Mộng Nam Kha của bóng đá Việt

HUY ĐĂNG 25/07/2020 16:07 GMT+7

TTCT - Như anh chàng Thuần Vu Phần có một giấc mơ đẹp, được vua gả công chúa cho rồi phong làm thái thú Nam Kha, bóng đá Việt đang mơ những giấc mộng đưa cầu thủ đi đá thuê ở trời Âu, Á...

Đoàn Văn Hậu chỉ được ra sân ở Heerenveen trong màu áo đội trẻ. Ảnh: Getty Images
Đoàn Văn Hậu chỉ được ra sân ở Heerenveen trong màu áo đội trẻ. Ảnh: Getty Images

1 năm và 4 phút, đó là toàn bộ hành trình thi đấu của Đoàn Văn Hậu ở CLB Hà Lan SC Heerenveen.

Phải chăng “hành trình mở lối châu Âu” rốt cuộc chỉ là ảo tưởng mà truyền thông dựng nên? Nói vậy cũng có phần quá tiêu cực. Ngoài 4 phút thi đấu cho đội 1, Văn Hậu còn được ra sân khá nhiều ở đội trẻ của Heerenveen.

Bảo Văn Hậu thất bại ở Heerenveen cũng không hẳn đúng. Anh đơn giản chỉ... không được cho ra sân. Với vỏn vẹn 4 phút, làm sao đủ để đánh giá hậu vệ của Hà Nội chơi như thế nào trên đất Hà Lan. Nhìn nhận một cách công bằng, nếu xem đây là một chuyến du học, Văn Hậu đã có một năm không hề lãng phí khi được ra sân đều đặn ở đội trẻ Hà Lan, cũng như không dính phải chấn thương quá nghiêm trọng nào.

Và nếu nhiều tài năng trẻ ở độ tuổi đôi mươi khác xuất thân từ chính lò đào tạo của Heerenveen như Van Der Heide (18 tuổi) hay Hamdi Akujobi cũng chỉ được cho ra sân vài chục phút mùa vừa rồi, thì việc Văn Hậu không được trọng dụng không có gì quá bất ngờ. Vấn đề chỉ là từ lúc chuyến xuất ngoại của Văn Hậu được đồn thổi đến khi chính thức ký hợp đồng, rồi suốt nhiều tháng trời anh ở Hà Lan, ít người xem đây chỉ là một chuyến “du học”.

Tròn một năm trước, truyền thông đồn thổi mức lương Văn Hậu được trả ở Heerenveen là 450.000 euro/năm (khoảng 12 tỉ đồng). Lắm lúc người hâm mộ VN tin chắc rằng việc Heerenveen mượn Văn Hậu là một hợp đồng đình đám thực thụ của đội bóng này và ngày anh ra mắt Eredivisie (giải vô địch Hà Lan) được trông ngóng từng giờ. Rồi cứ thế... chờ mãi.

Trước khi chính thức trở về VN, Văn Hậu tiếp tục là tâm điểm của báo giới nước nhà, nhất cử nhất động của anh đều được theo dõi sát sao, trong khi phía CLB Hà Nội gửi thư đề nghị được... trả lương để hậu vệ của mình tiếp tục chơi bóng tại Hà Lan.

Câu chuyện về mức lương khủng của Văn Hậu ở Heerenveen trở nên kỳ quặc. 450.000 euro/năm là mức lương gần tương đương với mức của, nói ví dụ, Curtis Jones hay Harvey Elliott - những cầu thủ tuổi đôi mươi đang được hưởng ở đội bóng vô địch nước Anh Liverpool. Trên thị trường chuyển nhượng, Jones và Elliott được định giá gấp mấy chục lần Văn Hậu và là những ngôi sao trẻ đẳng cấp châu Âu thực thụ.

Suốt nhiều tháng trời, hậu vệ của Hà Nội được đặt lên bàn cân so sánh với Lucas Woudenberg - người chiếm suất đá chính ở hành lang cánh trái. Khi Woudenberg chấn thương, CĐV VN mừng thầm vì đội 1 Heerenveen chỉ còn mỗi Văn Hậu là hậu vệ cánh kèo trái. Nhưng rồi ban huấn luyện CLB quyết định kéo... hậu vệ cánh phải Sherel Floranus sang đá thay. Hai cánh của đội bóng Hà Lan mùa rồi nói chung xoay tua giữa ba cầu thủ châu Âu Woudenberg, Floranus và Ricardo Van Rhijin.

Nhưng Văn Hậu không thất bại, thất bại là sự bơm thổi thái quá, truyền thông giả tạo và những kỳ vọng vô lý xoay quanh vụ chuyển nhượng đưa anh đến Heerenveen.

Hành trình của Văn Hậu ở Heerenveen là ví dụ mới nhất cho thấy hành trình xuất ngoại của cầu thủ VN còn nhiều cam go ra sao. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng thế hệ này đã có những bước tiến so với thế hệ đàn anh trong việc ra nước ngoài thi đấu. Những ngôi sao hạng A của bóng đá Việt từng xuất ngoại trước kia đều khá lặng lẽ và mờ nhạt.

Lê Huỳnh Đức chỉ đá ở Lifan Trùng Khánh, một đội Trung Quốc với mục đích chính là thương mại. Lê Công Vinh chơi ở một đội làng nhàng của Bồ Đào Nha là Leixoes theo diện gửi gắm từ cá nhân HLV Henrique Calisto, và một đội hạng hai Nhật Bản là Consadole Sapporo (bị nghi là để bán bia), thì lựa chọn của Văn Hậu, Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, hay Đặng Văn Lâm đã đa dạng hơn. Phần lớn vẫn chưa thể khẳng định mình thực sự ở các sân chơi đỉnh cao, nhưng những bài học họ nhận được không chỉ từ những nền bóng đá phát triển hơn, mà còn cả ở một môi trường sống khác là đều rất đáng trân trọng.

Công Phượng chẳng hạn, tuy chỉ ra sân 7, 9, và 1 lần cho ba CLB Mito Holyhock (Nhật), Incheon United (Hàn Quốc) và Sint-Truiden (Bỉ), nhưng tới nay anh đã trở thành cầu thủ VN duy nhất chơi bóng ở bốn quốc gia khác nhau. Nhìn xa hơn, Công Phượng sẽ còn là một tài sản quý với bóng đá VN trong dài hạn, rất có thể không chỉ trong vai trò cầu thủ.

Tương tự, Xuân Trường cũng đã khoác áo 3 CLB nước ngoài gồm Incheon, Gangwon (Hàn Quốc) và Buriram (Thái Lan). Đặng Văn Lâm, trong khi đó, có lẽ là người thành công nhất về mặt chuyên môn - một phần quan trọng bởi anh xác định tốt mục tiêu là CLB vừa tầm MuangThong của Thái Lan.

Do cầu thủ VN thi đấu ở nước ngoài còn hiếm, tâm lý ồn ào rầm rộ trên truyền thông mỗi lần có một người “cất bước đăng trình” cũng là dễ hiểu. Nhưng thực tế của môi trường bóng đá chuyên nghiệp thật sự luôn rất khắc nghiệt. Cũng nên chia sẻ với những cầu thủ Việt vốn phải đối mặt với vô vàn vấn đề khi ra nước ngoài thi đấu, nhất là nếu gia nhập một CLB châu Âu bao gồm cả những định kiến không liên quan gì tới bóng đá.■

Danh tính của nền bóng đá

Bóng đá Nhật Bản đã phải mất ít nhất 30 năm để khẳng định thương hiệu ở các sân chơi đỉnh cao. Từ Yasuhiko Okudera, cầu thủ Nhật Bản đầu tiên chơi bóng đá chuyên nghiệp ở châu Âu cho CLB Cologne vào năm 1977 tới Kazuyoshi Miura rồi Hidetoshi Nakata và Shinji Kagawa, đến nay những ngôi sao Nhật Bản đã là quen mặt ở hầu hết các giải hàng đầu châu Âu. Trong khi đó, “vùng trũng” Đông Nam Á vẫn còn quá mới mẻ với hầu hết các sân chơi đỉnh cao tầm cỡ thế giới.

 Yasuhiko Okudera

Với Văn Hậu, tất nhiên anh nhận được sự ủng hộ từ VN, nhưng việc đến thi đấu ở Heevenreen không phải từ trinh sát chuyên môn chủ động của đội bóng Hà Lan cho thấy sự thiếu danh tính của nền bóng đá: trừ người VN, không ai có ý niệm thực sự về cầu thủ hay bóng đá VN. Nếu một cầu thủ Nhật và một cầu thủ Việt tài năng ngang nhau, thì thời gian chứng tỏ của một cầu thủ Nhật có thể nhanh gấp nhiều lần vì họ đến từ một nền bóng đá đã khẳng định được thương hiệu.

Còn ý niệm về bóng đá VN với thế giới là thế nào? Một ví dụ: năm 2014, hậu vệ Raul Albiol tuyên bố Tây Ban Nha vẫn sẽ đá nghiêm túc nốt vòng bảng World Cup dù đã bị loại vì “đây không phải một trận giao hữu ở Việt Nam”. Một năm sau đó, trước trận giao hữu Việt Nam thua Manchester City 1-8, BBC giễu cợt: “Trận đấu bắt đầu khá thú vị, các cầu thủ vẫn phải đứng nghiêm trên sân năm phút đồng hồ” để nghe những bài diễn văn lê thê. HLV lừng lẫy châu Âu Jose Mourinho đã ba lần nhắc đến Việt Nam, đều với hàm ý mỉa mai, chẳng hạn: “Trọng tài bắt thế, tôi thà ở nhà bật tivi xem bóng đá VN còn hơn”.

Từ đó có thể thấy chuyện của Văn Hậu thật ra không chỉ là của riêng Văn Hậu. Một khi nền bóng đá còn vô danh, một xìcăngđan kiểu Quang Hải, một cú kungfu kiểu V-League, một pha bắn pháo sáng man rợ vào khán giả, hay một bài diễn văn lê thê đều có thể làm quãng đường của Văn Hậu trắc trở hơn.

                                                                                                                        BAN CẦM

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận