TTCT - Không có luật nào phức tạp và tốn nhiều giấy mực công sức của giới học thuật cũng như cơ quan làm luật như Luật đất đai. Cho đến nay, sau 10 năm áp dụng, luật mới nhất năm 2013 để lộ rõ nhiều bất cập, đã có nhiều lần dự thảo sửa đổi luật này được nâng lên đặt xuống, và mới nhất, nó lại sẽ được trì hoãn đến một kỳ họp khác trong tương lai của Quốc hội. Bản thân sự trì hoãn này cũng chỉ ra một phần sự phức tạp của vấn đề đất đai - trong cả quá khứ lẫn tương lai. Bản chất về đất đai là tổng hợp trong đó cả về triết học, chính trị học lẫn lý luận luật học, bài viết này không dám đề cập đến những vấn đề cao xa đấy, mà chỉ bàn đến những ảnh hưởng thực tế đến cuộc sống hiện tại.Cuộc tranh luận quyền sở hữuĐiểm chủ yếu gây tranh cãi của Luật đất đai là quyền sở hữu. Giới học thuật cho rằng trong khi kinh tế thị trường là quy luật vận động chủ yếu dựa trên đa sở hữu, đa thành phần, thì việc quy định đất đai là tài sản có sở hữu toàn dân là điều bất hợp lý, bởi khái niệm “toàn dân” là một khái niệm chủ thể mơ hồ.Trong khi đó, cơ quan làm luật lại áp dụng giải thích luật, với quy định hiện tại, vào nhiều loại hình đất đai - ví dụ như đất ở, người dân hầu như đã có quyền sở hữu mảnh đất của họ, bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Chỉ có quyền thay đổi mục đích sử dụng là do Nhà nước quyết định, điều này thì ở nhiều nước trên thế giới cũng vậy (tuy nhiên, hình thức và thủ tục có thể khác nhau, liên quan tới sự tham gia của các tổ chức xã hội), từ những nước có quyền tư hữu hoàn toàn về đất đai, tới các nước mà trên danh nghĩa đất đai thuộc về một nhà quân chủ. Việc quy định sở hữu toàn dân có cơ sở xã hội và lý luận của nó - theo lý giải của những người làm luật - là nền tảng để bảo vệ người yếu thế, tránh tình trạng bần cùng hóa một số tầng lớp dân chúng và giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo, phân hóa giai cấp…, vốn là mục đích tối quan trọng với thể chế xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam lựa chọn. Còn với giới học thuật phê phán, họ cho rằng người dân đủ thông minh để quyết định sử dụng tài sản của họ, bao gồm đất đai, như thế nào cho hợp lý nhất với họ, thay vì để Nhà nước bảo hộ. Bài học của kinh tế tư nhân trong thương mại và công nghiệp là minh chứng cho việc lo lắng thay cho người dân là điều Nhà nước cũng có khi làm không đúng.Một ví dụ cập nhật: Trong năm 2022, TP.HCM không cấp mới cho một dự án nhà ở giá rẻ hay nhà ở xã hội nào và số căn hộ kiểu này được đưa vào sử dụng là… 260 căn, bằng 1/10 số phòng ký túc xá mà một công ty của Nhật ở một khu công nghiệp quy mô dạng bé tại Hải Dương xây cho công nhân của họ, cụ thể, đó là Công ty Brother ở Khu công nghiệp Cẩm Giàng - Hải Dương.Thêm vào đó, việc đại diện của Nhà nước gây ra nhiều rắc rối, thậm chí để lại nhiều vụ tranh chấp đất đai nhức nhối, đặc biệt là ở các vùng ven thành thị, nông thôn suốt bao nhiêu năm qua, không khỏi khiến những người phản biện có lý do để nghi ngờ vai trò công tâm của đại diện Nhà nước trong việc bảo vệ người dân yếu thế, dù chắc chắn không thể phủ nhận ý định tốt đẹp ban đầu của quy định đất đai sở hữu toàn dân.Tuy nhiên, cũng dễ hiểu là những thay đổi lớn với một loại tài sản đặc biệt như đất đai - không chỉ bởi giá trị, mà còn bởi cả ý thức và tâm lý tập thể đã rất lâu đời của một quốc gia nông nghiệp - không thể diễn ra quá đột ngột. Với những người đại diện luật pháp, nếu áp dụng đa sở hữu đất đai vào thời gian này, sẽ gây ra xáo trộn ở mức khó kiểm soát với đất nước - vốn đã có quá nhiều bài học đau đớn liên quan đến đất đai trong những cuộc cải cách lớn.Các bên có lợi ích liên quanNhững lập luận của các bên đều có những bài học thực tế để chứng minh, họ đều có lý. Sự bần cùng hóa của một số dân cư ngoại thành sau khi bán đất, gồm các ví dụ như ở quận 2 (cũ), TP.HCM, khi khu đô thị Thủ Thiêm ra đời, hay quá trình đô thị hóa ở khu vực Mỹ Đình, Hà Nội cuối những năm 1990, không phải là cá biệt. Việc người nông dân ở nhiều vùng sau khi bán hết ruộng đất, bởi không thoát khỏi mánh lới ngon ngọt của những người lão luyện hơn, đã không còn cả đất đai lẫn kỹ năng sinh tồn ở một môi trường khác... đã và đang diễn ra.Kể cả khi người dân có một trình độ nhận thức cao hơn, thì họ cũng khó có thể có được một sự bình đẳng tương đối để là người không thua cuộc trong ván bài sở hữu đất đai tư nhân hóa hoàn toàn. Vấn đề xuất phát từ một khái niệm khác ngoài việc sở hữu: chuyển đổi mục đích sử dụng đất - thứ chỉ đại diện Nhà nước có quyền.Một đám ruộng èo uột cách trung tâm thành phố 3-5km sẽ trở thành một đống vàng nếu khu đất đấy được phê duyệt trở thành khu đô thị trong tương lai. Việc quy hoạch, xem xét và phê duyệt đấy thuộc về trách nhiệm của những người đại diện cho Nhà nước - mà họ làm việc có nhiệm kỳ, và trong rất nhiều trường hợp thực tế, quy hoạch đấy người biết sau cùng lại chính là những người đang giữ sổ đỏ các mảnh ruộng kia.Nhà nước sẽ thu được thuế và phí chuyển mục đích sử dụng đất, tính theo khung giá quy định thường là thấp hơn rất nhiều với giá thị trường. Nhà đầu tư sẽ có một mảnh đất gần một trục đường mở ra trong tương lai. Và người cuối cùng trong chuỗi lợi ích đấy - thường là người hưởng lợi ít nhất, chính là chủ gốc của mảnh ruộng kia.Chúng ta có thể trả lời như thế nào cho không biết bao nhiêu trường hợp hàng mấy chục năm qua, các lãnh đạo hàng tỉnh - thành phố, mà mới nhất là ở Bình Thuận, đều vướng lao lý vì đất đai? Luật đất đai hiện tại với những quy định hướng đến điều tốt đẹp cho người dân, nhưng thực tế lại xảy ra quá nhiều bất cập, nhiều đến mức không thể chỉ coi là những hiện tượng đơn lẻ. Câu hỏi đặt ra là vấn đề nằm ở luật hay người áp dụng luật? Hay cả hai?Dự thảo Luật đất đai sửa đổi dự tính đệ trình Quốc hội tới đây đang hướng đến sự rõ ràng hơn về trách nhiệm của người đại diện Nhà nước, giảm thiểu đặc quyền vừa đá bóng vừa thổi còi của cơ quan công quyền, gỡ bỏ các quy định chồng chéo để đất đai là đòn bẩy, là nguồn lực phát triển kinh tế, thay vì là rào cản.Việc thông qua Luật đất đai mới, ngoài những khó khăn chồng chất như nói ở trên, còn vướng mắc vấn đề kỹ thuật. Luật đất đai thay đổi sẽ liên quan tới rất nhiều các văn bản pháp quy quan trọng và có phạm vi điều chỉnh rất rộng khác, có thể kể ra Luật xây dựng, Luật tài nguyên môi trường, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật nhà ở… Nên năm lần bảy lượt nó bị trì hoãn, cũng là điều có thể hiểu được.Phương thức và trình độ của lực lượng sản xuấtMột vấn đề lưỡng nan có thể xảy ra trong tương lai: Luật khi sửa đổi theo hướng dễ dàng hơn cho doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp tích tụ ruộng đất và doanh nghiệp xây dựng, bất động sản gặp ít rào cản hơn để xây khu đô thị mới và chung cư cho người dân, thì người nông dân vẫn có thể sống được hay không, và giá nhà đất có vì vậy mà tiệm cận hơn với thu nhập thực của đa số người dân? Có lẽ không ai dám trả lời câu hỏi đấy, dù ai cũng mong mỏi câu trả lời sẽ là có.Thực tế diễn ra ở Việt Nam về tình hình sử dụng và chuyển nhượng đất đai có thể phần nào minh họa cho tuyên ngôn của nhà xã hội học nổi tiếng bậc nhất thế giới Karl Marx: “Phương thức sản xuất phải phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất”. Kiến giải cụ thể qua tình hình ở Việt Nam hiện nay, việc đưa ra một bộ luật đất đai sửa đổi phù hợp, như là “dò đá qua sông”.Đá ở đây là những trở lực mà cả xã hội đang tạo ra, từ tâm lý tiểu nông, ước mơ sở hữu mảnh đất cắm dùi của người dân, sự ham mê lợi nhuận khủng của doanh giới bất động sản, trình độ, tâm và tầm của giới quan chức và sự chồng chéo nhiều vùng xám của các bộ luật… Những rào cản đấy, không một bộ luật tiên tiến nào có thể giải quyết rốt ráo, thậm chí là trong một vài thế hệ. ■Ngày 12-4, trong buổi làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Chỉ đạo tổng kết nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về pháp luật đất đai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông báo việc tổng kết nghị quyết 19 đã được triển khai từ năm 2021, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo. Chính phủ cũng đang tiến hành tổng kết Luật đất đai 2013, dự kiến trình Quốc hổi sửa đổi toàn diện luật này trong năm 2022-2023. Ông Vương Đình Huệ nói mục tiêu của công tác lập pháp sắp tới là nhằm quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả hơn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay khi có khoảng 70% số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Bài toán nguồn lực đất đai Tiếp theo Tags: Luật đất đaiĐất đaiĐất nông nghiệpPháp luật đất đaiMa trậnMục đích sử dụng đất
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM: Metro 1 chạy trong năm 2024 là mục tiêu phải làm được CHÂU TUẤN 12/10/2024 Tân Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM khẳng định mục tiêu không thể thay đổi này trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ Online.
Luật Nhà giáo: Nâng thu nhập, vị thế người thầy VĨNH HÀ 12/10/2024 Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã chia sẻ về những điểm mới đặt ra ở dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó có nội dung đang gây tranh cãi.
Tin tức sáng 12-10: Quỹ bảo hiểm xã hội dư 1,2 triệu tỉ đồng, chủ yếu dùng đầu tư trái phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 12/10/2024 Ngân hàng HSBC nhận định tăng trưởng kinh tế của Việt Nam gây "bất ngờ"; Có tới 1,3 triệu người Việt sống chung với bệnh mạch vành.
Thường trực Ban Bí thư Lương Cường hội kiến ông Tập Cận Bình THANH HIỀN 11/10/2024 Ngày 11-10 tại Bắc Kinh, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và hội đàm với Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Thái Kỳ.