​Không thể có 2 bộ nguyên tắc đạo đức

CAO TUẤN 06/12/2018 02:12 GMT+7

Những ý tưởng của John Dewey về trường học như “thể chế xã hội và đạo đức” vẫn như một lát cắt rất mới mẻ.

 

Những nguyên tắc đạo đức trong giáo dục là một trong những cuốn sách thể hiện tinh thần cải cách của John Dewey. Ông ủng hộ việc học hỏi bằng hành động sáng tạo thay vì bằng lối học vẹt. Là một người thực dụng, ông đánh giá các ý tưởng từ kết quả nó mang lại; và với tư cách một triết gia, ông chủ trương tránh sự giáo điều bất biến và niềm tin phi lý.

Trong cuốn sách này, bằng nhãn quan của một triết gia, nhà tâm lý và cải cách giáo dục, John Dewey đã phóng cái nhìn rộng, sâu và đầy nghiêm khắc vào lĩnh vực mà hầu như ai cũng thấy mình trong đó. “Trong một chừng mực nhất định, với đặc trưng như nhà nước mà các thể chế khác không có, trường học có khả năng làm thay đổi trật tự xã hội”. Có thể coi đây như một tuyên ngôn giáo dục của triết gia người Mỹ này.

Sức mạnh của trường học càng được soi chiếu rõ hơn trong phần hai cuốn sách: Rèn luyện đạo đức dựa vào cộng đồng. Ở phần này, John Dewey kéo vấn đề lại sát hơn: “Trách nhiệm đạo đức của nhà trường, và của những người điều hành nó, là trách nhiệm đối với xã hội. Trường học về cơ bản là một thể chế được xã hội dựng nên để làm một công việc đặc biệt – thực hiện một chức năng đặc thù nhằm duy trì đời sống và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Hệ thống giáo dục không thừa nhận trách nhiệm đạo đức trên vai nó thì đó là hệ thống bị bỏ rơi và mắc lỗi”.

Trong cuốn sách dồn nén nhiều ý tưởng mang tính khám phá này, John Dewey dành sự quan tâm đặc biệt cho những đứa trẻ – những người của triển vọng và tương lai. Đứa trẻ, theo tác giả, là một tổng thể có tổ chức, cả về mặt trí tuệ, xã hội, đạo đức và thể chất. Đứa trẻ cần được xem như một thành viên của xã hội theo nghĩa rộng nhất, và đòi hỏi bất cứ điều gì cần thiết từ nhà trường có thể giúp các em sáng suốt nhận ra tất cả các mối quan hệ xã hội của mình.

Hơn thế nữa, trẻ cần được học về khả năng lãnh đạo, phải có quyền độc lập cá nhân, quyền hướng dẫn người khác cũng như biết cách gánh vác trách nhiệm. Một cái nhìn khác, một cách hành xử khác không đúng đối với đứa trẻ có thể sẽ phải đánh đổi điều gì đó không mong đợi, thậm chí khó lường, không chỉ đối với những học sinh đang trưởng thành mà còn với những công dân đang lớn lên; không chỉ đối với nhà trường mà còn đối với xã hội. 

John Dewey là triết gia, nhà tâm lý và cải cách giáo dục người Mỹ với những ý tưởng ghi đậm dấu ấn trong tiến trình cải cách giáo dục và xã hội. Ông được thừa nhận là một trong những người sáng lập triết học thực dụng và tâm lý học chức năng (cùng Charles Sanders Peirce và William James).

John Dewey sinh năm 1859 tại Burlington, bang Vermont, Mỹ, nhận học vị tiến sĩ tại Đại học Johns Hopkins năm 1884. Ông dạy triết học tại Đại học Michigan và sau đó giữ vị trí trưởng khoa Triết, Tâm lý và Giáo dục tại trường này; chịu ảnh hưởng của Darwin, Freud và các quan điểm khoa học. Năm 1904, John Dewey dạy tại Đại học Columbia. Ông đã hướng dẫn việc nghiên cứu quốc tế và nhận được nhiều giải thưởng danh giá về học thuật khắp thế giới.

Chưa dừng ở đó, ngay cả việc giáo dục trẻ cũng cần có mục tiêu và lợi ích rõ ràng. Những người giáo huấn – bậc cha mẹ hay thầy giáo – cần bảo đảm rằng “số lượng ý tưởng lớn nhất có thể có được ở trẻ em và thanh thiếu niên được thu thập theo một cách thức quan trọng đến mức chúng trở thành những ý tưởng động và là động lực trong cách ứng xử”. Ở đây, không thể không lưu ý rằng, ngay cả chủ đề của chương trình giảng dạy, dù quan trọng và được chọn lọc kỹ lưỡng đến mấy, vẫn thiếu vắng nội dung đạo đức cần thiết chừng nào nó chưa được chuyển thành loại ngôn ngữ của thói quen hành động và khao khát cá nhân.

Có thể nói, giáo dục là công việc của tất cả mọi người, tùy vào vị trí của họ, trong đó có trách nhiệm đạo đức. Bởi theo luận điểm của nhà cải cách giáo dục sinh năm 1859, thì “không thể có hai bộ nguyện tắc đạo đức, một cho đời sống học đường, một cho đời sống bên ngoài”.  

John Dewey đã rất dày công để chứng minh rằng trách nhiệm đạo đức của trường học không chỉ giới hạn trong việc ghi nhớ đạo đức và hạnh kiểm tốt, mà còn nuôi dưỡng khả năng cuả đứa trẻ để cuối cùng trở thành một thành viên đắc lực của xã hội. Ông cũng chỉ ra rằng giáo dục cần cung cấp cho trẻ những kỹ năng để trở nên tiên phong, hợp tác và có ý thức về thành đạt cá nhân. Đây là những gì đang thiếu ở những trường học quy ước.

Cuốn sách này được viết vào năm 1909, nhưng tầm thấu hiểu của tác giả đã vượt thời gian và đang cho thấy giá trị trong lĩnh vực giáo dục ngày nay. Đáng chú ý là những ý tưởng của ông về trường học như “thể chế xã hội và đạo đức” vẫn như một lát cắt rất mới mẻ.

Không có gì trong bản chất của các ý tưởng về đạo đức, của thông tin về tính lương thiện, sự trong sáng hay tử tế lại tự động biến những ý tưởng như thế thành tính cách tốt hay hạnh kiểm tốt”. Đây là một trong những tư tưởng dễ bị nhầm lẫn mà John Dewey, bằng con mắt của “nhà phẫu thuật” giáo dục, đã nhìn thấu và kiến giải bằng loại ngôn ngữ không quá khó đọc. Và còn nữa những khái niệm khác, như mục tiêu giáo dục, giáo dục đạo đức và tri thức, năng lực và “tâm lý tài năng”, động cơ – xấu và tốt, sức ảnh hưởng, sự cần thiết của tính nhạy cảm…

Tất cả đã được ông thận trọng mổ xẻ bằng tri thức, trách nhiệm và tình cảm, trong một cuốn sách mỏng nhưng chứa đựng không ít vấn đề gai góc, không chỉ của giáo dục đương đại ở nước Mỹ.

 

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận