Khi con nợ EU phải quỵ lụy

DANH ĐỨC 05/11/2011 19:11 GMT+7

TTCT - Khi số báo này đến tay bạn đọc, Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Cannes (Pháp) cũng vừa kết thúc. Hội nghị diễn ra một tuần sau những thỏa thuận của châu Âu tuần trước về việc dành 1.000 tỉ euro cho một “quỹ cấp cứu”. Nhưng có thể thấy gì qua chuyến đi Trung Quốc của giám đốc Quỹ bình ổn châu Âu trước đó?

Phóng to
Khẩu hiệu “Lịch sử được viết tại Cannes” nhân Hội nghị thượng đỉnh G20 cũng là mong muốn của châu Âu trong việc giải cứu đồng euro - Ảnh: Reuters

Sáng thứ hai 31-10, thị trường tài chính Tokyo mở cửa, đồng yen Nhật lên giá đến mức kỷ lục: 75,31 yen ăn 1 USD. Nước Nhật không mong muốn điều này vì khi đồng yen cao giá như thế, hàng Nhật khó bán, làm sao Nhật trang trải được công cuộc tái thiết sau thiên tai đầu năm tốn kém trên 250 tỉ USD! Đến 10g25 sáng, Bộ Tài chính Nhật tung đồng yen ra bán khiến đồng yen sụt giá đôi chút, 79,20 yen ăn 1 USD, giá vàng sụt ngay 2%.

Tin tức về đồng yen này chỉ một tuần sau tin từ Nam Ninh, nơi Trung Quốc cùng các nước ASEAN đang nhóm họp. Theo một trợ lý thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, cuối năm nay, chậm nhất là đầu năm tới, hai bên sẽ ký một thỏa thuận sử dụng đồng nhân dân tệ trong thương mại hai chiều (1). Một khi thỏa thuận chung này được ký, Trung Quốc sẽ tiếp tục ký riêng với từng nước về việc quy đổi đồng tiền nước đó với nhân dân tệ. Trong thực tế, Trung Quốc đã ký xong các thỏa thuận riêng rẽ này với ba nước ASEAN đầu tiên là Indonesia, Malaysia và Singapore, tới đây sẽ là Thái Lan (2).

Khắn gói, bị gậy!

Các tin tức trên cho thấy đâu là sức nặng của Trung Quốc và Nhật. Và đó chính là bối cảnh của Hội nghị thượng đỉnh G20 tuần này ở Cannes mà trọng tâm là giải cứu đồng euro. Tin tức về đồng yen được phá giá loan ra chỉ ít lâu sau tin tức về việc một đại diện của khối euro “bị gậy” sang Nhật điều đình chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20. Nhân vật đó chính là Klaus Regling, giám đốc Quỹ bình ổn châu Âu (EFSF), mới được giao trách nhiệm phụ trách việc ứng cứu đồng euro trong thỏa hiệp tuần trước ở Brussels, Bỉ.

Người đứng đầu EFSF phải cất công sang Nhật là do Nhật, cho dù có đang chưa hết bối rối với các hậu quả của thảm họa động đất và hạt nhân, vẫn đường đường là nước có dự trữ ngoại tệ xếp thứ nhì thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Sáng thứ hai 31-10, ông Klaus Regling vừa gặp Thứ trưởng Tài chính Nhật đặc trách các vấn đề quốc tế Takehiko Nakao và được ông này cam kết Tokyo sẽ tiếp tục mua vào các trái phiếu do EFSF phát hành như từ đầu năm tới giờ, khoảng 20% trị giá trái phiếu của EFSF, tức chẳng mua thêm được một xu trái phiếu nào! Xem ra chuyến đi của ông Klaus Regling là công cốc.

Phải đợi sau hội nghị G20 ở Cannes mới biết Nhật sẽ làm gì hơn nữa, sau khi Thủ tướng Yoshihiko Noda đã trực tiếp nghe các “đầu tàu” của EU trình bày những cam kết tiết kiệm và bảo đảm tiền vay dứt khoát đến đâu.

Theo nguồn tin trên, trước khi đến Nhật, ông Klaus Regling đã đến Trung Quốc, nền kinh tế có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, cũng để dọ bán trái phiếu của EFSF. Rời Bắc Kinh, ông Klaus Regling không cho biết chi tiết gì về kết quả chuyến đi này, ngoại trừ nhắc lại rằng cho đến nay châu Á vẫn đang mua khoảng 40% trị giá trái phiếu do EFSF phát hành. Chẳng qua Trung Quốc còn chờ xem khối EU sẽ mở cửa như thế nào cho hàng hóa và tiền bạc đầu tư của Trung Quốc vào EU - AFP cho biết. Cũng theo AFP, trước đó tờ Financial Times có trích lời một quan chức Trung Quốc giấu tên, theo đó nước này có thể sẽ mua từ 50-100 tỉ USD trái phiếu của EFSF hoặc của một quỹ nào đó.

Tin tức về chuyến “bị gậy” của ông Klaus Regling là một nhắc nhở nữa về sự quỵ lụy bắt buộc của EU khi nay đang sa cơ thất thế.

Phục hận trăm năm

Chuyến đi này của ông Klaus Regling sang Trung Quốc không khác gì việc cách đây đúng một trăm năm, Trung Quốc lúc ấy dưới trào nhà Thanh phải cầu cạnh chủ ngân hàng bốn cường quốc ứng tiền cho triều đình nhà Thanh vay tiếp mà không xong, dẫn đến việc nhà Thanh bị lật đổ bởi cuộc cách mạng Tân Hợi.

Có nhiều cách để kỷ niệm cuộc cách mạng Tân Hợi ấy. Hôm 10-10 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã nhẹ nhàng tổ chức kỷ niệm trong Đại sảnh đường Nhân dân Trung Hoa (3). Song ngày 3 và 4-11, ở G20 Cannes sẽ là kỷ niệm trọng thể bằng một cam kết cứu khối euro của Trung Quốc do ông Hồ Cẩm Đào thay mặt phát đi.

Lịch sử lặp lại theo chiều ngược lại. Những cường quốc từng bức bách nhà Thanh cách đây một trăm năm nay đều “dưới trướng” Trung Quốc. Bốn ngân hàng đã không cứu nhà Thanh vào tháng 10-1911 gồm Hongkong Shanghai Banking Corporation (HSBC) của Anh, Deutsch-Asiatische Bank của Đức, Banque de l'Indochine của Pháp và J.P. Morgan & Co., Kuhn, Loeb & Co. cùng First National City Bank of New York (CitiBank) của Mỹ.

Đức không nợ Trung Quốc, song đang đứng mũi chịu sào cho EU. Pháp, tuy vẫn còn ra vẻ “đầu tàu đẩy” bên cạnh “đầu tàu kéo” nền kinh tế EU là Đức, vừa đang run rẩy trước những đe dọa bị tụt một hạng khả tín bởi các công ty xếp hạng quốc tế, vừa đang e dè trước khả năng cống hiến của Trung Quốc.

Không phải vô cớ mà AFP ghi lại rằng “ông Regling bác bỏ ý cho rằng Trung Quốc mua lại nợ của châu Âu là để đánh đổi lấy những lợi lộc chính trị: tôi không đến đây để thảo luận về vài nhượng bộ nào đó, mà chỉ đưa ra những đề nghị thương mại thuần túy”. Các đề nghị thương mại thuần túy đó là việc EFSF cam kết sẽ đền từ 15-20% trị giá trái phiếu một khi trái phiếu bị mất giá. Chẳng qua AFP tóm tắt phần nào những dư luận đang lo ngại một sự thôn tính chính trị qua vụ cứu viện này của Trung Quốc.

Ứng cử viên tổng thống Pháp tương lai Dupont-Aignan tuyên bố trên truyền hình FR3 rằng “tiền của Trung Quốc là tiền “bẩn” đến từ gian dối luật chơi, (sản xuất trong) ô nhiễm môi trường, sao chép”.

Không chỉ AFP của Pháp, Reuters của Anh cũng phản ánh e ngại này: “Việc Tổng thống Nicolas Sarkozy tuyên bố rằng Bắc Kinh có một vai trò chủ chốt trong việc giải quyết khủng hoảng đã gây ra những phản ứng mãnh liệt”.

Trên Đài truyền hình Đức ARD, ông Jean-Claude Juncker của Tập đoàn Eurogroup tuyên bố: “Việc Trung Quốc cùng các cường quốc khác có thể dây dưa vào một giải pháp toàn diện là dễ hiểu, do lẽ Trung Quốc có thặng dư vô cùng to lớn và có lợi khi đầu tư vào châu Âu. Song điều đó sẽ không diễn ra trong khuôn khổ một cuộc thương thuyết chèn ép buộc chúng ta phải nhượng lại cho Trung Quốc một điều gì đó. Cho dù Trung Quốc và các nước khác không tham gia thì những gì chúng ta quyết định tuần trước cũng đủ để chúng ta vượt qua khủng hoảng nợ”.

Ông Juncker không vô danh tiểu tốt gì: ông từng là thủ tướng Luxemburg và từng giữ chức chủ tịch châu Âu năm 2005.

Có lo sợ cũng đáng, bởi lẽ các món nợ mà một nhà nước vay hay đứng ra bảo lãnh vay (sovereign debt) đều là đem chủ quyền quốc gia ấy ra mà thế chấp.

__________

(1) http://online.wsj.com/article/SB10001424052970204485304576646522598129418.html
(2) http://www.reuters.com/article/2011/10/20/us-china-economy-yuan-idUSTRE79J2JR20111020
(3) http://english.peopledaily.com.cn/102775/203145/index.html

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận