Lộ trình một cuộc đời lầm lỗi

ĐĂNG BẨY (LENTA.RU, GAZETA.RU) 16/12/2013 00:12 GMT+7

TTCT - Evgeny Vodolazkin - một nhà nghiên cứu khoa học Nga - vừa đoạt giải thưởng văn học danh giá của đất nước: giải thưởng “Sách lớn”.

Phóng to
Evgeny Vodolazkin

Giải thưởng văn học “Sách lớn” mùa thứ 8 (2012-2013) vừa vinh danh nhà thơ nổi tiếng Evgeny Evtushenko với giải đặc biệt về thành tựu, giải ba cho tiểu thuyết Kẻ trộm, gián điệp và sát nhân của Yuri Buida, giải nhì cho cuốn biên khảo Gumilyov con của Gumilyov (Sergei Beliakov) và giải nhất cho tiểu thuyết Nguyệt quế (Evgeny Vodolazkin).

Kế thừa truyền thống Lev Tolstoy

Là tiến sĩ khoa học làm việc tại Viện Văn, chuyên sâu về văn học Nga cổ, cách nay ba năm E. Vodolazkin (sinh năm 1964) đã trình làng tiểu thuyết Soloviev và Larionov (2009) - kể về một nhà sử học hiện đại với nhân vật của mình, một viên tướng của quân Bạch Vệ - và tác phẩm đầu tay lọt ngay vào chung khảo giải “Sách lớn” năm đó.

Tiểu thuyết thứ hai của ông - Lavr (Nguyệt quế) - nhận giải nhất “Sách lớn” (3 triệu rúp) sau khi giành giải “Yasnaya Polian” ở hạng mục “Thế kỷ XXI” tôn vinh người kế tục truyền thống của văn hào Lev Tolstoy.

Nguyệt quế gồm bốn phần: Sách giác ngộ, Sách từ bỏ, Sách lộ trình và Sách an lạc. Cốt truyện xoay quanh nhân vật chính Arseny hồi thế kỷ XV, từ bé được nuôi dưỡng bởi ông nội - một người thông thái, có pháp thuật, thông thạo thảo dược và am hiểu luật đời. Cậu trở thành một thầy lang giỏi, chữa nhiều bệnh giúp con người vượt qua nỗi sợ của bản thân. Nhưng “dao sắc không gọt được chuôi”, Arseny đã không kịp về cứu sinh mạng người mình yêu dấu khi nàng vượt cạn.

Vô cùng ân hận, Arseny làm cho thân hình mình tật nguyền dị dạng, cải tên, làm tu sĩ lang thang bốn phương rồi mang một cái tên hoàn toàn mới Lavr (Nguyệt quế), ở ẩn trong hang động nơi thâm sơn cùng cốc. Nhân vật chính đã chết như một vị thánh tử vì đạo. Trong đám tang ông, người ta tranh luận sôi nổi về lẽ sống của thầy thuốc, của người bệnh và nhiều tình cảm khác…

Nguyệt quế được tác giả nhấn mạnh ở ngay bìa “không là tiểu thuyết lịch sử”, nhưng chứa đựng bức tranh đời sống thế kỷ XV của nước Nga nói riêng, của châu Âu và Á Đông nói chung.

Phóng to
Bìa sách Nguyệt quế

Tích cổ viết cho thời nay

Là tiểu thuyết có cấu trúc phức hợp nhưng không để các chi tiết đời sống nước Nga thời cổ làm bội thực độc giả ngày nay, Nguyệt quế kể về nước Nga thời Trung cổ mà không cách điệu hóa. Tác giả chọn cách kể tuần tự chuyện đời nhân vật từ sinh ra đến chết đi năm 1492, thỉnh thoảng xen vào một chuyện của thời hiện đại (Đức ném bom năm 1942 trúng chỗ xưa là ngôi nhà gỗ của nhân vật, hoặc chuyện đáng thẹn của một nhà khảo cổ học nhát gan năm 1960).

Tác giả sử dụng giọng văn đa thanh cho nhiều vấn đề, cả triết học, cả tín ngưỡng, nghiêm túc nhưng không thiếu chất hài hước cho phù hợp người đọc thời nay, giữ được cân bằng giữa tích cổ mờ ảo với hiện thực nóng bỏng. Với Nguyệt quế, E. Vodolazkin được ví với Umberto Eco - tác giả Tên của hoa hồng.

Khi được hỏi về cách xử lý nhân vật xuất phát từ vốn ngữ văn thời Trung cổ, tác giả kể: “Những kinh nghiệm tôi thâu lượm được qua quá trình nghiên cứu văn học cổ, những chuyện tôi có thể nói thì rất ít người biết tới, bởi mấy ai còn quan tâm đến thời Trung cổ… Trong nhà, thỉnh thoảng cao hứng, tôi vẫn nói theo kiểu cổ, dùng những lời cổ còn phù hợp với ngôn ngữ hiện đại. Các nhân vật trong truyền thuyết và văn bản cổ là tiền bối văn học của nhân vật Lavr”…

Một độc giả bình thường đọc sách xong đã gửi tới lời tâm sự: “Đây là lộ trình của một con người với những lỗi lầm và hoạn nạn. Đọc xong, độc giả có thể biết hết tâm hồn bí ẩn của người Nga rồi gấp sách lại và thấy nhẹ nhõm trong tim, sáng sủa trong đầu”.

“Nguyệt quế nói về những sự vật không nhãn tiền, không thực tế, không tốc độ cho lắm - đó là những câu chuyện đan cài giao thoa về Thượng đế, về đức tin và về lịch sử nên trên nền thời đại hiện nay, nó trúng hồng tâm. Bởi vì đây là một con người suốt đời hành động không vì danh lợi, không vin vào những lý do khách quan - đó mới chính là hình tượng trung tâm của thời đại chúng ta, một thời đại chỉ thúc đẩy ta hành động sao cho bản thân nhận được lợi quyền, tiện ích. Đây là một hình tượng khác của hạnh phúc” - giáo sư Dmitri Bak, cố vấn ban giám khảo.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận