Không chỉ là huy chương

THẢO TRẦN 29/08/2016 21:08 GMT+7

TTCT - Kết thúc Olympic Rio 2016, thứ đọng lại trên đất Brazil không chỉ là những tấm huy chương, những thành tích hay kỷ lục phi thường, mà còn là những câu chuyện thể thao tuyệt đẹp.

Niềm vui huy chương đồng của Fu Yuanhui không kém bất cứ nhà vô địch nào - bustle.com
Niềm vui huy chương đồng của Fu Yuanhui không kém bất cứ nhà vô địch nào - bustle.com

Chúng ta luôn yêu quý người chiến thắng. Michael Phelps và Usain Bolt được tung hô thành huyền thoại với những tấm huy chương liên tiếp tại các kỳ thế vận hội. Joseph Schooling, người đánh bại Phelps ở nội dung 200m bơi bướm, trở thành người hùng dân tộc của Singapore. Hoàng Xuân Vinh từ chối danh hiệu Anh hùng Lao động, một phần thưởng cực kỳ cao quý. Khẩu hiệu chính của Olympic cũng là “Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn”. Nhưng giá trị thật sự của Olympic không chỉ có thế.

Hàng trăm năm trước, nam tước Pierre de Coubertin, người sáng lập ra phong trào Olympic hiện đại, từng nói một câu bất hủ: “Điều quan trọng nhất ở Olympic không phải là chiến thắng, mà là việc được trở thành một phần của nó”.

Dĩ nhiên không phải ai cũng đồng ý với ông tổ của phong trào Olympic hiện đại. Piers Morgan, nhà báo nổi tiếng người Anh, mới đây đã gây tranh cãi khi tuyên bố ông chỉ quan tâm tới người chiến thắng. Những lời bình luận của Morgan dễ hiểu đã khiến nhiều người bất bình. Có thật những điều đẹp nhất ở Olympic chỉ là chiến thắng? Giá trị thật của Olympic chỉ là những tấm huy chương?

Nếu hỏi Nikki Hamblin, VĐV điền kinh của New Zealand, về giá trị thật sự của Olympic, cô có lẽ sẽ nghĩ khác. Hamblin quyết định dừng cuộc đua của mình để dìu Abbey D’Agostino, đối thủ trên đường chạy 5.000m, cùng về đích khi VĐV của Mỹ dính chấn thương đầu gối và không thể tiếp tục thi đấu. Hamblin đã hoàn tất cuộc đua cùng đồng nghiệp, rồi sau đó nhận huy chương danh dự Pierre de Coubertin - thứ chỉ từng được trao có 17 lần trong lịch sử Olympic.

Và nếu hỏi Fu Yuanhui (Phó Viên Tuệ), kình ngư Trung Quốc có nụ cười tươi rói, về giá trị thật sự của Olympic, cô có lẽ cũng nghĩ như Hamblin. Trung Quốc nổi tiếng là “con bệnh thành tích” số một ở các kỳ thế vận hội với những lò đào tạo HLV, VĐV khắc nghiệt chỉ vì mục tiêu duy nhất: những tấm huy chương vàng. Nhưng nụ cười tại Rio 2016 của Fu đã gây sốt tại quê nhà, dù cô gái 20 tuổi chỉ giành huy chương đồng.

“Chúng ta nên vỗ tay và tận hưởng thành tích mà các VĐV Trung Quốc làm được bởi họ đã cố gắng hết sức” - tờ China Daily bình luận. “Niềm vui của cô ấy đã truyền cảm hứng cho mọi người” - một cây viết thể thao Trung Quốc khác nói. Tức là sau nhiều năm đổ tất cả cho những tấm huy chương, kể cả Trung Quốc cũng đang thay đổi.

Giá trị của Olympic rõ ràng không chỉ nằm ở những tấm huy chương. Chính Pierre de Coubertin từng tuyên bố rằng thể thao là phương thức tốt nhất để giành lấy hòa bình. Một trong những biểu tượng của phong trào Olympic hiện đại gắn liền với khẩu hiệu về thể thao, về hòa bình.

Hình ảnh Hong Un Jong, nữ VĐV thể dục dụng cụ của CHDCND Triều Tiên, chụp ảnh selfie cùng đồng nghiệp và đồng hương quốc tịch Hàn Quốc Lee Eun Ju trong những ngày thi đấu đầu tiên của thế vận hội đã trở thành một trong những biểu tượng của Rio 2016.

Tinh thần Pierre de Coubertin đã luôn được duy trì và phát triển. Những VĐV như Nikki Hamblin, Fu Yuanhui hay Hong Un Jong xứng đáng được tôn vinh không kém gì Usain Bolt hay Michael Phelps. Sự thật đơn giản là bất kỳ VĐV nào đã tới được Olympic, chứ đừng nói là giành huy chương hay vô địch, đều đã làm nên một điều kỳ vĩ của cuộc đời mình. Và chính bởi thế, việc họ có thể chấp nhận thất bại một cách cao thượng càng trở nên giá trị. Đó mới đúng là tinh thần mà Pierre de Coubertin đã suốt đời mong mỏi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận