TTCT - Luận án mang tên New economies of sex and intimacy in Vietnam (tạm dịch Các yếu tố kinh tế mới của tình dục và chuyện chăn gối ở Việt Nam) mà Kimberly Kay Hoàng bảo vệ tại Đại học Berkeley (bang California) vào năm ngoái vừa được Hiệp hội Xã hội học Hoa Kỳ chọn là luận án xuất sắc nhất năm 2012. TTCT đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Kimberly Kay Hoàng. Tiến sĩ Kimberly Hoàng - Ảnh do nhân vật cung cấpLằn ranh mờ nhạt* Chúng tôi đã được tiếp cận luận án của cô và nhận ra nhiều điều thú vị. Nhưng theo cô, kết quả nào của cuộc nghiên cứu làm cô ngạc nhiên nhất?- Luận án của tôi xem xét sự phân tầng trong hoạt động mại dâm phục vụ khách hàng bản địa cũng như quốc tế. Qua luận án, tôi cho thấy những thay đổi trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam đã định hình sự phân tầng này như thế nào. Khác với quan niệm phổ biến của mọi người, tôi chứng minh rằng khách da trắng phương Tây không còn là những người chi tiền nhiều nhất nữa. Việt kiều mới là những người bạo chi nhất trong khoảng từ năm 2006-2007, còn người Việt bản địa lại chiếm vị trí này vào năm 2009. Qua đó tôi chỉ ra hoạt động mại dâm đã cho thấy những chuyển dịch kinh tế ở mức độ rộng hơn đã diễn ra như thế nào tại Việt Nam khi đất nước này đang nổi lên với tư cách là một quốc gia quan trọng của nền kinh tế toàn cầu. * Bên cạnh ý nghĩa học thuật thì đâu là ý nghĩa thực tiễn của luận án này?- Trong vài thập niên qua, vấn nạn buôn người đã thu hút sự chú ý của nhiều tổ chức phi chính phủ, các nhà nghiên cứu và mọi người trên khắp thế giới. Tuy nhiên, những nghiên cứu này lại không làm rõ được sự khác nhau giữa những phụ nữ bị ép làm gái mại dâm và những người tự nguyện vào nghề này bởi vì nó mang đến cho họ cơ hội đổi đời về kinh tế. Phần lớn mọi người cho rằng phụ nữ hành nghề mại dâm là vì họ bị bắt cóc hay ép buộc. Tuy vậy, có rất ít nghiên cứu đưa ra bằng chứng cụ thể chứng minh cho nhận định này. Khi tôi bắt tay thực hiện luận án này, tôi cũng đã tìm kiếm những nạn nhân của nạn buôn người và thật sự ngạc nhiên khi trò chuyện với hàng trăm phụ nữ tự nguyện hành nghề mại dâm.Tại cả bốn quán bar mà tôi nghiên cứu thì không có chủ quán bar nào, tú bà nào hay khách hàng nào ép buộc các cô gái tham gia hoạt động tình dục khi họ không muốn cả. Thật ra thì nhiều người trong số các chủ quán bar và tú bà này cảm thấy tội lỗi khi ép một phụ nữ làm bất cứ thứ gì mà họ không muốn. Ở đây tôi không hề có ý nói mua bán tình dục không phải là một vấn nạn. Tôi chỉ muốn cho thấy lằn ranh giữa ép buộc và tự nguyện là khá mờ nhạt.* Có phải ý cô là không phải những khó khăn về kinh tế buộc những phụ nữ này hành nghề mại dâm?- Tôi đã nói chuyện với vài người làm việc trực tiếp với gái mại dâm và họ rất ngạc nhiên khi biết rằng có những phụ nữ tự nguyện bước vào nghề này. Nhiều phụ nữ trong luận án của tôi đã từng làm việc trong nhà máy và lĩnh vực dịch vụ như phục vụ hay lau dọn trong nhà hàng. Họ kiếm chưa tới 1,5 triệu đồng/tháng nên họ sẵn sàng chọn nghề mại dâm khi cần tiền trong trường hợp khủng hoảng gia đình xảy ra, bởi vì với họ mại dâm mang đến cơ hội thoát nghèo rõ ràng hơn các loại hình lao động khác. Hiệp hội Xã hội học Hoa Kỳ sẽ trao giải thưởng luận án xuất sắc nhất cho TS Kimberly trong hội nghị thường niên diễn ra tháng 8 năm nay tại bang Colorado, Hoa Kỳ. Giáo sư Raka Ray - chủ tịch hội đồng phản biện luận án, hiện giảng dạy xã hội học tại Đại học Berkeley - đánh giá luận án này là “một công trình đáng kinh ngạc”, cho rằng TS Kimberly đã thực hiện “công việc nghiên cứu điền dã ít người dám thực hiện”.Kimberly lấy bằng tiến sĩ xã hội học tại Đại học Berkeley năm 2011 sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Stanford vào năm 2006. Một năm trước đó, cô đã tốt nghiệp thủ khoa University of California, Santa Barbara. Kimberly sẽ bắt đầu giảng dạy xã hội học tại Đại học Boston College, bang Massachussetts vào năm tới. Giao thoa giữa toàn cầu hóa và di cư* Cô cũng đã đăng nhiều bài viết và có nhiều bài tham luận liên quan đến hoạt động mại dâm tại Việt Nam, sử dụng TP.HCM làm bối cảnh nghiên cứu. Vì sao là Việt Nam mà không phải là Thái Lan, và vì sao là TP.HCM chứ không là một tỉnh thành khác?- Tôi chọn TP.HCM vì đây là một trong những thành phố năng động nhất châu Á. Thành phố này đã phát triển rất nhanh chóng trong vài năm qua và tôi thích nhìn nó chuyển biến như vậy. Là một phụ nữ gốc Việt sinh ra tại Mỹ, tôi luôn mong muốn được trở về làm việc tại Việt Nam. Tôi không có cảm giác gắn kết với Thái Lan hay nơi nào khác ở châu Á như với Việt Nam vì gốc gác của tôi không nằm ở những nơi ấy.Tôi chọn TP.HCM còn vì quan tâm đến sự gắn kết giữa mại dâm và toàn cầu hóa mặc dù biết mại dâm cũng tồn tại phổ biến ở những tỉnh thành khác. Do đó, tôi chỉ nghiên cứu các nhóm khách hàng có thể tiếp cận nguồn vốn toàn cầu. Ngoài ra, tôi cũng quan tâm nghiên cứu nhóm khách hàng quốc tế và bản địa thuộc nhiều chủng tộc và có khả năng tài chính khác nhau. TP.HCM còn là nơi giao thoa rất quan trọng giữa toàn cầu hóa và vấn đề di cư. * Hợp pháp hóa mại dâm là vấn đề gây tranh cãi ngay cả ở những nước mà quan niệm về tình dục khá phóng túng. Quan điểm của cô về vấn đề này? - Tôi không phải là người ủng hộ mại dâm, tuy nhiên tôi cho rằng phụ nữ có quyền lựa chọn hành nghề mại dâm nếu họ muốn như thế. Theo lẽ đó, tôi tin rằng hợp pháp hóa mại dâm sẽ mang đến cho phụ nữ quyền lợi hợp pháp giống như những người lao động khác.* Có lẽ khá khó khăn khi chọn làm luận án tiến sĩ về một ngành nghề vẫn được coi là bất hợp pháp ở Việt Nam, nhưng là một đề tài thú vị trong xã hội học....- Lần đầu tiên tôi trở về Việt Nam để thực hiện nghiên cứu là vào năm 2006 và đó chỉ mới là những nghiên cứu ban đầu. Lúc đó rất khó để tạo mối quan hệ với mọi người cũng như khiến họ tin mình. Tôi chọn xã hội học vì tôi rất thích nghiên cứu con người, xã hội và các mối quan hệ xã hội. Tôi có một đam mê rất lớn là tìm hiểu con người định hình cấu trúc xã hội và thế giới quanh họ như thế nào. Trong lĩnh vực xã hội học, tôi chuyên nghiên cứu về toàn cầu hóa, di cư và các vấn đề về tình dục vì cho rằng việc nghiên cứu các quá trình này có liên quan với nhau như thế nào là rất quan trọng. Với một nhà xã hội học thì giới hạn nghiên cứu và phát triển sự nghiệp học thuật gần như không tồn tại bởi vì luôn có những thứ mới mẻ mà họ phải tìm hiểu. Tôi hoàn toàn được tự do lựa chọn đề tài nghiên cứu của mình nên đã có nhiều thời gian ở Việt Nam. Tôi yêu Việt Nam cũng như luận án này bởi vì nó khiến tôi cảm thấy mình phải học hỏi nhiều hơn nữa. * Cô có thể chia sẻ thêm gì về mình và những kỷ niệm đáng nhớ về Việt Nam? - Mẹ tôi đến Mỹ khi bà 13 tuổi và cha tôi đến đó lúc 18 tuổi. Họ được một phụ nữ Mỹ bảo trợ tài chính và người này đã đặt tên cho tôi. Tôi nghĩ rằng có thể điều cha mẹ tôi hối tiếc nhất là đã không đặt cho tôi một cái tên Việt. Bạn bè người Việt và gia đình tôi thường gọi tôi là Kim.Tôi thích sống ở Việt Nam. Khoảnh khắc đáng nhớ đối với tôi là khi chạy xe máy vòng vòng quan sát xe cộ và người dân. Ngoài ra, tôi cảm thấy hơi xấu hổ khi nhìn thấy uy tín của Việt kiều đang ngày càng giảm sút trong khi người Việt bản địa đang dần lên ngôi. Khi còn lưu trú ở Việt Nam, tôi thấy gần như mỗi tháng mọc lên một tòa nhà cao tầng và cảm giác nhìn thấy sự năng động của nền kinh tế cũng như con người nơi đây thật hết sức thú vị. * Cảm ơn cô đã dành thời gian trao đổi.Kimberly Hoàng viết luận án này dựa trên tư liệu của 22 tháng nghiên cứu điền dã thực hiện tại TP.HCM và các cuộc tiếp xúc, phỏng vấn cũng như tìm hiểu thông qua những phụ nữ hành nghề, khách hàng của họ và người dân nơi đây suốt từ năm 2006-2010. Trong khoảng thời gian đó, cô gái 28 tuổi này vào vai nữ phục vụ và pha chế rượu tại bốn quán bar khác nhau chuyên phục vụ người Việt giàu có, doanh nhân châu Á, Việt kiều, doanh nhân phương Tây và cả Tây balô. Luận án của TS Kimberly cho thấy ngay trong lòng “ngành nghề” vốn chưa được xã hội Việt Nam thừa nhận này có sự phân chia rõ rệt ba “cấp độ” phụ nữ hành nghề dựa trên nền tảng kinh tế, văn hóa và các lợi thế về hình thể của họ. Theo đó, ở cấp độ thấp nhất là những phụ nữ luống tuổi với vốn văn hóa cũng như tiền bạc hạn chế, chủ yếu “phục vụ” khách hàng ít tiền người Việt, trong khi “phân khúc” trung và cao cấp của những phụ nữ có học thức và điều kiện hơn lại nhắm đến Tây balô, những người Việt giàu có, Việt kiều cũng như doanh nhân các nước châu Á khác đến du lịch hay làm ăn tại Việt Nam. Ở “phân khúc” thấp nhất, hoạt động mại dâm chủ yếu theo hướng đổi tình dục lấy tiền trong khi hai “phân khúc” còn lại chú ý nhiều hơn đến yếu tố tình cảm và duy trì các mối quan hệ lâu dài. Trong nhiều trường hợp, giữa phụ nữ hành nghề và khách hàng còn nảy nở tình yêu và thậm chí tiến đến hôn nhân. Họ còn quan tâm đến cơ hội di cư nếu như khách hàng là người nước ngoài. Tags: Mại dâmLuận án tiến sĩKimberly HoàngNhà xã hội học
Thủ tướng: 'Chúng ta cứ đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục' THÀNH CHUNG 23/11/2024 Thủ tướng chia sẻ hoạt động doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Nhiều ngân hàng thu đậm trở lại từ bán chéo bảo hiểm BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tốt trở lại ở mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm. Đây là tín hiệu tích cực trở lại đối với kênh bancassurance (bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng) sau thời gian gặp nhiều khó khăn.
Vụ 2 cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali: Luật sư nói về khả năng vi phạm pháp luật HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để lục vali, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng. Việc này có vi phạm pháp luật?
Phó tổng thống Philippines: đã bố trí người ám sát Tổng thống Marcos THANH BÌNH 23/11/2024 Phó tổng thống Philippines đã chỉ thị sát thủ giết chết vợ chồng Tổng thống Marcos và chủ tịch Hạ viện Philippines trong trường hợp bà bị sát hại.