TTCT - Mưa xối xả không ngớt. Đoạn đường dẫn vào suối Máng Ga (Khu 3, phường Cẩm Phú, thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh) lầy lội, nhớp nhúa bùn than. Trong màn mưa dày đặc, hàng trăm con người già có, trẻ có vẫn ngụp lặn giữa lòng suối, chắt chiu từng vụn than trôi. Cuộc mưu sinh của họ chỉ thật sự bắt đầu vào mùa mưa bão... Phóng to Dân mót than chen nhau đãi than kín lòng suốiTTCT - Mưa xối xả không ngớt. Đoạn đường dẫn vào suối Máng Ga (Khu 3, phường Cẩm Phú, thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh) lầy lội, nhớp nhúa bùn than. Trong màn mưa dày đặc, hàng trăm con người già có, trẻ có vẫn ngụp lặn giữa lòng suối, chắt chiu từng vụn than trôi. Cuộc mưu sinh của họ chỉ thật sự bắt đầu vào mùa mưa bão... Suối Máng Ga dài chừng vài cây số, chảy qua các khu khai thác than ở phường Cẩm Sơn, Cẩm Thịnh, Cẩm Phú của thị xã Cẩm Phả. Đầu nguồn con suối này là cống xả nước của Công ty cổ phần Than Cọc Sáu. Sau trận mưa lớn đêm qua, dòng nước đen ngòm cuộn chảy từ các bãi thải phía trên mang theo than, cát dồn xuống hạ lưu. Lạy trời mưa xuống! Gần 5 giờ sáng, lòng suối đã đặc kín người. Ai cẩn thận thì đội thêm manh nón lá, khoác thêm tấm nilông..., số còn lại đều để đầu trần, dầm mưa lội nước. Cánh thanh niên mặc độc manh quần cộc đầm mình dưới suối. Người nào cũng ướt sũng, bùn đất lấm lem... Mỗi người mót than mang theo bộ đồ nghề khá đơn giản: một cặp thúng, sảo, rổ sắt cộng thêm cái giá sắt ba chân cao chừng 1m. Người ta dùng sảo xúc than lẫn tạp chất từ lòng suối, sàng đãi hết đá sỏi rồi đổ than vớt được vào thúng riêng đặt trên giá. Phóng to Kiên ngày nào cũng ngâm mình dưới suối đãi than Người thì ra sức dìm rổ sắt xuống suối vớt than mặc cho đầu ngập ngụa dưới nước đen. Người thì oằn lưng vớt những xẻng than bùn đổ vào thúng mủng, rồi thoăn thoắt đội những thúng than mót nặng trĩu trên đầu, dò dẫm trong lòng suối đầy đá sỏi, chuyển lên bờ. “Làm không cẩn thận thì ít than nhiều sỏi cát. Nhọc công mà chả thu được bao nhiêu. Lúc đem bán cho chủ thu mua còn bị đổ đi”. Vừa đưa tay vục sảo xuống nước, chị Thơm (36 tuổi, quê Bắc Giang) vừa cho chúng tôi biết vậy! Dân mót than lâu năm có mánh khóe riêng để hành nghề. Hầu hết những người trẻ, khỏe tụ tập đông ở đầu nguồn vì dòng chảy mạnh, nhiều than to. Phụ nữ và những người có tuổi thì chia nhau vớt ở nơi xa nguồn, than ít nhưng dòng nước chảy nhẹ vừa sức, nếu chăm chỉ làm cũng thu về kha khá vụn than... Phóng to Cả gia đình đều đi đãi than Ngày nắng, lòng suối cạn, dân mót than ngao ngán nhìn nhau. Đến mùa mưa bão, họ mới vào guồng. Dân mót than truyền tụng nhau câu đùa: “Đời chẳng cầu gì, chỉ cầu mưa!”. Mưa càng lớn, nước đầu nguồn chảy xiết, càng cuốn theo nhiều vụn than từ trên kho than của công ty xuống. Người mót than vì thế phải “trực mưa”. Anh Lê Văn Bắc (38 tuổi, quê Hải Dương) hối hả quảy gánh than vừa mót, quệt vội giọt mồ hôi, kể: “Cả đêm hai vợ chồng tôi lặn lội ra suối đãi than. Làm miết đến tận bây giờ chưa được hạt cơm nào vào bụng...”. Trung bình một ngày mỗi người mót than kiếm được 40.000-50.000 đồng. Ngày nào mưa lớn, vụn than trôi nhiều, thu nhập có khá hơn chút đỉnh. “Người ta tránh lũ, tránh mưa, còn mình đây càng mưa bão càng phải liều kiếm miếng cơm” - anh Tam (quê ở Hải Phòng), người có hơn bốn năm mót than, chia sẻ. Nhọc nhằn tai họa “Cái nghề này bạc lắm. Đấy em xem, cứ ngâm nước với bùn than từ sáng sớm tới đêm khuya, hết ngày này qua tháng khác, sức vóc nào chịu cho nổi?” - chị Liên (quê Thái Bình) buồn bã nói. Theo lời chị, dân mót than mắc đủ thứ bệnh ngoài da. Nhiều phụ nữ còn bị ảnh hưởng tới cả sinh nở. Song hiếm ai tìm đến bệnh viện khám chữa, người bị nhẹ thì mặc kệ, nặng hơn thì mua chút thuốc qua loa tự điều trị. Chỉ cho chúng tôi người đàn ông trạc 50 tuổi đang oằn mình đội than dưới chân cầu, chị Liên nói: “Ông ấy vừa phải đi chích vết thương bị nhiễm trùng do giẫm phải que sắt dưới lòng suối. Thế mà tờ mờ sáng nay đã thấy bì bõm lội nước rồi. Rõ tham công tiếc việc”. Người đàn ông đó tên Dương, quê Phú Thọ, gia nhập giới mót than ngót hai năm nay. Đón chúng tôi bằng một nụ cười khắc khổ, anh phân bua cho cái sự “tham lam” của mình: “Tranh thủ mấy ngày mưa mà kiếm chút, chứ nằm nhà mãi biết lấy gì mà ăn. Còn cố được thì cứ cố”. Vết thương ở bàn chân băng kín bằng băng gạc, ngâm nước suốt từ nửa đêm đã đen kịt những than bùn. Anh lê chân, bước một cách khó nhọc, tay vẫn đều đều vục những sảo than. Phóng to Hiểm nguy rình rập chỗ dòng nước xiết Càng gần đầu nguồn, nước càng chảy xiết - lượng than càng nhiều, dân mót than bởi thế tụ tập đông hơn. Đó cũng là nơi ẩn giấu những tai họa khủng khiếp nhất. Hai năm trước, anh Trần Văn Tiến (21 tuổi, quê Thái Thụy, Thái Bình) đãi than ở đây gặp dòng nước xiết bị cuốn trôi, thi thể mất tích. Dân mót than hò nhau tìm kiếm cả tháng ròng vô ích, đành chôn một bia mộ giả làm nơi nhang khói. Mồng một, hôm rằm, dân mót than đi ngang qua vẫn tạt vào thắp nén hương cho anh. Mới đây là hai vợ chồng trẻ xấu số bỏ mạng cùng lúc. Người vợ tên Ngừng, sảy chân bị nước cuốn trước, anh chồng cố níu tay cứu vợ liền bị cuốn theo. Nhớ lại cảnh tang thương này, cô Vân (42 tuổi), một người mót than, rớt nước mắt: “Đứa con gái đầu lòng của Ngừng chưa đầy 6 tuổi. Hôm theo ông bà nội lên nhận thi thể cha mẹ, nó cứ khóc thét đòi mẹ, xót xa lắm”. Hơn chục năm nay, ở đoạn suối đầu nguồn năm nào cũng có ít nhất đôi ba người thiệt mạng. Hiểm nguy rình rập, cái chết cận kề, nhưng dòng người mót than vẫn chen nhau đen kín lòng suối. Có người sảy chân trượt ngã, may mắn thoát chết trong gang tấc thì một lúc sau đã lại thấy gồng mình chen lấn ngay chỗ nước sâu. “Vẫn biết đùa với tử thần, nhưng cái nghề nó vậy. Không liều thì phải chịu đói. Mình đói đã đành, đằng này còn vợ con nữa...” - anh Toản (quê ở Lập Thạch, Thanh Hóa) ngậm ngùi nói. Phóng to Khu trọ tồi tàn của dân mót than Ngoài một số dân gốc Quảng Ninh, phần lớn người mót than là người tứ xứ. Họ thường nhóm thành từng đội đồng hương, đóng ở những vùng nhất định trên con suối. Các địa phận này khá riêng biệt và gần như đã được mặc định. Song không ít lần, tranh chấp nổ ra, các đội dân mót than xử nhau theo luật rừng. Một người mót than giấu tên thành thật nói với chúng tôi: “Mấy vụ xô xát, to tiếng ở đây nhiều không xuể, hầu như hôm nào cũng xảy ra. Căng hơn thì đâm chém, thanh toán nợ nần kiểu giang hồ. Mùa mưa bão, lượng than đổ về các hố lớn nhiều thì mâu thuẫn tranh giành càng gay gắt”. Tôi rùng mình nghe kể về những hố than phải đánh đổi bằng máu, nhói lòng nghĩ tới những kiếp người lam lũ, nhọc nhằn trong dòng nước đen để mót từng vụn than rơi. Cái giá mồ hôi, nước mắt của những vụn than trôi không rẻ chút nào! Những đứa bé mót than Phóng to Phút nghỉ ngơi của trẻ mót than Đứng trên bờ quan sát, thấy Lê Văn Khiếu (12 tuổi, quê Hải Dương) cứ luôn chân luôn tay không ngừng nghỉ. Hết cầm sảo đãi than lại tất tả đội than cùng mấy thanh niên to cao khác. Khi được chúng tôi hỏi, cậu nhoẻn cười hồ hởi khoe: “Đêm qua tới giờ, em đãi được gần một xe bò rồi đấy”. Dọc khúc suối hẹp, lố nhố hơn hai chục cái đầu trẻ nhỏ, đứa nào đứa nấy gầy gò, đen đúa, quần áo lấm lem... Chúng thạo việc chẳng khác gì người lớn. Lê Thị Hoa (13 tuổi, quê Thanh Hóa) theo mẹ ra đây từ hè năm ngoái. Cô bé có đôi mắt sáng và miệng luôn mỉm cười. Thi thoảng, cô bé đưa mắt nhìn quanh rồi lẩm nhẩm hát. Chị Nguyễn Thị Trâm nhìn con ngậm ngùi: “Nhà có ba chị em, cháu Hoa là cả. Bố cháu đau yếu suốt. Gắng gượng cũng chỉ cho nó theo hết được lớp 4, xong phải nghỉ học đỡ mẹ kiếm tiền”. Đa số bọn trẻ ở đây đều tầm tuổi như Hoa. Đứa lớn nhất chỉ khoảng 13, 14. Tuổi thơ chúng sớm gắn với mọt than, với khúc suối đen ngòm, với những buổi mưa tầm tã... Một mình loay hoay ngụp lặn đoạn dưới gầm cầu, Kiên chỉ nhô mỗi cái cổ dài và khuôn mặt xương xương trên mặt nước. Cậu bé được lũ trẻ gọi là “người cá” vì tài bơi lặn giỏi. Cha Kiên mất năm em lên 7 tuổi, hai năm sau mẹ đi bước nữa. Người bố dượng tàn nhẫn thường xuyên chửi mắng, hành hạ khiến em kinh sợ. Em liều bỏ nhà lên Hà Nội đánh giày, bán báo dạo một thời gian rồi theo chúng bạn tới Quảng Ninh mót than kiếm sống qua ngày. Ký ức về trường học, về những con chữ, phép toán là một vùng sáng trong ký ức đứt đoạn của lũ trẻ. Đứa nào cũng muốn chứng minh lớp học quê mình là đẹp nhất. Cu Toán nhớ cô giáo dạy lớp 1 có mái tóc dài xõa ngang lưng, mỗi lần cô đứng bên kèm nó tập viết thoảng hương bồ kết dìu dịu. Bé Châu khoe trường tiểu học ở quê có hẳn hai hàng phượng vĩ trước cổng, mùa hè nở đỏ rực cả góc trời. Thằng Ninh thấp cổ bé họng nhất, không tranh được với chúng bạn, nó lau bàn tay lấm lem vào áo, mượn tôi cái bút và mảnh giấy nhỏ, hí hoáy viết tên mình. Trên mẩu giấy ướt nhèm nguệch ngoạc ba chữ: “Đặng Văn Ninh”. Nó cười mãn nguyện, hỉ hả: “Lâu lắm rồi không được viết, thế mà em vẫn nhớ”. Mưa rả rích, manh áo phong phanh đã bị nước thấm ướt đẫm cộng với gió lạnh làm nhiều đứa trẻ run lên bần bật. Chúng đứng co cụm lại một góc, những đôi tay gầy cố nhấc những sảo than... không đầy!
'Nghe nói về phát hiện thuyền cổ, tôi 'đùng đùng' bay ra, về Bắc Ninh...' NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 16/04/2025 2774 từ
Đã bắt được nghi phạm buôn ma túy Bùi Đình Khánh HÀ ĐỒNG 18/04/2025 Khoảng 22h tối 18-4, lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp đã bắt giữ Bùi Đình Khánh, người bị truy nã trong vụ nổ súng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại Quảng Ninh.
Công an thông tin vụ cháy cao ốc 18 tầng ở Hà Nội: Kịp thời cứu người kẹt trong thang máy HỒNG QUANG 18/04/2025 Tòa nhà 18 tầng bốc cháy do ngọn lửa bùng lên từ trục kỹ thuật bên ngoài tầng 11. Cảnh sát cùng nhân viên kỹ thuật kịp thời đưa một người kẹt trong thang máy tầng 10 ra ngoài khi khói đang bao trùm.
Quang Minh, MC Vân Hugo xin lỗi, nói không quảng cáo sữa giả HOÀI PHƯƠNG 18/04/2025 Một lần nữa biên tập viên Quang Minh xin lỗi đến những người tin tưởng anh đã mua sữa anh quảng cáo. Anh khẳng định không quảng cáo sữa giả. MC Vân Hugo cũng lên tiếng liên quan đến quảng cáo sữa.
Nhà Trắng: Ông Trump đang nghiên cứu phương án sa thải chủ tịch Fed THANH BÌNH 18/04/2025 Nhà Trắng cho biết Tổng thống Donald Trump và chính quyền của ông đang xem xét khả năng sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.