Khi phụ nữ vội về nhà nấu cơm

TTCT - Sang thế kỷ 21, khi Việt Nam đã đạt được những tiến bộ về bình đẳng giới rất ấn tượng, được bạn bè quốc tế ngợi ca thì ở nhiều nơi thành thị cũng như nông thôn vẫn thường nghe câu ngạn ngữ: “Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp”.

Hội thi nam giới cắm hoa và nấu bếp trong ngày hội gia đình Việt Nam - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Em phải về nấu cơm

Cuối buổi tập huấn cho phụ nữ một xã thuộc tỉnh Sơn La về sinh kế, tôi bất ngờ khi thấy hầu hết chị em vội vã ra về. Hỏi cán bộ phụ nữ địa phương thì câu trả lời là “các chị ấy phải về nấu cơm trưa cho chồng con”.

Chị kể thêm có lần hội phụ nữ tổng kết công tác hội cuối năm, đến trưa thì chị em đồng loạt kéo nhau về, bỏ cả bữa liên hoan, vẫn với lý do về nấu cơm. Tháng 7-2010, những người thực hiện dự án Sổ kế toán hộ gia đình nông nghiệp ở Mỹ Đức (Hà Nội) cũng chưng hửng khi một phụ nữ tuổi ngoài 30 xin bỏ dở cuộc phỏng vấn gần trưa vì “em phải về nấu cơm”.

Đáng nói là những phụ nữ cho dù đang tham gia tập huấn, đào tạo về bình đẳng giới hay luật pháp vẫn bỏ về vì “phải nấu cơm cho chồng con” trên đây không phải vì người chồng bận đi làm, chỉ vì cả phụ nữ và đàn ông vẫn quan niệm: chuyện bếp núc là của phụ nữ - người vợ (!). Không rõ những người chồng ấy nếu vợ không về nấu cơm sẽ nhai mì gói sống hay ôm bụng đói chờ vợ về như Đại Lãn chờ sung rụng?

Con gà dưới sân là con gà của phụ nữ...

Chị Nguyễn Thị Minh Chánh (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) kể với tôi: khi làm việc ở một địa phương thuộc tỉnh Lào Cai, chị nghe phụ nữ ở đây nói rằng “Con gà dưới sân là con gà của phụ nữ. Còn con gà lên mâm là con gà của đàn ông”.

Câu ví von vô cùng sinh động và giàu hình ảnh này không chỉ mô tả mô hình phân công lao động theo giới (phụ nữ gánh việc nhà, người chồng được phục vụ), mà còn phản ánh một thực trạng bất bình đẳng chưa hề giảm đi về cống hiến và thụ hưởng giữa phụ nữ và nam giới hiện nay.

Trong bữa ăn thịnh soạn tại nhà một anh trưởng thôn kiêm bí thư chi bộ ở huyện Ý Yên (Nam Định), chúng tôi không sao mời được người vợ - vốn là người đã nấu bữa ăn - ngồi ăn cùng chồng và khách. Anh trưởng thôn bảo phong tục ở đây là thế, phụ nữ không bao giờ ăn cùng khi có khách.

Trong căn bếp hiện đại

Tình hình không mấy khác ở các đô thị vì có vẻ đàn ông nước ta đã học hỏi được châm ngôn của người Nhật Bản: “Người đàn ông tốt thường ít ở nhà”. Cuối buổi chiều nếu không “hết giờ rồi, ta đi bia thôi” để thể hiện nam tính thì cũng ghé qua sân chơi vài set quần vợt, hoặc cà phê với bạn tán đủ chuyện trên trời dưới bể, trừ chuyện vợ con, bếp núc.

Không có nhiều nam giới biết, thấy cần biết hay áy náy gì về kịch bản: sau giờ làm việc, phụ nữ vội vàng ghé qua chợ mua thực phẩm, đến trường đón con tan giờ học, về nhà cơm nước, tắm giặt cho con cái và chờ chồng về ăn tối.

Mới biết câu thơ “Ăn xong anh gọi: Nữ hoàng. Lọ tăm anh để trên bàn, đâu em?” không hẳn là thứ thơ trào lộng mà chính là mô tả một hiện thực của cuộc sống hiện đại, vẫn thấy đầy những ông chồng là thượng đế.

Với những phụ nữ mải mê công việc xã hội, xao nhãng chuyện bếp núc, nguy cơ rạn vỡ hạnh phúc gia đình khá cao. Nhưng với những phụ nữ phục vụ chồng như vua, nỗi vất vả nghiêng hết về người vợ, hệ lụy cũng chưa biết thế nào. Và những chuyện nhỏ như vậy cũng giống hạt sỏi nhỏ rơi vào động cơ máy, có thể khiến cỗ máy gia đình hư hỏng, không thể vận hành.

Ươm trồng gì cho mảnh vườn “Bình đẳng giới”?

Đấu tranh cho bình đẳng giới cũng cần bắt đầu từ việc thay đổi ý nghĩ ở người phụ nữ “mình không về nấu thì anh ấy đói”. “Ôm” mãi việc nội trợ lâu dần trở thành thói quen, thành ý nghĩ đó là bổn phận nên tự nguyện làm mọi công việc gia đình. Thực tế cho thấy phụ nữ ôm đồm mọi việc thường “làm hư” chồng, con của mình, khiến họ quen với việc được phục vụ, được chăm sóc mà không biết cách tự làm mọi việc và quan tâm đến vợ, đến mẹ.

Thương chồng, con như vậy thật chẳng khác nào vườn ươm mầm bất bình đẳng giới qua các thế hệ. Con trai thấy mẹ chăm cha như vậy, mai này lớn lên cũng đòi hỏi vợ mình như thế. Con gái lớn lên trong gia đình có mẹ gánh vác giang san nhà chồng, khi xuất giá cũng học theo mô hình của mẹ: quên mình vì chồng, vì con.

Bình đẳng giới là con đường hai chiều: khi phụ nữ trong xã hội hiện đại đảm nhận đa vai trò (người lao động, người vợ, người mẹ) thì nam giới, dù theo quan niệm truyền thống là người đảm nhận vai trò trụ cột kinh tế (kiếm tiền nuôi gia đình), cũng không thể không hướng nội (tham gia nhiều hơn việc nội trợ, lao động gia đình). 

Nếu bình đẳng giới không bắt đầu từ những chuyện nhỏ trong gia đình - “nền dân chủ nhỏ nhất của xã hội” - từ mà Liên Hiệp Quốc dùng, thật khó có thể nghĩ đến việc bình đẳng giới trong xã hội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận