Quan hệ giữa nước Pháp và thế giới Hồi giáo có thể nói là chưa bao giờ căng thẳng như lúc này, sau những biến cố nối tiếp nhau cả trong xã hội và trên chính trường nước Pháp. Tuy nhiên, chiến dịch chống “ly khai Hồi giáo”, bảo vệ tự do ngôn luận và nền Cộng hòa Pháp của ông Macron không còn đóng khung trong lãnh thổ Pháp nữa, mà đã gặp phải phản ứng từ các nước Hồi giáo. Điều gì đã và sẽ còn xảy ra? Liệu tình hình có đáng ngại như lời cảnh báo của cựu tổng tham mưu trưởng quân lực Pháp Pierre De Villiers rằng một nguy cơ nội chiến đang hiện hữu?Biểu tình đòi tẩy chay hàng hóa Pháp ở Bangladesh. Ảnh: AFPTrước vụ khủng bố ở Nice, chiều thứ tư 21-10, Nhà nước Pháp chính thức tưởng niệm người giáo viên bị chặt đầu hôm 16-10. Thủ phạm là một thanh niên gốc Chechnya 18 tuổi đang tị nạn tại Pháp. Chính kẻ khủng bố tự nhận trên Twitter rằng hắn ra tay “hành quyết” vì người giáo viên “đã dám xúc phạm đến [Tiên tri] Mohamed” khi cho học sinh xem tranh biếm họa về Mohamed trong bài giảng về tự do ngôn luận.Nền cộng hòa chạm trán người tị nạnTrong điếu văn đọc cho người giáo viên thiệt mạng, Tổng thống Macron tóm tắt công việc dang dở của người thầy môn sử địa cấp 2 vừa được truy tặng Bắc đẩu bội tinh: “Cuộc chiến của Samuel Paty [tên người giáo viên] là tạo ra những con người cộng hòa… Samuel Paty bị sát hại vì ông là hiện thân của nền cộng hòa đang tái sinh mỗi ngày trong các lớp học, của sự tự do được truyền thụ và tồn tại mãi mãi trong nhà trường”.Ông Macron cũng cam đoan với người đã khuất: “Chúng ta sẽ tiếp tục…, sẽ giảng dạy lịch sử, những vinh quang và thăng trầm của nó. Chúng ta sẽ giới thiệu văn học, âm nhạc, tất cả các tác phẩm của tâm hồn và tinh thần. Chúng ta sẽ yêu hết sức mình những cuộc tranh luận, những lý lẽ hợp lý, những lời thuyết phục tử tế. Chúng ta sẽ yêu khoa học và những tranh cãi của nó… Chúng ta sẽ không từ bỏ những bức biếm họa, những tranh vẽ… Chúng ta sẽ đề cao chủ nghĩa thế tục”.Những phát biểu của ông Macron, không phải tất cả công dân Pháp đều nhất trí. Trong số những người không hiểu hay không chịu hiểu đó, tối thiểu có hung thủ 18 tuổi gốc Chechnya kia, giáo sĩ Hồi giáo ban bố “lệnh hành quyết” (fatwa) và những kẻ khủng bố ở Nice. Họ thuộc về một bộ phận những người nhập cư không hội nhập chút nào với nền văn hóa sở tại cùng các lý tưởng cộng hòa của nước Pháp. Tháng 11 năm ngoái, Hãng tin Arab News của Saudi Arabia từng nhận xét: “Nước Pháp đã thất bại trong việc hội nhập những người nhập cư Hồi giáo của mình”.Trong bối cảnh đấy, không khó hiểu tại sao tướng cựu tổng tham mưu trưởng quân lực Pháp De Villiers cảnh báo trên Đài RTL 21-10 rằng “không loại trừ khả năng xảy ra nội chiến”. Ông cũng nhấn mạnh nhiệm vụ của một nhà nước cơ bản là bảo vệ các công dân, song Nhà nước Pháp đã không tỏ ra đủ nghiêm khắc nên cứ mỗi khi có sự cố lại “rần rần” đưa ra vài biện pháp, rồi đâu lại vào đấy.Ông De Villiers không nói vô căn cứ. Sau vụ giáo viên Paty bị chặt đầu, báo chí cho hay hung thủ 18 tuổi vốn có tên trong danh sách “S” (đối tượng lưu tâm đặc biệt về an ninh) cùng hơn 8.000 người khác. Trên mạng hiện cũng đầy những blog hận thù tôn giáo, khơi khơi đăng những lời kêu gọi hạ thủ người này, người kia mà không thấy ai “hỏi thăm sức khỏe”. Chỉ sau vụ Paty, chính quyền mới gọi Facebook và Twitter tới đặng “làm việc”, trong khi nội các than là cơ quan giám sát mạng xã hội “Pharos” chỉ có 25 nhân viên đang bị quá tải.Bài toán hội nhậpThiệt ra, việc giảng giải giá trị của nền cộng hòa cho người Hồi giáo nhập cư rất khó khi mà thứ sáu hằng tuần, thậm chí với nhiều người là hằng ngày, họ lui tới các hội đường Hồi giáo đọc kinh và nghe giảng. Trong số giáo sĩ, nhiều người cũng là dân nhập cư như họ, không một chút tính Gôloa hay cộng hòa, như cáo giác của ông Macron hôm 2-10 khi ông đặt mục tiêu: “Trong vòng 4 năm tới phải làm sao chấm dứt hệ thống biệt phái giáo sĩ đông khoảng 300 người từ Thổ Nhĩ Kỳ, Morocco, Tunisia…”.Vấn đề ở chỗ từ sau đạo luật tách bạch đạo/đời được ban hành vào năm 1905 tại Pháp, những biểu hiện tôn giáo ít thể hiện hơn nơi công cộng, thay vào đó là xu thế thế tục. Hai nhà nghiên cứu Alain Rodier và Jean Lafontaine, tác giả quyển Hồi giáo cực đoan tại Pháp: Để nhìn rõ hơn, từng nhận: “Pháp là quốc gia mang lá cờ đầu của chủ nghĩa thế tục mạnh mẽ - thậm chí hung hãn - ở châu Âu và trên thế giới”. Điều này không chỉ làm người Hồi giáo bực dọc, mà cả nhà thờ Công giáo cũng chẳng tán đồng. Ví dụ, ngay sau vụ báo Charlie Hebdo đăng các biếm họa Tiên tri Mohamed ngày 19-9-2012, một thư chung cùng ngày của giám mục Michel Dubost, chủ tịch Ủy ban liên tôn thuộc Hội đồng giám mục Pháp và chủ tịch Hội đồng quốc gia tín ngưỡng Hồi giáo Mohammed Moussaoui đã nêu rõ: “Chúng tôi bảo vệ quyền tự do và đặc biệt là quyền tự do thể hiện bản thân trong phạm vi luật pháp. Nhưng tự do sẽ tự đặt mình vào nguy hiểm nếu nó quên đi tình bác ái huynh đệ và sự bình đẳng tôn trọng phẩm giá. Trước những lời xúc phạm, sự chia rẽ, những bức biếm họa, những bộ phim và những bản báo cáo đơn phương, khinh miệt hoặc thù hận, chúng ta chỉ có thể kêu gọi lương tâm và trách nhiệm của mỗi người và đưa ra lời kêu gọi: nước Pháp đang làm gì với sự tôn trọng người khác, đang làm gì với tình bác ái huynh đệ?”.Tự do, bình đẳng, bắc ái đã là tôn chỉ của nước Pháp suốt từ thời cách mạng. Ảnh: euronewsDo đó, cũng theo hai tác giả Rodier và Lafontaine: “Nước Pháp là mục tiêu đặc biệt của Hồi giáo vì chủ nghĩa thế tục không tương thích với các nguyên tắc của Hồi giáo. Thật vậy, Hồi giáo với độ khép kín của sự mặc khải độc thần của mình khiến cho thật tự nhiên là sự tách biệt của tôn giáo và phi tôn giáo là bất khả, cả trong con người và xã hội”.Hậu quả là tính từ tháng 4-2012, tờ Le Figaro ngày 7-10-2019 đã đếm được 18 vụ tấn công mang tính cực đoan Hồi giáo ở Pháp, khiến 263 người thiệt mạng! Trong thời gian đó, tờ Charlie Hebdo đã ít nhất hai lần đăng biếm họa và bị tấn công, trong đó vụ tháng 1-2015 khiến 12 người thiệt mạng.Còn sau vụ thầy giáo Paty bị sát hại, giám mục Laurent Ulrich, chủ tịch Tiểu ban giáo dục Hội đồng giám mục Pháp, đã bày tỏ đoàn kết liên đới với toàn thể cộng đồng giáo giới. Văn thư này tố cáo “sự không hiểu biết dưới hai hình thức: do thiếu văn hóa và do thiếu quan hệ với người khác”. Thiệt ra, không chỉ Hồi giáo mới bị châm biếm, báng bổ, mà đó đã là điều quen thuộc với Công giáo. Tranh biếm nhắm vào Công giáo đã phát triển mạnh tận từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, dưới tác động của Luật tự do báo chí 1881, theo Le Nouvel Observateur.Một vấn đề là trong một thời gian khá dài, xu hướng “cả nể” đạo Hồi đã cho phép xuất hiện những nhượng bộ mà nay chính ông Macron phải vạch ra trong thông điệp “Nền cộng hòa trong hành động” hôm 2-10, tỉ như thực đơn Hồi giáo trong căngtin, việc không bắt tay phụ nữ, phụ nữ đeo mạng che mặt nơi công cộng… Đáng ngại hơn cả là những lớp học tại gia hay những trường “chui” quy tụ đến hơn 50.000 học sinh do các giáo sĩ cực đoan điều khiển, không theo chương trình thế tục của nhà nước, giảng luật Hồi giáo thay vì lý tưởng cộng hòa. Ông ngỏ lời: “Tôi không yêu cầu bất kỳ công dân nào tin hay không tin, tin ít hay tin vừa phải, đó không phải là việc của nhà nước cộng hòa, nhưng tôi yêu cầu mọi công dân, dù họ có theo tôn giáo nào hay không, tôn trọng tuyệt đối mọi luật pháp của nhà nước cộng hòa”.Trong bối cảnh đó, một số người nhập cư khó có thể hiểu được nên không nhập gia tùy tục, cứ hành xử như đang ở quê nhà và chọn xung đột, nhất là khi có những can thiệp từ bên ngoài. Cuộc khủng hoảng cũng không thể chỉ giải quyết từ góc độ an ninh, mà phải từ khâu nhập cảnh, rồi xét cho tị nạn, nhập quốc tịch… cùng cơ sở giáo dục ý thức về một quyền công dân mới và hội nhập tốt, chống khu trú biệt lập và ghetto hóa người mới nhập cư nữa. ■Đụng chạm thế giới Hồi giáoTổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã nối tiếp Tổng thống Chechnya Ramzan Kadyrov trong việc phê phán ông Macron, trong khi cựu thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tuyên bố người Hồi giáo “có quyền nổi giận”, còn dân chúng Bangladesh đã xuống đường biểu tình sau những tuyên bố của tổng thống Pháp. Điểm chung giữa họ là cho rằng ông Macron “có vấn đề” với đạo Hồi và người Hồi giáo khi kiên quyết bảo vệ việc đăng tải tranh biếm Nhà tiên tri Mohammed. Ông Erdogan thậm chí mỉa mai là ông Macron cần đi “khám sức khỏe tâm thần”. Để đáp trả, Pháp đã triệu hồi đại sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ.Vụ va chạm không chỉ giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, mà lan khắp thế giới Hồi giáo. Bản tin của truyền hình Pháp Francetvinfo 25-10 cho biết “Phômai đã bị loại bỏ khỏi kệ các cửa hàng ở Kuwait, ảnh Emmanuel Macron bị đốt cháy ở Gaza, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OCI) lên án… Những biểu thị tức giận với Pháp và tổng thống nước này đã tăng lên kể từ hôm thứ sáu 23-10”. Lý do là bởi “những tuyên bố của tổng thống Cộng hòa Pháp rằng chúng ta sẽ không từ bỏ những bức biếm họa”, theo giải thích của Francetvinfo. Đáng ngại nhất có lẽ là thông cáo của tổ chức Hồi giáo Hamas, vốn hùng cứ ở dải Gaza. Hamas cảnh cáo nước Pháp về những hậu quả không mong đợi: “Lăng mạ các tôn giáo và đấng tiên tri không phải là tự do ngôn luận, mà là tạo điều kiện cho văn hóa hận thù”. Tags: Hồi giáoPhápNhập cưEmmanuel Macron
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.