Mọi thứ được kết dính​ nhờ chất keo phi thường ấy

TTCT - Trong sự nghiệp thu thập “những tiếng nói đa giọng” của nhiều người đương thời, Svetlana Aleksievich (đoạt Nobel văn chương 2015) đã ghi chép về cuộc đời nhà thơ thiếu niên Belarus Igor Poglazov (1966-1980).

Minh họa: Vũ Đình Giang
Minh họa: Vũ Đình Giang

Những cuộc trò chuyện với mẹ và bạn bè của Igor Poglazov đã được kể lại trong quyển sách cuối Thời second-hand của loạt năm quyển sách Những “con người đỏ”. TTCT trích giới thiệu một phần trong mạch chuyện của bạn bè Igor Poglazov kể về thời họ sống.

Thuở đó chúng tôi còn non nớt lắm... Thời niên thiếu là một khoảng thời gian ác mộng, tôi không biết ai là người bảo đó là cái tuổi tuyệt diệu. Bọn tôi vụng về, cuồng dại, rất dễ bị tác động và tổn thương từ mọi phía. Nhưng với cha mẹ, bọn tôi vẫn còn bé, họ vẫn đang gây dựng chúng tôi. Bọn tôi như sống trong tháp ngà, không ai có thể xuyên chạm đến.

Cái cảm giác ấy... Tôi còn nhớ rõ lắm... Giống như lần ở bệnh viện, khi tôi bị bệnh truyền nhiễm và nằm trong phòng kính. Cha mẹ làm như muốn ở cạnh bạn (bạn cho là như vậy), nhưng trên thực tế họ sống trong một thế giới khác. Họ ở đâu đó, xa lắm... Tưởng như ngay cạnh, nhưng lại quá xa... Cha mẹ không biết được là mọi thứ trầm trọng với con cái họ đến mức nào.

Tình yêu đầu đời thật kinh khủng. Nguy hiểm chết người. Một đứa bạn tôi còn nghĩ rằng Igor hẳn tự tử vì yêu con bé. Thật lố bịch! Thật trẻ con ngu dốt... Tất cả bọn con gái đều thích cậu. Cậu ấy đẹp trai, và hơn nữa cậu cư xử như thể già dặn hơn bọn tôi, nhưng có cảm giác rằng cậu rất cô đơn. Cậu ấy còn làm thơ. Mà nhà thơ hẳn phải tê tái và cô độc. Phải chết trong trận đấu súng tay đôi. Đầu óc hết thảy bọn tôi toàn là những suy nghĩ vớ vẩn trẻ con...

Đó là thời kỳ Xô viết. Bọn tôi được dạy làm theo Lênin, theo những nhà cách mạng sục sôi, đầy nhiệt huyết. Chúng tôi không coi cách mạng là một sai lầm hay tội ác, nhưng chúng tôi cũng không quá cuồng. Cuộc cách mạng đã là một cái gì đó trừu tượng... Điều tôi nhớ trên hết cả, đó là những ngày lễ hội và sự đợi chờ những ngày hội ấy.

Tôi còn nhớ chúng như in... Trên phố đầy người. Những lời gì đó phát ra trên loa. Ai đó tin tuyệt đối những lời này, ai đó tin chút chút, ai đó chẳng tin tí nào. Nhưng dường như tất cả đều hạnh phúc. Nhạc khắp nơi. Mẹ trẻ và đẹp. Tất cả những thứ đó... Tất cả những thứ đó cùng lúc được hồi tưởng như là hạnh phúc.

Những mùi vị ấy, những âm thanh ấy... Tiếng lóc cóc của máy đánh chữ, tiếng rao của những người bán sữa từ làng đến vào buổi sáng: “Sữa đây! Sữa đây!”. Thời đó nào ai đã có tủ lạnh, và chúng tôi bảo quản những bình sữa ngoài bancông. Còn những túi lưới đựng gà thì đong đưa ngoài ô cửa thông gió.

Trên cửa sổ, giữa hai lớp kính, chúng tôi đặt những miếng bông gòn với kim tuyến lấp lánh cho đẹp, và những quả táo antonov. Mùi nước đái mèo xông lên từ tầng hầm... Và còn cái mùi giẻ lau tẩm cờ-lo không thể bắt chước của những căngtin Xô viết? Tất cả thứ ấy không có vẻ gắn kết gì với nhau, nhưng giờ đây, trong tôi, chúng hòa quyện thành một cảm giác. Một xúc cảm. Còn tự do mang những mùi khác...

Và những hình ảnh khác... Khác hết thảy. Một người bạn tôi, sau chuyến đi đầu tiên ra nước ngoài dưới thời Gorbachev, nói với tôi khi về lại: “Tự do bốc mùi thơm của nước xốt béo ngậy”. Còn tôi, tôi còn nhớ đích xác cái siêu thị đầu tiên tôi thấy ở Berlin - với một trăm loại xúc xích, một trăm loại phó mát. Thật không thể tưởng tượng nổi.

Sau cải tổ, nhiều phát hiện mới chờ đợi chúng tôi cũng như các cảm xúc mới, những suy nghĩ mới. Chúng vẫn còn chưa được mô tả, chúng tôi còn chưa đưa chúng vào trong lịch sử mà. Chúng tôi còn chưa tìm được các công thức.

Nhưng tôi vội quá... Tôi nhảy từ thời kỳ này sang thời kỳ khác... Thế giới rộng lớn sẽ mở ra cho chúng tôi sau này. Còn ở thời điểm đó, chúng tôi chỉ mơ về nó. Mơ về những cái mình không có, về những cái mình muốn có... Thật hay khi mơ về một thế giới mà chúng tôi không biết đến. Chúng tôi mơ, nhưng sống thì chúng tôi sống đời Xô viết, nơi chỉ có một luật chơi duy nhất, và mọi người đều phải chơi theo luật ấy.

Đấy, thì ai đó đứng trên diễn đàn, hắn nói dối, mọi người vỗ tay, dù tất cả đều biết hắn ta nói dối, và hắn ta biết là mọi người biết điều đó. Nhưng hắn cứ tuôn hết những lời dối trá, và hắn rất đỗi hài lòng khi được mọi người tán thưởng. Không nghi ngờ gì, vì chúng tôi cũng phải sống, nên phải tìm một nơi trú ẩn. Mẹ tôi nghe Galich, một ca sĩ bị cấm... Và tôi cũng nghe Galich...

Tôi còn nhớ cái ngày chúng tôi định đi Matxcơva dự lễ tang của Vysotsky (1). Công an bắt chúng tôi xuống tàu... Và bọn tôi rống lên: “Hãy cứu lấy linh hồn chúng tôi... Chúng tôi đang chết ngạt đây...”, “Một phát trúng, một phát trượt, một phát trúng, pháo ta bắn lính mình...” (2). Thế là thành một vụ bê bối! Bà hiệu trưởng trường triệu tập chúng tôi cùng bố mẹ. Mẹ tôi đi cùng tôi, và bà cư xử tuyệt diệu. (Tư lự).

Chúng tôi sống trong bếp... Cả nước sống trong bếp. Ta ghé thăm ai đó, uống vang, nghe những bài hát, nói chuyện thơ ca. Mở lon đồ hộp và thái những lát bánh mì đen. Tất cả đều thoải mái. Chúng tôi có những nghi thức của mình: những cuộc dạo chơi trên thuyền kayak, ngủ đêm trong lều, các chuyến đi dã ngoại, những bài hát quanh lửa trại. Và ta có những dấu hiệu chung để nhận biết nhau. Chúng tôi có thời trang của mình, những dấu mốc của mình.

Đã từ lâu rồi những nhóm bạn nhà bếp ấy không còn tồn tại nữa. Và cũng không còn tình bạn mà chúng tôi tin là vĩnh cửu. Phải, chúng tôi từng nghĩ đến sự vĩnh cửu... Không có gì cao hơn tình bạn. Mọi thứ được kết dính nhờ chất keo phi thường ấy.

Trên thực tế, không ai trong chúng tôi sống trong Liên Xô, mà mỗi người sống ở một nơi trong thế giới nhỏ bé của riêng mình. Thế giới của những kẻ viễn du, thế giới của những người leo núi... Sau các buổi học, bọn tôi họp mặt trong một tòa nhà địa phương nơi bọn tôi được cấp cho một phòng. Bọn tôi dựng những vở kịch, tôi cũng diễn trong đó. Còn có cả một hội văn chương nữa. Tôi còn nhớ Igor đã đọc những bài thơ của cậu ấy ở đó, cậu nhại phong cách Mayakovsky, rất khoái chí.

Chúng tôi đặt cho cậu biệt hiệu “gã sinh viên”. Có những nhà thơ người lớn đến chỗ chúng tôi, nói chuyện với chúng tôi đầy thẳng thắn. Nhờ họ mà chúng tôi biết được sự thật về sự kiện Prague (3). Về cuộc chiến Afghanistan... Rồi còn gì nữa? Chúng tôi học chơi guitar. Phải, đó là điều bắt buộc. Vào thời đó, cây guitar là một trong những thứ thoạt tiên không thể thiếu. Chúng tôi sẵn sàng quỳ gối nghe say sưa những bài thơ, bài phú mà mình thích.

Các nhà thơ tụ tập được cả sân vận động. Cảnh binh đi ngựa trực chiến. Lời nói là hành động. Đi đến cuộc họp và nói lên sự thật, đó là hành động, vì thế chúng nguy hiểm. Xuống đường... thật tuyệt vời, một niềm hưng phấn khôn tả, sự hít thở không khí trong lành. Chúng tôi trút tất cả vào những từ ngữ...

Giờ đây, thật khó mà tin nổi. Vào thời chúng tôi, cần hành động chứ không phải nói. Giờ đây chúng ta có thể nói tất cả, nhưng lời nói không còn chút quyền lực nào. Chúng ta muốn tin, nhưng không thể. Chúng ta tung hê tất cả, còn tương lai, tương lai như cứt. Còn thời chúng tôi thì không phải thế... Hoàn toàn không phải thế! Ôi thơ ca, thơ ca... ngôn từ... ngôn từ...

(Cười). Khi học lớp mười, tôi biết yêu. Anh ấy ở Matxcơva. Tôi đã đến đó ba ngày. Buổi sáng ở ga, các bạn anh ấy đưa cho chúng tôi một bản in rônêô quyển Những kỷ niệm của Nadezhda Mandelstam, thời đó tất cả đều đắm chìm vào nó. Và cần trả lại quyển sách vào bốn giờ sáng hôm sau. Phải mang tới một chuyến tàu khác chạy ngang qua.

Chúng tôi trải qua hai mươi tư giờ đọc không ngừng nghỉ, chúng tôi chỉ xuống tàu một lần để mua sữa và bánh mì. Chúng tôi còn quên cả hôn nhau, chúng tôi chuyền cho nhau những trang giấy. Tất cả điều đó trong cơn sốt, trong cơn mê sảng... Bởi vì chúng tôi có quyển sách trong tay... Vì chúng tôi được đọc nó...

Hôm sau, chúng tôi vào ga lúc bốn giờ sáng, chúng tôi băng qua thành phố vắng tanh còn chưa rõ phố xá, tàu xe còn chưa chạy. Tôi còn nhớ cuộc băng qua Matxcơva giữa mờ đêm, quyển sách nằm trong túi. Chúng tôi đi như một đội quân bí mật... Đó là lúc chúng tôi tin ngôn từ có thể làm rung chuyển thế giới.

Những năm Gorbachev... Tự do và tem phiếu... Tem phiếu và coupon. Phiếu cho tất cả, từ bánh mì đến bột và vớ. Chúng tôi xếp hàng từ năm đến sáu tiếng... Nhưng xếp hàng với quyển sách mà trước đó mình không thể mua. Và chúng tôi biết rằng buổi tối người ta sẽ chiếu trên tivi một cuốn phim thời trước bị cấm, phải nằm trên kệ suốt mười năm. Thật tuyệt vời! Còn không thì, cả ngày, chúng tôi nghĩ đến chương trình Vzglyad (4) chiếu vào mười giờ tối.

Những phát thanh viên Alexander Lioubimov và Vladislav Listyev trở thành người hùng quốc gia. Chúng tôi biết được sự thật... Rằng đã không chỉ có Gagarin, mà còn cả Béria (5)... Trên thực tế, tôi, một con khờ làm sao, bởi tự do trong lời nói hẳn đã đủ rồi, do lẽ, như sau này tôi mới hiểu, tôi là một đứa con gái Xô viết. Chúng tôi đã tiêm nhiễm tất cả những gì Xô viết còn sâu sắc hơn là mình tưởng. Tôi chỉ cần đọc Dovlatov và Viktor Nekrasov (6) và nghe Galich. Thế là làm tôi vui rồi...

Tôi không mơ đi tới Paris, đi dạo ở đồi Montmartre... Hay đi xem nhà thờ lớn Sainte Famille của Gaudí. Chỉ cần được đọc và được nói. Đọc! Khi em gái Olia của tôi bị tắc nghẽn phế quản nặng hồi nó bốn tháng tuổi, tôi phát điên vì sợ. Tôi ở bệnh viện với nó, nhưng tôi không thể để nó nằm được một giây, chỉ khi nó đứng, trong tay tôi, nó mới dịu bớt. Đứng thế thôi. Tôi đi, đi dọc hành lang với nó. Khi nó thiếp đi chừng nửa tiếng, theo bạn, tôi làm gì? Chắc là tôi phát điên vì bứt rứt và buồn ngủ...?

À vâng, tôi luôn có trong tay quyển Quần đảo Gulag, và tôi mở quyển sách ra tức khắc. Một bên là đứa bé hấp hối và bên kia là Soljenitsyne. Với chúng tôi, những quyển sách thay thế cho cuộc sống. Đó mới là thế giới của chúng tôi.

[...]

Trần Quốc Tân (dịch theo bản tiếng Pháp La Fin de l'homme rouge (Cái kết của con người đỏ), TTCT hiệu đính theo bản tiếng Nga Время секонд хэнд - Thời second-hand)

(1): Vladimir Vysotsky (1938-1980), cùng với Alexander Galich (1918-1977) và Boulat Okoudjava (1924-1997) là các tác giả nhiều ca khúc chính trị có tính phản kháng, rất nổi tiếng ở Liên Xô những năm 1960-1980.

(2): Những câu trong bài hát của Vysotsky.

(3): Ám chỉ tháng 8-1968, Liên Xô và các nước đồng minh trong Hiệp ước Warsaw tiến quân vào Tiệp Khắc để ngăn chặn phong trào Mùa xuân Prague.

(4): Nghĩa là “Nhìn”, chương trình nói về cái nhìn vào đời sống chính trị Xô viết.

(5): Y. Gagarin: phi hành gia, người đầu tiên bay vào vũ trụ (năm 1961), được trao huân chương Anh hùng Liên Xô; Beria: bộ trưởng nội vụ, đứng đầu cơ quan an ninh Xô viết dưới thời Stalin, bị xử tử thời Khrushchev.

(6): Sergei Dovlatov (1941-1990) và Viktor Nekrasov (1911-1987) là hai nhà văn sống lưu vong trong những năm 1970 và chưa từng được xuất bản dưới thời Liên Xô.

Tự tử giữa độ tài hoa rực rỡ đáng kinh ngạc ở tuổi 14, cái chết của Igor Poglazov tiếp tục là một câu hỏi cho nhiều người Belarus đến tận ngày nay. Có thể sự không tương thích giữa chiều sâu của “cái tôi” Igor Poglazov, giữa độ chín đáng kể của những nhận thức sớm với thời gian buồn chán của tồn tại là một trong những nguyên nhân?

Được xem như một hiện tượng độc đáo của thơ ca Belarus, từ 8 tuổi thơ của Igor Poglazov đã được bí mật in và chuyền tay cho đến khi Nhà xuất bản Leningrad Avrora lên tiếng, sau đó các nhà xuất bản ở Matxcơva và Belarus cũng lần lượt in thơ Igor Poglazov. Năm 1991, tuyển tập thơ Tôi đóng những cánh cửa tôi chưa từng mở được Mastatskaya Literatura ấn hành, sau đó tuyển tập Thơ của Poglazov được nhóm bạn văn của cậu tổ chức in. Một số bài thơ của cậu đã được đăng lại ở các tạp chí nước ngoài: “Tôi tha thứ cho người Tổ quốc/ Vì màu trắng của bạch dương/ Vì những con đường tôi đã đi qua/ Vì những lời người chưa bao giờ đáp” (Không đề, tháng 12-1980).

Svetlana Aleksievich đã dành nhiều thời gian lắng nghe mẹ cậu, bạn bè của cậu để viết về chân dung kỳ lạ của những “con người đỏ” này.

(P.X.L. giới thiệu)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận