TTCT - Sức khỏe xã hội phản ánh hạnh phúc tổng thể một cá nhân có được từ các kết nối chất lượng giữa con người với nhau. Một quyển sách về sức khỏe xã hội, mấu chốt để sống khỏe mạnh, hạnh phúc và lâu hơn. Ảnh: HarperCollinsKhái niệm về sức khỏe thể chất và tinh thần cùng mối liên hệ chặt chẽ giữa chúng được biết từ xa xưa, gói gọn trong câu "một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện". Nhưng sức khỏe còn một trụ cột nữa, quan trọng không kém trong thời "đại dịch cô đơn": sức khỏe xã hội (social health).Sức khỏe xã hội phản ánh hạnh phúc tổng thể một cá nhân có được từ các kết nối chất lượng giữa con người với nhau. Người có sức khỏe xã hội tốt là người có năng lực tạo và duy trì mối quan hệ lâu dài, vui vẻ và lành mạnh với các cá nhân, tập thể chung quanh. Người có sức khỏe xã hội xấu là người cô độc, xa lánh mọi người, hay gắt gỏng, giận hờn...Các nhà xã hội học nghiên cứu về sức khỏe xã hội cho rằng mối giao tiếp xã hội là một phần sống còn của sức khỏe tổng quát và sự vui sống. Chúng giúp cân bằng cuộc sống và có vai trò đặc biệt bảo vệ sức khỏe tinh thần. Các mối giao kết vui tươi, lành mạnh, tích cực cũng khiến đời sống vui vẻ, nhẹ nhàng, thoải mái theo. Cuộc sống cân bằng và sức khỏe tinh thần tốt cũng giúp hệ kích thích tố điều hòa hơn, hệ miễn dịch hữu hiệu hơn, giúp cơ thể dễ chống lại bệnh tật hơn, nghĩa là giúp củng cố sức khỏe thể chất. Theo Kasley Killam, chuyên gia sức khỏe xã hội, thiếu sự kết nối làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 32%, nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ lên 50% và nguy cơ tử vong sớm lên 29%. Như vậy, sức khỏe xã hội tốt thì hai sức khỏe còn lại cũng mạnh theo. Vì lý do này, Killiam cho rằng mọi người cần quan tâm đến "phần thiết yếu này của sức khỏe con người" nhiều hơn, nhất là giữa "đại dịch cô đơn" của thế giới. Cô kêu gọi các cơ quan hữu quan giúp mọi người hiểu rằng kết nối con người không phải là "có cũng được" mà là một phần thiết yếu của sức khỏe, đồng thời chuyển nhận thức thành hành động, cung cấp cho mọi người các công cụ để cải thiện sức khỏe thông qua các mối quan hệ và định hình xã hội sao cho sự kết nối và cộng đồng trở thành tiêu chuẩn.Nhưng theo người viết, điều mỗi gia đình cần làm trước mắt là quan tâm đến sức khỏe xã hội của trẻ em. Sức khỏe xã hội không tốt ảnh hưởng xấu trên mọi người, nhưng trẻ em đáng thương nhất. Chúng chưa đủ cứng cáp và khôn ngoan để đối phó, và khi lớn lên dễ trở nên không thân thiện với người chung quanh, khó kết giao, sống cô độc, dễ thất bại. Một số quay lưng, xa lánh, thậm chí hận thù xã hội.Để trẻ em có sức khỏe xã hội tốt, chúng cần tuổi thơ hạnh phúc, được chăm sóc chu đáo trong tình thương và tiếng cười. Cha mẹ phải chịu khó theo dõi, gần gũi con cái, lắng nghe và giúp chúng giải quyết những vấn đề chúng quan tâm. Kiên nhẫn giải thích và hướng dẫn một cách vui vẻ theo tình trạng tâm sinh lý của trẻ.Cần dứt khoát từ bỏ quan niệm chăm sóc con cái theo nếp cũ trái với khoa học. Thí dụ quan niệm tránh thân mật, cười giỡn với con cái, sợ chúng dễ nhờn, khó dạy. Hay quan niệm rằng không nên khen trẻ, sợ chúng tự kiêu, tự mãn. Nhiều cha mẹ còn chủ trương phải chê con, so sánh con mình với con người khác. Những quan niệm cũ kỹ đó chỉ khiến trẻ bực bội, tự ti, thiếu tính chủ động...Trái với các quan niệm nói trên, cha mẹ cần xây dựng lòng tự tin, tự trọng nơi con cái, truyền dạy chúng tinh thần phê phán đi đôi với trình bày ý kiến phản biện ôn hòa và đề ra giải pháp hữu hiệu. Cần truyền bá tinh thần, khêu gợi cảm hứng cho trẻ tôn trọng và thông cảm người khác.Trẻ em cần thời gian vui chơi, thể thao, sinh hoạt tập thể và sinh hoạt trong nhiên nhiên. Cần tiếp xúc với cuộc đời thực, học hỏi qua trực quan sinh động. Cần tham gia hoạt động thiện nguyện thay vì sống ích kỷ.Tất cả nhằm đào tạo trẻ có tinh thần tôn trọng và yêu người, có trách nhiệm, yêu môi trường thiên nhiên, sống vì người, chan hòa trong xã hội. Lợi ích vô cùng lớn vì sức khỏe xã hội giúp trẻ phát triển thể trạng và trí óc, tiếp thu kiến thức mau chóng, biết tự điều chỉnh và thích nghi, nhất là biết cách sống hạnh phúc suốt đời. Đừng để trẻ rơi vào tự ti, nóng nảy, cáu giận, cô độc, trầm cảm... rồi mới quan tâm thì e những tổn thương theo trẻ lâu dài trong tiến trình trưởng thành, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe xã hội về sau. Điều này gây bất hạnh cho cá nhân, cũng gây tai hại cho cộng đồng, xã hội. Killam kêu gọi "cần khẩn trương ưu tiên và đầu tư vào sức khỏe xã hội của mình" ngay trong năm mới này. Và có thể thử quy tắc 5-3-1:- Đặt mục tiêu tương tác với 5 người khác nhau mỗi tuần.- Duy trì ít nhất 3 mối quan hệ thân thiết- Dành 1 giờ mỗi ngày để kết nối, tốt nhất là gặp mặt trực tiếp."Cũng như mỗi người cần lượng calo khác nhau, những con số này có thể cao hoặc thấp hơn tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân của bạn. Hãy sử dụng chúng làm điểm khởi đầu để khám phá sức khỏe xã hội phù hợp với bạn" - Killiam viết trên tạp chí Wired. Tags: Sức khỏe thể chấtSức khỏe tinh thầnSức khỏe xã hộiSức khỏe
Văn hóa giao thông: Không thể chỉ dựa vào phạt nặng cao vũ minh (Trường ĐH Kinh tế - luật) 11/01/2025 1483 từ
Phạm Nhật Minh Hoàng, con trai tỉ phú Phạm Nhật Vượng nắm nhiều vị trí tại thành viên Vingroup CÔNG TRUNG 15/01/2025 Ông Phạm Nhật Minh Hoàng (sinh năm 2000) là con trai thứ 2 của tỉ phú Phạm Nhật Vượng và bà Phạm Thu Hương. Dù chỉ mới 25 tuổi, ông Minh Hoàng đã giữ nhiều vai trò quan trọng trong các công ty thành viên thuộc Tập đoàn Vingroup.
Ông Yoon chịu thẩm vấn gắt gao, hơn 200 câu hỏi TRẦN PHƯƠNG 15/01/2025 Hãng tin Yonhap cho biết ông Yoon sẽ chịu thẩm vấn gắt gao tại trụ sở CIO sau khi bị bắt vào sáng 15-1.
Nhiều kênh truyền hình tại Việt Nam ngừng hoạt động THÀNH CHUNG 15/01/2025 13 kênh truyền hình của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC cùng kênh truyền hình VOV, truyền hình Nhân Dân chính thức ngừng phát sóng từ 15-1.
Ùn ứ nghiêm trọng trên đường Phạm Văn Đồng do đèn xanh 'hơi ngắn' MINH HÒA 15/01/2025 Sáng 15-1, hàng ngàn xe máy, ô tô bị ùn ứ nghiêm trọng trên đường Phạm Văn Đồng, hướng từ TP Thủ Đức đi quận Bình Thạnh, TP.HCM.