TTCT - Kiến trúc sư Joep Janssen bỏ công việc đang làm ở Hà Lan, cùng bạn gái sang Việt Nam lặn lội đi về ĐBSCL mấy năm trời để viết Living with the Mekong, một cuốn sách về những tác động của biến đổi khí hậu với cuộc sống người dân. Joep Janssen -Jay Zhang Trở thành kiến trúc sư năm 2004 với chuyên môn là nước và sự phát triển của đô thị, anh vốn xem nước như một công cụ thiết kế để làm đẹp những thành phố Hà Lan. Đến năm 2006, lúc đang làm việc ở Viện kiến trúc Soeters Van Eldon tại Hà Lan, sau khi xem bộ phim An inconvenient truth (một bộ phim tài liệu kể về những cảnh báo tác động của biến đổi khí hậu của cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore), lập tức Joep nhìn lại nghề nghiệp của mình bằng một con mắt khác, trong một bức tranh lớn hơn: con người trên khắp thế giới đang vật lộn với những hậu quả của biến đổi khí hậu và lĩnh vực của anh có thể đóng góp giải pháp gì. “Duyên nợ” với Việt Nam “Duyên nợ” của Joep Janssen với Việt Nam gắn với những đổi thay trong nhận thức nghề nghiệp của anh. Joep nghiên cứu những gì mà các đô thị Hà Lan đã đối phó với nước từ thời Trung cổ: những kênh đào, quảng trường, đập và vành đai. Anh suy nghĩ nhiều về vùng ĐBSCL của Việt Nam - thường được nhắc đến là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng: họ đối phó với nó như thế nào, họ có nguồn lực gì để làm như Hà Lan từng làm trong lịch sử không? Năm 2009, anh quyết định cùng bạn gái nghỉ việc để đến Việt Nam, tìm đến Hội đồng khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) tại ĐBSCL. Ở TP.HCM, Joep làm việc tại Công ty thiết kế Võ Trọng Nghĩa và đi về ĐBSCL để nghiên cứu, thu thập tư liệu về cuộc đấu tranh của những cư dân địa phương với quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu, với lượng mưa và nhiệt độ bất thường, gây nguy hại cho mùa màng và sức khỏe con người. Cuốn sách được viết dưới dạng phóng sự du lịch, dưới con mắt của một kiến trúc sư thiết kế đô thị cho thấy một góc nhìn rất thú vị, vừa mang tính khoa học, tổng quan, vừa đẹp lại vừa cảm động. Đặc biệt, những quan sát và ghi nhận của anh khác hẳn những bản báo cáo về biến đổi khí hậu và nước biển dâng qua những con số thống kê, mà là bức tranh sống động về cuộc sống con người khu vực đô thị TP.HCM và ĐBSCL bằng những câu chuyện cụ thể, ám ảnh, đòi hỏi những câu trả lời cấp thiết. Cuốn sách còn là một chuỗi phóng sự ảnh, cảnh làm ruộng ở ĐBSCL, cảnh ngập lụt trong thành phố, cảnh kênh Tẻ nhìn ra sông Sài Gòn, nơi những con đò vừa là nhà vừa là tiệm tạp hóa; một căn nhà ven sông, nơi bà nội của Tí Nị đang nấu ăn ngay căn bếp nhỏ sát mé nước, cho thấy nước gắn chặt với cuộc sống của họ thế nào... Có một bức hình chụp từ đỉnh núi nhìn xuống khu vực Óc Eo, những ruộng lúa vàng và xanh nhìn đẹp như một bức tranh, với chú thích “Hình ảnh này không khác gì phong cảnh của Hà Lan”, cho thấy góc nhìn của người làm phóng sự không là của một người ngoài, từ một thế giới khác, mà đi tìm kiếm mối tương quan mật thiết giữa những địa danh tưởng chừng xa lạ. Quả thật, những tư liệu và phân tích ở chương so sánh với các giải pháp từ Hà Lan trong suốt lịch sử xứng đáng là một tham khảo quý giá cho người làm khoa học và chính sách của Việt Nam. Bìa cuốn sách Living with the Mekong “Tôi thấy lo ngại” Trong những email trao đổi về cuốn sách và những vấn đề sách đặt ra, Joep Janssen thường nhắc đến câu “tôi thấy lo ngại” như muốn nói về sự trăn trở, day dứt của anh. Anh viết: “Di dân từ nông thôn ra đô thị cũng là vấn đề lớn. Càng nhiều người đổ về thành phố, họ càng tiêu thụ nhiều nước và càng hút thêm lượng nước ngầm từ đất. Đất sẽ sụt lún dần. Cùng với việc nước biển dâng, cuộc sống con người, nhất là người nghèo, càng gặp nhiều khó khăn, nhất là những khu vực gần các dòng chảy”. “Sụt lún đất ở TP.HCM là vấn đề lớn hơn cả nước biển dâng. Việc chú trọng vào quản lý nước ở đô thị từ bây giờ cũng dễ hơn là những can thiệp lớn sau này. Và tốt hơn là nước ngầm thôi không bị khoan hút nữa hoặc có thể tăng giá nước đối với các chủ thể tư nhân”. Đối với vấn đề đó, Hà Lan có thể giúp được gì? Joep đưa ra một ví dụ: để sản xuất, Công ty Vietnam Brewery (thuộc Asia Pacific Breweries - có nhãn hiệu bia Heineken của Hà Lan) lấy nhiều nước ngầm với chi phí rất thấp. Hệ quả là một lượng lớn nước ngầm bị rút đi sẽ tiếp tục làm TP.HCM lún sâu hơn. “Trong trường hợp này, bạn có thể nói rằng Hà Lan vừa là nguyên nhân, vừa là giải pháp. Bằng cách tăng thuế nước đối với các công ty lớn như Heineken, tiêu thụ nước khối lượng lớn có thể giảm bớt và khoản thu đó có thể sử dụng cho các giải pháp đô thị thông minh” - anh nói. “Tổ chức Royal HaskoningDHV và Đại học Wageningen Hà Lan đã hợp tác với Việt Nam trong một dự án xây dựng tầm nhìn và chiến lược để vùng ĐBSCL vẫn là nơi cư trú và sinh sống cho con người. Đó là làm sao đối phó với việc mất lượng nước hằng năm, nước mặn xâm thực, hạn hán, thiếu hệ thống thủy lợi và mối đe dọa mất cân bằng sinh thái. Báo cáo của dự án đã được công bố từ năm 2013 và đang được Ngân hàng Thế giới lưu giữ, nhưng vẫn chưa thấy giải pháp nào được chính quyền thực hiện. Tôi lo ngại về điều đó” - Joep nhấn mạnh. “Trong cuốn sách của mình, tôi đã nghiên cứu những phương án của người phương Tây tại khu vực này và thấy rằng chúng nhiều lần sai lầm. Người Pháp trong những năm 1950, và sau này là người Mỹ, thậm chí cả người Hà Lan (dự án Nedeco Mekong Delta năm 1993) đã có những kế hoạch chưa bao giờ thực hiện hoặc chỉ thực hiện nửa vời. Hoặc những kế hoạch đó không đáp ứng đúng nhu cầu của địa phương. Hãy thận trọng, đừng để mắc sai lầm như thế nữa” - Joep cảnh báo. Một ví dụ là sau trận lũ năm 2000, nhiều vùng dân cư không tự nhiên được xây dựng (chương trình Residential Cluster and Dyke), nhưng những người nghèo không đến đó ở vì họ cần ở gần nơi họ mưu sinh, và đó không phải là khu định cư mới nên chẳng ai đến ở. Những thảo luận về biến đổi khí hậu, đô thị hóa và nước biển dâng thường quy tụ nhiều nhà khoa học, kỹ sư, nhà làm chính sách..., họ trình bày các ý tưởng và dự án cho khu vực đồng bằng này. Những người dân thường không có mặt trong những buổi trình bày như vậy. Đó lại là những người đang hằng ngày sống với đất đai, nước từ thế hệ này qua thế hệ khác, đã tích lũy nhiều kinh nghiệm và phương cách để đối phó với nước. “Vì thế, khi làm các dự án phải tự hỏi ai sẽ hưởng lợi, những người nghèo nhất hay người giàu, hay những công ty thực hiện dự án có những ý tưởng nhưng thực hiện sai hoặc không thảo luận gì với người địa phương. Tôi lo âu về những điều đó” - Joep viết. Đó là lý do Joep viết và xuất bản cuốn sách Living with the Mekong: đưa ra một gương mặt của biến đổi khí hậu và những tác động của nó từ góc nhìn của người dân địa phương và từ cuộc đấu tranh sinh tồn của họ.■ Tags: Biến đổi khí hậuKiến trúc sư Joep JanssenLiving with the MekongVùng ĐBSCL
Lãnh đạo EU: Các nước thành viên phải thực thi lệnh bắt lãnh đạo Israel và Hamas của ICC NGHI VŨ 23/11/2024 Ông Borrell cho rằng ông có quyền chỉ trích Israel mà không bị buộc tội 'bài Do Thái', khẳng định các nước EU có nghĩa vụ thực hiện quyết định của tòa ICC.
Chân dung đại gia Malaysia, Hàn Quốc muốn mua lại dự án của bà Trương Mỹ Lan BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Một doanh nghiệp bất động sản Hàn Quốc và một vị đại gia Malaysia muốn đàm phán để nhận chuyển nhượng dự án liên quan bà Trương Mỹ Lan.
Ông Medvedev: Mỹ và các nước NATO đã tham gia hoàn toàn vào chiến sự Ukraine NGHI VŨ 23/11/2024 Ông Medvedev cáo buộc phương Tây đã tham gia vào cuộc chiến chống lại Nga, cảnh báo Nga sẽ có đáp trả việc Ukraine không kích vào Nga.
Tuấn Ngọc là á vương 1 trong tiếc nuối, Puerto Rico đoạt Nam vương Thế giới Mr World 2024 HOÀI PHƯƠNG 23/11/2024 Đêm chung kết cuộc thi Nam vương Thế giới khép lại với ngôi vị cao nhất thuộc về Danny Mejía Romero đến từ Puerto Rico.