Liệu có thể kìm cương đô la Mỹ?

NGUYỄN VŨ 15/10/2022 09:11 GMT+7

TTCT - Đồng đô la Mỹ mạnh đang gây muôn vàn khó khăn cho nền kinh tế nhiều nước, dù có thể ngay cả Mỹ cũng không mong muốn. Có cách nào để thoát khỏi tình trạng này không?

Liệu có thể kìm cương đô la Mỹ? - Ảnh 1.

Ảnh: Wall Street Journal

Người bán cà phê ở Malaysia, người nhập khẩu đồ gỗ ở Hàn Quốc, hay người mua xăng ở Philippines đều đang phải trả giá cao hơn cho hàng hóa họ mua chỉ đơn giản vì cà phê, đồ gỗ, xăng dầu nhập khẩu đều được tính bằng đô la Mỹ. 

Đồng nội tệ mất giá, họ phải tìm cách nâng giá bán mới đổi được đúng khoản đô la như trước để mua hàng. Tình cảnh này đang diễn ra với muôn ngàn mặt hàng ở hầu hết các nước trên thế giới. Từ đó đặt ra câu hỏi: nước Mỹ muốn duy trì "đặc quyền" có đồng tiền được sử dụng trong giao thương, đầu tư quốc tế thì phải có trách nhiệm bảo đảm sự ổn định của nó chứ?

Tiền lệ lịch sử

Đầu thập niên 1980, đô la Mỹ cũng tăng giá vùn vụt, từ 1980 đến 1985, đồng tiền này tăng giá đến gần 50% so với nhiều ngoại tệ khác. Nguyên do cũng bởi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục nâng lãi suất để chống lạm phát y như bây giờ. Lúc đó đô la Mỹ mạnh không chỉ gây khó khăn cho nhiều nước, nó làm tê liệt hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Mỹ vốn bán hàng đi khắp thế giới, rõ nhất là ngành sản xuất xe hơi.

Đô la Mỹ tăng giá thì dù nhà sản xuất giữ nguyên giá cũ, hàng hóa xuất khẩu từ Mỹ vẫn sẽ đắt lên tương ứng với mức tăng tỉ giá. Các công ty Mỹ than trời vì không bán được hàng, nên gây sức ép với chính phủ, đòi phải có giải pháp đưa giá đô la xuống mức cũ.

Thoạt tiên chính quyền thời đó của tổng thống Ronald Reagan không muốn can thiệp, nhưng dần dà thâm hụt thương mại lớn dần do Mỹ không bán được hàng buộc họ phải nhượng bộ. Năm 1985, các nước Mỹ, Anh, Đức, Pháp và Nhật đã ngồi xuống bàn bạc và ký thỏa ước cùng nhau can thiệp vào thị trường ngoại hối để giảm giá đô la.

Thỏa ước này được gọi là Plaza Accord vì được ký tại khách sạn Plaza, thành phố New York. Sự phối hợp này thành công - đến cuối năm 1987 đô la Mỹ mất một nửa giá trị so với đồng yen và đồng mác Đức. 

Tuy nhiên Plaza Accord chỉ giúp Mỹ giải quyết thâm hụt thương mại với các nước châu Âu; Mỹ vẫn nhập hàng nhiều hơn bán hàng cho Nhật. Sau đó Mỹ ký tiếp thỏa ước Louvre vào năm 1987 để chặn lại đà mất giá của đô la Mỹ.

Có thể tìm kiếm một Plaza Accord mới?

Nếu mở báo ra đọc, sẽ thấy nhiều nước đang than đô la Mỹ mạnh quá, họ không can thiệp nổi, dù có đem dự trữ ngoại tệ ra bán. Từ đó nảy sinh nhiều ý kiến đòi phải có một thỏa ước mới tương tự Plaza Accord để cứu lấy nền kinh tế thế giới. 

Áp lực này rõ đến nỗi Steve Barrow, một lãnh đạo Ngân hàng Standard, nhận định chỉ là vấn đề thời gian trước khi các nhà làm chính sách toàn cầu ngồi lại với nhau để phối hợp hành động nhằm kìm cương đồng đô la Mỹ.

Tuy nhiên nhiều phân tích cho thấy nước Mỹ hiện giờ không vội và chẳng mặn mà gì với ý tưởng đó. Nên biết hồi năm 1985, Mỹ ký Plaza Accord khi đã kiềm chế được lạm phát, còn bây giờ thì chưa. 

Lạm phát tháng 8-2022 ở Mỹ so với cùng kỳ năm trước vẫn ở mức 8,3%. Vì thế Hãng tin Bloomberg trích ý kiến một chuyên gia tài chính nhận định: "Hầu như không có khả năng Bộ Tài chính Mỹ can thiệp để làm suy yếu đồng đô la".

Một khác biệt nữa là quy mô của thị trường ngoại hối giờ đã khác xa nửa thế kỷ trước. Doanh số bình quân một ngày của thị trường ngoại hối quốc tế hiện lên đến 6.600 tỉ đô la, theo số liệu năm 2019 của Ngân hàng Thanh toán quốc tế, so với 5.100 tỉ đô la cách đó mới 3 năm, và càng là khổng lồ so với năm 1985.

Thêm vào đó, đồng đô la mạnh hiện chưa gây khó khăn nhiều cho doanh nghiệp Mỹ như thời thập niên 1980, nên họ chưa có động thái gì đáng kể với Chính phủ Mỹ. 

Trong các buổi điều trần của lãnh đạo Fed và Bộ Tài chính Mỹ trước quốc hội, hầu như không có ý kiến nào đề cập đến mức tăng giá của đô la - chống lạm phát vẫn là ưu tiên số 1. 

Ở hướng này đồng đô la mạnh giúp giảm bớt giá hàng nhập khẩu, hỗ trợ tăng trưởng, nên Chính phủ Mỹ vẫn sẽ theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất bất kể, và có thể sẽ làm giá đô la càng tăng.

Cuối cùng, khác với năm 1985, hiện vai trò của Trung Quốc - một đối tác thương mại lớn của Mỹ - là không thể không tính đến. Một thỏa ước về tỉ giá không có sự tham gia của Trung Quốc khó lòng thực thi được, trong khi hiện dù nhân dân tệ chịu áp lực mất giá so với đô la, đồng tiền này chưa mất giá đến mức khiến Trung Quốc phải ngồi lại tìm giải pháp.

Dùng đồng tiền khác để mua bán?

Nhưng Mỹ không thể một mình một chợ mãi được. Có một yếu tố họ không thể không tính đến: vai trò của đô la trong giao thương và đầu tư quốc tế có thể lung lay khi quá nhiều nước không muốn để nền kinh tế phụ thuộc quá mức vào sự lên xuống của đồng bạc xanh như hiện nay. 

Ngay cả khi đô la Mỹ ổn định, các nước bị Mỹ cấm vận vẫn tìm cách giao thương với nước khác mà không sử dụng đồng đô la, như Nga, Venezuela, Iran, Trung Quốc. Đã có nhiều thỏa thuận giữa các nước theo hướng này, như hồi tháng 3, Saudi Arabia bàn chuyện bán dầu cho Trung Quốc lấy nhân dân tệ thay vì đô la Mỹ.

Tháng 7 vừa qua, Ngân hàng trung ương Trung Quốc tuyên bố phối hợp với Ngân hàng Thanh toán quốc tế và 5 nền kinh tế Indonesia, Malaysia, Hong Kong, Singapore và Chile để dần đưa nhân dân tệ vào thanh toán giữa họ với nhau. Nga thì đã chuyển sang sử dụng nhân dân tệ làm đồng tiền dự trữ (lên đến 17%) khi dự trữ bằng đô la Mỹ của họ ở nước ngoài bị đóng băng.

Hiện chưa có đồng tiền nào khác có triển vọng thực sự thay thế đô la Mỹ làm phương tiện thanh toán phổ biến trong ngoại thương. 

Muốn đóng vai trò này, nhân dân tệ chẳng hạn, phải được chuyển đổi tự do, tỉ giá theo đúng cung cầu của thị trường; Trung Quốc phải gỡ bỏ các rào cản kiểm soát vốn, để đồng tiền tự do lưu thông - toàn những chuyện họ chưa và không biết bao giờ mới chịu làm. Hiện nhân dân tệ chỉ chiếm 3% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu, so với 87% của đô la Mỹ.

Một chọn lựa khác là đẩy mạnh sử dụng tiền số và dàn xếp một cơ chế giao thương trong đó mỗi nước sử dụng đồng tiền của mình, nhưng là phiên bản số. 

Chẳng hạn một dự án của các nước Singapore, Malaysia, Úc và Nam Phi đang hướng tới hệ thống chung sử dụng tiền số của từng nước để thử nghiệm thanh toán không cần qua trung gian đô la Mỹ. 

Với công nghệ mới, một ngân hàng Singapore có chi nhánh ở Sydney hoàn toàn có thể chuyển cho ngân hàng Malaysia một khoản tiền đô la Úc ở dạng số, rồi nhận lại khoản ringgit tương đương cũng ở dạng số. 

Ngân hàng trung ương của các nền kinh tế Trung Quốc, Hong Kong, Thái Lan và UAE cũng vừa hoàn thành dự án kết nối đồng tiền số của họ mang tên mBridge, và đã thử nghiệm thành công 160 giao dịch trị giá 22 triệu đô la.

Biết đâu tình hình khó khăn do đô la Mỹ gây ra sẽ thúc đẩy hơn nữa các dự án như thế, buộc Washington phải nhượng bộ trong một Plaza Accord mới để duy trì vị thế của chính họ trên thương trường quốc tế. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận