TTCT - Có những giọt nước làm tràn ly: tình hình Biển Đông trong những năm qua khiến hầu hết các nước cảm thấy khó có thể chịu đựng sự lấn át từ Trung Quốc thêm nữa. Indonesia và Malaysia tuần trước đã cho thấy đâu là giới hạn của sự chịu đựng. Hải quân Indonesia vừa tổ chức tập trận lớn ngày 21-7. Ảnh: indonesiaexpat.bizLiên tiếp trong hai ngày 29 và 30-7, hai nước láng giềng Malaysia và Indonesia lần lượt bày tỏ chính kiến và thái độ trước một Trung Quốc ngày càng áp đặt. Hôm thứ tư 29-7, Malaysia gửi công hàm cho tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) bác bỏ các yêu sách trên Biển Đông của Trung Quốc, khẳng định “đường chín đoạn” vi phạm nghiêm trọng UNCLOS 1982.Qua hôm sau 30-7, trong cuộc họp trực tuyến với người đồng cấp của Trung Quốc Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh rằng Trung Quốc - với tư cách là một bên ký kết Hiệp ước Thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC) - cần tuân thủ quy tắc ứng xử khi giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông với các nước trong khu vực.Malaysia đáp trảVề hành động mới này của Chính phủ Malaysia, nhà nghiên cứu Shahriman Lockman thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (ISIS) của Malaysia hôm 30-7 tweet: “Malaysia đã nhấn mạnh lập trường pháp lý lâu đời của mình trên Biển Đông trong một công hàm của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS)”.Tác giả cho biết: “Công hàm đặc biệt viện dẫn công hàm CML/14/2019 ngày 12-12- 2019 của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và không đề cập đến các phản biện tiếp theo của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa với các công hàm của Philippines, Việt Nam, Indonesia và Hoa Kỳ”.Đọc công hàm HA 26-20 của Malaysia vừa gửi nhằm trả lời công hàm ngày 12-12-2019 của Trung Quốc, nêu rõ lập trường của Malaysia như sau: “Liên quan đến khẳng định của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trong các đoạn hai và ba của công hàm [CML/14/2019], Chính phủ Malaysia bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử, quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán khác liên quan đến các khu vực hàng hải trên biển Hoa Nam [tức Biển Đông], bao gồm những phần có liên quan đến “đường chín đoạn”, do lẽ chúng trái với công ước [UNCLOS] và không có hiệu lực pháp lý trong phạm vi vượt quá giới hạn địa lý và thực chất quyền lợi hàng hải của Trung Quốc theo công ước.Về mặt này, Chính phủ Malaysia cho rằng yêu sách của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa với các thực thể hàng hải ở Biển Đông là không có cơ sở theo luật quốc tế. Do đó, Chính phủ Malaysia bác bỏ toàn bộ nội dung công hàm của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”. Tóm tắt: Malaysia bác bỏ toàn bộ các yêu sách của Trung Quốc dựa trên “đường chín đoạn”.Tính ra đã mất hơn 7 tháng tính từ ngày Trung Quốc phản bác đệ trình ngày 12-12-2019 của Malaysia gửi CLCS bằng công hàm CML/14/2019 cùng ngày, Malaysia mới đưa ra câu trả lời rõ ràng và dứt khoát ở trên. Suốt thời gian đó, các nước khác - Philippines, Việt Nam, Indonesia, rồi thì Mỹ và cả Úc - đã lần lượt ra công hàm bác bỏ “đường chín đoạn”.Sự im lặng của Malaysia là điều khiến báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) hôm 18-7 còn đặt câu hỏi: “Tại sao Malaysia lại im lặng về biển Hoa Nam [Biển Đông]?” và bình luận: “Malaysia và Brunei đã không ồn ào bằng Việt Nam và Philippines trong việc đặt câu hỏi về các yêu sách trên biển của Trung Quốc, ngay cả sau khi [Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ] Mike Pompeo đã ra tuyên bố”.Tờ báo phát hành tại Hong Kong viết: “Malaysia và Brunei là hai trong bốn quốc gia Đông Nam Á phản đối các yêu sách mở rộng của Bắc Kinh tại Nam Hải [Biển Đông], mà giao thương vận tải quốc tế trị giá 3,4 nghìn tỉ đôla mỗi năm đi qua. Nhưng không giống Việt Nam và Philippines, hai nước này đã ít đưa ra tuyên bố công khai về vấn đề này, ngay cả khi Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo và phái tàu hải giám cùng tàu khảo sát đến khu vực giàu tài nguyên này để tăng cường yêu sách chủ quyền”.SCMP còn đưa ra những giải thích theo ý chủ quan của họ, tỉ như cho rằng do tân Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein, mới nhận chức hồi tháng 3 năm nay, có phần “lạnh cẳng” hơn nên chủ trương “nỗ lực ngoại giao” với Trung Quốc, hi vọng các tàu hải giám và tàu dân quân đánh cá của Trung Quốc rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, đặc biệt là khu vực tàu khoan dầu West Capella đang thăm dò dầu khí theo hợp đồng với Hãng dầu quốc nội Petronas.Nhưng Malaysia không/chưa lên tiếng chính thức không có nghĩa là họ im lặng. Cũng SCMP dẫn lời chính Bộ trưởng Hishammuddin: “Lập trường của chúng tôi không có gì thay đổi so với trước” và nhà nghiên cứu Lockman nói “Malaysia không công nhận các yêu sách bành trướng mở rộng của Trung Quốc ở Nam Hải [Biển Đông], đồng thời duy trì các quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của mình trong khu vực”.Vậy Malaysia làm gì trong thời gian 7 tháng hơn đó, để rồi nay mới lên tiếng chính thức? Nếu nhìn lại, có thể giả đoán rằng Malaysia đã quan sát các nước láng giềng lần lượt phản ứng với Trung Quốc qua “cuộc chiến công hàm”, bắt đầu là Philippines, rồi tới Việt Nam và cuối cùng là Indonesia; Malaysia cũng đã quan sát phản ứng của các nước bên ngoài khu vực, bắt đầu là Mỹ và trong tuần rồi là Úc.Malaysia quan sát hành động gửi công hàm lên LHQ và nghiên cứu nội dung các công hàm mà mẫu số chung là dựa trên UNCLOS để bác bỏ các yêu sách từng bị Tòa Trọng tài (PCA) bác bỏ năm 2016, để rồi mới lên tiếng!Indonesia không dễ nắn gânNgay cả Indonesia, trước đây vẫn cố gắng giữ lập trường “nửa trong - nửa ngoài” với Biển Đông, nay cũng đã chính thức trở thành bên “trong cuộc” với công hàm mới rồi. Ngoại trưởng nước này Retno Marsudi, trong cuộc họp trực tuyến ngày 30-7 với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, tiếp tục nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần tuân thủ quy tắc ứng xử khi giải quyết tranh chấp ở Biển Đông với các nước trong khu vực.Đây thực ra là lời nhắc lại công hàm gửi LHQ ngày 26-5, trong đó Indonesia khẳng định “đường chín đoạn” của Trung Quốc thiếu cơ sở pháp lý và vi phạm UNCLOS 1982. Tiếp theo, trong một công hàm đề ngày 12-6 gửi LHQ, Indonesia nêu rõ: “Không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa được hưởng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hoặc thềm lục địa, do đó không có thực thể nào tại đây tạo ra vùng chồng lấn với EEZ hoặc thềm lục địa của Indonesia” và “không có quyền lịch sử nào tồn tại trong EEZ và thềm lục địa Indonesia đối với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Nếu bất kỳ quyền lịch sử nào tồn tại trước khi UNCLOS có hiệu lực thì các quyền này đã bị thay thế bởi UNCLOS 1982”.Trước đó một ngày, hôm 11-6, trong một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Retno Marsudi nhấn mạnh: “Dựa trên UNCLOS 1982, Indonesia không có vùng chồng lấn với Trung Quốc nên không tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào về phân định ranh giới với nước này” và “trên Biển Đông, Indonesia chỉ có chủ quyền chồng lấn với Việt Nam và Malaysia.Tuy nhiên, thông qua các thương lượng, Indonesia đã phân định thành công biên giới thềm lục địa với Việt Nam và Malaysia. Hiện Indonesia chỉ đàm phán phân định EEZ với hai quốc gia trên”. Tuyên bố này của Ngoại trưởng Retno Marsudi nhằm trả lời việc Trung Quốc đề xuất “mong muốn được giải quyết các yêu sách chồng lấn thông qua thương lượng và hòa giải với Indonesia để duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông”.Trường hợp Trung Quốc “khi không” đòi thương lượng với Indonesia để “giải quyết các yêu sách chồng lấn” là một minh chứng cho xảo thuật “lấy của người làm của mình”, vốn cũng là bản chất của “đường chín đoạn”!Để biểu thị quyết tâm bảo vệ chủ quyền, hôm 21-7, hải quân Indonesia tổ chức một cuộc tập trận kéo dài bốn ngày huy động 24 tàu chiến các loại, trong đó có hai khu trục hạm và bốn tàu hộ tống cùng tàu đổ bộ. Một phần của cuộc tập trận diễn ra gần đảo Natuna, nơi “chồng lấn” với “đường chín đoạn” của Trung Quốc.Cuộc tập trận này của Indonesia diễn ra sau khi Trung Quốc tập trận trong năm ngày, bắt đầu từ 1-7, gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đề đốc hải quân Indonesia Heri Purwono tuyên bố: “Ngay cả khi dịch virus corona bùng phát, năng lực đáp trả quân sự của chúng tôi vẫn không hề hấn gì”.Thiên hạ ai chẳng chuộng thái bình, song không phải là thái bình bằng mọi giá!■“Trong” và “ngoài” Biển ĐôngỞ đây nổi lên những diễn biến hoàn toàn mới so với lập trường cố hữu của Trung Quốc. Cho tới nay, Bắc Kinh luôn quả quyết rằng chuyện Biển Đông là của các nước “trong cuộc”, tức Trung Quốc và các nước láng giềng yếu thế hơn hẳn so với họ, “cấm chỉ” các nước “bên ngoài” can dự.Trung Quốc với “đường chín đoạn” đã yêu sách đến phần lớn diện tích mặt nước Biển Đông và cảnh cáo các nước khác chớ héo lánh vào. Sự “cấm chỉ” này đe dọa sự giao thương trong và trên Biển Đông, khiến các nước “bên ngoài” buộc phải thực thi quyền tự do thông thương và nay cùng nhau bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn”, nhất là vào lúc Trung Quốc đã bồi đắp và quân sự hóa xong các bãi đá, biến thành các tiền đồn quân sự có khả năng “chặn đường xét giấy” tàu bè, máy bay qua lại.SCMP 30-7 đưa tin phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường (Ren Guoqiang) cho biết hai máy bay ném bom H-6G và H-6J của nước này đã tập trận cường độ cao trên Biển Đông. Các máy bay này mô phỏng các cuộc cất cánh ban đêm, tấn công tầm xa và tấn công các mục tiêu trên biển. Động thái này là sự tiếp nối động thái đưa 8 máy bay chiến đấu J-11B và JH-7 ra đảo Phú Lâm, vốn của Việt Nam. Tags: Biển ĐôngTrung QuốcMalaysiaIndonesiaĐường chín đoạn
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII TTXVN 25/11/2024 Sáng nay 25-11, tại trụ sở Trung ương Đảng đã khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Mưa lớn, tháng 11 mà Huế ngập nặng, sập một căn nhà NHẬT LINH 25/11/2024 Mưa lớn ở Thừa Thiên Huế đã khiến một nhà dân bị sập làm 2 người bị thương, nhiều đường ở TP Huế bị ngập sâu, không thể đi lại.
Những điểm mới về chuyển tuyến, chi trả bảo hiểm y tế TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Dự kiến tuần này Quốc hội sẽ xem xét dự luật Bảo hiểm y tế sửa đổi với nhiều điểm mới như khám, chữa bệnh tại nhà được bảo hiểm chi trả...
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.