Khi các siêu cường phải đi nhờ vả

DANH ĐỨC 30/10/2022 07:04 GMT+7

TTCT - Cáo giác về xuất xứ những UAV "tự sát" mà Nga đang sử dụng ở Ukraine không mới khi đối chiếu lại quá trình trừng phạt Iran của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Nhưng việc Iran nay cung cấp UAV cho Nga cho thấy thế giới đang tiến đến một cục diện hoàn toàn khác.

Khi các siêu cường phải đi nhờ vả - Ảnh 1.

Ảnh: The New Arab

"Trong đêm 22 và 23-10, kẻ thù "truyền kiếp" đã tấn công miền nam đất nước bằng UAV tự sát. 11 UAV của đối phương đã bị tiêu diệt bởi lực lượng phòng không của Bộ Tư lệnh không quân phía nam ở khu vực Mykolaiv", Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine đăng trên Facebook sáng thứ hai 23-10. 

Bản tin này còn cho biết "thêm 3 UAV Shahed-136 khác đã bị bắn hạ bởi các đơn vị khác ở phía nam". Chưa hết, "thêm 2 UAV lảng vảng, tìm cách đột phá từ hướng nam, đã bị phá hủy bởi các khẩu đội phòng không của Bộ Tư lệnh không quân đông và trung tâm ở phía đông và bắc Ukraine".

Iran đang tham chiến?

Tổng cộng quân đội Ukraine đếm được 16 UAV Shahed-136 của Iran bị hạ chỉ trong một đêm chủ nhật rạng sáng thứ hai vừa qua trên hầu hết mọi miền đất nước, chớ không chỉ ở khu vực giao tranh trực diện đông và đông nam. 

"Phân bố địa lý" tác xạ của các UAV có thể là do tầm hoạt động xa của chúng. Hậu quả là phía Ukraine dễ tổn thương hơn. Một hậu quả khác là vấn đề nguồn gốc của các UAV này ắt phải được đặt ra.

Cho tới giờ phía Nga bác bỏ chuyện được Iran cung cấp UAV. Hôm 19-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh rằng những tin đồn về việc Iran cung cấp UAV cho Nga, được lan truyền bởi một số nguồn độc lập, giấu tên và truyền thông Mỹ, đã bị cả Iran và Nga bác bỏ. 

"Có cần thiết phải bình luận về những cáo buộc chống lại chúng tôi và Tehran không?", bà Zakharova hỏi ngược. "Tôi không nghĩ vậy, vì đó chẳng qua chỉ là những suy đoán vô căn cứ…, những giả định mơ hồ mà Anh và Pháp đang cố gắng xây dựng, vốn đã vỡ vụn từng mảnh trước mắt mọi người hết lần này đến lần khác".

Một ngày sau, tức 20-10, trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng, điều phối viên truyền thông chiến lược Hội đồng An ninh quốc gia John Kirby phản pháo bằng một tố giác hoàn toàn mới: "Hôm nay chúng tôi có thể xác nhận rằng binh sĩ Nga đồn trú tại Crimea đã điều khiển UAV của Iran để tiến hành không kích khắp Ukraine, bao gồm cả vào Kiev trong những ngày gần đây. Chúng tôi đánh giá quân nhân Iran đã có mặt tại Crimea để hỗ trợ Nga trong các hoạt động này".

Đó là một cáo buộc rất nghiêm trọng: (1) việc Iran cung cấp UAV giờ không chỉ là tin đồn từ những "nguồn độc lập, giấu tên", hay từ truyền thông Mỹ nữa, mà chính thức, và ở cấp độ cao nhất từ chính quyền Mỹ; (2) Washington quả quyết Iran không chỉ gửi UAV tới Crimea giúp Nga mà còn cử cả người sang hỗ trợ.

Nếu đúng như vậy, thì đó là một sự leo thang và mở rộng chiến tranh rất nguy hiểm. Thậm chí, nếu các quân nhân Iran nói trên trực tiếp tham gia điều khiển UAV tấn công, thì có nghĩa là Iran đã tham chiến. 

Chính vì rất nhạy cảm như vậy, trong cuộc họp báo nói trên, một nhà báo Mỹ đã hỏi lại cho chắc: "Ông đang nói rằng cả người Iran và Nga cùng điều khiển những chiếc máy bay này từ xa, từ Crimea… Ông có thể giải thích thêm?". 

Ông Kirby tái khẳng định phát biểu trước đó bằng những dữ kiện cụ thể: "Thông tin chúng tôi có là người Iran đã đưa các cố vấn và hỗ trợ công nghệ đến Crimea, nhưng chính người Nga mới điều khiển [các UAV]. Đó là đánh giá của chúng tôi tại thời điểm này. Tôi nghĩ tôi sẽ dừng ở đó".

Ukraine phản đòn

Về phần mình, Ukraine có thái độ khá kềm chế trong vấn đề này, dù vẫn "chủ động tấn công" Iran từ một hướng khác. 

Trong cuộc phỏng vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky với truyền hình Canada CBC, ông này nói: "Cá nhân tôi không tin tưởng giới lãnh đạo Iran. Tại sao ư? Quý vị còn nhớ thảm kịch của Hãng hàng không Ukraine bị một tên lửa Iran bắn trúng không, và trên máy bay có rất nhiều công dân Canada và Iran? Bấy giờ giới lãnh đạo Iran nói: "Không phải chúng tôi". Nhưng khi các chuyên gia và đối tác của chúng tôi, bao gồm cả Canada, tìm thấy bằng chứng chứng minh sự tham gia của Iran, họ đã phải thừa nhận, rồi giải thích đó là tai nạn và "một thảm kịch lịch sử"". 

Ông Zelensky còn tố khổ rằng giới lãnh đạo Iran đã hứa sẽ hỗ trợ gia đình các nạn nhân, song thực tế "đã chẳng làm gì".

Nhắc lại, ngày 8-1-2020, chuyến bay dân sự 752 chở 176 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng do trúng tên lửa của Iran. Trong đó, Canada tổn thất nhiều nhất. Hôm 4-10, Chính phủ Canada đã tổ chức tưởng niệm 1.000 ngày vụ này và Thủ tướng Justin Trudeau lại lên tiếng tố cáo Iran: 

"Cách đây đúng một ngàn ngày, chế độ Iran đã bắn hạ một cách bất hợp pháp và khủng khiếp chuyến bay chở hành khách 752, cướp đi sinh mạng 176 người vô tội trên máy bay - bao gồm 55 người Canada, 30 thường trú nhân và tổng số 138 người trên đường đến Canada. Họ là những người mẹ, người cha, con trai, con gái, nhà giáo dục và sinh viên - hơn hết, họ được yêu thương".

Ông Zelensky vào thời điểm đó đã nhậm chức tổng thống Ukraine, cũng là một bên "bị hại", nên giờ cũng có lý do chính đáng để giở lại vụ việc, nhất là khi UAV Iran đang vần vũ trên bầu trời Ukraine, lần này không hề là vô tình nữa.

Một trật tự thế giới mới?

Quả là thế giới đang chuyển mình dữ dội. Từ tháng 2 năm nay, Nga muốn khôi phục một phần biên cương cũ. Mỹ chống trả nhưng không trực tiếp đối đầu, sợ "ném chuột vỡ bình". Thế giới rất có thể đã trở lại với thế "lưỡng đầu" như thời Chiến tranh lạnh nếu "chiến dịch quân sự đặc biệt" của ông Vladimir Putin ở Ukraine nhanh chóng thành công như kỳ vọng.

Nhưng đúng tám tháng đã qua tính đến 24-10, Nga vẫn chưa giải quyết dứt điểm được cuộc chiến do họ khởi phát, và còn chịu không ít tổn thất, khiến ông Putin hạ tuần tháng 9 phải ban hành lệnh động viên một phần. 

Về phía Ukraine, họ ắt cũng đã chịu tổn thất ghê gớm, nhưng ít ra chính quyền Zelensky đã đứng vững, và Ukraine hiện vẫn là một quốc gia còn chủ quyền đầy đủ, ngay cả khi sự toàn vẹn lãnh thổ của họ đang bị đe dọa. Ông Zelensky lên tiếng hôm 24-10: "Tám tháng đúng đã trôi qua… Chúng ta đã bảo vệ được nền độc lập - và Nga không thể thay đổi điều đó. Từng bước, chúng ta đang giải phóng đất đai Ukraine… Sẽ tới lúc toàn bộ Ukraine được tự do".

Một hậu quả nhãn tiền của tám tháng chinh chiến, ở tầm mức rộng hơn, là các thế lực cũ đều ít nhiều bộc lộ những điểm yếu và chịu không ít tổn thất, từ Mỹ tới Nga, và nhất là châu Âu. Thế "song cường" như chiến tranh lạnh đã không hình thành, nhưng kỳ vọng về sự trỗi dậy của một nước Nga mới cũng chưa phải hiện thực.

Trong bối cảnh đó, những cường quốc bậc trung như Iran hay một ví dụ khác ở chiều kích bên kia, Saudi Arabia - bằng cả năng lực vũ khí, công nghệ lẫn tài nguyên dầu mỏ - nay đang nổi lên thành những thế lực có thể làm thay đổi cục diện. Họ trở thành những Hàn Tín trong cuộc Hán - Sở tranh hùng "đông đầu Hán vương thắng, tây đầu Hạng vương thắng", mà ngay cả các siêu cường cũng phải cậy nhờ.■

Vẫn hợp pháp

Tháng 12-2006, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ), bao gồm Nga, đã nhất trí thông qua nghị quyết 1737 nhằm ngăn chặn Iran phát triển năng lực vũ khí hạt nhân. Nghị quyết này thiết lập lệnh cấm vận xuất và nhập khẩu từ Iran một số mặt hàng và công nghệ có khả năng liên quan đến vũ khí cả thông thường lẫn hạt nhân.

Trong danh sách có nêu rõ các mặt hàng hệ thống tên lửa đạn đạo, phương tiện phóng không gian, tên lửa định vị và hệ thống máy bay không người lái, bao gồm cả UAV tấn công mục tiêu và trinh sát có trọng tải từ 500kg và tầm hoạt động từ 300km.

Ngoài ra, nghị quyết buộc các quốc gia thành viên LHQ phải "phong tỏa trên lãnh thổ của họ quỹ, tài sản tài chính và các nguồn lực kinh tế khác… thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của những người hoặc tổ chức được chỉ định trong phần Phụ lục".

Danh sách này bao gồm Tổ chức Công nghiệp quốc phòng Iran (DIO) và các công ty con của Tổ chức Công nghiệp hàng không vũ trụ (AIO), cũng như các công ty tham gia sản xuất vũ khí thông thường cho các lực lượng vũ trang Iran. Tháng 3-2007, HĐBA LHQ bổ sung một lệnh cấm vận nữa với xuất khẩu vũ khí từ Iran. Rồi tháng 6-2010 là lệnh cấm vận xuất khẩu hầu hết các loại vũ khí thông thường sang Iran.

Tất cả các nghị quyết đó được HĐBA thông qua do không vướng phiếu phủ quyết của bất cứ thành viên thường trực nào, bao gồm Nga. Tuy nhiên, từ tháng 10-2020, các hạn chế của LHQ với việc cung cấp vũ khí cho Iran và từ Iran đã hết hạn. Tức từ tháng 10-2020, Iran được phép mua bán vũ khí hợp pháp, kể cả cung cấp UAV cho Nga.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận