TTCT - Có những câu chuyện ở Hoài Khao mà du khách sẽ muốn nghe mãi, muốn lao vào tìm hiểu mãi… trong những ngày trải nghiệm homestay đích thực ở nơi đây. Mới đây, Phạm Quang Vinh - một phượt thủ khá nổi tiếng cảm thán về tình trạng homestay "fake". Anh viết về những khu homestay do nhiều người có tiền đầu tư, thuê người bản địa quản lý, phục vụ nhưng thiếu đi cái hồn sâu đậm nhất của homestay, khiến khách du lịch tới mà thất vọng.Vì thế, tôi đi tìm một nơi làm homestay đích thực, trải nghiệm những ngày sống và khám phá khó quên: xóm Hoài Khao - nơi có 34 hộ gia đình người Dao Tiền, thuộc xã Quang Thành, cách thị trấn Nguyên Bình (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) khoảng 20km, cách thành phố Cao Bằng 60km. Cuối tháng 4-2022, 7 homestay của 7 gia đình trong xóm Hoài Khao đã đi vào hoạt động.Những trong trẻo nguyên sơĐi từ đỉnh núi Phja Oắc xuống, tôi theo hướng dẫn của Google Maps tìm tới homestay Nhất Nhất của xóm Hoài Khao. Bản đồ chỉ ra thị trấn Nguyên Bình. Nhưng gần đến ngã ba Sơn Đông, bỗng thấy bên đường có tấm bản gỗ chỉ đường vào xóm du lịch cộng đồng Hoài Khao, trong lúc Google Maps vẫn cứ chỉ dẫn đi theo một đường khác. Tôi gọi cho Lý Hữu Nhất - chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Thành, một trong 7 chủ nhân làm homestay ở Hoài Khao - để hỏi. Hóa ra, Google Maps chỉ sai. Và thế là chúng tôi chụp ảnh, gửi thông tin lại cho Google Maps đề nghị chỉnh sửa. "Bọn em cũng nghe nhiều người than rằng theo Google Maps thì bị lạc, nên các bác giúp lên tiếng để Google chỉnh lại cho đúng thì tốt quá" - các bạn trẻ đang làm chủ các homestay như Nhất, Đức... cám ơn rối rít.Xóm Hoài Khao của 34 gia đình người Dao Tiền. Ảnh: H.T.Chuyện ấy cho thấy xóm Hoài Khao chưa phải là một địa chỉ thật phổ biến. Mà phổ biến sao được khi mãi đến đầu năm 2022 xóm này mới có điện, cách đây hai năm mới có đường bêtông đủ rộng cho xe 16 chỗ chạy vào tận nơi. Lý Hữu Nhất cho biết Nhà nước đã đầu tư vào xóm này hơn 30 tỉ đồng để phát triển du lịch cộng đồng. Huyện Nguyên Bình và tỉnh Cao Bằng chọn xóm Hoài Khao để đầu tư hỗ trợ bởi đây là nơi hiếm hoi còn giữ được khá nguyên vẹn bản sắc văn hóa của người dân tộc Dao Tiền. Và nhất là 34 gia đình người Dao Tiền ở đây rất nghèo. Con số hơn 30 tỉ đồng ấy dùng để làm đường, hỗ trợ mỗi gia đình đăng ký làm homestay 80 triệu đồng. Mỗi hộ phải vay thêm hơn 100 triệu nữa để hoàn thiện homestay, với chăn drap gối nệm tinh tươm, nhà vệ sinh sạch sẽ - những điều kiện tối thiếu nếu muốn đón khách du lịch.Sáp ong Khoái trên những bộ váy áo Dao TiềnNhững ngôi nhà của người Dao Tiền đều giống nhau một điểm: ngay cổng vào có một ngôi nhà gỗ be bé xinh xinh dùng làm nơi chứa lương thực cho gia đình. Cả xóm ở trên đồi, nhìn xuống cánh đồng ruộng bậc thang. Ngay giữa cánh đồng nhô lên một khoảnh đất hình tròn, tre cắm rào bao quanh. Hỏi thì mới biết, ngày xưa đó là một ngọn đồi. Để tăng diện tích đất trồng lúa lấy cái ăn cho bà con, cả bản họp lại, thống nhất san quả đồi. Thầy mo sau khi cúng vái cũng cho biết Thổ công đồng ý. Họ cùng nhau san phẳng quả đồi nhưng chừa lại một khoảnh đất hình tròn nhô lên để con cháu đời sau biết được rằng ngày xưa nơi đây từng là một quả đồi. Vào mùa thu hoạch lúa, người Dao Tiền cúng tạ ơn Thổ công.Từ ngôi làng, đi chừng 1,5km đến một ngọn núi khác, bắt đầu hành trình văn hóa độc đáo nhất ở đây: lấy sáp ong Khoái mang về in hoa văn trên váy áo của phụ nữ Dao Tiền.Những đàn ong Khoái bay đi, để lại những tổ sáp vàng óng cho người Dao Tiền in váy áo (Ảnh: Huy Thọ)Ong Khoái là loài ong cho mật chỉ đứng sau ong mật. Mật ong Khoái được khai thác và bán khá nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Ong khoái có tên khoa học là Apis Dorsata, còn được gọi là ong mật khổng lồ Đông Nam Á. Chúng có chiều dài tầm 2cm và được xem là loài ong dữ. Tổ ong Khoái rất lớn, có thể rộng cả mét vuông. Ngoài ong chúa và ong thợ, chúng còn có một lực lượng như là ong hướng đạo, luôn ghi nhớ những nơi từng làm tổ để quay về một cách chính xác (theo sách Các loài côn trùng Việt Nam). Chúng thường làm tổ trên vách đá ở độ cao tầm 60m. Tạp chí NatGeo từng có một bài viết công phu về vụ mùa khai thác mật ong Khoái ở Nepal, cũng là một đặc sản của người dân Nepal.Nhưng người Dao Tiền ở Hoài Khao không bao giờ khai thác mật. Họ chỉ có hai hang ong Khoái với khoảng 50 tổ ong. Chừng tháng 6 âm lịch, ong Khoái bay đi hết, để lại những chiếc tổ to vàng óng sáp ong và không còn một tí mật nào. Đến mùa xuân, các đàn ong Khoái mới quay về làm tổ. Sản phẩm duy nhất của ong Khoái mà người Dao Tiền ở Hoài Khao khai thác là sáp ong.Sau khi bầy ong bay đi, thầy mo coi ngày giờ lên lấy tổ. Năm nay, họ chọn ngày rằm tháng 7. Hôm ấy, họ sẽ làm lễ cúng, xong xuôi trai tráng trong xóm sẽ bắc giàn leo lên lấy tổ. Những chiếc tổ ong ấy mang về nấu lên rồi chia đều cho cả xóm. Người Dao Tiền dùng sáp ong Khoái vẽ những hoa văn ở chân váy phụ nữ. Trên những tấm vải màu trắng, họ lấy sáp ong vẽ hoa văn lên, rồi mang đi nhuộm chàm. Những đường vẽ bằng sáp ong Khoái để lại trên trên váy chàm những hoa văn đẹp mắt màu trắng ngà. Các phụ nữ Dao Tiền dùng sáp ong Khoái in váy áo (Ảnh: Mác Kham)Chẳng ai biết những đàn ong ấy di cư đi đâu, nhưng những người già nhất của xóm Hoài Khao nói rằng nhiều đời nay họ vẫn chỉ đợi những đàn ong bay đi, để lại cho những chiếc tổ đầy sáp ong quý, và rồi đàn ong lại bay về...Hoa văn sáp ong màu trắng ngà ở chân váy (Ảnh: Huy Thọ)Những người đàn ông Dao Tiền nấu bếpNhững người Dao Tiền mới làm homestay tiếp đón khách bằng tấm lòng hồn hậu vốn có. Mấy ngày trước khi đến Hoài Khao, tôi nhắn tin cho Nhất để "xin thực đơn". Anh chàng im thin thít hai ngày liền. Tôi gọi hỏi thì Nhất bảo: "Chắc bọn cháu không tiếp được rồi, vì ở đây không có thực đơn ạ". Tôi ngỡ ngàng nói: "Mình không xin thực đơn để đặt món như dưới xuôi đâu, mà chỉ hỏi để đặt cho vừa sức ăn thôi. Vậy thì người Dao Tiền ăn gì cho bọn mình ăn y như thế nhé". Khi ấy, Nhất mới cười sảng khoái: "Vâng, thế là bọn cháu yên tâm rồi!"Bữa cơm tối đầu tiên ở Hoài Khao, Nhất bưng lên một mẹt to. Trên mẹt trải lá chuối, sắp xếp thật đẹp 9 món ăn. Nhất trịnh trọng giới thiệu: Đây là gà đồi luộc. Đây là thịt ba chỉ lợn cắp nách luộc cuốn lá sung. Đây là cá chép ruộng rán. Đây là lạp xưởng hun khói treo gác bếp. Đây là ốc ruộng om lá lốt. Đây là rau bí ngô xào tỏi. Đây là lõi cây báng xào thịt nạc. Đây là lá thao tuồn xào lòng gà. Lá thao tuồn là một vị thuốc của người Dao Tiền dùng để chữa bệnh đường ruột, tiêu hóa, hơi đắng nhân nhẩn một tí nhưng rất thơm. Đây là lá cây phi-ác-pàn xào lõi chuối rừng, ăn vào dễ ngủ. Đây là canh hoa chuối rừng ninh đỗ tương. Và bát nước chấm dùng để chấm thịt, cá được chế biến từ tiết gà, lá chanh thái chỉ, mắc khén... Mẹt thức ăn tỏa hương gia vị thơm nức.Mâm cơm đẹp mắt, ấn tượng và rất ngon của người Dao Tiền (Ảnh: Huy Thọ)Anh chủ tịch Hội Nông dân xã đi làm về thì lao vào bếp nấu nướng. Cô vợ đi hái các loại lá cây rừng, chuối rừng. Chu Thị Hạnh, vợ Nhất, cười: "Ngày thường ở nhà cháu đều thế ạ. Anh ấy nấu ăn chính, cháu chế biến lặt vặt. Đàn ông người Dao Tiền phần lớn đều phụ vợ chuyện bếp núc ạ". Để cưới được một người vợ Dao Tiền, nhà trai phải sính lễ 6kg bạc (chừng 130 triệu đồng), nên nấu ăn cho vợ hẳn cũng là để tiếp nối sự trân quý người phụ nữ của những người đàn ông nơi này.■ Tags: Du lịch Cao BằngThị trấn Nguyên Bình (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng)Hoài KhaoHoa văn sáp ongNgười Dao TiềnHomestayHomestay Hoài Khao
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận đượ'".