Khe Sanh - chiến trường xưa, thương trường nay

LÊ ĐỨC DỤC 10/07/2008 20:07 GMT+7

TTCT - Cơn mưa bất ngờ buổi sáng tràn qua Tà Cơn đã níu chân chúng tôi ở lại Bảo tàng chiến thắng đường 9 - Khe Sanh lâu hơn dự tính. Thời gian chờ mưa tạnh ấy đã cho tôi thời gian đọc hết những lưu bút của du khách khi đến đây. Và ấn tượng nhất là những dòng chữ của một du khách tên Vũ Thị Ánh Tuyết: “Khe Sanh đẹp vô cùng. Tôi đã cố mà vẫn không hình dung nổi cảnh bom đạn chết chóc nhiều năm về trước...”.

Một cảm nhận giản dị nhưng nói hết được về hành trình 40 năm qua của Khe Sanh. Nếu không có một ít chứng tích bom đạn, mấy chiếc máy bay, xe tăng, đại pháo... và những bức ảnh tư liệu chiến tranh đang bày trong bảo tàng thì thật khó hình dung đây là một chiến trường ác liệt bậc nhất, nơi khi sa lầy chiến tranh, người Mỹ đã định dùng đến bom nguyên tử. Bởi giờ đây vây quanh những dãy đồi bazan, ngay trên đường băng sân bay xưa cũng ngút ngàn xanh sắc lá cà phê. Sau cơn mưa, dưới sắc nắng óng ánh, những chiếc lá cà phê sũng nước đọng ánh mặt trời lấp lánh vàng gợi liên tưởng tên một tiểu thuyết của J.Amado Miền đất quả vàng. Sau này nhiều nhà báo cũng dùng cụm từ nghe lanh canh âm vang giàu có ấy để tả về Khe Sanh.

Tròn 40 năm kể từ ngày Khe Sanh được giải phóng. Nhưng câu chuyện hôm qua chưa bao giờ là quá khứ.

Gần đây, một tài liệu mật về kế hoạch ném bom nguyên tử xuống VN của Lầu Năm Góc tiết lộ: một trong những mục đích chính là nhằm giải cứu Khe Sanh bị vây hãm từ tháng 1-1968, khi gần hai vạn quân chủ lực của ta bao vây hơn 6.000 thủy quân lục chiến của Mỹ tại đây.

Kế hoạch sử dụng vũ khí nguyên tử cuối cùng không dám thực hiện. Việc giải vây cuối cùng được giao cho tướng Westmoreland toàn quyền sử dụng bất kỳ loại vũ khí qui ước nào để bảo vệ Khe Sanh. Pháo đài bay hạng nặng B.52 đã được tung ra, hơn 100.000 tấn bom đã được giội xuống trong một vùng rộng chưa đến 5 dặm vuông. Đây được coi là cuộc giội bom có mật độ dày nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới. Song người Mỹ vẫn không cứu được Khe Sanh.

Ngày 9-7-1968, Khe Sanh - Hướng Hóa hoàn toàn giải phóng.

40 năm qua, vùng đất đầy bom mìn đạn pháo phế liệu chiến tranh ấy đã vươn mình đứng dậy thành một miền quê trù phú và giàu có. Một thương trường sôi động ngay trên hành lang kinh tế đông - tây, điểm đầu cầu phía VN.

Phóng to
Theo hành lang kinh tế đông - tây từ Myanmar qua Thái Lan, Lào và vào VN qua ngả quốc lộ 9, qua cửa khẩu Lao Bảo với kiến trúc hình trống đồng sẽ bắt gặp hình ảnh một thị trấn sầm uất sôi động, một thương trường với doanh nghiệp từ nhiều quốc gia: Thái Lan, Lào, Trung Quốc... đang đến buôn bán, đầu tư
Xuôi theo đường 9 thêm 10km sẽ gặp một tượng đài chiến thắng Làng Vây với chiếc xe tăng mang số hiệu 268, một trong 20 chiếc xe tăng đã tham gia trận đánh Làng Vây. Đây là trận đánh đầu tiên của binh chủng tăng - thiết giáp, xe tăng được đưa vào tham chiến. Trên bệ cao của tượng đài này, nhìn khối vũ khí ấy, dường như không có chút gì gợi nên máu lửa, nó chỉ như một ký hiệu về quá khứ đã qua, và hình ảnh mấy chú nhóc đang leo trèo đùa chơi trên tháp súng, nhìn về thung lũng Khe Sanh xanh ngút ngàn như là một thông điệp của sự bình yên và bền vững
Trong Bảo tàng chiến thắng đường 9 - Khe Sanh có nhiều hình tư liệu về chiến trường, đây là một tấm hình về chiến dịch dùng trực thăng di tản khỏi Khe Sanh của lính Mỹ
Bom đạn trưng bày trong khuôn viên bảo tàng là một Khe Sanh của hôm qua
Du khách nước ngoài tham quan chiến trường xưa

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận