Không khí ô nhiễm, "sờ" đâu cũng ra bệnh

TTCT - Ước tính mỗi năm có 60.000 người chết liên quan đến không khí ô nhiễm ở Việt Nam.

Theo cơ quan theo dõi chất lượng không khí toàn cầu IQAir, chất lượng không khí ở thủ đô Hà Nội xấu nhất trong các đô thị ở Việt Nam năm 2023. Đầu tháng 3, đã có thời điểm Hà Nội đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm không khí khiến tầm nhìn giảm, người dân đi lại khó khăn. Ảnh: NAM TRẦN

Ô nhiễm không khí khiến tầm nhìn giảm, người dân đi lại khó khăn. Ảnh: NAM TRẦN

Chi hàng trăm triệu để "mua" không khí tươi

Bà Nguyễn Nguyệt Thu, một nhân viên văn phòng ở Hà Nội, cho biết vào những ngày thủ đô có cảnh báo chỉ số không khí ô nhiễm cao, bà thấy bứt rứt, bí bách khi đi ra đường. Mặc dù bà Thu thường xuyên mang khẩu trang khi bước ra đường nhưng vẫn cảm nhận rõ bụi bay trực tiếp vô mũi, rất ngứa và khó chịu. Vài tuần bà Thu phải "thăm" bệnh viện một lần vì ho hen, viêm mũi, viêm họng… mà không cách nào tránh khỏi.

Bà Thu cho biết gia đình bà đã dùng máy lọc không khí từ hơn 10 năm trước. Nhà xây theo kiểu cũ nên không thể dùng máy cho cả nhà lớn mà chỉ dùng trong phòng ngủ có cửa đóng kín. Năm 2023, gia đình chuyển đến chung cư mới, bà Thu đầu tư hệ thống cung cấp không khí tươi cho cả căn hộ tốn khoảng 200 triệu đồng.

"Cả nhà đi học, đi làm ngoài đường suốt ngày, chỉ ở nhà buổi tối và những ngày cuối tuần. Nhưng được thở không khí sạch được lúc nào hay lúc đó. Hơn nữa, cả ngày đi làm mệt mỏi, về nhà có không khí trong lành mình cũng thư giãn và khỏe khoắn hơn", bà Thu chia sẻ.

Bà Thu cho biết gia đình hai bên nội ngoại và một số bạn bè của bà cũng sử dụng máy lọc không khí. Nhà nào có điều kiện thì lắp đặt hệ thống cung cấp khí tươi, những nhà khác mua một hai máy lọc không khí để trong phòng ngủ, mỗi máy có giá từ 5 - 10 triệu đồng. Có gia đình mua máy lọc nhập khẩu, giá vài chục triệu một máy.

Mỗi khi chất lượng không khí ở Hà Nội chuyển xấu, bà Đỗ Thị Bích (29 tuổi, quận Nam Từ Liêm) thường bị cay mắt kèm đau đầu. Con gái bà Bích thì ho, sổ mũi, viêm họng phải uống thuốc hay đi viện khám. Nhưng theo bà Bích, họ chỉ ở nhà vào buổi tối và cuối tuần, mua máy lọc không khí để ở nhà cũng không có tác dụng mấy nên vũ khí chống ô nhiễm chủ yếu của cả nhà bà Bích vẫn là khẩu trang.

Thủ phạm của hàng tá bệnh tật

Bác sĩ Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết tỉ lệ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ em tại Hà Nội và TP.HCM, hai đô thị lớn có mức độ ô nhiễm không khí cao, cao hơn so với những đô thị khác trong cả nước.

Theo những nghiên cứu trước đây, tỉ lệ trẻ em mắc bệnh hen suyễn ở TP.HCM là 29%, trong khi ở Cần Thơ hoặc Lâm Đồng chỉ 5%. "Thực tế khám bệnh, tôi cũng nhận thấy trẻ em sống ở những khu vực có mật độ xe cộ cao hay nơi có khu công nghiệp (như quận Tân Bình, Bình Tân) thì dễ mắc bệnh hô hấp hơn, mắc bệnh rồi lâu khỏi, dễ tái đi tái lại hơn so với những khu vực khác. Ví dụ như điều trị cho trẻ bị ho thông thường từ 10 - 14 ngày là khỏi nhưng bệnh nhi sống ở khu vực ô nhiễm nhiều thường phải điều trị cả tháng mới hết hẳn", bác sĩ Trần Anh Tuấn cho biết.

Trong những đợt ô nhiễm không khí, Bệnh viện Phổi trung ương cũng ghi nhận số bệnh nhân đến khám các bệnh về hô hấp gia tăng. Theo BS Nguyễn Xuân Diễn, phó khoa khám bệnh theo yêu cầu, thời điểm giao mùa hay ô nhiễm không khí tăng, lượng bệnh nhân đến khám cao hơn khoảng 20% so với những ngày khác. Trong đó có nhiều bệnh nhân tái hen, viêm phổi…

Theo BS Diễn, ô nhiễm không khí thông qua đường thở gây ảnh hưởng trực tiếp đến phổi làm cơn hen kịch phát, người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tăng mức độ khó thở gây suy hô hấp. Ở người khỏe mạnh bình thường, không khí ô nhiễm ảnh hưởng đến tai, mũi, họng gây nên các bệnh về hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm trùng hô hấp.

Ở trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân nhập viện do các căn nguyên về hô hấp và tim mạch cũng tăng trong ngày ô nhiễm không khí ở mức cao. Không chỉ gây ảnh hưởng đến hô hấp, tim mạch, ô nhiễm không khí còn làm tổn hại đến da. Bác sĩ Trịnh Minh Trang, Bệnh viện Da liễu trung ương, cho biết vào thời điểm giao mùa, mức ô nhiễm tăng thì số bệnh nhân khám tại bệnh viện này cũng tăng. Nhiều nhất là các bệnh nhân bị viêm da dị ứng, mề đay, viêm da cơ địa.

Không khí ô nhiễm,

Theo bác sĩ Trang, ô nhiễm không khí ở Hà Nội chủ yếu do khói bụi, khí thải như NO2, CO, SO2, tạo thành các bụi mịn (dạng lỏng hoặc rắn) có kích thước siêu nhỏ, chỉ bằng 1/40 hạt cát. Các chất này có thể làm khởi phát hoặc nặng lên một số bệnh như viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da cơ địa, mụn trứng cá, mề đay, lão hóa da.

Ô nhiễm không khí còn làm một số bệnh da kém đáp ứng điều trị nặng lên và dễ tái phát. Các bụi mịn, siêu mịn còn tương tác với bức xạ mặt trời (các tia UV) để gây lão hóa da, tổn thương da, thậm chí gây ung thư da do tác động vào các thành phần trên da như tế bào sừng, nguyên bào sợi, tế bào hắc tố.

60.000 người chết mỗi năm

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm khoảng 60.000 người chết liên quan đến ô nhiễm không khí ở Việt Nam. Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2023 nhìn nhận ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm do bụi PM2.5, đang trở thành một trong những vấn đề tác động tiêu cực đối với sức khỏe toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Ô nhiễm không khí cũng được cho là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong và tàn tật. Ô nhiễm môi trường không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp dưới, gây các bệnh như: hen suyễn, ho, viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí gây ung thư phổi; suy nhược thần kinh, tim mạch, đột quỵ và làm giảm tuổi thọ con người.

Ngoài ra, người lao động và cộng đồng xung quanh các cơ sở công nghiệp như khai khoáng, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng thường có nguy cơ mắc các bệnh như bệnh bụi phổi, viêm phế quản, bệnh điếc do tiếng ồn.

Năm 2022, GS.TS Nguyễn Văn Phước (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM) cùng các cộng sự công bố báo cáo Tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe người dân tại TP.HCM và xây dựng giải pháp bảo vệ sức khỏe người dân.

Nghiên cứu cho thấy năm 2017 có 1.397 ca tử vong do tác động của ô nhiễm không khí, trong đó số người tử vong do bệnh tim - phổi là 841 (60,20%), bệnh IHD - bệnh tim thiếu máu cục bộ là 483 người (34,57%) và ung thư phổi 73 người (5,23%).

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng PM2.5 có ảnh hưởng nhiều nhất tới sức khỏe, là nguyên nhân tử vong của 1.137 người (81,32%), sau đó đến NO2 (171 người, chiếm 12,31%) và cuối cùng là SO2 (88 người, chiếm 6,37%). Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây khoảng 13,46% số ca tử vong tại TP.HCM.

Một báo cáo về tác động ô nhiễm không khí do bụi PM2.5 đến sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội năm 2019 do các trường trong Đại học Quốc gia Hà Nội công bố năm 2021 cho thấy Hà Nội có gần 2.900 ca tử vong sớm do phơi nhiễm với bụi PM2.5, tương đương khoảng 35,5 ca tử vong sớm trên 100.000 dân và chiếm 12% tổng số ca tử vong trên 25 tuổi ở thủ đô. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận