Khỏi bệnh COVID-19: Sau cơn mưa, trời chưa sáng

LÊ MY 08/07/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Nhiều nghiên cứu ở các nước phương Tây cho thấy mắc COVID-19 và được chữa khỏi là một chuyện, nhưng bình phục lại là chuyện khác. Một khi đã chiến đấu với virus SARS-CoV-2, dù là vật lộn sinh tử hay chiến thắng nhẹ nhàng, cơ thể ta khó mà trở lại như lúc xưa.

 
 Minh họa: Marta Zubieta/The Bristol Cable

Theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC), người bị COVID-19 ngoại trú có thể ngừng cách ly bản thân khi họ không có dấu hiệu sốt trong 72 giờ liên tục (không sử dụng thuốc hạ sốt). 

Đồng thời, các triệu chứng hô hấp như ho và khó thở phải có sự cải thiện sau ít nhất một tuần. Khi điều kiện cho phép, xét nghiệm 2 lần liên tiếp, cách nhau ít nhất 24 giờ và đều cho kết quả âm tính cũng là một cách để xác định một người đã khỏi bệnh.

Đối với bệnh nhân nhập viện với tình trạng từ nặng đến nguy kịch, hoặc người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng, CDC đưa ra 3 tiêu chí: không có dấu hiệu sốt trong ít nhất 24 giờ (không sử dụng thuốc hạ sốt), các triệu chứng được cải thiện, và chỉ xem xét sau tối thiểu 10 ngày - tối đa 20 ngày (tính từ khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện). Đồng thời, cần có tham vấn của các chuyên gia.

Từ mùi vị méo mó đến rối loạn thần kinh 

Sáng sớm 15-1, một đại gia đình ở bang Texas, Mỹ đã mất hết nhà cửa sau một đám cháy dữ dội. Những thành viên lớn tuổi thậm chí suýt mất mạng, bởi họ đang say ngủ và không thể... ngửi thấy ngôi nhà đang cháy do di chứng mất khứu giác vì mắc COVID-19. May là cô bé Bianca Rivera (19 tuổi, không nhiễm virus) đã ngửi thấy mùi nhựa cháy và nhanh chóng báo động cho cả nhà.

Nhiều bệnh nhân COVID-19 như nhà Rivera cũng mất khứu giác và/hoặc vị giác. Các giác quan này thường có thể được “bật” trở lại, song không ít người sống sót sau khi nhiễm bệnh vẫn đang bị ám ảnh bởi việc họ không thể phát hiện mùi của khí gas rò rỉ hoặc hỏa hoạn. Dù đã khỏi bệnh trong một thời gian dài, họ đang phải sống cùng tình trạng rối loạn khứu giác (parosmia), nghĩa là cảm nhận về mùi bị thay đổi.

Với người bị loạn khứu giác, trước tiên hết chuyện ăn uống sẽ trở nên kinh khủng: rau quả có mùi xà phòng, hành tỏi và thịt có vị chua, cà phê thì bốc mùi xăng... Cả thế giới đảo lộn khi những món họ mong nhớ trong những ngày điều trị bệnh, giờ được ăn thì chỉ gây buồn nôn.

73% bệnh nhân COVID bị rối loạn khứu giác ở Pháp cho biết tình trạng này “ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống”, theo một khảo sát được công bố hồi đầu tháng 6 trên tạp chí Chemical Senses của Nhà xuất bản ĐH Oxford. Trong vòng 9 tháng (tính từ tháng 4-2020), trải qua nhiều làn sóng dịch ở Pháp, 3.111 bệnh nhân đã gửi báo cáo về tình trạng của mình.

Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng: ở nhiều người, chứng loạn khứu giác liên quan đến virus corona có thể kéo dài đến vài tháng (lâu hơn suy nghĩ ban đầu). Thực tế là chỉ có 1 phần 5 số người được hỏi cho biết khứu giác đã trở lại bình thường ở thời điểm họ tham gia khảo sát.

Vậy, chuyện gì đã xảy ra? Các tế bào thần kinh khứu giác được cố định với nhau bằng bộ khung là các tế bào biểu mô. Theo một giả thuyết nổi trội trong giới khoa học, dường như các tế bào biểu mô quan trọng này đã bị tổn thương, làm sai lệch các thông tin truyền đến não. Ngay cả khi các tế bào này tự sửa chữa, chúng vẫn có thể kết nối sai, mùi món nọ gắn vào thức kia, dẫn đến chứng rối loạn khứu giác.

Các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu về tình trạng này ở những người được chữa khỏi COVID-19, bao gồm cả câu hỏi “mất bao lâu để bình phục hoàn toàn”. Một nghiên cứu trên tạp chí học thuật Laryngoscope hồi tháng 11-2020 đánh giá cao phương pháp tập luyện khứu giác: ngửi đi ngửi lại các mùi hương mạnh (như hoa hồng, chanh, đinh hương và bạch đàn) để kích thích khứu giác. Ngày nay, những hội nhóm chia sẻ về chứng loạn khứu giác đang phát triển nhanh chóng trên Facebook, song song đó là nhiều dự án hỗ trợ, cung cấp từ podcast đến bộ dụng cụ “luyện mũi”.

Chứng loạn khứu giác không phải là rắc rối duy nhất con virus tai quái để lại trong đầu của người bệnh. Theo một nghiên cứu với hơn 230.000 bệnh nhân, chủ yếu ở Mỹ, cứ 3 người sống sót sau COVID-19 thì có 1 người được chẩn đoán bị rối loạn thần kinh hoặc tâm lý trong vòng sáu tháng sau đó.

Được công bố vào tháng 4 trên tạp chí Lancet Psychiatry, nghiên cứu xem xét 14 rối loạn khác nhau như xuất huyết não, đột quỵ do thiếu máu cục bộ, mất trí nhớ, mất ngủ... Trong khi các triệu chứng thần kinh thường nghiêm trọng hơn ở những bệnh nhân nhập viện, chúng cũng phổ biến trong nhóm bệnh nhân điều trị ngoại trú.

Các kết quả này gợi ý rằng đại dịch có thể kéo theo một “đợt sóng lớn” khác - liên quan đến các vấn đề về tâm thần và tâm trí, từ đó gợi mở phương hướng giúp những người sống sót có thể sống tốt.

Nếu một người đã từng mắc COVID-19, khả năng miễn dịch đối với virus này có thể tồn tại trong nhiều thập niên trở về sau. Các tế bào miễn dịch quan trọng sẽ tồn tại trong tủy xương của những người đã khỏi bệnh, theo một nghiên cứu đăng trên Nature vào tháng trước. Tuy nhiên, không có nghĩa là các biến thể của virus sẽ chịu thua trước “lá chắn” này.

Hội chứng “COVID kéo dài”

Khi COVID-19 gây ra các vấn đề sức khỏe dai dẳng ở người đã khỏi bệnh, về thể chất lẫn tinh thần như đã đề cập ở trên, thật không may - họ đã mắc hội chứng “long COVID”, tạm dịch là “COVID kéo dài”.

Tại châu Âu, khoảng một phần tư số người khỏi bệnh vẫn tiếp tục chịu đựng các triệu chứng trong vòng ít nhất một tháng, nhưng cứ 10 bệnh nhân sẽ có 1 người không thể bình phục sau 12 tuần. Những con số này được dùng để đặt vấn đề trong tài liệu “Theo sau đại dịch: Chuẩn bị cho COVID kéo dài (2021)”, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) soạn riêng cho các nhà hoạch định chính sách ở châu lục này.

Hội chứng này có thể liên quan đến rối loạn chức năng của các cơ quan quan trọng, bao gồm tim (triệu chứng đau ngực, mệt mỏi...), phổi (khó thở, ho khan...) và não (rối loạn khả năng nhận thức, đau đầu, loạn khứu giác...).

 
 

Tổng hợp kết quả từ nhiều nghiên cứu, tài liệu trên của WHO cho biết ở người trưởng thành, nguy cơ bị “COVID kéo dài” dường như tăng theo độ tuổi, số triệu chứng xuất hiện trong giai đoạn cấp tính, chỉ số khối cơ thể (BMI) và nguy cơ cao hơn ở nữ giới. 

Thoạt nghe, hầu hết các triệu chứng hậu COVID-19 dường như không đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu đồ sộ được công bố vào tháng 4 trên tạp chí Nature, những người sống sót sau COVID-19 ở Mỹ có nguy cơ tử vong trong vòng sáu tháng cao hơn những người không nhiễm virus. Cứ mỗi 1.000 bệnh nhân COVID sẽ có khoảng 8 trường hợp tử vong trong vòng 6 tháng sau khi khỏi bệnh.

Ngay cả khi họ may mắn không có “hẹn với tử thần”, các triệu chứng chồng chéo và kéo dài có thể gây khó chịu và trong nhiều trường hợp cản trở họ quay lại làm việc. Các nghiên cứu thường đề cập đến trạng thái mỏi mệt (fatigue) và “đầu óc mù mờ” (brain fog, chỉ tình trạng suy nghĩ chậm chạp, khó tập trung), cả hai đều có thể làm giảm năng suất làm việc của những người vừa chiến thắng COVID-19.

Gần đây, TUC - liên đoàn công đoàn của Anh - đã kêu gọi việc phân loại “COVID kéo dài” là một dạng “khuyết tật”. Hàng ngàn người lao động - những người đang phải vật lộn với cơ thể suy nhược sau mắc bệnh - cần được bảo vệ pháp lý khỏi vấn nạn phân biệt đối xử tại nơi làm việc, theo tờ The Guardian.

Các nghiên cứu được đề cập hoặc tham khảo cho bài viết này tập trung ở châu Âu và Mỹ, nên chưa phản ánh được tình hình chung của cả thế giới. Thậm chí, ở một vài nước phương Tây, các cộng đồng da màu không đủ điều kiện để tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc hậu COVID, nên có thể thông tin về tình trạng của họ chưa được thu thập đúng mực.

Với khoảng 178 triệu ca nhiễm COVID-19 được xác nhận trên toàn thế giới tính đến ngày 21-6, chỉ một tỉ lệ rất nhỏ trong số đó phải xoay xở với “COVID kéo dài” cũng đủ tạo nên những tác động to lớn đến kinh tế và xã hội. Thậm chí chúng ta vẫn chưa biết được: “COVID kéo dài” nhưng dài bao lâu?

Vì vậy, ngay lúc này, chống “COVID kéo dài” có vẻ cũng quan trọng không kém chuyện chống đại dịch, bằng việc khuyến khích nghiên cứu cũng như các chính sách hỗ trợ người bệnh và thân nhân.■

Các ca nhiễm COVID-19, ở mức độ nhẹ đến trung bình, cũng có thể bị mất... chất xám (độ dày, thể tích giảm), theo một nghiên cứu mới của Anh.

Khi so sánh bộ não trước và sau COVID của 394 bệnh nhân, các nhà khoa học ĐH Oxford nhận thấy mô não bị giảm một cách “đáng kể” ở các vùng não liên quan đến khứu giác và vị giác. Hầu hết những người này đều từng xuất hiện các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng gì; chỉ có 15 người phải nhập viện.

Trước đại dịch, Tổ chức UK Biobank của Anh đã chụp scan não của hơn 40.000 người cho một nghiên cứu khác. Nhờ đó, họ có thể mời vài trăm người quay trở lại để chụp lần nữa vào năm 2021. Hiện nghiên cứu chỉ mới được chia sẻ trên trang medRxiv, vẫn đang trong quá trình bình duyệt trước khi được chính thức xuất bản.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận