Khi Israel dọa vung vũ khí hạt nhân

TƯỜNG ANH 26/11/2023 08:47 GMT+7

TTCT - Trong khi giằng co còn chưa ngã ngũ trong cuộc chiến Israel - Hamas, tuyên bố của Bộ trưởng các vấn đề Jerusalem và di sản của Israel Amichai Eliyahu về khả năng nước này sử dụng bom hạt nhân ở Gaza càng khiến tình hình nóng thêm.


Ảnh: The Strategy Bridge

Ảnh: The Strategy Bridge

"Quả bom" được ông Eliyahu tung ra hôm 5-11 trong trả lời trên Đài phát thanh Kol Berama về các giải pháp quân sự của Israel ở Dải Gaza. Khi được hỏi liệu có nên thả bom hạt nhân xuống Gaza không, Bộ trưởng Eliyahu đáp "đây là một trong những khả năng". 

Ông còn tuyên bố không đồng ý cho tiếp nhận bất kỳ viện trợ nhân đạo nào vào khu vực này, bởi "không có cái gọi là dân thường không liên quan ở Gaza". 

Trả lời câu hỏi về số phận của người dân Palestine, Eliyahu nói: "Họ có thể đến Ireland hoặc sa mạc, những con quái vật ở Gaza phải tự mình tìm ra giải pháp". Ông cũng tuyên bố "Dải Gaza không có quyền tồn tại và bất kỳ ai vẫy cờ Palestine hoặc Hamas không nên tiếp tục sống trên trái đất".

"Ẩn dụ" thất bại

Theo tờ Times of Israel, tuyên bố của ông đã bị chính quyền và các chính trị gia Israel khác lên án. Lãnh đạo phe đối lập Israel Yair Lapid kêu gọi Benjamin Netanyahu sa thải Eliyahu ngay lập tức. Sau đó, ông Eliyahu đã cố gắng "chữa lửa". 

Trên mạng xã hội X, ông viết rằng "bất kỳ người tỉnh táo nào cũng thấy rõ nhận xét về bom nguyên tử chỉ mang tính ẩn dụ". Tuy nhiên, văn phòng thủ tướng Netanyahu không cùng nhận định, khi cho rằng tuyên bố của Eliyahu "không liên quan đến thực tế", và Israel đang hành động phù hợp với các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế để tránh làm hại người vô tội. 

Thủ tướng Netanyahu đã trừng phạt Bộ trưởng Eliyahu bằng cách đình chỉ không cho ông tham gia các cuộc họp chính phủ nhưng không cách chức.

Eliyahu là thành viên của đảng theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái Otzma Yehudit (Israel hùng mạnh), do Bộ trưởng An ninh quốc gia Itamar Ben-Gvir lãnh đạo, người cũng nổi tiếng với các công kích chống Palestine gây tranh cãi. 

Hệ tư tưởng của đảng phủ nhận khả năng thành lập nhà nước Palestine. Tuy nhiên đảng cực hữu này không thuộc nội các an ninh liên quan đến việc ra quyết định trong thời chiến và không có quyền chi phối nội các chiến tranh chỉ đạo cuộc chiến chống Hamas, theo Times of Israel.

Ảnh: The Times of Israel

Ảnh: The Times of Israel

Vấn đề được đặt ra ở đây không chỉ là lời đe dọa cực đoan mà còn ở việc cho đến nay giới chức Israel chưa bao giờ xác nhận (dù cũng không bác bỏ) khả năng họ có vũ khí hạt nhân. Israel là một trong số ít quốc gia trên thế giới từ chối tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và không cho phép các thanh sát viên quốc tế vào các cơ sở hạt nhân của họ. 

Việc một bộ trưởng chính phủ tuyên bố khả năng sử dụng bom hạt nhân khiến người ta không khỏi tự hỏi chương trình vũ khí hạt nhân của Israel đang phát triển tới đâu? Đại diện Hamas, Hazema Kassema, cho rằng tuyên bố của ông Eliyahu "không phải tự nhiên xuất hiện".

Theo báo Nga Komsomolskaya Pravda, Israel có hai trung tâm nghiên cứu hạt nhân lớn hoạt động đã hơn 60 năm qua. Thứ nhất là Nahal Sorek gần thành phố Yavne (xây dựng năm 1955 theo thỏa thuận với Hoa Kỳ) và trung tâm thứ hai ở sa mạc Negev (vận hành từ năm 1963 với sự hỗ trợ của Pháp). 

Tại những nơi này, việc sản xuất vật liệu hạt nhân cấp độ vũ khí được thực hiện bằng cách sử dụng lò phản ứng nước nặng và lắp đặt tái xử lý nhiên liệu được chiếu xạ. Theo các chuyên gia Nga, năng lực của các cơ sở này cho phép sản xuất từ 5 - 10 đầu đạn hạt nhân mỗi năm.

Tel Aviv cũng nhiều lần bị cáo buộc bí mật mua và đánh cắp vật liệu hạt nhân từ các nước khác. Chẳng hạn vào năm 1986, hơn 100kg uranium làm giàu ở một trong những nhà máy thuộc bang Pennsylvania, Mỹ đã biến mất. 

Có tin chúng đã được vận chuyển đến Israel. Về sau, cơ quan tình báo Israel thừa nhận thực tế xuất khẩu trái phép từ Mỹ krytron - ống chân không dùng để kích ngòi nổ trong vũ khí hạt nhân.

Ảnh: The Economic Times

Ảnh: The Economic Times

Bí mật của những bí mật

Chương trình hạt nhân của Israel là một bí mật được bảo vệ chặt chẽ. Lần đầu tiên nó được đưa ra ánh sáng là vào đầu thập niên 1980, khi kỹ thuật viên Mordechai Vanunu của Trung tâm Negev trốn sang Ý và cung cấp cho The Sunday Times những bức ảnh ông chụp trong quá trình nghiên cứu. Năm 1986, Vanunu bị đặc vụ Mossad bắt giữ, đưa về Israel, và bị kết án 18 năm tù.

Cha đẻ của bom hydro, Edward Teller (người Mỹ gốc Hungary) cũng từng tiết lộ rằng ông đã tư vấn cho cộng đồng khoa học Israel về các vấn đề hạt nhân trong suốt 20 năm. Theo Teller, Tel Aviv tin tưởng vào kết quả nghiên cứu lý thuyết của họ và quyết định không tiến hành các thử nghiệm thực tế với bom hydro vì điều này "có thể gây rắc rối lớn".

Hiện nay, theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế trụ sở tại Washington, Israel có kho vũ khí hạt nhân từ 75 - 400 đầu đạn, trong đó có một quả bom hydro sức công phá hơn một megaton. 

Phương tiện vận chuyển chính trên đất liền được cho là tên lửa đạn đạo liên lục địa Jericho với tầm bắn hơn 11.000km. Ngoài ra còn có các tên lửa hành trình có thể phóng từ tàu ngầm lớp Dolphin, máy bay chiến đấu F-15I và F-16I Sufa, đều có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

Kênh truyền hình vệ tinh liên Ả Rập Al Mayadeen trụ sở tại Beirut (Lebanon), ngay sau tuyên bố của ông Eliyahu, đã nhắc lại Tel Aviv không dưới một lần "vung vũ khí hạt nhân" do phương Tây không gây áp lực nào lên Israel. 

Mọi nỗ lực của Liên Hiệp Quốc nhằm giải giáp vũ khí hạt nhân của nước này cũng thất bại. Nỗ lực mới nhất là năm 2014, khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết về nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân ở Trung Đông. 

Nghị quyết kêu gọi Israel từ bỏ sở hữu vũ khí hạt nhân, đặt tất cả các cơ sở hạt nhân dưới sự kiểm soát của Cơ quan Nguyên tử năng quốc tế…

Theo nhận định của Al Mayadeen, Tel Aviv, "được Washington và Brussels bảo kê", nên đã không đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào. 

Không chỉ thế vài tháng trước, phát biểu tại diễn đàn của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Netanyahu còn nói "Iran đang đối mặt mối đe dọa hạt nhân thực sự". Sau đó Tel Aviv đã phải biện minh, cho rằng bài diễn văn của ông Netanyahu chỉ viết là "mối đe dọa quân sự", nhưng ông "đơn giản đã nói nhầm".

Việc thủ tướng Israel gọi tên cụ thể Iran cho thấy hiềm khích không đơn giản giữa hai quốc gia vốn đang tranh giành ảnh hưởng trong khu vực, đặc biệt là khi Iran hỗ trợ các quốc gia được coi là đối thủ của Israel như Syria, Lebanon, Yemen và Palestine. 

Israel từ lâu đã cáo buộc Iran "đe dọa an ninh", coi nước này là kẻ thù và đe dọa tấn công quân sự. Ngược lại, Iran gọi Israel là "Tiểu Satan" và cũng không che giấu thái độ thù địch với Tel Aviv, qua cả luận điệu chống Israel và hành động hỗ trợ các nhóm quân sự như Hezbollah lẫn Hamas.

Năm 2012, trên báo Ả Rập Al-Sharq al-Awsat (London), lãnh đạo Hamas Izzat al-Reshek từng thừa nhận Tehran là nhà tài trợ chính cho họ ở Dải Gaza: "Nếu không có sự giúp đỡ của họ, chúng tôi sẽ không thể trả lương cho 45.000 người và cung cấp cho người dân các dịch vụ y tế, giáo dục". 

Ảnh: The New Arab

Ảnh: The New Arab

Năm 2014, Đài CBS dẫn lời một lãnh đạo Hamas khác, Mohsen Rezaei nói rằng họ "có khả năng bắn tên lửa vào Israel vì Tehran đã cung cấp công nghệ cần thiết".

Khả năng Iran can thiệp

Tuy nhiên đến nay ở nơi chính thức và công khai, Tehran luôn phủ nhận các tin tức đó.

Liệu Iran có đáp trả lời đe dọa của Thủ tướng Netanyahu hay sẽ hỗ trợ đồng minh Hamas trả đũa? 

Đến nay về mặt chính thức, Tehran và các chuyên gia quốc tế chưa xác nhận Iran sở hữu vũ khí hạt nhân dù Iran có cơ sở hạ tầng và nền tảng khoa học cần thiết cho các hoạt động trong lĩnh vực này. 

Một số nguồn chuyên gia ước đoán Iran hiện chỉ cách năng lực phát triển vũ khí hạt nhân vài tháng, thậm chí là vài tuần nữa.

Chuyên gia Nga Leonid Tsukanov nhắc lại rằng nhà lãnh đạo tinh thần của Iran Ali Khamenei đã cấm sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, biện pháp ngăn chặn này có thể được loại bỏ nếu sự tồn tại của nước cộng hòa Hồi giáo bị đe dọa. 

Hiện tại có một số mỏ uranium đang hoạt động cũng như các cơ sở phục vụ các hoạt động nghiên cứu và làm giàu uranium ở Iran. Tehran cũng không gặp vấn đề gì với các phương tiện mang vũ khí vì nước này sở hữu một trong những kho tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung lớn và đa dạng nhất ở Trung Đông.■

Những diễn biến mới nhất cho thấy dường như Tel Aviv đang thay đổi lập trường khi Thủ tướng Netanyahu tuyên bố ngày 12-11 rằng Israel sẽ không đồng ý "ngừng bắn rộng rãi và lâu dài ở Gaza chỉ để đổi lấy con tin, nhưng sẵn sàng tạm ngừng bắn vì mục đích nhân đạo ngắn hạn và cục bộ" (so với tuyên bố không lâu trước đó là "không đàm phán với Hamas").
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận