Mộ gió

Bài và ảnh QUỐC VIỆT 14/03/2004 00:03 GMT+7

TTCN - Những nấm mộ hoang, im lìm trên cát cháy, ngả bóng dài trong ánh chiều vàng vọt… Người ngư dân trẻ vái lạy bãi tha ma rồi dõi mắt ra đại dương. Trên đầu sóng ngọn gió, bao lớp người đã đi mà không trở về. Bí ẩn của những bãi tha ma bên triền biển kia là hàng hàng mộ gió nhưng không có hài cốt con người bên dưới. Đó là câu chuyện bi hùng trải dài theo lịch sử của con người trước biển...

Phóng to

Đảo Lý Sơn

TTCN - Những nấm mộ hoang, im lìm trên cát cháy, ngả bóng dài trong ánh chiều vàng vọt… Người ngư dân trẻ vái lạy bãi tha ma rồi dõi mắt ra đại dương. Trên đầu sóng ngọn gió, bao lớp người đã đi mà không trở về. Bí ẩn của những bãi tha ma bên triền biển kia là hàng hàng mộ gió nhưng không có hài cốt con người bên dưới. Đó là câu chuyện bi hùng trải dài theo lịch sử của con người trước biển...

Tôi ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) mùa biển động. Cảm giác say sóng vật vã. Cụ già hốc hác ngồi bên cạnh tôi mắt nhắm nghiền, tay khư khư ôm chặt tấm di ảnh người con trai 30 tuổi, một thủy thủ vừa mới bị bão tố nhấn chìm. Cụ lặn lội ra đảo để nhờ người hướng dẫn làm một nấm mộ gió cho con. “Ngần này tuổi đầu, tôi

Phóng to

Những mộ gió còn mới

chỉ có một đứa con duy nhất. Tôi không nỡ sinh nó ra trong trời đất, rồi lại để nó đi không một dấu vết gì!”. Và đó cũng là lý giải sự ra đời của mộ gió.

Quá khứ

Những ngày ở Lý Sơn, tôi đã được người dân đảo dẫn đi thăm nhiều bãi mộ gió cô. Gần bờ biển ngày đêm rì rào sóng vỗ, nấm mộ gió của cai đội Phạm Quang Ảnh và lính hải đội Hoàng Sa từ thời vua Gia Long vẫn còn lại với thời gian. Ngày xưa, các chiến binh của biển này đã theo lệnh vua ra đi bảo vệ chủ quyền biển và tìm sản vật nhưng không trở về được. Người thân ở nhà gạt nước mắt, làm đám tang theo nghi lễ chiêu hồn và an táng tượng trưng trong mộ gió để vong linh họ có thể an nghỉ nơi quê nhà.

Trong bóng chiều chập choạng, nấm đất dài khoảng 2m, ngang hơn 6m lơ thơ cỏ hoang nằm lọt thỏm phía sau ngôi miếu cổ An Hòa. Người địa phương kể trước đây đó là mười nấm mộ rời, quay đầu cùng phía, sau này được vun lại thành một nấm mồ chung. Ngoài phần mộ của Phạm Quang Ảnh và binh lính, còn có mộ gió của ông Võ Văn Khiết, cũng là một cai đội Hoàng Sa xưa, được người dân thôn Tây, Lý Sơn xem như Thành hoàng và tương truyền đã được phong Thượng đẳng thần. Tộc họ hai ông vẫn làm nhà thờ cúng tôn nghiêm đến tận ngày nay.

Lý Sơn là hải đảo tập trung nhiều mộ gió nhất miền Trung. Ngày xưa, đây là nơi ra đi không trở về của nhiều chuyến thuyền thuộc hải đội Hoàng Sa. Hải đội này có nhiệm vụ trấn giữ biển Đông và tìm kiếm sản vật. Đội này mỗi năm lại được bổ sung cho đủ 70 suất lính, đến tháng ba giong thuyền buồm khoảng ba ngày ba đêm ra khu vực Hoàng Sa để đo đạc thủy trình và tìm kiếm các sản vật quí của biển. Khi đi, họ mang theo lương thực và nước uống đủ dùng trong sáu tháng. Mỗi người lính được cấp phát một tấm chiếu, bảy đòn nẹp tre, bảy dây mây buộc và thẻ bài ghi rõ danh tánh, bản quán, phiên hiệu. Nếu có chết thì đồng đội lấy chiếu bó, tre nẹp, dây mây buộc xác lại để thả xuống biển. Người ta tin rằng hồn sẽ tìm về nhà, xác thân sẽ trôi về đảo.

Phóng to
Nấm mồ gió tập thể của Phạm Quang Ảnh và những người lính hải đội Hoàng Sa xưa
Phương tiện hải hành lúc bấy giờ chỉ là ghe bầu mỏng manh. Do sóng to gió lớn, lại thường xuyên gặp giặc biển, nhiều chuyến thuyền đã mãi mãi ra đi không một người trở về. Xác thân cũng không còn. Mỗi năm đến tháng hai âm lịch, người ta tổ chức lễ khao lề, tế lính Hoàng Sa kéo dài suốt mấy ngày với thuyền cúng, cờ, linh vị, và các hình nhân bằng bẹ chuối, bột gạo, rơm rạ hoặc giấy điều.

Trong thuyền có đủ cả: củi, muối, gạo, khô mắm - những thứ mà người lính Hoàng Sa thường mang theo trong chuyến đi biển. Sau đó, thuyền được đưa ra khơi cho trôi tự do trên biển Đông.
Riêng các gia đình có người chết mất xác trên biển còn tiến hành một lễ chiêu hồn khác để người thân được một nấm mộ như bình thường. Thi hài thật được thay bằng một tượng đất sét. Lịch sử xuất hiện mộ gió bắt đầu từ đó. Về sau, mộ cũng được làm nơi yên nghỉ vong linh của ngư dân, khách đi biển gặp bão tố, không tìm được thi hài...

Người chết trở về

Phóng to
Ông Võ Toại, người chủ tế hàng trăm lễ an táng mộ gió
Tìm đến nhà người đã tiến hành nhiều lễ an táng mộ gió trên đảo này. Tôi gặp ông Võ Toại, 66 tuổi, mới từ một đám tang trở về. Từng là chủ tế hàng trăm lễ an táng mộ gió. Ông cho biết để thay thi hài người mất, ông lên miệng núi lửa trên đảo moi đất sét về và theo mô tả của gia đình người chết, ông nắn thành hình nhân. Đàn ông thì có bảy nhánh xương sườn, đàn bà thì có chín nhánh. Kích thước hình nhân bằng kích thước người chết, được mặc đồ liệm giống như người thật...

Trong ký ức của ông Toại, sau những trận bão lớn, có khi phải làm lễ an táng một lúc cho cả chục ngư dân ra đi không trở về. Người ta dựng trại lớn bên triền biển, xắp dãy cả chục quan tài bên dưới, khói nhang nghi ngút cả vùng. Các hình nhân nắn xong được đặt nằm cạnh nhau với những linh vị úp trên mặt.

Xong phần chiêu hồn, mọi người tin rằng người chết mất xác đã trở về, vong hồn an nghỉ dưới nấm mộ gió.

Ở Lý Sơn đến bãi tha ma nào cũng thấy mộ gió. Thậm chí vì đất chật, người ta còn đắp mộ cả trong vườn tỏi, góc sân nhà. Hàng hàng lớp lớp mộ cũ xen lẫn mộ mới. Đảo giữa đại dương nên hầu hết mộ gió được đắp bằng cát biển.

Chiều cuối cùng ở Lý Sơn, tôi được một gia đình mời dự đám giỗ. Những người con trai tuổi 20 tưới rượu trắng lên nấm mồ không có thi hài cha để cầu vong hồn ông phù hộ cho những chuyến đi biển...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận