Phải mượn nhan đề “Phía Tây không có gì lạ” của nhà văn lừng danh Erich Remarque để nói về tình hình không yên tĩnh lắm quanh nước Nga mấy tuần lễ qua. TTCT-Kênh truyền hình Russia-24 ngày 7-8 đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Hội đồng An ninh Nga cần thảo luận tình hình về không gian hậu Xô Viết, mà cụ thể là về những “láng giềng gần gũi” và “những đồng minh của chúng ta”.Không cần ông Putin chỉ rõ như thế cũng có thể thấy những “láng giềng gần gũi” cần được đưa ra mổ xẻ là Belarus và Ukraine. Những ngày qua, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã hô hoán về vụ bắt giữ trên lãnh thổ Belarus 33 công dân Nga bị tình nghi là nhân viên an ninh tư nhân đến nước này nhằm thực hiện các “phi vụ mờ ám”. Vụ việc thêm nóng khi những cuộc bắt giữ diễn ra chỉ hơn một tuần trước bầu cử tổng thống nước này (9-8). Theo ông Lukashenko, những người này có liên hệ với “ứng viên tổng thống Belarus hụt”, blogger Sergey Tikhonov - người không thể tranh cử do đã bị bắt hồi tháng 5 với cáo buộc liên quan đến tội phạm có tổ chức (sau đó vợ ông, bà Svetlana Tikhanovskaya, đã thay chồng ra tranh cử).“Phía Tây không yên tĩnh”Vụ scandal được biết đến vào ngày 29-7, khi Belarus thông báo đã bắt giữ 33 “tay súng của công ty quân sự tư nhân (PMC) Wagner”, từ một nguồn tin tình báo cho biết “hơn 200 tay súng sẽ đến Belarus để gây rối trong thời gian vận động tranh cử tổng thống”.Trong khi đó, báo chí Nga dẫn lời những người bị bắt cho hay điểm đến của họ không phải là Belarus, mà Minsk chỉ là trạm trung chuyển để họ tới một nước thứ ba (một số tờ báo nêu tên nước thứ ba đó là Thổ Nhĩ Kỳ, số khác nói Venezuela, châu Phi hoặc Libya, nói chung, những nơi có dự án làm ăn mà người Nga cần bảo vệ). Ngay sau khi nhóm người này bị bắt, Minsk đã liên hệ không chỉ với đại sứ Nga, mà cả Ukraine ở Minsk (vì trong số này có những người được ghi nhận “từng có mặt ở Donbass” hoặc “sinh trưởng ở Ukraine”).Biểu tình nổ ra ở Belarus sau khi có kết quả bầu cử với chiến thắng áp đảo cho đương kim Tổng thống Lukashenko. Ảnh: CNNVề phía Kremlin, thư ký báo chí của tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, cho hay tất cả những người bị bắt là công dân Nga và khẳng định luật pháp Nga không công nhận sự tồn tại của PMC, nhưng cho phép các công ty an ninh tư nhân (viết tắt là PSC) hoạt động, và những người bị bắt làm việc cho các PSC này. Họ quá cảnh Belarus để đến các nước thứ ba khác, và không làm bất cứ điều gì bất hợp pháp ở Minsk.Tuy nhiên, những ngày sau đó, ông Lukashenko một mực khẳng định đây là các tay súng đánh thuê, đến Belarus có chủ đích: theo dõi tiến trình bầu cử, mưu toan làm “cách mạng màu”, và “tất cả những gì [người Nga] nói về Istanbul, Venezuela, châu Phi hay Libya đều là dối trá. Những người này [đã khai báo họ] được cử tới Belarus”.Vụ việc thêm rắc rối khi văn phòng tổng công tố Ukraine cho biết Belarus dự định dẫn độ sang Ukraine “28 trong 33 người bị bắt vì bị tình nghi tham gia các hoạt động khủng bố ở đông Ukraine”, và “8 trong số này được cho là công dân Ukraine”.Ngày 7-8, trong khi ông Putin gọi điện cho người đồng cấp Belarus để giải quyết vấn đề, tờ Sự Thật Komsomol đã tung ra bài điều tra về chiếc bẫy giăng ra để bắt nhóm người Nga, ly kỳ như trong phim hình sự: Đây là hậu quả của chiến dịch khiêu khích của Cơ quan An ninh Ukraine (SBU). Dẫn nguồn tin tình báo Nga, tờ báo cho biết: việc tuyển mộ tới 90 tay súng “đi làm việc ở một số nơi tại nước ngoài” được tiến hành từ một số máy ở Syria, gọi đến các cựu thành viên PMC có kinh nghiệm, và sau đó có thêm “một đại diện của Rosneft” (tất nhiên cũng là giả mạo, theo tờ báo) tham gia “thương lượng” mời họ làm việc ở nước ngoài (email của người này ngưng hoạt động đúng hai ngày trước khi nhóm công dân trên bị bắt). Vé máy bay cho các thành viên “được tuyển dụng” mua qua các công ty du lịch ở Kiev. Hành trình dự kiến là từ Minsk sẽ bay đi Istanbul, La Havana, và Caracas. Không hay biết, nhóm lính đánh thuê này bị đón lõng ở Minsk và ngay sau vụ bắt giữ ngày 29-7, danh sách những người bị bắt đã được giao cho đại sứ quán Ukraine ở Belarus. Chiến dịch này của SBU được cho là sẽ tấn công đồng thời PMC Wagner (mà Ukraine tin là đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động ly khai ở đông Ukraine), Công ty dầu khí Rosneft, và mối quan hệ Nga - Belarus.Trang web Điện Kremlin ngày 7-8 thông báo hai tổng thống Putin và Lukashenko đã điện đàm và hứa “sẽ giải quyết vấn đề trong tinh thần hiểu biết lẫn nhau, đặc trưng cho mối quan hệ hợp tác hai nước”. Trang web của chính quyền Minsk có vẻ gay gắt hơn, khẳng định hai nguyên thủ “nỗ lực giải quyết tình hình một cách nghiêm túc nhất”, rằng các tổng thống đã “đồng ý nghiên cứu sự kiện hiện hữu để xác lập nguyên nhân tình hình hiện tại, tìm ra thủ phạm và bắt họ chịu trách nhiệm”.Không chỉ thế, khi chỉ còn bốn ngày trước bầu cử, ông Lukashenko đã trả lời phỏng vấn nhà báo Ukraine Dmitry Gordon, trong đó gần như nêu ra cương lĩnh đối ngoại nếu ông tiếp tục giữ chức tổng thống: không ủng hộ ý tưởng liên kết với Nga thành một quốc gia, bởi người dân Belarus “đã trưởng thành” và “sẽ không chấp nhận điều này”; Belarus tiếp tục duy trì quan hệ hữu nghị với Ukraine, dù khẳng định “Nga sẽ không bao giờ trao Crimea hay Donbass cho Ukraine”, cũng như “Nga sẽ không bao giờ tấn công Ukraine từ lãnh thổ Belarus”…Rõ ràng các diễn biến trước bầu cử này đã góp phần tô đậm hình ảnh độc lập với Nga của ông Lukashenko. Ngày 10-8, truyền thông Belarus dẫn tin Ủy ban bầu cử trung ương nước này đưa kết quả sơ bộ bầu cử tổng thống: ông Lukashenko nhận được 80% phiếu, dẫn trước rất xa so với ứng viên Tikhanovskaya về nhì, chỉ được 10%. Biểu tình ủng hộ bà Tikhanovskaya đã nổ ra. Các kênh truyền thông đối lập nói nhà chức trách đã phải giải tán bằng vòi rồng và đạn cao su.Nếu kết quả này là chung cuộc, đây sẽ là nhiệm kỳ thứ sáu liên tục của Tổng thống Lukashenko kể từ năm 1994. Với những tuyên bố và hành động trước bầu cử, không nhà bình luận nào có thể tỏ ra lạc quan về tương lai mối quan hệ Belarus - Nga.Đại chiến Telegram và FacebookTrong khi Belarus ở phía tây nước Nga gặp rắc rối, ít nhiều dính dáng với Ukraine ở chếch xuống phía tây nam vốn lâu nay là điểm nóng xung đột, thì ở miền nam Nga, vùng Kavkaz, đọ súng lại nổ ra giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan trong cuộc khủng hoảng “đến hẹn lại lên” ở Nagornyi - Karabakh.Nhưng những cuộc đọ súng lần này, nổ ra vào ngày 12-7, đặc biệt gây chú ý khi tổng biên tập kênh truyền hình quốc tế của Nga “Russia Today”, bà Margarita Simonyan, trực tiếp lên tiếng. Vốn là người gốc Armenia, bà Simonyan đã đăng một “tuyên ngôn” quan trọng trên kênh Telegram lẫn tài khoản Facebook của mình ngày 18-7. Công khai chỉ trích Chính phủ Armenia dưới quyền Thủ tướng Nikol Pashinyan, bà liệt kê một danh sách “tội lỗi” của họ: (1) “không công nhận Crimea”, (2) “bắt giam cựu tổng thống Robert Kocharyan (đồng minh trung thành của Nga)”, (3) “để Armenia tràn ngập các tổ chức phi chính phủ chống Nga” dạy giới trẻ Armenia sự thù địch nước Nga, (4) “trục xuất các doanh nhân Armenia thân Nga”, và đặc biệt (5) “vấy bùn lên những người Armenia ủng hộ Nga”, trong đó có bản thân bà. Ấy vậy mà khi “sự tồn tại chế độ bị đe dọa, khi quân đội nước ngoài ở sát biên giới, khi người Armenia khắp thế giới đã thấy những bóng ma sống lại của Yeniceri [ý chỉ cuộc thảm sát người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman] với những lưỡi dao chéo sát hại tổ tiên mình, thì Armenia sực nhớ ra Nga phải cứu mình một lần nữa”.Phát biểu này của một người Nga gốc Armenia đang đứng đầu kênh thông tin quốc tế hàng đầu của Nga khiến Chính phủ Armenia không thể im lặng. Thủ tướng Pashinyan phản pháo bằng một cuộc phỏng vấn với Đài RBC TV, qua đó ông khẳng định vụ bắt giữ cựu thủ tướng Kocharyan là do cáo buộc lật đổ chế độ hợp hiến năm 2008, khi ông này cho giải tán những cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử khiến hàng chục người chết, và rằng “đồng minh của Nga luôn là nhân dân Armenia chứ không phải một vài chính khách riêng lẻ”. Về việc những tổ chức phi lợi nhuận chống Nga hoạt động ở Armenia, ông Pashinyan giải thích Armenia đã xây dựng quan hệ thân phương Tây ngay từ thời hậu Xô Viết, dưới trào các tổng thống “mà sự trung thành của họ với Nga không ai có thể nghi ngờ”, và “những tổ chức này đã hoạt động trước cả khi Pashinyan lên nắm quyền”.Thư đi tin lại, nữ tổng biên tập “Russia Today” bèn “khai quật” và đưa lên Facebook của bà hôm 4-8 bài báo ký tên ông Pashinyan từ năm 2005, trình bày góc nhìn của người hiện nay là đương kim thủ tướng Armenia. Trong bài báo, tác giả Pashinyan kêu gọi “người Armenia chấm dứt khen ngợi tổ tiên mình, và đặt ra cho mình một câu hỏi thực dụng: những tổ tiên ấy đã để lại sau họ những gì”, rồi trả lời: “Không có gì cả, và còn hơn là không có gì cả… chúng tôi phải bắt đầu từ số âm, bởi tổ tiên đã để lại cho chúng tôi chỉ một nguồn tài nguyên những kẻ diệt chủng, sự sỉ nhục và phản bội, vô đạo đức, mà để khắc phục là vô cùng khó khăn”.Có thể hiểu vì sao ông Putin kêu gọi Hội đồng An ninh thảo luận các vấn đề liên quan đến không gian hậu Xô Viết. Tình hình với các “láng giềng gần” của Liên bang Nga xem ra đang rất ngổn ngang!■Khủng hoảng Nagornyi - Karabakh là vấn đề đã tồn tại giữa hai cựu cộng hòa Xô Viết Armenia và Azerbaijan suốt từ khi Liên Xô tan rã. Tỉnh tự trị Nagornyi - Karabakh nằm ở tây nam Azerbaijan, nhưng đại đa số dân cư lại là người Armenia và có xu hướng muốn sáp nhập vào Armenia. Bạo lực bùng lên sau khi Liên Xô tan rã, dẫn đến các tố cáo về thanh lọc sắc tộc từ hai phía. Bạo lực đặc biệt leo thang thành giao tranh quy mô lớn giai đoạn 1988-1994, sau khi Quốc hội Nagornyi - Karabakh năm 1988 bỏ phiếu ủng hộ gia nhập Armenia. Năm 1992, Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đứng ra hòa giải nhưng bất thành. Tháng 5-1994, một cuộc ngưng bắn do Nga làm trung gian được hai nước ký kết và đàm phán hòa bình với sự trung gian của OSCE tiếp diễn kể từ đó. Tags: NgaBiểu tìnhBầu cửLiên XôBelarus
Sóc Trăng dừng tổ chức đoàn xổ số kiến thiết đi học tập kinh nghiệm ở châu Á BỬU ĐẤU 09/10/2024 Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng có văn bản hỏa tốc yêu cầu dừng tổ chức đoàn xổ số kiến thiết đi học tập kinh nghiệm các nước châu Á.
Một học sinh lớp 11 tại TP.HCM mất liên lạc với gia đình TRỌNG NHÂN 09/10/2024 Gia đình không liên lạc được với học sinh này từ ngày 4-10, đến nay là 5 ngày.
Hà Nội rực rỡ trong nắng thu vàng mừng Ngày Giải phóng thủ đô NGUYỄN HIỀN 09/10/2024 Những ngày đầu tháng 10, Hà Nội sôi động lại thêm lung linh với cờ hoa rợp phố trong nắng thu vàng mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô 10-10.
Công an triệu tập ngoại binh cũ của CLB Hoàng Anh Gia Lai QUANG THỊNH 09/10/2024 Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai gửi đơn tố cáo ngoại binh Martin Dzilah lên Công an tỉnh Gia Lai, sau khi cầu thủ người Ghana kiện đội bóng lên FIFA.