TTCT - Gia Định báo - tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt ra đời năm 1865. Mục tiêu của nhà cầm quyền Pháp khi cho phát hành tờ báo lúc đó là phổ biến trong dân bản xứ tin tức, quy định mới, giới thiệu kiến thức về văn hóa và về nghề canh nông. Nhưng từ khi Trương Vĩnh Ký đảm nhiệm (năm 1869), tờ báo mới thật sự được “sống” với độc giả là người dân nhờ hướng đi quan trọng: cổ động cho một lối học mới, phát triển chữ quốc ngữ. Phóng to Những mẩu quảng cáo thời kỳ đầu tiên trên tờ Gia Định báo hi đem so sánh những số báo ở hai thời kỳ trước và sau khi Trương Vĩnh Ký đảm nhiệm có thể thấy được phần nào vai trò điều hành, tổ chức bài vở, biên tập, mối quan hệ với các cộng sự và nhất là định hướng về nội dung, cách viết các bài báo của Trương Vĩnh Ký. Ông viết trên tờ báo của mình: "Từ nay sắp tới ta trông cậy sẽ có nhiều chuyện cho người ta coi: vì nhờ có tờ chạy cho các thầy giáo tập quốc ngữ và các thầy thông ngôn các nơi trong cả sáu tỉnh mỗi tuần hay là nửa tháng thì chạy tờ về mà học lại những chuyện các nơi các tỉnh để làm vô Gia Định báo cho thiên hạ hay" (Gia Định báo, số ra ngày 24-2-1870). Như vậy, Trương Vĩnh Ký đã tìm cách biến viên chức địa phương thành những "tuyên truyền viên" cho chữ quốc ngữ, đồng thời đào luyện họ thành những cộng tác viên cho tờ báo, thậm chí đào luyện họ thành những người viết báo bên cạnh một nhóm cộng sự của mình. Dẫn họ vào nghề, Trương Vĩnh Ký có những bước đi rất cụ thể, quy định cách viết một bài báo, yêu cầu rõ tính thời sự và hiện thực cho các bài/tin, gợi ý đề tài, quy định trách nhiệm cá nhân của người viết, quy định công việc của người biên tập... Giúp học trò "biết chữ nghĩa văn chương" Để thực hiện mục tiêu phổ biến chữ quốc ngữ và phổ thông sự học, Trương Vĩnh Ký không chỉ dừng lại ở Gia Định báo mà còn cho phát hành một tập san tư nhân là Thông loại khóa trình gồm 18 số. Các đề mục thường kỳ có những nội dung mà vào thời điểm ấy có thể coi là khá đa dạng, trong đó tập trung vào các vấn đề: giải thích nghĩa chữ (phương ngữ, Hán ngữ, Pháp ngữ, các lối nói dân gian), bài đọc/học về luân lý, sưu tập giới thiệu thơ văn (dân gian, văn học viết dân tộc, sáng tác của các tác giả đương thời, văn chương Pháp...). Mục giải thích câu chữ, lời nói và chú giải văn bản được làm rất tỉ mỉ và chiếm một phần quan trọng của tập san là một hiện tượng hoàn toàn mới, rất hữu hiệu trong chủ trương giúp học trò "biết chữ nghĩa văn chương". Các bài "Tên cây trái tùy xứ mà kêu" (số 4), hay "Vật tùy xứ mà kêu" (số 5) chứng tỏ tác giả đã có ý thức về tính đa dạng văn học và có cái nhìn toàn cảnh về văn hóa Việt Nam. Bằng hình thức văn xuôi quốc ngữ mới mẻ, tự nhiên, mục "Nhơn vật nước An Nam" đã kể những câu chuyện lý thú về các danh nhân, các nhân vật lịch sử, để lại dấu ấn dân tộc đậm nét. Phần văn nghệ dân gian với ca dao, câu đố, câu hát, trò chơi, nói cho và trả, nói ngược, vè, câu nói khó... cũng được Trương Vĩnh Ký xem như một nguồn tư liệu quý để vừa giáo dục đạo đức vừa bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc. Trương Vĩnh Ký đặc biệt quan tâm đến nội dung đạo lý: "Chánh ý là thuật đạo lành lẽ ngay của đấng tiên thánh tiên hiền khuyên răn, truyền thuần phong mỹ tục xưa nay...". Vì thế, Thông loại khóa trình là một tập san văn chương có mục đích giáo dục rất rõ ràng. Đọc Thông loại khóa trình, độc giả có cơ hội bổ sung vốn liếng văn tự mới của mình, có cơ hội đọc - biết đến những tri thức văn hóa văn chương trong một hình thức mới; đồng thời chữ quốc ngữ cũng thu nạp được không ít nội hàm mới, được rèn giũa qua lối diễn xuôi, giảng nghĩa, dịch thuật, thậm chí cả sáng tác... đăng trên tập san này. Nếu việc xuất bản Gia Định báo nằm trong chủ trương của thực dân Pháp thì Thông loại khóa trình nằm trong chủ trương truyền bá chữ quốc ngữ, cao hơn là truyền bá văn hóa của riêng Trương Vĩnh Ký. Phóng to Sự hiện diện của báo chí Có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử, tin tức và tri thức được lưu truyền trong một hình thức mới mẻ là báo chí và qua một phương tiện cũng chưa từng có là in ấn và xuất bản. Nhờ đó, đời sống văn hóa, văn học đương thời sôi động hơn, mới mẻ hơn trước: việc làm báo tạo ra hàng loạt ấn phẩm định kỳ, tạo nên tâm thế chờ đón và đáp ứng mong đợi của độc giả. Người đọc được mở mang tri thức nhiều mặt nhờ báo chí, và quan trọng hơn là được làm quen với các nội dung, tin tức gần gũi, vốn có trong đời sống xã hội của thời hiện tại. Gia Định báo dưới bàn tay ông chánh tổng tài Trương Vĩnh Ký là những tin tức nóng hổi đa dạng, nhiều chiều của cuộc sống hiện thực đương thời. Ngoài những hướng dẫn cả cách gửi, thủ tục làm giấy sanh, tử, hôn thú, thi cử tuyển dụng, cách báo tin khi có hỏa hoạn... một cách tỉ mỉ, tờ báo đã có các trang quảng cáo - một điều hoàn toàn mới đối với đời sống văn hóa cổ truyền "bế quan tỏa cảng" và của mô hình kinh tế tự túc tự cấp. Nội dung quảng cáo cũng khá phong phú, từ bán thuốc, giới thiệu các hãng tàu, khai trương văn phòng trạng sư, bán sản phẩm rượu mới, các hãng vận tải... cho tới các lời rao như mất chìa khóa, hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, muốn mua cọp, mua beo... Người muốn đăng quảng cáo phải trả tiền cho tòa báo: "Ai có chuyện gì đem vô Gia Định báothì sẽ gởi cho ông NICOIER lập hãng bán sách tại Saigon trong một tháng cứ ngày 11 và ngày 26 ông ấy sẽ thâu cho, giá tiền cũng như đã định về chuyện đem vào Gia Định Công - văn 20 hàng đầu là 1 quan, các hàng sau là 50 cent. Như có in lại thì sẽ lấy giá phân nửa khi mới in vào". (số 13/1888). Các trang quảng cáo được tách biệt với phần nội dung và được trình bày khá bắt mắt: thay đổi co chữ, in đậm, in nghiêng một số chữ quan trọng... để gây chú ý và tạo ấn tượng với người đọc. Ví dụ, về một loại rượu (CAMPHRE): "Là rượu mạnh có tẩm băng phiến, để thoa mình nơi đau đớn (mà không được uống), thoa thì phải lấy dẻ sạch thấm rượu ấy mà thoa. Đờn bà nằm xó dùng rượu ấy thì hay lắm. Giá 1 ve nhỏ là 1 cát 9 phân, ve lớn 1 đồng bạc". Hay mẩu quảng cáo thuốc (số 14): "Là thuốc bột uống trừ bệnh nha phiến mỗi ngày đến chừng ngáp thì nhúm 1 nhúm nhỏ bột ấy trong 2 ngón tay rồi bỏ vào chén có 1 miếng nước mà khuấy mà uống đi, giá một ve nhỏ nửa đồng bạc uống được mười lần". Cách viết thông tin và cập nhật tin tức như thế được lặp đi lặp lại trên Gia Định báo tạo cho người dân Việt Nam có thói quen đón nhận tin tức từ đời sống xã hội muôn màu. Đặc biệt, với Trương Vĩnh Ký, báo chí chính là một "cửa khẩu" của văn chương. Cả Gia Định báo và Thông loại khóa trình luôn có "sân văn" chuyên đăng tải các sưu tầm văn hóa dân gian, truyện kể, phiên khảo, dịch thuật, sáng tác... Chẳng hạn, qua mục Thứ vụ của Gia Định báo, hàng loạt bài vở có tính chất văn hóa văn chương ở nhiều thể loại khác nhau xuất hiện, trong đó có những văn phẩm tiêu biểu như: Con chồn với trái nho, Con chó và con chiên, Gà đẻ trứng vàng, Chuột hội luận chuyện, Chuyện nhi đồng, Ngụ ngôn La Fontaine, Lục súc tranh công, Nhị thập tứ hiếu, Đại Nam quốc sử diễn ca... Các văn phẩm ấy đã có tác động đáng kể tới tâm lý, tư tưởng tiếp nhận văn học của số đông công chúng. Dịch phẩm Con ve và con kiến (Gia Định báo, số ra ngày 16-6-1883) chẳng hạn, đã cung cấp một góc nhìn khá mới mẻ so với văn học truyền thống nước nhà. Câu chuyện kể về con kiến chăm chỉ tha mồi về tổ trong khi con ve rong chơi, ca hát suốt mùa hè. Mùa đông đến, ve gõ cửa xin kiến giúp đỡ. Kiến đã thẳng thừng từ chối với suy nghĩ ai làm thì được ăn, ai muốn hát cứ việc nhưng nghỉ ăn... Sự thẳng thắn, sòng phẳng như vậy giống với bài học dân gian "Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ", nhưng vẫn xa lạ với truyền thống "tải đạo" trong văn học viết... Sự thẳng thắn, sòng phẳng và một chừng mực nào đó là tiêu chuẩn của sự công bằng theo kiểu phương Tây như vậy có ý nghĩa không nhỏ trong việc kích hoạt những đổi mới trong quan niệm sống và sau đó là quan niệm văn học nước nhà. Phần lớn đội ngũ nhà báo, nhà văn từ nửa sau thế kỷ 19 trở đi, về trình độ, là những người am hiểu cả tri thức phương Đông cũng như văn minh phương Tây. Họ quan niệm làm báo, viết văn là nghề nghiệp chứ không phải để tỏ chí hay thù tạc. Sự xuất hiện thường kỳ của các tác phẩm văn chương trên hai tờ báo chính là những bước tập quen cho cả độc giả và "ký giả" (nhà văn): coi báo chí như một diễn đàn văn chương, dùng báo chí như một phương tiện mới thưởng thức, sáng tạo văn chương. Do vậy, sự ra đời của các truyện ngắn, thơ mới, tiểu thuyết hoặc các cuộc tranh luận văn chương trên tờ báo (Lục tỉnh tân văn, Nông cổ mín đàm, Phụ nữ Tân văn... ở trong Nam hay Ðăng cổ tùng báo, Ðông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Tri Tân... ở ngoài Bắc) là những hệ quả tất yếu của lối làm báo mà Trương Vĩnh Ký đã khởi xướng và kiên trì thực hiện. Trong lịch sử phát triển, báo chí Việt Nam luôn coi trọng văn chương, lấy văn chương làm sức hút độc giả. Ðến lượt mình, văn chương lấy báo chí là nơi trình duyệt, thăm dò ý kiến độc giả trước khi xuất bản dưới dạng ấn phẩm độc lập. Trương Vĩnh Ký đã đề xuất và thực hiện phương án dùng báo chí để công bố văn chương, rèn lối viết tạo thành xu hướng văn chương thoát thai từ báo chí như một đặc trưng cho mối quan hệ giữa báo chí và văn chương riêng có ở Việt Nam. Ở phương diện này, Trương Vĩnh Ký thật sự là "bậc chỉ đạo", "ông thầy khai đường mở lối"... Ông tạo ra một mẫu hình đầu tiên cho kiểu ký giả viết văn chương và nhà văn tham gia viết báo, làm báo. Ðây cũng là một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử văn học dân tộc. Kiểu tác giả mới này có xuất thân, trình độ, quan niệm và cả sự dấn thân trong nghề nghiệp khác kiểu tác giả nhà nho thuần túy trước đây. Tags: Tiếng ViệtTrương Vĩnh KýChữ quốc ngữGia Định báoNghề canh nông
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Điểm thi IELTS phổ biến nhất của thí sinh Việt Nam là 6.0 TRỌNG NHÂN 15/10/2024 Thống kê từ IELTS cho thấy điểm thi phổ biến nhất của thí sinh Việt Nam là 6.0, trong khi đó chỉ 1% thí sinh đạt trên điểm 8.5.
Hàn Quốc: Triều Tiên đã cho nổ tuyến đường liên Triều THANH HIỀN 15/10/2024 Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã cho nổ tung một số đoạn đường liên Triều ở phía Triều Tiên.
Đến lượt Temu, Taobao đổ bộ thị trường Việt Nam CÔNG TRUNG 15/10/2024 Sự xuất hiện của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Temu, Taobao và 1688 đang tạo ra một cơn sốt hàng giá rẻ tại Việt Nam.
TP.HCM kêu gọi đầu tư 5 dự án văn hóa thể thao hơn 2.000 tỉ đồng THẢO LÊ 15/10/2024 TP.HCM kêu gọi đầu tư 5 dự án PPP (đối tác công tư) về văn hóa, thể thao.