyện chi tiết", gồm việc Saudi mong muốn Iran và nhóm P5+1 sẽ đạt được một thỏa thuận chắc chắn, khả thi trong các đàm phán ở Vienna. 

Ông MBS tuyên bố các cuộc đàm phán trực tiếp với Iran sẽ giúp tạo ra "một tương lai tươi sáng" cho hai cường quốc Hồi giáo Sunni và Shi'ite trong khu vực, vốn đã mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh kéo dài khắp Trung Đông. 

Ông ân cần nhấn mạnh: "Iran mãi mãi là láng giềng, chúng tôi không thể loại bỏ họ và họ cũng không thể loại bỏ chúng tôi", theo Hãng thông tấn nhà nước Saudi.

Nay thì Saudi và Iran đã tiến đến chỗ đồng ý bình thường hóa quan hệ trong vòng hai tháng sau những đàm phán tiếp nữa tại Bắc Kinh. 

Nhìn lại lịch trình đàm phán mà The National 11-3 ghi lại, không thấy có buổi nào có sự hiện diện của Trung Quốc, song đến 9-12-2022 thì có sự kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Saudi Arabia và hội kiến Thái tử MBS. 

Đến 16-2-2023, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi sang Trung Quốc gặp ông Tập. Có thể thấy không hề có gì là ngẫu nhiên!■

Nhìn từ góc độ dầu hỏa, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Saudi với tư cách nước nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới.

Họ là khách hàng dầu mỏ lớn nhất của Saudi: gần một nửa trong kim ngạch 87,3 tỉ USD thương mại song phương năm 2021 là tiền Trung Quốc nhập dầu thô của Saudi, chiếm 77% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ Saudi.

Iran thì thậm chí còn thân thiết hơn, dù chuyện mua dầu và làm ăn với nước này có phần nhạy cảm và khó có số liệu chính thức hơn do các lệnh trừng phạt từ LHQ.

Nhiều chuyên gia tin rằng Trung Quốc đảm trách một vai trò quan trọng trong duy trì hoạt động thương mại của Iran thông qua các giao dịch mua dầu trị giá có thể lên tới 47 tỉ USD trong hai năm 2020 và 2021 (Iran Intl 20-2-2022). China Daily gọi những mối quan hệ này là "thực tế và chân thành" là có lý của nó!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận